Những năm gần đây, không chỉ những HR mà ngay cả các ứng cử viên cũng chủ động rà soát, sàng lọc, tìm hiểu công ty và các nhân sự trước khi ứng tuyển vào công ty đó. Bên cạnh các nền tảng việc làm, nhân sự trẻ ngày nay có xu hướng nghiên cứu công ty bằng cách đọc review trên các hội, nhóm trên mạng xã hội. Cách “tập kích” này có hiệu quả không nhất là trong thời đại hỗn mang giữa tin thật và tin giả? Hãy cùng các nhân sự của Dentsu Aegis, ZEE, Mango Digital, The Purpose Group và Time Universal Hà Nội bóc tách mặt lợi/hại của xu hướng này!
Review mạng như “mì ăn liền”, đã nhanh còn ngon
Thông thường, một quy trình tìm việc sẽ gồm 5 bước chính:
Bước 1: Xác định định hướng nghề nghiệp
Bước 2: Xác định khả năng bản thân
Bước 3: Khoanh vùng công ty phù hợp với hai tiêu chí trên
Bước 4: Nghiên cứu công ty từ nhiều nguồn khác nhau
Bước 5: Xây dựng CV dựa trên những tư liệu vừa tìm được.
Trong đó, bước tìm hiểu công ty sẽ thay đổi theo từng thế hệ do những khác biệt về xã hội, công nghệ và cả kinh nghiệm/mối quan hệ trong ngành.
Cụ thể, chị Mỹ Hoa, Account Executive tại Time Universal Hà Nội nói rằng, các nhân sự có kinh nghiệm dày dạn chủ yếu tìm thông tin công ty từ hai nguồn là Owned Media (Truyền thông nội bộ) và Personal Network (Mạng lưới quan hệ cá nhân).“Owned Media là các trang thông tin thuộc quyền quản lý của công ty, bao gồm website, fanpage, YouTube, Zalo đến những trang truyền thông nội bộ. Đây là nơi các nhân sự nắm bắt các thông tin về sản phẩm và thương hiệu, cũng như danh tiếng công ty, định hướng và tầm nhìn người lãnh đạo, mức độ uy tín của công ty trên thị trường. Còn Personal Network là mạng lưới quan hệ cá nhân, thông tin đến từ người quen đã và đang làm việc tại các công ty. Thông thường, đây sẽ là một trong những nguồn đáng tin cậy nhất vì khi đối diện trực tiếp với những câu hỏi, người được tin tưởng sẽ review theo hướng thật lòng chia sẻ, tâm tình, khuyên nhủ và định hướng”, chị Mỹ Hoa nói.
Trong khi đó, đa số nhân sự trẻ ngày nay lại thích tìm hiểu công ty từ nguồn Earned Media – nguồn thông tin dưới dạng review được đăng tải trên các hội, nhóm Internet và mạng xã hội. Các group review công ty và nhân sự xuất hiện nhan nhản trên Facebook, có số lượng thành viên dao động từ 10 nghìn đến hơn 400 nghìn người. Dần dà, việc “lượn lờ” đọc review mạng trước khi ứng tuyển vào công ty đã trở thành một điều lệ khó bỏ khi các nhân sự trẻ đi tìm việc làm.
Nói về xu hướng này, anh Đỗ Đăng Thường, Creative Director tại The Purpose Group cho rằng thời thế sinh hành vi. “Tôi nghĩ cũng là thói quen của thời đại này thôi, khi mà mọi người trước khi quyết định ăn gì, xem gì, đi đâu đều phải đọc review, việc tìm hiểu công ty chắc chắn cũng không nằm ngoài xu thế”. Trong khi đó, chị Thúy Vy, Assistant to Managing Director tại Mango Digital lại nghĩ người trẻ thích đọc review vì nó chân thực. “Những review mạng chính là một câu chuyện có thật được kể lại từ chính trải nghiệm của ai đó, và nhân sự trẻ sẽ có cảm giác mình đang có một cái nhìn thực tế về công ty”. Còn với anh Harry Nguyễn, Senior Designer tại Dentsu Aegis – Ambient, review mạng có sức hút bởi vì nó chẳng khác nào “mì ăn liền”, đã nhanh còn ngon. “Cái hay của mạng xã hội là cho người dùng thông tin nhanh chóng và đa dạng khía cạnh về bất kể thứ gì, kể cả là câu chuyện nội bộ ở một công ty nào đó”, anh Harry Nguyễn chia sẻ.
Mặc dù mạng xã hội là một nguồn thông tin mở, dễ tiếp cận và có ý kiến đa dạng nhiều chiều nhưng lại thiếu đi yếu tố quan trọng nhất là tính xác thực. Việc các nền tảng như Facebook, Instagram cho phép người dùng tạo tài khoản “ảo” hoặc tự do tạo profile sẽ gây khó khăn khi kiểm chứng nguồn gốc thông tin hay đo lường mức độ tin cậy. Theo kết quả khảo sát của Fractl trong phạm vi 1.096 nhân sự, có 10% thừa nhận cố tình nói dối hoặc nói quá vấn đề để bày tỏ sự bất mãn đến công ty hoặc những người quản lý cũ. Con số này đặt ra một dấu hỏi lớn: Nghiên cứu công ty qua review mạng liệu có đem lại hiệu quả cho nhân sự?
