Bên cạnh đó, từ triều Lý đến triều Lê còn đề ra các chế độ tuyển chọn nhân tài khác, như chế độ bảo cử và chế độ tiến cử. Các chế độ này quy định, phàm là các quan lại có vị trí cao trong triều đình, ai cũng phải cử một người có tài đức hoặc người có danh vọng để triều đình bổ dụng. Điều này được sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại vào năm Cảnh thống thứ nhất (1498): “Tiến cử người hiền tài, loại bỏ kẻ bất tiếu, đó là việc lớn của chính trị. Cho nên, dùng người tài không lưỡng lự, bỏ kẻ gian không chần chừ… Kể từ nay, các nha môn trong ngoài, nếu có ai liêm khiết, có tài, trung thực đáng khen thưởng cất nhắc, cùng những kẻ tham lận bỉ ổi, không làm nổi việc, đều phải xét rõ sự thực, kê tên tâu lên. Ai dám a dua theo nhau, hay vì thù riêng, trao đổi đút lót, mà xếp đặt không đúng thì sẽ bị trị tội nặng không tha”(1). Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của học giả Phan Huy Chú, việc giới thiệu người làm quan có hai cách: một là, tiến cử thì lấy người tài, đức hơn hẳn mà không cứ thân phận; hai là, bảo cử thì lấy người danh vọng rạng rệt mà phải theo tư cách. Hai lối ấy giống nhau mà thể thức hơi khác. Lệ bảo cử có từ thời Hồng Đức. Bấy giờ việc ấy làm thận trọng, cho nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng rút cục thu được hiệu quả là chọn được người hiền tài(2).
Ảnh minh họa: internet
Như vậy, chế độ tiến cử là cách tuyển chọn nhân tài từ trong dân gian, không căn cứ vào thân phận hay địa vị xã hội. Chế độ này cho phép một vị quan được đề nghị đưa một người có tài nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa có điều kiện đi thi (hoặc thi không đỗ) được giữ một chức quan nào đó. Có hai hình thức tiến cử là: được tiến cử (bởi một vị quan lại đương chức trong triều đình) và tự tiến cử.
Vào đầu triều Lê Sơ, việc tiến cử giới thiệu người hiền tài rất được đề cao và đã trở thành trách nhiệm mà các chức quan từ tam phẩm trở lên, mỗi người phải tiến cử một người ở trong triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hay chưa làm quan. Đến thời vua Lê Thánh Tông, chủ trương này trở thành chế độ của nhà nước, bên cạnh chế độ khoa cử đã rất phát triển và hoàn thiện. Chiếu chỉ năm 1463 của vua Lê Thánh Tông viết: “Ta lưu tâm việc trị nước, dốc ý việc cầu tài, thường nghĩ những người tài làm được việc còn bị khuất ở hàng dưới, chìm lấp ở thôn quê, nên tìm hỏi người giỏi, mơ tưởng không quên”(3). Năm 1467, vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ “các nha môn chọn các lại viên xuất thân nho học để bổ các chức, đều cho quan phụ trách công bằng xem xét mà tiến cử”(4) và “sai triều thần tiến cử chức quan huyện cương trực biết trị kẻ gian tà, mỗi người cử một viên”(5). Người tiến cử phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình để đảm bảo rằng người được tiến cử là có tài năng, xứng đáng với chức vụ được giao và phải chịu trách nhiệm cá nhân về sự tiến cử đó. Nhà vua quy định rõ ràng: “Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức. Nếu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được trọng thưởng”(6). Đến năm 1483, tư tưởng này được đưa vào Quốc triều hình luật (Điều 174): “Những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc bị phạt theo luật nặng nhẹ; nếu vì tình riêng hoặc vì ăn tiền mà tiến cử thì xử nặng thêm hai bậc”(7). Mặt khác, vua Lê Thánh Tông đã phê phán các quan không thực thi chính sách tiến cử là “bọn bịt đường của bậc hiền tài, khơi nguồn cho kẻ cầu may”(8).
Hình thức ít được áp dụng hơn là tự tiến cử, thường xuất hiện trong tình trạng đất nước có chiến tranh hoặc xã hội có những biến động lớn về chính trị – xã hội. Các nhân vật tự tiến cử thường là những nhân tài ẩn cư trong dân gian. Lịch sử dân tộc đã chứng kiến sự xuất hiện của những nhân tài như: Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Mạc Đĩnh Chi, Đào Duy Từ,… là những vị đại thần có công với nước đã gia nhập nghiệp quan trường bằng con đường này.
