Đây là một câu chuyện dài nhưng vẫn giữ được phong độ từ chương đầu đến chương cuối. Tác giả đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh rộng lớn và chiến tranh thời loạn. Các nhân vật, âm mưu, được móc nối uyển chuyển hợp lý. Chính sự đan xen với tình cảm ngọt ngào, trong màu đen xám u ám có chút phấn hồng, làm cả câu chuyện thêm phần hấp dẫn.
Diệp Ly kiếp trước là quân nhân, tay súng bắn tỉa cừ khôi. Nàng vào sinh ra tử vì đất nước, bôn ba vất vả khổ cực cả đời. Kiếp này nàng thành Tam tiểu thư Diệp gia, một tiểu thư mang danh không tài, không đức, không mỹ mạo. Diệp Ly nhớ lại ký ức kiếp trước hơi muộn, nhưng căn bản tính cách nàng không thay đổi nhiều, cùng lắm là thêm chút lệ khí cùng tâm lý già cỗi hơn mà thôi.
Diệp Ly không phải là người mỹ lệ, mà vẻ đẹp của nàng thanh nhã, càng nhìn càng mê luyến. Đứng cạnh những mỹ nhân như Tô Túy Điệp, Diệp Oánh, Liễu Quý phi…thì nàng không hề lép vế. Khí chất và sự bình tĩnh, lãnh đạm, thi thoảng bùng nổ sát khí, lạnh đến tận xương tủy, chỉ làm nàng nổi bật hơn giữa những “bình hoa” có chút tâm kế mà thôi. Là con cháu của Từ gia, cầm kỳ thi họa, binh pháp,…cái gì nàng cũng đều được học. Dĩ nhiên nàng vẫn yêu thích nhất là binh pháp, cầm quân đánh giặc. Mấy chục năm làm quân nhân ở thời hiện đại khiến Diệp Ly không chịu nổi việc đứng sau lưng nam nhân, nhìn họ sống chết trên chiến trường. Dòng máu chảy trong người nàng chất chứa lòng yêu nước thương dân và sự nhiệt huyết của một quân nhân. Do đó, nàng lựa chọn rèn luyện bản thân, rèn luyện một nhóm người cho riêng mình, chỉ huy các trận đánh để đời…. Chỉ vậy thôi đã thấy Diệp Ly ăn đứt Vân Thiển Nguyệt của Hoàn khố thế tử phi rồi. Motif có phần tương tự, nghề nghiệp có chỗ giống nhau, nhưng tính cách khác nhau và cách thể hiện khác nhau là tỏ rõ sự hơn kém trong đó.
Điều tôi thích là việc Diệp Ly bắt đầu mọi thứ từ đầu, có quá trình diễn biến đàng hoàng chứ không phải thành quả từ trên trời rơi xuống. Tuổi của nàng khá lớn để luyện võ công cổ đại nên nàng tự rèn luyện bằng phương pháp hiện đại, tăng cường thể lực và sức bền chứ không phụ thuộc vào nội công. Do đó khả năng cận chiến của nàng rất tốt, phản ứng cũng vô cùng nhanh nhẹn. Ý chí Diệp Ly cũng rất mạnh mẽ. Hình ảnh nàng rơi từ trên không trung xuống vô số lần chỉ để tập khinh công khắc sâu trong đầu tôi. Tôi nghĩ Mặc Tu Nghiêu cũng sẽ mãi mãi không quên được nàng lúc đó đẹp thế nào, tỏa sáng thế nào. Diệp Ly không phải người hoàn hảo. Việc luyện binh, đánh giặc, đọc khẩu hình,… là dựa vào kinh nghiệm kiếp trước. Những ý kiến được coi là trị quốc an bang chỉ là dựa vào điều nàng biết thời hiện đại. Trên hết vẫn là sự biến hóa cùng nhìn xa trông rộng của nàng.
Tôi rất thích Diệp Ly. Nàng thông minh, nàng bản lĩnh, và nàng hiểu khả năng của mình. Diệp Ly không bị buff quá đà, nàng không phải bách khoa toàn thư cái gì cũng biết. Như trong trận ở Hồng Châu quan với Lôi Chấn Đình, nàng biết mình không thể đánh dài. Nàng là quân nhân, nhưng thời đại nàng ở là thời thái bình thịnh thế, không phải chiến tranh khói lửa. Nàng không am hiểu binh pháp, nên nàng lựa chọn ưu thế của mình là bạo lực để phá vây. Khi bị Đàm Kế Chi bắt, Diệp Ly phải tính toán cho mình và con, biết tiến biết lùi, co được dãn được. Cách dùng người của Diệp Ly cũng rất tốt. Nàng tìm hiểu ưu khuyết của từng người rồi phân họ vào vị trí thích hợp. Nàng biết người nào tin được người nào không. Nàng đối xử với mọi người công bằng và phóng khoáng, cùng với khả năng của mình, Diệp Ly khiến tất cả đều ngưỡng mộ và kính phục, thuận theo. Đến kẻ địch cũng có chút mê muội và muốn chiếm nàng làm phần thưởng, chứng tỏ sự kiêu ngạo của bản thân. Riêng về cái chết của Chu Lăng, cháu trai tướng quân Chu Diễm, thì không trách Diệp Ly được. Dù không quang minh chính đại, song chiến tranh không có chỗ cho sự mềm lòng và tính toán chi ly. Chỉ là nếu Chu Lăng không thích Diệp Ly qua mấy lần tiếp xúc thì sẽ đỡ áy náy hơn. Chu Lăng cũng được coi là thanh niên tài tuấn đó chứ.