Review mạng không phản ánh đúng 100% sự thật về một công ty
Khi tìm hiểu một doanh nghiệp, các nhân sự thường quan tâm đến các tiêu chí như văn hóa công ty, năng lực dẫn dắt của lãnh đạo và các cấp quản lý, khối lượng công việc, mức lương và tinh thần hợp tác của các đồng nghiệp. Anh Đỗ Đăng Thường chia sẻ: “Văn hóa công ty sẽ góp phần trả lời cho câu hỏi: Những đóng góp cũng như giá trị của những việc mình làm có thực sự là một phần của công ty đó không (hay chỉ là làm việc trả bài và nhận lương)? Thêm một điều nữa, biết được mình sẽ làm việc với ai (đồng nghiệp và sếp) mới là thực sự quan trọng, quan trọng hơn cả ‘khối lượng công việc’. Suy cho cùng, làm việc với những người cùng chung lý tưởng thì mới có thể tạo ra những giá trị chung, cho dù có làm nhiều, làm nặng thì nhân sự lúc ấy cũng sẽ sẵn lòng”.
Tuy nhiên, không ai dám chắc review mạng sẽ phản ánh đúng các tiêu chí trên. Theo CNBC, đánh giá từ Internet không hoàn toàn phản ánh sự thật về một doanh nghiệp. Anh Tuấn Lê, Senior Strategic Planner tại ZEE Agency nhận xét: “Nếu xuất hiện những bình luận không tốt về một công ty, thì những bình luận đó thường chỉ có 50% tính xác thực. Suy cho cùng, đó vẫn chỉ là những ý kiến đến từ cá nhân, mà mỗi cá nhân thì đều khác biệt về tính cách, sở thích, thái độ và và cách nhìn nhận thế giới quan. Có người hợp công ty này nhưng sẽ không hợp với công ty khác. Mà kể cả những bình luận tích cực cũng chưa hẳn là đúng. Chẳng hạn như các review mạng hay bảo làm việc agency chill lắm, đi làm trễ tan làm sớm. Thế nhưng sự thật là agency vẫn có những quy định về giờ giấc làm việc, nhân sự vẫn phải đảm bảo số lượng giờ làm việc trong tuần”.
Đồng quan điểm đó, chị Thúy Vy cho biết tôn chỉ của mình khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội là chỉ tin mọi thứ ở mức 50%. “Những review dù đúng hay sai thì nó luôn xuất phát từ góc nhìn chủ quan của người viết, nên không thể hiện được toàn bộ văn hóa, phong cách của công ty. Liệu công ty này có thực sự như lời review không, liệu người này có thực sự làm ở đây hay không, liệu câu chuyện này có đúng hay không? Tất cả đều không thể chắc chắn được”, chị Thúy Vy nói.
Sự xuất hiện tràn lan của tin giả cũng giảm đi sự đáng tin của các review mạng về một doanh nghiệp, tổ chức nào đó. “Chính sự thật giả lẫn lộn đã gây ra rất nhiều hiểu lầm cho doanh nghiệp nên mình cảm thấy khó có thể tin 100% với những thông tin được đăng tải trên MXH”, Gia Bảo, Copywriter tại Mango Digital nói.
Nếu đặt quá nhiều niềm tin vào các review mạng, các nhân sự sẽ vô tình bỏ qua cơ hội nghề nghiệp vì lỡ… đọc phải các bình luận không tốt về công ty. Một nghiên cứu từ Công ty nguồn nhân sự Randstad (Mỹ) cho thấy 57% ứng viên sẽ bỏ qua một công ty nếu đọc phải nhiều đánh giá đánh giá tiêu cực trên Internet. Chưa kể, các lời khuyên hay bình luận từ một cá nhân không quen biết trên mạng xã hội không có tính tin cậy cao. Bởi vì họ là những gương mặt xa lạ đang tự do bày tỏ quan điểm và không hề phải chịu trách nhiệm với những lời khuyên của mình. Với anh Harry Nguyễn, nhân sự cần phải càng nghi ngờ hơn khi đọc bình luận tiêu cực trên mạng xã hội. “Vì biết đâu đó là những cá nhân thực sự không có năng lực, thiếu chuyên nghiệp, sợ làm hoặc mới thấy khó khăn đã vội bỏ cuộc. Khi bắt gặp các bình luận đả kích như vậy, chúng ta càng phải tỉnh táo để đánh giá xem chúng có đang mang tính cá nhân, thiếu khách quan và tính minh bạch hay không”. Anh cũng nói thêm: “Mỗi cá nhân sẽ có những góc nhìn khác nhau về nơi họ làm việc. Cùng một bản chất, cùng một vấn đề nhưng sẽ có người tốt kẻ xấu đánh giá sự việc khác đi. Internet quá rộng lớn và hỗn độn, biết cách chắt lọc lấy những thông tin có ích cho bản thân mới là điều quan trọng”.
