Tóm lược dự thảo
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Đầu tư
_________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005 về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; khuyến khích và ưu đãi đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam;
b) Hoạt động đầu tư ra nước ngoài; hoạt động đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BOT), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ;
c) Hoạt động đầu tư gián tiếp theo các hình thức mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác, đầu tư chứng khoán và đầu tư thông qua định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không tham gia trực tiếp vào quản lý, điều hành tổ chức kinh tế, thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và pháp luật có liên quan;
d) Hoạt động đầu tư đặc thù quy định trong pháp luật chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó.
2. Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm: nhà đầu tư quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Đầu tư; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vốn đầu tư là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản hợp pháp khác để thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp. Tài sản hợp pháp gồm:
a) Cổ phần, cổ phiếu hoặc các giấy tờ có giá khác;
b) Trái phiếu, khoản nợ và các hình thức vay nợ khác;
c) Các quyền theo hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng chìa khóa trao tay, hợp đồng xây dựng, hợp đồng quản lý, hợp đồng phân chia sản phẩm hoặc doanh thu;
d) Các quyền đòi nợ và quyền có giá trị kinh tế theo hợp đồng;
đ) Công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả nhãn hiệu thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, tên thương mại, nguồn gốc hoặc tên gọi xuất xứ;
e) Các quyền chuyển nhượng, bao gồm cả các quyền đối với thăm dò và khai thác tài nguyên;
g) Bất động sản; quyền đối với bất động sản, bao gồm cả quyền cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp hoặc bảo lãnh;
h) Các khoản lợi tức phát sinh từ hoạt động đầu tư, bao gồm cả lợi nhuận, lãi cổ phần, cổ tức, tiền bản quyền và các loại phí;
i) Các tài sản và quyền có giá trị kinh tế khác theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Dự án đầu tư mới là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đang thực hiện.
3. Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang thực hiện nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
4. Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lần đầu có dự án đầu tư tại Việt Nam.[1]
Điều 3. Áp dụng pháp luật đầu tư, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế
1. Việc áp dụng pháp luật đầu tư, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư.
2. Trường hợp pháp luật Việt Nam được ban hành sau khi Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế có quy định thuận lợi hơn so với quy định của điều ước quốc tế đó thì nhà đầu tư có quyền lựa chọn việc áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế hoặc pháp luật Việt Nam.
Điều 3. Điều kiện đầu tư
1. Điều kiện đầu tư là điều kiện bắt buộc nhà đầu tư phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư theo các hình thức đầu tư quy định tại Chương IV Luật Đầu tư và các hình thức khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Điều kiện đầu tư được áp dụng dưới các hình thức sau:
a) Điều kiện về lĩnh vực và phạm vi hoạt động đầu tư;
b) Điều kiện về hình thức đầu tư;
c) Điều kiện về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;
d) Điều kiện về đối tác Việt Nam tham gia liên doanh;
đ) Điều kiện về vốn pháp định;
e) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là Thành viên (sau đây gọi là Điều ước quốc tế).
3. Điều kiện đầu tư được quy định tại các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Điều ước quốc tế.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định lĩnh vực đầu tư có điều kiện và điều kiện đầu tư áp dụng đối với các lĩnh vực này, trừ trường hợp thực hiện thẩm quyền theo quy định tại các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 3 Điều này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ công bố lĩnh vực đầu tư có điều kiện và điều kiện đầu tư áp dụng đối với các lĩnh vực này.
5. Điều kiện về vốn đầu tư được quy định như sau:
a. Trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác, đối với mỗi dự án đầu tư, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án.
b. Nhà đầu tư chỉ được huy động vốn vay sau khi góp đủ vốn chủ sở hữu theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Điều 4. Áp dụng điều kiện đầu tư đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam được áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với công dân Việt Nam.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài theo quy định của Luật Quốc tịch được quyền lựa chọn quốc tịch Việt Nam để được áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với công dân Việt Nam.
Điều 5. Áp dụng điều kiện đầu tư theo quy định tại Biểu cam kết về thương mại dịch vụ của Việt Nam với WTO
1. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư gồm nhiều mục tiêu quy định tại các ngành, phân ngành dịch vụ khác nhau được liệt kê tại Biểu cam kết về thương mại dịch vụ của Việt Nam với WTO và cam kết có liên quan (sau đây gọi chung là Biểu cam kết về dịch vụ) phải tuân thủ quy định đối với ngành, phân ngành dịch vụ có điều kiện hạn chế nhất.
2. Đối với các ngành, phân ngành dịch vụ “chưa cam kết” hoặc không được liệt kê cụ thể tại Biểu cam kết về dịch vụ, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp pháp luật hiện hành chưa có quy định về điều kiện đầu tư đối với các ngành, phân ngành dịch vụ này, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý ngành và các cơ quan có liên quan.
Điều 6. Lệ phí cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư
Nhà đầu tư phải nộp lệ phí cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Nghị định này. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mức lệ phí và việc sử dụng lệ phí cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
Điều 7. Ngôn ngữ sử dụng
Hồ sơ dự án đầu tư và các văn bản chính thức gửi các cơ quan nhà nước Việt Nam đối với dự án đầu tư trong nước được làm bằng tiếng Việt; đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài được làm bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng. Trường hợp có sự khác nhau giữa bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài thì áp dụng bản tiếng Việt.
…