Trong tình yêu, Diệp Ly không phải dạng ngây ngô. Kiếp trước nàng gặp nhiều soái ca, nàng không dễ rung động trước vẻ đẹp. Nàng càng không màng đến giàu sang phú quý. Tuy nhiên, dường như nàng từng trải qua phản bội, nên nàng xây một bức tường thành bên ngoài trái tim, để bản thân không dễ trao đi. Đặc biệt trong thời đại nam nhân tam thê tứ thiếp thì nàng càng phải cẩn thận kẻo trao tình cho nhầm người. Bởi thế, lúc nàng nhận ra mình có cảm tình với Mặc Tu Nghiêu, việc đầu tiên nàng làm là trốn tránh. Điều này dễ hiểu thôi. Nếu là tôi, tôi cũng trốn tránh. Diệp Ly chưa hiểu rõ tình cảm mình dành cho Mặc Tu Nghiêu là gì, cũng sợ hãi khi tình yêu đến. Lần đi Nam Cương vừa là tìm kiếm thuốc giải độc cho Mặc Tu Nghiêu, vừa là cơ hội để nàng xem lại trái tim của mình. Và nàng phải thừa nhận, sau mấy tháng xa cách, nàng nhớ Mặc Tu Nghiêu rất nhiều. Nàng đồng ý trao thân cho hắn, nhưng lời nàng nói vẫn là đồng ý hắn yêu nàng, chứ hoàn toàn chưa yêu hắn thật sự. Bi kịch rơi núi và biết được đau khổ của Mặc Tu Nghiêu, Diệp Ly mới nhìn ra mình cũng đã yêu hắn rất nhiều rồi. Mà việc Diệp Ly coi Mặc Tu Nghiêu là phu quân, không hề che giấu sự thần bí của bản thân, đã minh chứng cho việc nàng sẽ sớm rơi vào lưới tình với hắn.
“Mặc Tu Nghiêu…chàng thích ta?”
Mặc Tu Nghiêu hơi giật mình, thản nhiên cười nói: “Đúng vậy, không phải A Ly đã sớm biết sao?”
Diệp Ly nghiêng đầu nhìn hắn, cười xinh xắn, trong đôi mắt vương đầy ánh sao: “Đã như vậy, bản vương phi cho phép chàng thích ta”.
Mặc Tu Nghiêu ban đầu khá mờ nhạt, chỉ để lại ấn tượng là một người ẩn giấu sâu. Sau đó Tô Túy Điệp cho Hàn Minh Nguyệt đến bắt cóc Diệp Ly, hắn lại không giải thích gì với nàng, làm tôi thấy khá khó chịu. Dần dần tôi mới hiểu, Mặc Tu Nghiêu là người lạnh nhạt, chưa từng yêu ai, chỉ rung động với một mình Diệp Ly. Cũng không biết Mặc Tu Nghiêu yêu Diệp Ly từ bao giờ, có thể là từ lúc nàng trả đũa Mặc Cảnh Lê trên phố, có thể là lúc nâng khăn hỉ dưới ánh đèn, có thể là những lần bên nhau ấm áp và an bình…. Giai đoạn Diệp Ly đi Nam Cương, cách mấy tháng mới gửi thư về một lần, Mặc Tu Nghiêu hẳn là nóng ruột lắm. Nên lúc gặp lại ở Tín Dương, hắn mới hôn nàng mạnh như muốn nuốt nàng vào bụng vậy. Mặc Tu Nghiêu biết Diệp Ly dễ mềm lòng, biết nàng có tình với mình, nên hắn trở thành lưu manh phúc hắc, giả ủy khuất khiến nàng rơi vào bẫy.
Mặc Tu Nghiêu là một thiên tài. Tâm trí và thiên phú võ công của Mặc Tu Nghiêu hơn hẳn cha và anh. Mặc Tu Nghiêu có dã tâm, có quyết đoán, có mưu kế, biết dùng người, biết đủ cầm kỳ thư họa (chỉ là không phải xuất sắc). Mặc Tu Nghiêu có võ công thiên hạ đệ nhất. Mặc Tu Nghiêu còn có vẻ ngoài đẹp oai hùng, khí thế không ai bì được. Sau biến cố hắn trúng độc, bị hủy dung và phải ngồi xe lăn. Nhưng sau đó, hắn chữa khỏi sẹo trên mặt, lại giải hết độc, thêm một đầu tóc bạc càng tăng thêm khí chất xuất trần và ánh hào quang bắn ra bốn phía. Mặc Tu Nghiêu là người tham gia tranh giành giang sơn trẻ nhất, nhưng không hề có ai coi thường hắn. Mặc Tu Nghiêu là người xứng đáng thống nhất giang sơn và đứng lên đỉnh quyền lực. Song vì Diệp Ly không thích gò bó nơi cung cấm, vì muốn tự do chu du bốn phương cùng nàng, vì muốn giữ lời hứa nhất sinh nhất thế nhất song nhân, Mặc Tu Nghiêu bỏ lại giang sơn đang đánh dở cho con trai Mặc Ngự Thần. Cả cuộc đời của Mặc Tu Nghiêu phải nói là giống Diệp Ly, là một truyền kỳ. Từ một thiếu niên dương quang hiếu thắng đến kẻ u ám ẩn giấu thực lực trong bóng tối, đến vị Vương gia người người kính ngưỡng. Bởi gần hết câu chuyện, nhất là nửa cuối, toàn về chiến tranh nên đất diễn của Mặc Tu Nghiêu có phần lấn át Diệp Ly, hình ảnh Mặc Tu Nghiêu hiện lên thêm rõ ràng và được tô điểm thêm sắc nét hơn nữa.
