Mị Châu Trọng Thủy là truyền thuyết nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam, kể về sự tồn tại của nhà nước Âu Lạc xưa. Hơn thế, truyện cũng là tác phẩm tiêu biểu cho hệ thống truyền thuyết Việt Nam. Thông qua câu chuyện về một vị vua yêu nước mà cuối cùng phải gánh chịu thất bại, một người con gái có tấm lòng chân thật, trong trắng mà phải chịu một kết cục đau đớn, người đọc có thể đúc kết được những bài học sâu sắc.
Vài nét về tác phẩm
Truyền thuyết là tác phẩm tự sự dân gian kể về một sư kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) theo xu hướng lí tưởng hóa, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân vật đối với những người có công với đất nước, dân tộc hoặc cư dân của một vùng. An Dương Vương là vua nước Âu Lạc, được thần Kim Quy giúp đỡ xây thành Cổ Loa. Sau khi xây xong được thần tặng cho một chiếc móng để làm nỏ thần. Nỏ thần có sức mạnh uy lực đã nhiều lần giúp vua đánh bại kẻ thù. Triệu Đà đưa con trai mình là Trọng Thủy sang cầu thân với Mị Châu – con gái An Dương Vương. Một thời gian qua đi, nhờ có được lòng tin yêu của Mị Châu, Trọng Thủy đã dò hỏi chuyện về chiếc nỏ thần. Biết được bí mật, lấy cớ thăm cha, Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần đem về cho Triệu Đà. Có nỏ thần trong tay, Triệu Đà tiến đánh Âu Lạc một lần nữa. An Dương Vương thấy giặc đến chân thành nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng đã có nỏ thần. Thua trận, An Dương Vương cưỡi ngựa đem theo Mị Châu tiến về phía biển. Nhưng đi đến đâu thì thấy quân giặc theo đến đấy. Vua cầu cứu thần Kim Quy, thần hiện lên báo rằng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đấy”. An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mị Châu, rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Quân của Triệu Đà kéo vào chiếm đóng Loa thành, còn Trọng Thuỷ một mình một ngựa theo dấu lông ngỗng đi tìm Mị Châu. Đến bờ biển thấy xác vợ nằm đấy thì hối hận. Trở về, Trọng Thủy chôn cất cho Mị Châu cẩn thận rồi đâm đầu xuống giếng tử tự.
Ý nghĩa truyện An Dương Vương Mị Châu Trọng Thủy
* Chứa đựng những giá trị, ý nghĩa và bài học sâu sắc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
An Dương Vương Mị Châu Trọng Thủy được xây dựng dựa trên những sự kiện có thật, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của nước ta thời kì đầu . Truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu – Trọng Thủy được lấy cảm hứng từ vị vua An Dương Vương của đất Âu Lạc xưa. Cốt lỗi lịch sử của truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy gắn với sự hình thành và phát triển của nước Nước Âu Lạc vào thời An Dương Vương. Nhờ rùa thần mách bảo và cho móng thần, An Dương Vương đã xây dựng được thành cao, hào sâu, chế tạo được vũ khí khiến kẻ thì phải khiếp sợ, chiến thắng quân xâm lược Triệu Đà. Nhưng cuối cùng cũng đã bị rơi vào tay giặc bởi những lỗi lầm nghiêm trọng của người trị vì đất nước..Vừa ca ngợi những thành tích đầu tiên của tổ tiên, ông cha ta, đồng thời đặt ra những bài học đắt giá để tránh đến việc mất nước như vết sai đổ của vua An Dương Vương. Truyện giải thích nguyên do mất nước của vua An Dương Vương, đó là sự chủ quan kinh địch, ngủ quên trong chiến thắng. Quá tin tưởng vào nỏ thần mà không xây dựng lực lượng quân đội, cũng như thành lũy, an ninh quốc phòng, đặc biệt, quá tự tin với tài năng của mình mà quên đi sự nguy hiểm của quân thù. Mơ hồ về bản chất ngoan cố, tham lam, độc ác của kẻ thù xâm lược nên nhận lời kết tình thông hiếu. Chính sai lầm đó đã mở đường cho con trai đối phương lọt vào làm nội gián trong hàng ngủ của mình. Vua mất cảnh giác, chủ quan, khinh địch, lúc giặc đến vua ỷ lại vào vũ khí mà không lo phòng bị.
Nguyên nhân mất nước thứ hai một phần là do tình yêu mù quáng của Mị Châu. Vì yêu, nên nàng để lộ bí mật quốc gia cho kẻ thù. Trọng Thủy là con trai của quân thù, nhưng bên ta lại không có sự phòng bị, vua cha chủ quan, con gái lại mù quáng, để nhầm trái tim thay chỗ cho lí trí. Cho đến tận lúc cuối cùng, vẫn tin tưởng Trọng Thủy, dẫn đường cho giặc. Mị Châu mất cảnh giác, ngây thơ, cả tin trong tình yêu đã vô tình tiếp tau cho âm mưu xâm lược của giặc; đã đặt tình yêu cá nhân lên trên vận mệnh quốc gia, dân tộc. Nàng quả cả tin, tự tiện sử dụng bí mật quốc gia cho tình riêng khiến vũ khí lợi hại – nỏ thần – bị đánh tráo mà không hay biết. Bài học lịch sử đặt ra là không được ngủ quên trong chiến thắng, phân biệt rạch ròi giữa tình cảm cá nhân và vận mệnh đất nước.
* Thể hiện niềm cảm thương cho vua An Dương Vương và mối tình đau đớn giữa Mị Châu và Trọng Thủy.
Nhân dân vừa phê phán hành động vô tình phản quốc của Mị Châu; vừa rất độ lượng, cảm thông với Mị Châu, hiểu nàng là người cả tin, ngây thơ bị lợi dụng phạm tội một cách vô tình. Đặc biệt, nhân dân xây dựng hình ảnh ngọc trai giếng nước thể hiện tính nhân đạo của nhân dân ta. Tạo nên một cái kết khác cho mối tình Mị Châu – Trọng Thủy, một mối tình sai trái, nhưng đau thương nhiều hơn là đáng trách, để cho hai người được ở bên nhau, khẳng định tình yêu chung thủy của Mị Châu, như một niềm an ủi cho hai con người bị số phận bỏ quên này. Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” cho thấy thái độ vừa nghiêm khắc vừa nhân ái của nhân dân ta với các nhân vật trong truyện; cho thấy sự cảm thông của nhân dân đối với mối tình Mị Châu – Trọng Thủy.
Đặc biệt, để nhân vật An Dương Vương không chết mà trở thành bất tử, sống ở dưới đáy biển thể hiện niềm cảm kích, biết ơn đối với vị vua có công dựng nước. Vua An Dương Vương biết đặt nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với đất nước lên trên tình riêng. Vua An Dương Vương là vị vua đã đặt những viên gạch đầu tiên cho lịch sử nước ta.
An Dương Vương, Mị Châu – Trọng Thủy là truyền thuyết đau lòng, xen kẽ các chi tiết lịch sử lẫn các chi tiết hư cấu thể hiện niềm cảm thông của nhân dân. Đặt ra những bài học lịch sử đắt giá cho chúng ta trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Xem thêm:
- Ý nghĩa truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh
- Những bài học giá trị của truyện cổ tích “Cậu bé người gỗ Pinocchio”
Thảo Nguyên