Từ xa xưa, thú chơi tranh Hàng Trống của người Hà thành là một nét văn hóa, một phong tục đẹp, đặc biệt khi mỗi dịp tết đến xuân về. Tranh Hàng Trống có giai đoạn phát triển cực thịnh trong những năm cuối TK XIX, đầu TK XX, từng trở thành một phần không thể thiếu trong không gian ngày tết cổ truyền của người Hà thành. Từ thể loại tranh thờ, với những giá trị tâm linh, hay tranh chúc tụng thể hiện những ước mong về một năm mới tốt đẹp hơn, với sự đa dạng trong thể loại, tinh tế ở kỹ thuật tạo hình, tranh Hàng Trống đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa truyền thống, tạo nên cốt cách riêng trong thị hiếu của người kinh kỳ và là bộ phận không thể tách rời của tranh dân gian Việt Nam.
Dù còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong các tác phẩm tranh Hàng Trống, nhưng tranh Hàng Trống thực tế đã tồn tại như một tất yếu của lịch sử, để lại nhiều tác phẩm đẹp, Tố nữ, Tứ quý, Lý ngư vọng nguyệt, Ngũ hổ, Tứ bình… Những tác phẩm này đến nay vẫn được người Việt Nam nói chung và người sống ở Hà Nội nói riêng ưa chuộng, được giới yêu tranh, những nhà sưu tập, nghiên cứu trong nước và quốc tế lưu giữ và tìm kiếm.
Nét riêng, độc đáo đầu tiên của tranh Hàng Trống so với các dòng tranh dân gian khác chính là kỹ thuật làm tranh. Không như tranh dân gian Đông Hồ, hoàn toàn sử dụng các ván khắc hình và màu, các nghệ nhân làm tranh Hàng Trống chỉ dùng bản khắc nét (ván khắc nét được làm bằng gỗ mềm, lồng mực hoặc gỗ thị). Công đoạn vẽ màu được thực hiện sau khi in bản nét. Màu in nét và màu vẽ được chế từ những chất liệu có sẵn trong tự nhiên như màu đen được làm từ tro rơm nếp hay tro lá tre được đốt và ủ kỹ, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ, nâu từ khoáng thạch. Màu sắc chủ đạo trong tranh Hàng Trống thường là lam, hồng đôi khi có thêm lục, đỏ, da cam, vàng… Tuy nhiên, tỷ lệ tạo màu không theo một công thức chuẩn mà chỉ để cho thật thuận mắt và ưa nhìn. Khi vẽ màu, các nghệ nhân dùng một nửa ngọn bút chấm màu còn nửa kia chấm nước, khi ngòi bút lướt trên mặt tranh thì sự chuyển đổi đậm nhạt ngay trên một ngòi bút đã hiện ra tinh tế và hiệu quả (1). Đó cũng là điểm nhấn khác biệt của tranh Hàng Trống so với các dòng tranh dân gian khác, bởi tuy cùng một bản khắc nét, nhưng các tác phẩm sẽ luôn khác biệt vì phụ thuộc trực tiếp vào sự tinh tế, khéo léo và tay nghề của từng nghệ nhân.
Đối với tranh Hàng Trống, công đoạn bồi giấy cho tranh cũng là một kỹ thuật cần tới sự thành thục, khéo léo. Tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của từng bức tranh mà có tranh chỉ bồi một lớp, có tranh lại phải bồi đến 2 hay 3 lớp giấy cho cứng cáp, có khi cầu kỳ hơn là phải bồi cả bo tranh. Kỹ thuật bồi giấy cho tranh phải bảo đảm yêu cầu sau khi bồi, giấy tuyệt không có vết nhăn và chỉ khi hồ đã khô thì mới có thể vẽ màu lại. Do các công đoạn kỹ thuật chặt chẽ và cầu kỳ như vậy nên có khi phải mất 3 – 4 ngày, nghệ nhân mới hoàn thành một tác phẩm.
Khác với tranh Đông Hồ được in trên giấy dó quét nền điệp cùng kích thước tranh nhỏ, tranh Hàng Trống được in trên giấy dó hoặc giấy báo khổ rộng, nền trơn. Bởi tính chất chỉ in bản nét nên dòng tranh này còn có những tranh bộ được thể hiện với khổ to và dài, bồi dày dặn, hai đầu trên dưới của tranh được lồng suốt trục để tiện cho việc treo, phù hợp với không gian kiến trúc nhà cao, cửa rộng nơi thành thị.
