Chí Phèo là truyện ngắn hiện thực đặc sắc bậc nhất trong nền văn học Việt Nam. Qua tác phẩm, tác giả Nam Cao đã tái hiện đầy chân thực bi kịch tha hóa của những người nông dân nghèo. Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm còn được thể hiện trong chính nhan đềcủa truyện ngắn. Chỉ ra và phân tích ý nghĩa của những nhan đề từng được đặt cho truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích ý nghĩa nhân đề từng được đặt cho truyện ngắn Chí Phèo
1.
Hướng dẫn
Mở bài
Giới thiệu vấn đề: Trước khi được đặt với nhan đề “Chí Phèo” của hiện tại thì truyện ngắn này cũng đã được đặt với những nhan đề khác nhau.
2. Thân bài
– Nhan đề “Chiếc lò gạch cũ”:
+ Đây cũng là chi tiết đặc sắc, hình ảnh cái lò gạch cũ được xuất hiện trong phần mở đầu và kết thúc của tác phẩm để tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng.
+ cái lò gạch cũ gắn liền với sự xuất hiện của Chí Phèo, một đứa trẻ không cha không mẹ bị bỏ rơi, đây cũng là khởi đầu cho chặng đường đầy rẫy những bi kịch
+ Kết thúc tác phẩm, hình ảnh cái lò gạch cũ một lần nữa xuất hiện trong tâm trí của Thị Nở tạo ấn tượng về vòng luẩn quẩn của bi kịch Chí Phèo.
-> Nhan đề “Cái lò gạch cũ” tuy gợi mở về hiện tượng Chí Phèo nhưng lại không thể chỉ ra được nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng Chí Phèo ấy.
– Nhan đề “Cái lò gạch cũ”:
+ Nhan đề “đôi lứa xứng đôi” cũng đã thể hiện được một nội dung quan trọng cho câu chuyện, đó là sự gắn bó giữa hai con người khốn khổ: Chí Phèo và Thị Nở.
+ Hạn chế: không thể bao quát được toàn bộ nội dung của tác phẩm, chưa thể hiện được bi kịch tha hóa, hiện tượng Chí Phèo.
– Nhan đề “Chí Phèo”:
+ Nhan đề ngắn gọn nhưng có sức khái quát cao: Chí Phèo không chỉ là nhân vật trung tâm của truyện ngắn mà với nhan đề này Nam Cao còn khái quát lên hiện tượng Chí Phèo gắn với bi kịch tha hóa.
+ Nam cao đã hướng người đọc chú ý vào nhân vật chính của câu chuyện, đồng thời khơi dậy sự tò mò, phám phá của độc giả để tìm ra những tư tưởng, thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm.
3. Kết bài
Nhan đề “Chí Phèo” tuy mang tính gợi mở nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn để khơi dậy sự tò mò, khám phá của độc giả.
II. Bài tham khảo cho đề phân tích ý nghĩa nhân đề từng được đặt cho truyện ngắn Chí Phèo
“Chí Phèo” là truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao, ngòi bút hiện thực của nhà văn đã hướng đến phản ánh hiện thực xã hội đen tối, nơi giai cấp thống trị bóc lột tàn bạo, chà đạp dã man với những người dân thấp cổ bé họng khốn khổ. Có cốt truyện hấp dẫn cùng giá trị tư tưởng sâu sắc đã tạo nên sức sống lâu bền của “Chí Phèo” qua bao thế hệ. Thế nhưng không phải ai cũng biết trước khi được đặt với nhan đề “Chí Phèo” của hiện tại thì truyện ngắn này cũng đã được đặt với những nhan đề khác nhau.
Nhan đề đầu tiên của truyện ngắn Chí Phèo là “Cái lò gạch cũ”, đây cũng là chi tiết đặc sắc, hình ảnh cái lò gạch cũ được xuất hiện trong phần mở đầu và kết thúc của tác phẩm để tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng. Nếu như phần mở đầu tác phẩm, cái lò gạch cũ gắn liền với sự xuất hiện của Chí Phèo, một đứa trẻ không cha không mẹ bị bỏ rơi, đây cũng là khởi đầu cho chặng đường đầy rẫy những bi kịch, biến cố của Chí Phèo sau này để từ một anh canh nông hiền lành, lương thiện trở thành con quỷ dữ, bị cả làng Vũ Đại chối bỏ.
Kết thúc tác phẩm, hình ảnh cái lò gạch cũ một lần nữa xuất hiện trong tâm trí của Thị Nở – người đàn bà đã chung sống như vợ chồng với Chí trong những ngày tháng cuối cùng. Chi tiết Thị đặt tay lên bụng và nghĩ đến hình ảnh chiếc lò gạch cũ gợi cho người đọc một liên tưởng, phải chăng sau những ngày chung sống, một đứa trẻ đã được tạo hình trong bụng của Thị Nở. Cái lò gạch cũ hiện lên như một giải pháp cho Thị Nở để chống lại với những định kiến khắc nghiệt của xã hội khi không chồng mà chửa. Hình ảnh cái lò gạch cũ kết thúc tác phẩm tạo nên sự hô ứng với sự hình ảnh cái lò gạch cũ xuất hiện trong phần mở đầu của tác phẩm gợi liên tưởng về sự lặp lại của hiện tượng Chí Phèo.
Nhan đề “Cái lò gạch cũ” tuy gợi mở về hiện tượng Chí Phèo nhưng lại không thể chỉ ra được nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng Chí Phèo ấy.
Khi được xuất bản, “Cái lò gạch cũ” đã được nhà xuất bản đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi” để phù hợp với thị hiếu của độc giả, đặc biệt là khi những câu chuyện tình yêu xuất hiện nhan nhản trên văn đàn. Nhan đề “đôi lứa xứng đôi” cũng đã thể hiện được một nội dung quan trọng cho câu chuyện, đó là sự gắn bó giữa hai con người khốn khổ: Chí Phèo và Thị Nở. Tuy nhiên, nhan đề này cũng không thể bao quát được toàn bộ nội dung của tác phẩm, chưa thể hiện được bi kịch tha hóa, hiện tượng Chí Phèo, nhất là khi nó được đặt ra nhằm mục đích câu khách, cạnh tranh với những câu chuyện tình yêu trên văn đàn.
Cũng từ hạn chế này mà khi xuất bản lại truyện ngắn, Nam Cao đã lấy tên “Chí Phèo”. Nhan đề ngắn gọn nhưng có sức khái quát cao, Chí Phèo không chỉ là nhân vật trung tâm của truyện ngắn mà với nhan đề này Nam Cao còn khái quát lên hiện tượng Chí Phèo gắn với bi kịch tha hóa. Vậy là chỉ với nhan đề Chí Phèo, Nam cao đã hướng người đọc chú ý vào nhân vật chính của câu chuyện, đồng thời khơi dậy sự tò mò, phám phá của độc giả để tìm ra những tư tưởng, thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm.
Nhan đề “Chí Phèo” tuy mang tính gợi mở nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn để khơi dậy sự tò mò, khám phá của độc giả. Thành công của truyện ngắn không chỉ ở nội dung hấp dẫn, tinh thần nhân đạo sâu sắc mà còn được góp phần gây dựng từ chính nhan đề đặc sắc của truyện ngắn.