Mặc Tu Nghiêu hẳn phải rất kiên cường mới kiên định với tình yêu của mình. Như hắn từng nghĩ, hắn tự ti về bản thân, hắn lớn tuổi (phải lớn hơn Diệp Ly khoảng gần chục tuổi), mặt bị hủy dung, chân tàn phế, dư độc còn trong người (về sau đều được trị hết). Hắn cho rằng mình không xứng với một Diệp Ly xinh đẹp tài giỏi. Hồi hắn chưa dùng Phượng Hoàng thảo, hắn không dám đụng vào Diệp Ly, không dám tiến thêm một bước nữa trong quan hệ của họ. Cho đến khi tương tư ăn mòn, cho đến khi hắn nhận ra mình không thể thiếu nàng được, hắn mới quyết định phải giữ nàng ở bên bằng bất cứ giá nào. Để lựa chọn như vậy, Mặc Tu Nghiêu chắc chắn đã suy nghĩ rất kỹ, lại thêm việc am hiểu tính tình Diệp Ly, hắn mới không vì tự ti mà lùi bước. Họ mới có hạnh phúc, họ mới có con. Trong tình yêu của hai người, Mặc Tu Nghiêu đã phải trả cái giá không nhỏ, và hắn tình nguyện làm thế.
Đặc sắc nhất phải là đoạn Diệp Ly rơi núi lúc mang thai con của họ. Mặc Tu Nghiêu đuổi đến quá muộn, mất dấu của nàng. Hắn lột bỏ mặt nạ ôn hòa ngày trước, bộc lộ hết tự ti, hận thù, oán niệm sâu trong lòng. Hắn hận tất cả những người đẩy nàng vào bước đường cùng, song hơn hết, hắn hận bản thân. Từ lúc hắn cưới nàng, nàng chưa từng có một ngày an bình, không thể làm một vương phi nhàn nhã. Nàng trải qua máu tanh chém giết, nàng phải lên chiến trường. Mặc Tu Nghiêu đã tự nhận mình không phải một phu quân tốt. Khi đó, tôi chỉ biết thở dài, mong Diệp Ly quay về sớm sớm để khơi thông cho Mặc Tu Nghiêu. Một đêm tóc bạc trắng, biến thành lạnh lùng tàn nhẫn, còn suýt nữa buông bỏ tất cả. Mặc Tu Nghiêu gặp đả kích rất lớn, và phản ứng tồi tệ hơn tôi nghĩ nhiều. sau khi Diệp Ly trở lại, độc chiếm dục của Mặc Tu Nghiêu tăng cao, suy nghĩ cũng thêm phần âm u. Diệp Ly hiểu và bao dung hắn. Chứng kiến hắn như thế, nàng đau lắm chứ. Cái nàng có thể làm chỉ là dùng tình yêu và ấm áp ôn nhu của mình làm điểm dựa cho hắn. Tuy nhiên tất cả chứng tỏ vị trí quan trọng của Diệp Ly trong lòng hắn. Kiếp này chỉ có mình Diệp Ly độc nhất vô nhị là tiến được vào trong tim hắn. Kiếp này hắn phải trao cho nàng thứ tốt đẹp nhất trên đời.
Tôi rất thích tình yêu của Mặc Tu Nghiêu và Diệp Ly. Tôi thích mỗi lần hắn gọi A Ly và thể hiện nhu tình vô hạn với nàng. Mặc Tu Nghiêu ở bên ngoài là hổ dữ, ở cạnh Diệp Ly chỉ là mèo con. Tôi thích cách Diệp Ly quan tâm và suy nghĩ cho Mặc Tu Nghiêu đầu tiên. Những lúc hai người ngần ngại show ân ái, tôi không kìm được mỉm cười. Dù tôi có hứng thú với kiểu thế giới hai người hơn, nhưng có đứa bé Mặc Ngự Thần cũng không tệ. Từ lúc có con, Mặc Tu Nghiêu tăng mạnh độ vô sỉ mặt dày, toàn yêu làm nũng, giả ủy khuất với Diệp Ly để tranh tình cảm. Rất đáng yêu. Thực ra chi tiết mang thai hai tháng trải qua vô số nguy hiểm và hôn mê vẫn không làm sao có hơi phi logic. Tôi nghĩ để Diệp Ly sảy thai cũng không sao hết, tiếc là, có vẻ hơi tàn nhẫn với nàng một chút. Đặc biệt, tôi ấn tượng với việc Mặc Tu Nghiêu yêu A Ly nên mới yêu con của A Ly và người thân của A Ly. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng kiểu tình yêu cuồng nhiệt thâm trầm này rất khắc sâu vào tâm khảm. Lúc mang thai, Diệp Ly chịu nguy hiểm hơi nhiều, đứa bé làm vướng tay vướng chân nàng, nên Mặc Tu Nghiêu khó chịu. Song bởi Diệp Ly thích, vì Diệp Ly muốn, hắn mới chấp nhận bảo vệ. Cũng bởi vậy Mặc Tu Nghiêu mới có thể khống chế lệ khí trong cơ thể. Duy nhất Diệp Ly làm được điều đó. Duy nhất Diệp Ly là lẽ sống của Mặc Tu Nghiêu. Một người nguyện nhường nhịn, chèn ép sát khí và dã tâm của mình. Một người nguyện ý tha thứ và bao dung tất cả. Chỉ có mỗi một điểm tôi không hiểu lắm, đó là Diệp Ly và Mặc Tu Nghiêu hay mặc đồ trắng. Diệp Ly thì mặc đồ trắng lên chiến trường, Mặc Tu Nghiêu thì mặc màu trắng ở nhà thành cả cây trắng luôn (tóc trắng sẵn rồi). Tôi cứ tưởng những người hay chém giết thì ngại màu trắng vì dễ bẩn cơ, đặc biệt Diệp Ly là quân nhân thời hiện đại càng nên ít mặc màu trắng lên chiến trường mới đúng. Tuy nhiên, đứng giữa chiến trường gió tanh mưa máu mà vẫn một thân đồ trắng thì cũng đẹp lắm, còn thể hiện được khả năng võ nghệ cao cường nữa.