Tranh Hàng Trống thể hiện và phản ánh những nội dung đa dạng với nhiều chủ đề, thể loại phong phú. Tuy nhiên tựu trung lại có thể chia thành 2 thể loại chính là tranh thờ và tranh tết. Tranh thờ được dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng, phục vụ nhu cầu thờ cúng trong các điện, miếu. Đây là thể loại mà tranh Hàng Trống đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Tranh thờ mang màu sắc tôn giáo, hình tượng được thể hiện là con người và vật, tuy gần gũi mà vẫn rất thần bí. Tiêu biểu hơn cả trong đó có lẽ là những tranh liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt như tranh vẽ về tứ phủ, tam phủ, vẽ các bà Mẫu Thoải, Thượng Thiên, Thượng Ngàn, các thần tướng Bạch Hổ, Hắc Hổ hay Ngũ Hổ, các đức thánh Trần, ông Hoàng, cậu Quân… Có thể nói, các tranh thờ chư vị thánh mẫu là nét đặc sắc của dòng tranh này. Tiêu biểu như bức tranh Cô Ba, nét bút thể hiện tinh tế, thanh thoát, mềm mại và có thần thái. Đó là mày cong lá liễu, đuôi mắt vuốt lá trầu không, toàn bộ khuôn mặt mang nét đẹp vừa thần tiên vừa chân thực, sống động như người con gái ngoài đời. Gam màu nóng là hòa sắc chủ đạo trong tranh (đỏ, cam, cánh sen), nhưng các nghệ nhân đã khéo léo đặt những mảng màu xanh cho áo của nhân vật trên rèm phủ, tạo nên sự cân bằng đáng kinh ngạc. Toàn bộ màu sắc trong tranh tạo cho người xem cảm nhận sự ấm áp, nhẹ nhàng mà không hề chói. Từ những ví dụ trên, có thể nhận xét, tranh thờ các vị thánh Mẫu trong tranh Hàng Trống đã đạt được những giá trị nhất định về tín ngưỡng cũng như về giá trị nghệ thuật tạo hình, là một loại tranh tín ngưỡng độc đáo và đặc sắc trong các loại tranh tôn giáo.
Tranh tết có đa dạng chủ đề và nội dung, dựa vào tích truyện cổ hoặc những biểu tượng văn hóa phổ biến trong nhân gian. Có thể kể đến những bức tranh chơi như các bộ tứ bình, nhị bình, tứ dân (ngư, tiều, canh, mục), canh nông chi đồ, tứ quý (bốn mùa), tố nữ, Nhị Độ Mai, Thạch Sanh, Truyện Kiều, lý ngư vọng nguyệt, chim công…
Với chức năng phục vụ nhân dân kinh thành, tranh Hàng Trống đã vượt lên trên chất mộc mạc, đạt được sự tinh tế, thỏa mãn được thị hiếu của người thành thị. Để lại nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc có thể kể đến tranh Tố nữ thuộc thể loại tranh bộ tứ bình bao gồm bốn bức tranh. Tranh Tố nữ có ngôn ngữ tạo hình độc đáo, phối hợp những nét in mềm mại và tinh tế, màu sắc trong trẻo, nhẹ nhàng, các sắc độ đậm nhạt được chuyển đổi ý nhị, tạo hiệu quả về hình, khối vừa mịn vừa mỏng và tươi. Tranh thể hiện bốn thiếu nữ Việt mặc trang phục áo dài xưa, tóc vấn và đều trong dáng đang đứng với bốn cử chỉ, động tác khác nhau. Theo thứ tự từ trái sang phải; cô thổi sáo với áo mầu cánh sen, cô cầm quạt với áo mầu nâu, cô gảy đàn nguyệt mặc áo màu trắng và cô cầm xênh trong áo màu xanh lá nhẹ nhàng. Đi kèm theo mỗi bức tranh là một bài thơ tứ tuyệt viết bằng chữ Hán có nội dụng hỗ trợ cho ý nghĩa của từng tranh. Với triết lý của tranh dân gian, vẽ sống hơn giống, các nghệ nhân đã thể hiện được sự sống động trong từng động tác (2). Ngắm tranh, người xem như nghe thấy tiếng sáo véo von, tiếng nhị mượt mà, tiếng đàn nguyệt thanh khiết… Tựu trung lại, chỉ là những hình vẽ, màu sắc được thể hiện trên không gian hai chiều mà khiến người xem như cảm nhận được âm thanh, thời gian và không gian thì phải nói, bức tranh đã đạt được những giá trị nghệ thuật độc đáo, được xem như là đặc sản của dòng tranh Hàng Trống.
