Mặc cho việc sở hữu một đoạn mở đầu khá tốt so với mặt bằng phim Việt về mặt hình ảnh, âm thanh và ý nghĩa câu chuyện, cũng như thể hiện một thông điệp rõ ràng về võ thuật và khiến người xem mê mẩn cô nàng Khánh Trang (Katleen Phan Võ), Võ Sinh Đại Chiến của đạo diễn Nguyễn Bá Cường lại để lại khá nhiều nuối tiếc cho người xem.
Võ Sinh Đại Chiến kể về hành trình của Trần Anh Khoa, con trai và là hậu duệ môn Hùng Kê Quyền của Đại sư phụ Trần Anh Phong, người quyết tâm xây dựng lại danh tiếng cho nền võ học truyền thống sau thảm bại của cha mình dưới tay Quyền vương MMA Cao Hùng.
Như đã nói, Võ Sinh Đại Chiến có một đoạn mở đầu được xây dựng chắc tay khi nó tạo ra tiền đề cảm xúc cho nhân vật chính Anh Khoa (Tiến Hoàng) xuyên suốt bộ phim, được thể hiện qua màn đấu tay đôi võ thuật khiến người xem cảm thấy tràn đầy năng lượng bởi phần nhạc nền hào hùng được phát lên khi một nhân vật bắt đầu tung ra những miếng phản đòn.
Thế nhưng cảm xúc chưa đọng lại được bao lâu thì bộ phim bắt đầu đẩy nhanh nhịp độ để tua đến thời điểm hiện tại, những cảnh phim nối tiếp nhau liên tục tạo ra sự gấp gáp so với sự thận trọng mà hai đối thủ dành cho nhau trong trận đấu võ trước đó. Không quá khi nói rằng phần dựng phim đã làm hại chính bộ phim, bởi có những cảnh không thật sự phục vụ một ý nghĩa hay vai trò gì đó trong câu chuyện, trong khi những cảnh quan trọng trong mạch phim lại diễn ra quá nhanh và bất ngờ chuyển sang một cảnh khác.
Lấy những người trẻ và thanh thiếu niên để làm đối tượng khán giả mục tiêu nên việc Võ Sinh Đại Chiến tạo ra những tình tiết nhằm gây cười là điều khó tránh khỏi. Sử dụng những kiểu nhân vật thường thấy trong những bộ phim học đường như anh chàng vụng về ngốc ngếch, hai cô nàng với tính tình chảnh chọe… bộ phim dường như đã thành công trong việc mang lại tiếng cười cho người xem.
Thế nhưng đối với người viết, Võ Sinh Đại Chiến lại là cái tên tiếp theo trong một danh sách dài những bộ phim điện ảnh, truyền hình sử dụng kiểu nhân vật đồng tính với những hành vi thái quá (như lúc nào cũng mê trai) để chọc cười, nhưng lại không đóng một vai trò gì trong bộ phim. Điều này thể hiện tư duy cũ kĩ, thậm chí có thể nói là thụt lùi trong việc xây dựng kịch bản và hệ thống nhân vật.
Không khó để người viết nhận thấy những bộ phim đã truyền cảm hứng (mặc dù không biết có phải là chủ ý của đạo diễn Nguyễn Bá Cường hay không) cho Võ Sinh Đại Chiến như Step Up (mối tình giữa hai nhân vật Anh Khoa và Khánh Trang cũng như phân đoạn nhảy đối kháng dưới sàn nước), Karate Kid (môi trường học đường nơi diễn ra những mâu thuẫn về võ thuật) hay các phần phim Rocky/Creed.
Mặc dù việc Võ Sinh Đại Chiến dùng môn võ Hùng Kê Quyền của Bình Định làm công cụ kể truyện phim là điều đáng khen và nó thành công trong việc giới thiệu với người xem thế đứng của môn võ này. Tuy vậy, người xem vẫn cảm thấy chưa có gì thật sự đặc biệt ở Hùng Kê Quyền, ngoại trừ thông điệp chính của phim là chỉ nên dùng võ để bảo vệ bản thân, nên biết giới hạn của mình và dừng đúng lúc, điều cũng có thể áp dụng tương tự với nhiều môn võ khác. Ngoài ra, sự đối lập giữa Hùng Kê Quyền (Võ ta) và MMA (Mixed Martial Arts – Võ tổng hợp/võ tự do) đáng lẽ nên được đào sâu hơn nữa, bởi rõ ràng đó chính là mâu thuẫn chính của bộ phim.
Không có nhiều điều để nói về diễn xuất bởi dù gì Tiến Hoàng cũng là diễn viên hành động nổi tiếng với các video của Action C, đó cũng là điều ban đầu khiến người viết bị lôi cuốn bởi bộ phim. Nhưng những phân đoạn đánh nhau của Tiến Hoàng lại chưa thật sự để lại ấn tượng như màn tỉ thí ở đầu phim, một phần cũng do các cảnh hành động chuyển cảnh khá nhanh, không có nhiều thời gian để người xem cảm nhận từng pha ra đòn cũng như chưa có nhiều sự sáng tạo trong việc sắp đặt cảnh và góc đặt máy quay.
Ngược lại, Katleen Phan Võ trong vai Khánh Trang lại tỏa sáng hơn bởi sự xinh đẹp, vẻ tự nhiên cũng như sở hữu riêng cho mình những cảnh mà ở đó cô được thể hiện sở trường võ thuật. Chemistry hay sự tương tác giữa Hoàng và Katleen có lúc dễ thương, nhiều lúc hơi gượng do nhịp phim nhanh như đã nói, và có thể hơi quá nhưng đôi lúc đó lại đơn thuần chỉ là sự hấp dẫn về mặt cơ thể giữa hai người.
Nhân vật phản diện chính do Gi A Nguyễn thủ vai không có gì đột phá, dừng lại ở mức ổn về mặt diễn xuất và xây dựng nhân vật khi anh không có nhiều thời lượng xuất hiện. Thế nhưng cũng có phần đáng khen ngợi khi biên kịch không đơn thuần chỉ để động cơ của anh ta bị tác động bởi sự ghen tuông.
Các nhân vật khác chủ yếu đóng vai trò chỉ để gây tiếng cười cho người xem, ngoại trừ ấn tượng với nhân vật anh trai của Khánh Trang, người thể hiện sự điềm đạm, có sự hiểu biết sâu rộng về võ thuật cũng như là một người có khả năng truyền cảm hứng cho các đàn em.
Võ Sinh Đại Chiến chắc chắn sẽ phù hợp với các khán giả trẻ, thậm chí có thể gây thiện cảm và khiến họ hoàn toàn hài lòng, cũng như sẽ được khen ngợi vì đã đưa được môn võ Hùng Kê Quyền của Bình Định lên màn ảnh rộng. Nhưng nếu xét giữa một bộ phim hài, tình cảm và hành động võ thuật thì yếu tố võ thuật, mặc dù là quan trọng nhất, lại chưa được thể hiện một cách sâu sắc và còn để lại nhiều nuối tiếc cho người xem.