Là thiên chi kiêu tử song quá trình trưởng thành của Mặc Tu Nghiêu không hề dễ chịu. Mặc Tu Nghiêu thời trẻ trải qua chiến tranh, thêm bi kịch ập đến với phụ thân và huynh trưởng cùng chính bản thân mình, tâm lý hắn có phần vặn vẹo và u ám. Mặc Tu Nghiêu biết nhẫn. Hắn chịu đựng hận thù giày vò, nén tất cả vào sâu trong lòng, rồi bày ra bộ mặt hòa nhã, bình ổn. Kỳ thực chỉ cần kích thích là Mặc Tu Nghiêu sẽ bùng nổ, huyết tẩy khắp nơi. Diệp Ly thì khác. Nàng trải qua chiến tranh bom đạn, nhưng là người hiện đại, nàng không có khả năng giết người không ghê tay, hay tàn sát kẻ vô tội. Và Diệp Ly dùng tình yêu của mình, ấm áp của mình, giúp Mặc Tu Nghiêu giữ bình tĩnh. Nàng không trách móc hắn, nàng không mắng mỏ hắn, không nặng lời với hắn. Nàng nhẹ nhàng ôm hắn, thủ thỉ với hắn, phân tích đúng sai cho hắn. Hình ảnh Mặc Tu Nghiêu dựa người ôm eo Diệp Ly, từng lời nói thủ thỉ cầu Diệp Ly đừng bỏ mặc mình, đừng để mình phá hủy thế giới…của Mặc Tu Nghiêu thật chua xót. Và hành động của Diệp Ly thì để lại sự ngọt ngào và tình yêu mãnh liệt. Nàng ở đây, nàng mãi mãi bên hắn, không rời đi đâu hết.
Nếu Mặc Tu Nghiêu gặp Diệp Ly khi phong quang vô hạn, tuổi trẻ khí thịnh, thì Diệp Ly chắc chắn không để ý đến Mặc Tu Nghiêu. Với một người đã sống hai kiếp như Diệp Ly, nàng cần một người chín chắn trưởng thành, có thể hiểu được ý tưởng và tính toán của nàng. Mặc Tu Nghiêu của tuổi 17 không thể thỏa mãn những điều kiện đó. Và hắn của tuổi 17 trong lòng chỉ có chiến trường, ra trận giết giặc, và huynh đệ. Hắn sẽ không để ý đến một Tam tiểu thư không danh tiếng gì, trừ khi Diệp Ly có cơ hội bộc lộ tài năng của mình trong việc cầm quân, luyện binh. Lúc đó, có lẽ Mặc Tu Nghiêu sẽ bị thu hút, vì hắn vẫn luôn mong thê tử có thể đứng ngang hàng với mình (thực ra thì ai có dã tâm oai hùng một phương đều bị hấp dẫn bởi Diệp Ly thôi). Khoảng cách họ phải vượt qua là rất lớn. Đương nhiên ban đầu nếu không có sự trợ giúp từ Mặc Tu Nghiêu, Diệp Ly không thể có cơ hội bộc lộ tài năng, chỉ có thể làm tiểu thư đài các trong phủ. Họ không có một cơ hội gặp mặt và đàm luận ấy chứ. Cho nên bi kịch 7 năm trước của Mặc Tu Nghiêu là trong cái rủi có cái may. Trải qua bãi bể nương dâu, Mặc Tu Nghiêu trưởng thành như hiện tại, mới có được Diệp Ly. Họ gặp nhau ở thời khắc hai bên chật vật nhất, lại là thời điểm thích hợp nhất. Đúng người đúng thời điểm, luôn mang đến kết quả tốt.
Để làm nổi bật nhân vật chính và những người cùng phe thì vai trò của nhân vật phản diện vô cùng quan trọng. Trong dàn phản diện thì chia thành hai phe, một phe có khả năng thật sự như Trấn Nam vương Lôi Chấn Đình, Đàm Kế Chi, Nhậm Kỳ Ninh….. và phe não tàn, tự cho mình là đúng, tự cho mình là thông minh, như Tô Túy Điệp, Mặc Cảnh Kỳ, Mặc Cảnh Lê, Liễu Quý phi, Đông Phương U…. Minh Nguyệt công tử Hàn Minh Nguyệt cũng có thể cho vào phe thứ hai đó. Phản diện làm công việc của phản diện, nổi bật sự thông minh sáng suốt của dàn chính, tuy nhiên, nhất là dàn não tàn, khiến tôi bực mình cực kỳ.