Trong các tác phẩm đặc sắc của tranh Hàng Trống, không thể không nói đến các tranh vẽ về hổ trong thể loại tranh thờ. Xích hổ, Bạch hổ, Ngũ hổ… đã đạt được thành tựu cao trong giá trị tạo hình. Mặc dù là tranh thờ nhưng các nghệ nhân đã gợi tả được nét sống động của loài hổ. Từ những dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ đằng vân, những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt của từng chú hổ đều toát lên sức sống mãnh liệt, nét dữ dằn, hoang dại và quyền uy của vị chúa sơn lâm. Ví như bức Ngũ hổ, thể hiện năm chú hổ với tư thế và màu sắc khác nhau, năm chú hổ là năm màu được vẽ theo quan niệm về màu sắc trong ngũ hành. Bố cục tranh được thể hiện theo lối đơn tuyến bình đồ, không theo quy luật xa gần của thị giác, nhưng bằng đường nét mềm mại, cùng cách tạo hình mang tính trang trí cao, hình tượng hổ trong tranh được thể hiện hết sức sống động. Bức tranh không chỉ thể hiện trọn vẹn sự uy nghi của một vật linh mà còn chứa đựng cả những khía cạnh thẩm mỹ của thế tục, tràn đầy nhựa sống, biến tác phẩm tranh thờ thành tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Một điển hình khác của tranh Hàng Trống là bức tranh Lý ngư vọng nguyệt (cá chép trông trăng). Hình ảnh chú cá chép được thể hiện theo hình chữ S cùng hình ảnh của hai mặt trăng, một phía trên và một phía dưới trước đầu cá. Toàn bộ bức tranh được thể hiện với gam màu nhẹ nhàng, tạo hình bằng những nét đen mềm mại, tinh tế. Cái độc đáo ở đây là cá trông trăng không phải là khuôn trăng trên trời, mà là ánh trăng in dưới nước. Màu xanh của làn nước, những nét đen uyển chuyển gợi hình rong rêu, sự đối nhau của hai vòng tròn ở phía trên và dưới, trái và phải đã tạo nên một bố cục chặt chẽ, chứa nhiều ẩn ý. Màu xanh mát mắt của làn nước, hình cá chép bơi uyển chuyển vừa là cái cớ để chuyển tải cảm xúc về thiên nhiên, vừa mang ý nghĩa về sự hòa hợp âm dương mà người nghệ nhân xưa muốn gửi gắm. Đó cũng là lời chúc cho một năm mới, một mùa xuân mới hòa hợp, thịnh vượng.
Bên cạnh một số tranh lẻ và tranh bộ tiêu biểu nói trên, tranh Hàng Trống còn có rất nhiều bức tranh vừa đẹp vừa chứa đựng nhiều ý nghĩa tinh thần khác. Có thể kể đến bộ Tứ quý thể hiện ước vọng 4 mùa xuân – hạ – thu – đông luôn ngập tràn sức sống; tranh Thất đồng vẽ bảy em bé vui chơi với cây đào tiên đang ra hoa kết trái, thể hiện mong ước của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, bộ tranh Tam đa tượng trưng cho phúc đức, tài lộc và sống lâu…
Nếu như tranh Đông Hồ đẹp bởi khắc gỗ in màu trên giấy Dó quét điệp, tạo hình với những nét đen khỏe mạnh, khúc chiết, các mảng màu nguyên, mỗi màu là một bản khắc thì ngược lại, tranh Hàng Trống mang vẻ đẹp của những nét khắc tinh tế và tỉ mỉ, những mảng màu chuyển sắc đậm nhạt, gợi sự uyển chuyển, mềm mại. Nhờ đó, từng bức tranh mang tính tạo hình của hội họa hiện đại khá rõ nét, có đậm nhạt, sáng tối, làm người xem dễ hình dung và chịu ấn tượng mạnh mẽ hơn về hình họa trong tranh.
Tranh Đông Hồ, mộc mạc dân dã như cuộc sống bình dị của người dân thôn quê. Đối lại, trong các tác phẩm tranh Hàng Trống, người xem cảm nhận được cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người Hà thành với những nét đặc trưng riêng. Đó là cuộc sống ấm no, hạnh phúc với lối sống thanh lịch, trang nhã mà không kém phần hào hoa, đem đến cho người xem ấn tượng sâu sắc về vùng đất giàu bản sắc văn hóa và tinh tế.
Tranh dân gian Hàng Trống còn lưu lại mãi trong tâm trí mỗi người Hà Nội yêu tranh. Ngày này do một số điều kiện chủ quan cũng như khách quan, tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng đang dần mai một. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Hà Nội nay chỉ được nghe tới loại tranh này mà chưa từng có dịp được thấy và được hiểu về những giá trị tinh thần của nó. Với chính sách của nhà nước ta hiện nay đang tập trung bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc, và còn những nghệ nhân có đôi bàn tay vàng, vẫn đang đau đáu với nghề, cố níu giữ lấy nghề của cha ông truyền lại. Hy vọng tranh Hàng Trống sẽ không mất đi mà vẫn được duy trì và phát triển, để mãi lưu giữ được một nét tinh thần riêng có của chốn kinh kỳ ngàn năm cũng như một vốn cổ của dân tộc.
_______________
1.Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1984.
2. Phan Ngọc Khuê, Tranh dân gian Hàng Trống – Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2011.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013
Tác giả : Lê Trọng Nga