Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Ý nghĩa biểu tượng “ánh trăng” và cái “giật mình” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Ý nghĩa biểu tượng “ánh trăng” và cái “giật mình” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài mẫu 1
Bài thơ Ánh trăng là một trong những tác phẩm nổi bậc của Nguyễn Duy giai đoạn sau chiến tranh. Thông qua hình tượng nghệ thuật “Ánh trăng” và cảm xúc của nhà thơ, bài thơ đã diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa. Cái “giật mình” ở cuối bài thơ là tiếng vọng của lương tâm, sự thức tỉnh linh hồn con người trước quá khứ nghĩa tình, thủy chung.
Trăng vốn gắn bó với con người từ lúc bé thơ ở đồng quê, cho đến khi lên rừng chiến đấu. Thế nhưng, “từ hồi lên thành phố”, con người đã vô tình lãng quên. Sự cố mất điện tạo ra duyên cớ để con người hội ngộ với người bạn năm xưa. Khi “vội bật tung của sổ”, con người bất ngờ đối mặt với vầng trăng, một cố nhân năm nào. Ngay lúc “ngửa mặt lên nhìn mặt”, sau chuỗi dài cảm xúc, bất giác nhà thơ nhận ra những đổi thay của mình, thảng thốt “giật mình” hối hận, tiếc nuối khi thấy mình đã bội bạc, vô tình với quá khứ:
“Trăng cứ tròn vành vạnh kể chi người vô tình ánh trăng im phăng phắc đủ cho ta giật mình” .
Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung và nhân hậu. Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái “im phăng phắc” của vầng trăng đã đánh thức lương tâm con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Tác giả “giật mình” để tự nhắc nhở mình hãy biết sống tình nghĩa, thuỷ chung, uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Có thể thấy, cái “giật mình” trong đoạn thơ là cảm giác và phản xạ tâm lý có thật của một người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình. Cái “giật mình” ấy chính là của sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải đổi thay trong cách sống. Cái “giật mình” cũng là sự tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên, sùng bái hiện tại mà coi rẻ thiên nhiên. “Giật mình” để thức tỉnh, bừng tỉnh, nhìn lại những hạn chế của chính bản thân mình, từ đó vươn lên hoàn thiện nhân cách.
Như vậy, con người “giật mình” trước ánh trăng chính là sự bừng tỉnh của nhân cách, sự thức tỉnh của lương tri, lương năng và lương tâm; là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp và thuần khiết nhất. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp tâm hồn và nhân cách con người. Cái “giật mình” của nhân vật còn có sức lan toả cảm xúc, có thể làm người đọc “giật mình” nhận ra những điều ý nghĩa khác trong cuộc sống.
Bài thơ là một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu, đồng thời củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
Ý nghĩa biểu tượng “ánh trăng” và cái “giật mình” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài mẫu 2
Trong khổ thơ cuối bài thơ “Ngắm trăng”, nhà thơ Nguyễn Duy đã viết:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
Nếu như hai câu thơ đầu tiên của khổ thơ này diễn tả sự tròn vẹn, đủ đầy, nguyên vẹn như xưa của vầng trăng, hay quá khứ nghĩa tình thì dòng thơ cuối lại là cái “giật mình” mang ý nghĩa sâu sắc mà nhà thơ Nguyễn Duy muốn gửi gắm. Đối diện với vầng trăng nghĩa tình, với quá khứ mà mình đã trót lãng quên, nhân vật trữ tình đã có cái giật mình. Theo em, đây là sự giác ngộ về mặt nhận thức, là sự giác ngộ về sự vô tâm của mình đối với quá khứ của nhân vật trữ tình. Trong khoảnh khắc ấy, nhân vật trữ tình đã nhận ra được sự vô tâm, sự bội bạc của mình đối với quá khứ và vầng trăng nghĩa tình hay quá khứ tươi đẹp hiện về đủ để làm cho nhân vật trữ tình giác ngộ ra thái độ sống vô tâm của mình. Sự giật mình còn là sự ăn năn, ân hận, là sự giác ngộ trong phút giây bất chợt vì đối diện với vầng trăng, với quá khứ ngày xưa. Tóm lại, phút giây giật mình của nhân vật trữ tình mà tác giả muốn gửi gắm là sự giật mình mang thông điệp sâu sắc về thái độ sống ân nghĩa, thủy chung trong quá khứ.