Thứ nhất phải kể đến Mặc Cảnh Lê. Lê vương này vì Diệp Oánh, một bình hoa không não, bỏ qua Diệp Ly, viên ngọc thật sự. Sau đó Mặc Cảnh Lê không chịu nổi sự bình tĩnh của Diệp Ly, hẳn là không chấp nhận được bản thân không quan trọng như vậy. Mặc Cảnh Lê ra sức làm khó Diệp Ly, bị trả đũa, càng lên cơn điên muốn hành hạ Diệp Ly (dù rằng thật sự chẳng ảnh hưởng gì nhiều) và càng nhận lại vô số khó khăn, một vòng tuần hoàn không hồi kết. Mặc Cảnh Lê càng ngày càng đố kỵ với Mặc Tu Nghiêu, luôn cho rằng Diệp Ly vốn là Lê vương phi của hắn. Ôi trời…. Kỳ thực các sự kiện chứng tỏ level thấp của tiểu BOSS này khiến tôi có phần xem nhẹ hắn. Lúc hắn liên kết với Nam Cương, nổi dậy phản loại, thì tôi thấy hắn cũng không tính là ngốc lắm Đến lúc biết hắn bị lợi dụng làm bia đỡ đạn, tôi mới té ngửa Người này thật sự là gia vị thêm vào cho có, chứ chẳng có tý uy hiếp nào, dù rằng cũng gây rắc rối khiến phía Mặc Tu Nghiêu đau đầu một chút. Cơ mà kẻ này lại sống khá dai đấy, ăn đứt hoàng huynh của hắn luôn.
Mặc Cảnh Kỳ level cao hơn Mặc Cảnh Lê một bậc. Thứ nhất, hắn ta là vua danh chính ngôn thuận, có quyền lực hơn Mặc Cảnh Lê. Thứ hai, ít ra đầu óc nát bét vẫn có lúc dùng được (dù so với lúc không dùng được thì ít ỏi lắm). Làm hoàng đế, đa nghi, cẩn thận, là đúng. Nhưng trong trường hợp của Mặc Cảnh Kỳ, hắn quá đa nghi, sợ sệt, lấn át hết chỉ số IQ thấp tè của mình. Định Vương phủ mấy đời bảo hộ Đại Sở, bảo hộ hoàng gia, bị e dè công cao chấn chủ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Mặc Cảnh Kỳ chưa từng suy nghĩ mất Định Vương phủ thì đất nước thế nào, mà chỉ dựa vào suy đoán của bản thân mà bày mưu tính kế chèn ép Mặc gia quân và các đời Định vương. Mặc Cảnh Kỳ muốn dựa vào chính thực lực bản thân để cường thịnh Đại Sở, lại không nhìn rõ khả năng của mình, cũng không nhận ra nguy hiểm từ các nước láng giềng. Tây Lăng, Bắc Nhung hay Nam Chiếu đều e ngại Đại Sở vì Định vương và Mặc gia quân cùng Hắc Vân Kỵ mới không xâm lược. Một khi không còn uy hiếp, sẽ chẳng có ai chờ Mặc Cảnh Kỳ củng cố thực lực đất nước cả. Thêm vào đó, cách Mặc Cảnh Kỳ đối xử với trung thần như vậy sẽ khiến người người lo lắng. Đám dưới trướng sẽ chỉ là đám nịnh nọt bợ đỡ, những người có tài thật sự thì trốn tránh để không rơi vào thảm kịch công cao chấn chủ như Định Vương phủ, Nam Hầu phủ, Hoa gia hay Từ gia. Còn cái kiểu liên hợp giặc ngoại xâm chỉ để diệt Mặc gia quân và Mặc Tu Nghiêu là quá lắm rồi ấy. Mặc Cảnh Kỳ bị nghi kỵ che mờ mắt, mất hết trách nhiệm và danh dự của một vị quân vương rồi. Mà không trách Mặc Cảnh Kỳ được, đây là do gene di truyền ấy chứ, từ thời Tiên đế đã não úng nước như vậy rồi.
Hàn Minh Nguyệt ngay từ lần xuất hiện đầu tiên đã để lại ấn tượng quá xấu. Dần dần mâu thuẫn giữa Hàn Minh Nguyệt và Mặc Tu Nghiêu ngày xưa được vạch trần, thêm việc Hàn Minh Nguyệt hai ba lần gây nguy hiểm cho Diệp Ly, làm tôi chẳng thích nổi nhân vật này. Vì một nữ nhân mà bỏ qua bằng hữu, bỏ qua huynh đệ, bỏ qua đất nước. Dù Hàn Minh Nguyệt thật không quan tâm giang sơn xã tắc, có thể phản quốc, nhưng Hàn Minh Nguyệt coi trọng tư tình hơn thân tình quả thực rất đáng giận. Nếu người Hàn Minh Nguyệt yêu là người cơ trí tài giỏi lại trọng tình trọng nghĩa như Diệp Ly thì không nói làm gì. Song người Hàn Minh Nguyệt thích lại là loại bình hoa não tàn Tô Túy Điệp. Cứ đụng vào Tô Túy Điệp là IQ rụng hết. Hàn Minh Tích đơn phương thầm mến Diệp Ly, đổi lại là tình bằng hữu, cứu giúp, của nàng. Hàn Minh Nguyệt yêu Tô Túy Điệp, đổi lại là mất đi tất cả mọi thứ, từ bằng hữu thân thuộc, đến đệ đệ ruột thịt, đến Thiên Nhất các và gia sản. Có đáng không? Nhất là khi Hàn Minh Nguyệt biết rõ mình không thích tính cách Tô Túy Điệp, còn chẳng biết mình si mê gương mặt đó hay không. Bình thường vẫn nói, thích là thích, không có bất kỳ lý do nào khác, nhưng với người có mỗi bộ da như Tô Túy Điệp thì thực sự phải xem lại. Điều này làm tôi thấy tình yêu Hàn Minh Nguyệt dành cho Tô Túy Điệp chẳng giống tình yêu chút nào. Nó kiểu như là cầu mà không được thành chấp niệm. Tôi cảm thấy sau khi bị Hàn Minh Tích chất vấn, bị Mặc Tu Nghiêu mỉa mai, hay trong đêm tối cô độc, y hẳn tự hỏi bản thân vô số lần đi. Chính y cũng mờ mịt với nguyên nhân mình thích Tô Túy Điệp. Song cái chính tôi ghét ở y là việc y không hối hận, không nuối tiếc, vẫn tiếp tục bao dung bảo hộ nàng ta, đánh đổi mọi thứ để bảo toàn tính mạng nàng ta. Chỉ một lần gặp dưới tàng hoa đào là thành chấp niệm 10 năm, bất chấp tính cách thật của nàng ta, bất chấp tình nghĩa, phản bội tất cả. Vừa không logic lại vừa hợp lý theo một góc độ nào đó. Nhân vật này có phần đáng thương, lại không vượt qua được sự đáng trách. Phong Hàn Minh Nguyệt làm tình thánh cũng không ngoa, tình thánh nhất tôi từng gặp. Tuy là một tấm tình si bị giẫm đạp khinh bỉ ngay từ đầu, nhưng tôi thấy Hàn Minh Nguyệt tự mình gây họa thôi, xứng đáng cô độc đến chết.