Lấy thông tin công ty từ đâu là đáng tin nhất?
Nơi làm việc cũng giống như một món hàng, khi mà một đánh giá/ bình luận có thể ảnh hưởng đến việc ứng tuyển hay không ứng tuyển. Để có thể tìm hiểu công ty một cách khôn ngoan và có lợi cho nhân sự nhất, chị Thúy Vy cho rằng các bạn trẻ đang tìm việc nên lấy thông tin từ những trang uy tín, chính chủ như website hoặc mạng xã hội thuộc quyền quản lý của công ty, hoặc các trang tin uy tín như Advertising Vietnam, BrandsVietnam, CafeBiz hoặc VNExpress, Linkedin,…
Chị Phương Uyên, Social Community Executive tại Mango Digital khuyên các nhân sự nên tìm hiểu thật kỹ các kiến thức về văn hóa, đặc thù của công ty – những thứ vốn không có sẵn trên Internet hay bất cứ tài liệu viết nào. “Cách tốt nhất để có những kiến thức này là qua Networking. Hãy chủ động nhờ những anh/chị Marketers đi trước, những người đã từng làm tại công ty mà bạn muốn ứng tuyển để có một cái nhìn sâu hơn, rộng hơn về công ty”.
Nói như vậy không có nghĩa là review mạng hoàn toàn không có ích gì trong công cuộc tìm kiếm việc làm của các nhân sự. Theo anh Tuấn Lê, muốn tham khảo review mạng mà không sa đà vào các ý kiến chủ quan, các nhân sự nên đối chiếu chúng với những trải nghiệm thực tế đến từ các anh chị/mentor/đồng nghiệp đi trước. “Khi đi tìm công việc mới, tôi thường liên lạc với các anh chị quen biết trong ngành để kết nối và nắm bắt thông tin về thị trường, các công ty phù hợp hiện tại cũng như cơ hội nghề nghiệp. Theo tôi, trải nghiệm của người đi trước chính là những thông tin mang tính khách quan nhất, vì họ từng làm việc cho công ty đó, đã biết về môi trường làm việc, văn hóa – con người và cũng là người có uy tín trong chính những lời khuyên của mình. Từ đó chúng ta có thể kiểm tra chéo với những review trên mạng xã hội, đối chứng xem thông tin đọc được là đúng hay sai”. Kể cả khi không tìm được công việc như ý, anh Tuấn Lê cho rằng các nhân sự không nên quá thất vọng và tiếc nuối. “Các review về công ty trên mạng xã hội sẽ mang tính tương đối. Vậy nên các bạn trẻ tham khảo cũng không sao, tuy nhiên hãy tin vào mong muốn, trực giác và cảm nhận của cá nhân mình khi ứng tuyển vào một công ty nào đó hơn. Dù sao thì làm việc cũng là quá trình tôi luyện bản thân, trong trường hợp xấu nhất là ứng tuyển vào một công ty nhưng không được như mong muốn, thì ít ra đó vẫn là một trải nghiệm quý báu cho bạn thêm kiến thức cũng như bài học về cách đánh giá một công ty trong tương lai”, anh nói.
Trong khi đó, anh Harry Nguyễn lại cho rằng trước khi đọc thông tin trên mạng xã hội hoặc ở bất kỳ nguồn nào, nhân sự cũng cần phải hiểu rõ bản thân đang tìm kiếm điều gì và mong muốn điều gì ở nơi làm sắp tới. “Thậm chí khi đọc review trên mạng, dù tốt hay xấu, trước tiên hãy tự hỏi background của họ có giống với bản thân mình không. Cũng đừng quên nghiên cứu thật nhiều nguồn tin để xác thực tính đúng sai của những điều đó”, anh Harry Nguyễn nói.
Đồng quan điểm đó, anh Đỗ Đăng Thường cho rằng sự tỉnh táo trong việc chọn lọc thông tin trên mạng xã hội cũng như hiểu rõ nhu cầu của bản thân sẽ giúp nhân sự tìm ra “bến đỗ” hợp lí nhất. “Thỉnh thoảng, cũng nên tin vào trực giác mách bảo. Một công ty tốt cho người khác chưa chắc tốt cho chính bạn và ngược lại”, anh Đỗ Đăng Thường chia sẻ.
Xin cảm ơn các nhân sự tại các agency đã đồng ý tham gia buổi trò chuyện này và chia sẻ những góc nhìn thú vị về xu hướng đọc review công ty trên mạng với độc giả Advertising Vietnam!
Các bạn có thể xem các bài viết cùng series tại đây.
Thực hiện: Advertising Vietnam
Nội dung: Hằng Trần
Thiết kế: Đạt Đặng