Ý nghĩa biểu tượng “ánh trăng” và cái “giật mình” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài mẫu 3
Mở bài:
Nguyên Duy viết bài thơ Ánh trăng vào năm 1978 , tại thành phố Hồ Chí Minh – nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại. Có thể, đó là một tình huống có thực của chính nhà thơ, một người lính năm xưa. Cái “giật mình” đầy tính nhân văn của con người ở cuối bài thơ khiến cho thế hệ trẻ hôm nay không ngừng suy nghĩ.
Thân bài:
Trăng vốn gắn kết với con người vô cùng thân thiết. Từ lức bé thơ cho đến khi vào chiến trường, trăng gắn bó với con người, không lúc nào rời xa. Trăng là bạn, là anh em đồng chí, là một phần không thể thiếu đối với con người. Tưởng như tình cảm ấy bền chặt đến mai sau, không có gì có thể làm cho nó thay đổi được.
Thế nhưng, cuộc sống có lắm bất ngờ khiến ta sửng sốt. Hoàn cảnh thay đổi, khiến con người nhanh chóng lãng quên vầng trăng, lãng quên quá khứ. Đến khi sự cố cúp điện xảy ra, con người “đột ngột” gặp lại vầng trăng năm xưa. Trăng chưa từng thay đổi vẫn cứ “cứ tròn vành vạnh” dẫu con người có hững hờ và lãng quên.
Nhà thơ đã 6 lần nhắc đến hình ảnh vần trăng. Nó trở thành một ẩn dụ hành động sự tròn đầy, thủy chung, trọn vẹn sâu sắc với nhân dân, với những người đã từng nhường cơm sẽ áo cùng người lính. Ánh trăng không thay đổi bao nhiêu thì gợi lên sự day dứt trong lòng người lính bấy nhiêu.
Hai từ “giật mình” ẩn trong nó nhiều tầng nghĩa. Con người “giật mình” là bởi phát hiện ở ngoài trời đang tràn ngập ánh sáng, còn trong phòng thì tối om; ánh điện có thể tắt nhưng ánh trăng thì không bao giờ tắt. Con người “giật mình” là bởi bất ngờ gặp lại vầng trăng năm xưa, một người bạn chân thành, thủy chung, với bao nhiêu kỉ niệm ấm áp. Con người “giật mình” là chính bởi vầng trăng vẫn “tròn vành vạnh”, vẫn ân tình và thủy chung còn mình đã đổi thay quá nhiều, trở nên vô tình và ích kỉ. Cảm súc trào dâng khiến con người “rưng rưng”, không thể nói thành lời.
Cái “giật mình” đầy tính nhân văn trong bài thơ Ánh trăng biểu thị sự thức tỉnh, niềm ân hận của con người khi đã vô tình lãng quên quá khứ. Đôi khi im lặng chính là một sự trừng phạt nặng nề nhất. Con người không thể sống thiếu quá khứ, không thể không biết đứng trên quá khứ để vương đến tương lai. Nhà thơ đã nêu lên một triết lý sống thật tự nhiên, sâu sắc về cuộc sống và tình người.
Vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, là người bạn suốt thời nhỏ tuổi,hồi chiến tranh ở rừng. Vầng trăng cũng là biểu tượng của quá khứ nghĩa tình,hơn thế trăng còn mang vẻ đẹp bình dị,vĩnh hằng của đời sống. Ở khổ thơ cuối, trăng tượng trưng cho quá khứ vẹn nguyên, chẳng thể phai mờ, là người bạn,nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta. Con người có thể vô tình, có thể lãng quyên thiên nhiên nhưng thiên nhiên (quá khứ) thì luôn tròn trịa,bất diệt.
Kết bài:
Có thể xem đoạn thơ cuối là tâm trạng tự thú, sám hối chân thành của con người trước lỗi lầm của mình. Nó như một lời nhắc nhở của người lính với chính mình: không được vô ơn, không được lãng quên quá khứ ân tình thủy chung. Thông qua hình tượng nghệ thuật “Ánh trăng” và cảm xúc của nhà thơ, bài thơ đã diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa, nhắc nhở về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc mà mỗi con người cần phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy.
-/-
Trên đây là các bài văn mẫu Ý nghĩa biểu tượng “ánh trăng” và cái “giật mình” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!