Nhắc đến Hàn Minh Nguyệt thì không thể không nhắc đến Tô Túy Điệp. Đây phải nói là nữ nhân vật phản diện “ấn tượng” nhất về tự mình đa tình, tự cho mình là đúng, và tự nghĩ mình thông minh. Cũng chẳng phải Tô Túy Điệp ngu ngốc. Nàng ta có thủ đoạn, có tâm kế, nên với dung mạo như vậy mà vẫn sống được, còn là sống tốt ở Tây Lăng nữa. Tiếc là level của nàng ta chênh lệch với Diệp Ly quá nhiều. Trước mặt Diệp Ly, Tô Túy Điệp như đang chơi trò trẻ con, não tàn đến bất ngờ. Sai lầm lớn nhất là nàng ta không hiểu Mặc Tu Nghiêu, lại quá tự phụ, nghĩ là nam nhân ai cũng say mê nữ sắc, sẽ quỳ gối dưới váy nàng ta. Tô Túy Điệp cho rằng mình chơi đùa nam nhân, ai ngờ nàng ta mới là kẻ bị chơi đùa. Chỉ có tình thánh như Hàn Minh Nguyệt mới nguyện để nàng ta lợi dụng. Hầu hết nam nhân có thực lực như Mặc Tu Nghiêu, Lôi Chấn Đình,…..đều khinh thường nàng ta, ngay cả Hàn Minh Tích còn dễ dàng nhìn ra bộ mặt thật của nàng ta. Lúc đầu tôi tưởng tác giả định viết thanh mai trúc mã cẩu huyết, ai dè đối thủ yếu quá mức. Tô Túy Điệp này chỉ đáng coi là tiểu quái thôi, tiểu BOSS còn chưa đến. Mỗi tội con tiểu quái này cũng gây ra kha khá vấn đề. Tôi thấy Tô Túy Điệp chẳng yêu Mặc Tu Nghiêu đâu. Nàng ta chỉ yêu bản thân mình thôi, tham lam và ham hư vinh, nên mới có thể hãm hại Mặc Tu Văn, huynh trưởng ruột của Mặc Tu Nghiêu, để Mặc Tu Nghiêu lên ngôi Định vương rồi nàng ta thành Định vương phi chứ.
Liễu Quý phi thì thông minh hơn Tô Túy Điệp một chút, lại phiền phức hơn nhiều. Ban đầu Liễu Quý phi mang hình tượng nữ tử xinh đẹp thanh cao, không để bất cứ thứ gì vào mắt. Rồi khi Liễu Quý phi thấy Mặc Tu Nghiêu thật sự yêu Diệp Ly, nàng ta không nhịn được mà bộc lộ tố chất tâm lý biến thái và da mặt siêu dày của mình. Tô Túy Điệp ảo tưởng Mặc Tu Nghiêu thích nàng ta nên mới chủ động dây dưa. Còn Liễu Quý phi rõ ràng biết Mặc Tu Nghiêu ghét nàng ta, lại vẫn tiến đến. Bị khinh thường, mỉa mai, hôm sau nàng ta vẫn có thể giữ gương mặt bình tĩnh nói nhỏ nhẹ ngọt ngào với Mặc Tu Nghiêu được. Tôi cũng không cho là Liễu Quý phi yêu Mặc Tu Nghiêu được bao nhiêu đâu. Có thể đã từng yêu, sau đó phần lớn là không cam lòng mà thôi. Nàng ta luôn tự nhận mình mỹ mạo hấp dẫn, lại cao ngạo, đối với một Mặc Tu Nghiêu mặt không đổi sắc trước sự chủ động của mình thì không chịu nổi. Mà phải thừa nhận vị Liễu Quý phi này là một kẻ vô tình và ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình, không quan tâm đến con cái, gia tộc, hay bất kỳ ai khác.
Đông Phương U thì khỏi phải nói đi. Người này chấp nhất với Từ Thanh Trần bắt nguồn từ sự việc chẳng ra đâu vào đâu. Ngây ngây ngô ngô bị lừa, lột xác thành âm trầm u ám vẫn không tăng thêm tý IQ nào. Diệp Oánh đỡ hơn mấy nữ nhân trên một chút, ít ra còn để lại chút nuối tiếc nho nhỏ. Công chúa Tê Hà thì chết lãng nhách sau khi nhảy loạn như cào cào mấy trăm chương. Đông Phương Huệ cũng chết nhanh gọn lẹ dù xuống núi chưa được bao lâu, tại có đồ đệ “thông minh” quá mà.