Nhìn chung, chế độ tiến cử trong lịch sử phong kiến dân tộc đã giúp các triều đại bổ sung một lượng không nhiều quan lại, nhưng thực tế cho thấy, các quan lại được bổ dụng thông qua chế độ này (cả được tiến cử và tự tiến cử) thường có tài năng xuất chúng và có cống hiến lớn lao cho các triều đại mà họ phục vụ và lịch sử dân tộc, tiêu biểu như: Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ… Quan trọng hơn, chế độ tiến cử quan lại đã nuôi dưỡng trong dân chúng một niềm tin người hiền tài thật sự trong xã hội sẽ không bị bỏ sót.
Từ việc nghiên cứu chế độ tiến cử trong lịch sử phong kiến dân tộc có thể rút ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, chế độ tiến cử là sự bổ sung hữu ích cho chính sách tuyển dụng nhân tài dưới chế độ phong kiến, đặt biệt là vào những thời điểm khó khăn của các triều đại và lịch sử dân tộc.
Thứ hai, chế độ tiến cử ngày càng được quy định chặt chẽ và hoàn thiện hơn, nhất là dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Thứ ba, chế độ tiến cử quan lại trong lịch sử phong kiến đã gợi mở những bài học kinh nghiệm có giá trị trong công tác cán bộ hiện nay. Đặc biệt là khi toàn hệ thống chính trị đang ra sức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó đề cập đến chủ trương: “Thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý”(9). Đây là một chủ trương nhằm bổ sung, hoàn thiện các quy định, cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý hình thành dưới nhiều hình thức, chế độ khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu mới về công tác cán bộ ở nước ta giai đoạn hiện nay. Tại Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị ngày 12/3/2012 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XI), nội dung, phương pháp tiến hành và thời gian thực hiện tiếp tục được khẳng định và nêu rõ thêm. Về chế độ tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý, Kế hoạch tiếp tục xác định: Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện: Thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý. Hiện nay hai cơ quan này đang chỉ đạo hoàn thành xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý trong công tác cán bộ toàn quốc.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XI) và Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị, trước mắt cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy chế liên quan đến việc thực hiện tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đây là bộ công cụ quan trọng nhất để thực hiện chủ trương này. Cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ tiến cử, cán bộ được tiến cử, như: chức vụ nào được tiến cử và được tiến cử đến chức vụ nào; mỗi cán bộ được tiến cử tối đa bao nhiêu người; người được tiến cử phải có khả năng và điều kiện gì; về quyền và trách nhiệm của cán bộ được tiến cử; lĩnh vực nào được tiến cử và tự tiến cử; hình thức khen thưởng và xử lý kỷ luật đối với cán bộ tiến cử và cán bộ được tiến cử. Cần có quy định về cơ chế để phát huy năng lực công tác của cán bộ được tiến cử như: tạo điều kiện tham gia trực tiếp vào công tác lãnh đạo, quản lý; bố trí, sử dụng và tạo môi trường thử thách thực sự để cán bộ được tiến cử lãnh đạo, quản lý phát huy tốt nhất phẩm chất, năng lực nổi bật của họ.
Hai là, phát huy tinh thần dân chủ trong việc thực hiện chế độ tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Các cấp ủy đảng lãnh đạo, phát huy rộng rãi tinh thần dân chủ, kỷ cương của toàn hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chế độ tiến cử, chế độ tập sự cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ba là, phát huy vai trò của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia thực hiện chế độ tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thực hiện tốt cơ chế phối hợp công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện chế độ tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phát huy vai trò chủ động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện chế độ tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về chế độ tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ được tiến cử, cán bộ tiến cử. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức, đảng viên thực hiện các quy định về chế độ tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Năm là, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy các kinh nghiệm về tiến cử nhân tài trong lịch sử dân tộc và kinh nghiệm phát hiện, sử dụng nhân tài của các nước khác trên thế giới.
Thực tế cho thấy, kinh nghiệm phát hiện và sử dụng nhân tài trong lịch sử dân tộc và trên thế giới là rất phong phú, có thể tham khảo và gợi mở hữu ích cho công tác cán bộ ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trên cả hai phương diện ưu điểm và hạn chế, đặc biệt cần vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện cụ thể, đặc điểm đặc thù của đội ngũ cán bộ nước ta hiện nay.
Lịch sử dân tộc chứng minh chế độ tiến cử quan lại đã có những đóng góp quan trọng trong sự hưng vong của các triều đại phong kiến. Vì vậy, việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và áp dụng chế độ này sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay./.
ThS. Bùi Văn Hải – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
–
Ghi chú:
(1), (4), (5), (6), (8) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H.1993, tr.523; tr.428; tr.431; tr.431; tr.424.
(2), (3) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H.1992, tr.580; tr.582.
(7) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Quốc triều hình luật, Nxb Pháp lý, H.1991, tr.84.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb CTQG, H.2012, tr.32.
tcnn.vn