Nói thật, dàn nữ phụ phải xét đến đám khuê mật của Diệp Ly như Mộ Dung Đình, Tần Tranh, Hoa Thiên Hương, Hoa Hoàng hậu/Dương phu nhân, hay Trầm Vân Ca, Mặc Vô Ưu. Những người này mới đúng là vừa có sắc đẹp, vừa có tài nghệ, vừa có phẩm đức. Mà đương nhiên, mấy người này phải bị trói buộc với phía nam nữ chính theo một cách nào đó, và cách nhanh nhất là thành thân. Không phải Từ gia có đến năm đứa con trai sao, không phải Mặc Tu Nghiêu có vô số tướng lĩnh thân cận tài giỏi sao? Cưới! Cưới hết! Mộ Dung Đình lấy Lãnh Hạo Vũ. Tần Tranh lấy Nhị ca Từ Thanh Trạch. Hoa Thiên Hương lấy tam ca Từ Thanh Phong. Hoa Hoàng hậu dây dưa với Phượng Chi Dao. Trầm Vân Ca gả cho công tử Thanh Trần, đại ca Từ Thanh Trần. Mặc Vô Ưu thành thân với tứ ca Từ Thanh Bách. Phía Dao Cơ, do ban đầu không dứt khoát được với Mộc Dương, làm tôi hơi khó chịu. Về sau Dao Cơ quyết tâm làm cọc ngầm của Định vương phủ ở Sở kinh thì bỏ lại Tần Phong chờ đợi. Mãi mới đối mặt với tình cảm và tương lai của mình, coi như là thỏa mãn độc giả. Dao Cơ cũng có điểm đáng thương, gặp được người như Tần Phong là siêu may mắn ấy.
Nếu xét quá trình thống nhất giang sơn của Diệp Ly và Mặc Tu Nghiêu là game, nhiệm vụ là diệt BOSS, thì đám Tô Túy Điệp, Đông Phương U, Liễu Quý phi,…là tiểu quái. Mặc Cảnh Kỳ là BOSS level 3. Mặc Cảnh Lê cao hơn chút, BOSS level 2.5, dù rằng con BOSS này vận khí không tệ, trốn chui trốn lủi, dùng âm mưu dương mưu, sống được lâu nhất. Đàm Kế Chi tương tự, BOSS 2.5. Nhậm Kỳ Ninh và Gia Luật Dã cao hơn, level 2. Hai người này gây ra khá nhiều vấn đề, không thể giải quyết nhanh chóng. Lôi Chấn Đình là BOSS level 1. Tôi có niềm kính phục với Lôi Chấn Đình, dù rằng ông ta là kẻ địch. Người này biết tiến biết thối, không coi khinh địch thủ, không bị quyền lực làm mù mắt. Đương nhiên là dưới tư cách một tướng quân thôi, chứ tôi cũng không thích cách làm người của Lôi Chấn Đình lắm. Về phần Lôi Đằng Phong, tôi không biết tính là BOSS hay tiểu quái nữa. Người này khi có Lôi Chấn Đình thì bị cha át, cha chết rồi thì không giãy giụa được lâu lắm. Level cao hơn tiểu quái, lại chưa hẳn là BOSS, dù tính toán tỉ mỉ, có khi khả năng của Lôi Đằng Phong trên cả Mặc Cảnh Kỳ ấy chứ. Gia Luật Hoằng có thể bỏ qua, không có mấy uy hiếp.
Ngoài ra, trong một truyện nặng về chiến tranh quyền mưu thế này, phe tổ đội cùng Diệp Ly và Mặc Tu Nghiêu cũng hầu như nam nhân. Không thể không kể đến nam phụ thích Diệp Ly duy nhất, Hàn Minh Tích. Y khá đáng thương, ngay từ đầu đã không có bất kỳ cơ hội hay khả năng nào theo đuổi Diệp Ly. Chưa nói đến việc y không bì nổi Mặc Tu Nghiêu ở mọi mặt, tình yêu của y cũng không sâu sắc, sẵn sàng hy sinh tất cả vì Diệp Ly như Mặc Tu Nghiêu. Huynh trưởng của y còn mấy lần muốn đẩy Diệp Ly vào chỗ chết. Cuối cùng, y chỉ có thể lựa chọn ở phía sau trợ giúp Diệp Ly và cầu mong nàng bình an. Trái ngược với Hàn Minh Nguyệt, tôi thật sự muốn Hàn Minh Tích có một cái kết hạnh phúc, cho dù có vẻ hơi khó. Đương nhiên nếu sau này Hàn Minh Tích gặp được một người hợp ý, giúp y quên Diệp Ly, hoặc y tìm một người qua cả đời và kéo dài họ Hàn thì đều không sao. Ít ra y sẽ không cô độc.
Phượng Chi Dao là một nam phụ không yêu nữ chính mà để lại ấn tượng không tệ (Well, cả truyện có mỗi Hàn Minh Tích được tính là nam phụ yêu Diệp Ly thôi). Câu chuyện tình cảm dây dưa giữa hắn và Hoa Hoàng hậu/Dương phu nhân cũng rất đáng cảm thán. Tỷ đệ luyến, còn là đơn phương thầm mến cả chục năm khiến hình tượng của Phượng Chi Dao được phân ra thành hai nửa rất rõ ràng, một là phong lưu tưng tửng, một là đau khổ trầm mặc. Lúc đầu người trong mộng của Phượng Chi Dao vẫn bị úp mở, tôi đã đoán là Hoa Hoàng hậu, vì nàng ấy là nữ nhân tốt nổi bật duy nhất cùng thế hệ với Phượng Chi Dao. Dưới mối quan hệ chính trị phức tạp cùng vô vàn yếu tố bên ngoài ảnh hưởng, khả năng giữa Phượng Chi Dao và Hoa Hoàng hậu mỏng manh hơn cả Dao Cơ và Tần Phong. Đường tình của Phượng Chi Dao nhấp nhô, nhưng đường công danh sự nghiệp thì tốt đẹp. Phượng Chi Dao chọn đi theo Mặc Tu Nghiêu không chỉ vì tình bạn mà còn cho thấy cái nhìn tương lai đúng đắn. Hắn có thể ra chiến trường, có thể cầm quân đánh giặc, có thể làm những thứ mình thích. Phượng Chi Dao về sau cũng tính là nam tử được các cô nương ngưỡng mộ, vừa đẹp trai vừa có quyền và tiền mà.
Lãnh Hạo Vũ có nhiều điểm giống Phượng Chi Dao, bạn thân của Mặc Tu Nghiêu và giả heo ăn thịt hổ cả chục năm trời. Đến lúc Mặc Tu Nghiêu xưng bá một phương, Lãnh Hạo Vũ lười ngụy trang nên khỏi cần che giấu, có gì lộ được cứ lộ ra. Thế là từ một người bị khinh thường, bị bỏ mặc, trở thành kẻ tài giỏi, nhìn xa trông rộng, được Mặc Tu Nghiêu ưu ái. Lãnh Hạo Vũ có một người cha thiên vị và một huynh trưởng khinh thường. Cuối cùng hai người này đều phải thừa nhận mình sai lầm rồi. Lãnh Kình Vũ thì chưa đến mức không sửa được. Người này sau trận chiến đầu tiên thua trận đã nhận ra mình thiếu hiểu biết và khả năng thế nào. Lãnh Kình Vũ cũng là kẻ chính nghĩa, ít tâm kế. Cái chết ở góc đường trong trận chiến với quân Bắc Cảnh là minh chứng rõ nét nhất. Do người cha và huynh trưởng này vẫn là người tốt, nên Lãnh Hạo Vũ cũng không hận thù gì, có thể bỏ qua tất cả để chăm sóc cha và cứu vớt Lãnh gia sau khi Lãnh Kình Vũ chết. Lãnh Hạo Vũ còn có vợ con tốt đẹp, nhân sinh mỹ mãn rồi.
Công thần của Mặc Tu Nghiêu thì không thể không nhắc đến Từ gia. Người của Từ gia nhiều nam ít nữ. Thư hương thế gia, học văn, học cầm kỳ thi họa, nhưng không bỏ qua cốt cách làm người, rèn luyện ý chí. Đặc biệt, thế hệ này của Từ gia có Từ Thanh Phong chọn võ, trở thành một thành viên của Kỳ Lân. Tôi rất thích cả nhà Từ gia, cảm thấy được sinh ra và lớn lên ở một gia đình thế này quả là may mắn. Không thành người tài nổi tiếng như Từ Thanh Trần, Mặc Ngự Thần thì cũng không thành kẻ vô dụng được. Có Thanh Vân tiên sinh, Từ Hồng Vũ, Từ Hồng Ngạn, cùng các thiếu gia Từ Thanh Trần, Từ Thanh Trạch, Từ Thanh Phong, Từ Thanh Bách, Từ Thanh Viêm, không ai có thể lơ là học tập, đi theo con đường sai trái. Cứ nhìn Mặc Ngự Thần bị rèn luyện và Trầm Vân Ca bị Từ Thanh Trần ép học đến phát sợ là biết :)) Về phần Từ Thanh Trần, bởi vì được so sánh với Mặc Tu Nghiêu khá nhiều lần, lại là người duy nhất có thể đứng ngang hàng với hắn, nên tôi cũng tò mò về người bên gối của công tử Thanh Trần lắm. Thấy người này đi theo hình tượng thần tiên không gần nữ sắc, hơn 30 tuổi chưa yêu ai chưa lấy ai, còn tưởng tác giả định để y thầm mến biểu muội Diệp Ly cơ. Dù sao Diệp Ly xứng đáng mà, trong truyện mấy vụ nam phụ tài giỏi đầu nhập dưới trướng nữ chính không ít. Hóa ra tác giả ém cô nương tính cách trái ngược hoàn toàn với Từ Thanh Trần đến cuối mới cho xuất hiện.
Truyện tập trung vào chính sự nhiều hơn là tình cảm nên nhiều người sẽ cảm thấy khô khan. Song tôi thấy tình cảm xen kẽ khá hợp lý, và không chỉ có CP chính, các câu chuyện của CP phụ cũng để lại dấu ấn riêng. Tôi là người không quá thích truyện nhiều CP, nhưng trong truyện này thì không ghét CP nào được. Có mỗi đoạn mấy cựu thần nước Sở ép Mặc Tu Nghiêu nạp thiếp để khai chi tán diệp, cho thiên hạ hưởng thái bình là tôi bức xúc một chút. Cái tư tưởng cũ kỹ cổ xưa này thật sự là không thể chấp nhận được, cho dù tôi đọc cả trăm bộ cung đấu rồi.
Nhìn tổng thể thì tôi thấy truyện rất ổn. Cách xây dựng tình tiết chặt chẽ, logic, có cao trào hấp dẫn. Dàn nhân vật có cá tính riêng, dù truyện dài nhiều nhân vật nhưng không bị lẫn lộn. Dàn phản diện làm tròn chức trách của phản diện. Truyện chi tiết và tỉ mỉ. Do bối cảnh khá lớn, tác giả phải chuyển ống kính đến những nơi khác để cho độc giả cái nhìn bao quát và hiểu được nội dung tiếp theo. Tuy nhiên chính bởi thế nên truyện có phần dài dòng chút, đôi khi tôi thấy lằng nhằng hơn mức cần thiết, mặc dù biết rõ thống nhất giang sơn đâu phải một vài chương truyện là xong được.
Truyện đáng bỏ thời gian ra đọc.