Vì sao một số người gặt hái thành công trong khi những người khác cả đời vẫn không đạt được? Những người thành công đều có ít nhất một điểm chung: Họ không bao giờ tìm lý lẽ để phân bua vì sao sự việc lại hóa ra như thế, hoặc phàn nàn đáng lẽ sự việc phải thế này thế khác. Những người thành công chỉ đơn giản nhận lấy trách nhiệm và thực hiện công việc. Cuốn sách Ngày xưa có một con bò… của tác giả Camilo Cruz diễn tả những gì có thể xảy ra nếu cuộc sống của chúng ta bị những lí lẽ biện bạch kìm hãm.
1. Chuyện ngụ ngôn về một con Bò
Camilo Cruz dùng phép ẩn dụ rất thú vị kể về một gia đình nghèo xơ xác mãi chịu cảnh xơ xác ấy vì họ có một con bò đủ sức nuôi sống tám miệng ăn dặt dẹo qua ngày. Cho tới một ngày, hai thầy trò nọ qua đường nghỉ chân và đã giết béng con bò quý báu ấy. Để rồi sau một năm quay lại, anh học trò đã không còn thấy cảnh bần cùng mà là một cuộc đời sung túc và sức sống tràn ngập của gia đình kia.
Mình vẫn thường cho rằng kẻ thù chính của thành công không phải là sự thất bại, như nhiều người vẫn nghĩ, mà là sự tầm thường – là cái tư tưởng cho rằng chúng ta “như thế là tốt rồi”. Con bò tượng trưng cho mọi lý lẽ biện bạch, mọi thói quen, hay sự bào chữa vốn khiến cho chúng ta không thể sống một cuộc đời trọn vẹn.
2. Đừng cho rằng mọi con bò đều kêu Ụm…Bò… ò…
Tất cả những lời giãi bày mà chúng ta thường viện ra để khỏi phải thay đổi đều nghe rất ngọt tai. Những sự biện minh của chúng ta đã trở thành “sự gạn lọc hợp logic”, nỗi lo sợ vô lý trở thành “biện pháp phòng ngừa hợp lý”, và kì vọng thấp kém trở thành “một cái nhìn thực tế trong cuộc sống”. Bạn thấy chưa? Không phải mọi con bò đều rống lên inh ỏi để ta nhận biết chúng, và nhiều con trong số đó cứ âm thầm có mặt mà không ai hay. Nhìn chung, tác giả cho rằng những con bò của chúng ta thuộc hai nhóm: nhóm các lời biện bạch và nhóm các thái độ hạn chế.
Chỉ có ba thứ chúng ta biết chắc về nó:
Thứ nhất nếu bạn thật sự muốn tìm một lời biện bạch, đương nhiên bạn sẽ tìm được. Và một khi đã tìm được, bạn sẽ bám víu vào nó đến cùng.
Điều thứ hai bạn hoàn toàn có thể đoan chắc là một khi bắt đầu dùng đến bất cứ lời biện bạch nào, bạn sẽ tìm được đồng minh. Họ sẽ nói: “Tôi hoàn toàn thông cảm với cô, vì tôi đã từng bị y như vậy”. Và khi được nhiều người chia sẻ và lặp lại nhiều lần, nó trở thành một dạng lời khuyên uyên bác như những công thức không thể sai của sự khôn khéo. Tuy nhiên nó chỉ là những ý kiến sai lầm kìm hãm chúng ta tiến lên. Câu nói như “Ngựa quen đường cũ” có lẽ muốn chúng ta tin rằng những thói quen hành vi mà chúng ta không bao giờ thay đổi được.
Cuối cùng, những lời biện bạch chẳng thay đổi được gì cả. Tệ hơn nữa, cứ mỗi lần viện đế nó là chúng ta tiến thêm một bước tới việc khiến nó trở thành một phần trong cuộc sống thực tế của mình, chỉ làm cho lỗi lầm đó thêm trầm trọng hơn.
3. Bò nào cũng từng là Bê
Cũng giống như những lời nói dối nghiêm trọng thường bắt đầu bằng lời nói dối vô hại, những con bò trưởng thành và to lớn cũng khởi đầu từ những chú bê con ngây thơ và hiền lành.
4. Bò nào cũng có ba, bảy loại
Tiến sĩ Cruz chỉ ra rất nhiều loại bò với hy vọng bạn nhận ra và tránh xa chúng:
Con bò mang tên “Tôi có sao đâu”
- Tôi có sao đâu. Thiếu gì người còn không được như tôi.
- Có lẽ chúng tôi không giàu, nhưng chúng tôi luôn đủ ăn.
- Tôi chỉ đậu sít sao, nhưng ít ra thì cũng không rớt.
Người ta nghĩ rằng họ không sao và hài lòng với hiện tại mà không thấy lý do gì phải cải thiện. Nhưng kẻ thù của Vĩ Đại chính là Tốt.
Con bò mang tên “Đâu phải tại tôi”
- Tôi chẳng bao giờ gặp được thầy giỏi. Chẳng bao giờ tôi cảm thấy mình được động viên đầy đủ hoặc được khuyến khích để làm bất cứ điều gì trong đời.
- Suy cho cùng, cũng vì tôi không được học đại học nên tôi mới long đong thế này. Điều tệ hại là bố mẹ tôi đã không nhìn xa trông rộng nên đã không đầu tư cho việc học của tôi.
- Nền kinh tế trì trệ là nguyên nhân khiến công ty tôi không phát triển nổi. Giá như chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn.
Cũng giống như vậy, không thể trách rằng lời phê bình của bạn bè là nguyên nhân làm bạn thất bại, chỉ trừ khi bạn đồng ý cho lời phê bình của họ có giá trị cao hơn ý kiến của chính mình. Như bạn thấy đấy, luôn luôn là lỗi của ta.
Con bò mang tên “Niềm tin sai lầm”
- Bố tôi nghiện rượu, có lẽ tôi cũng sẽ giống ổng thôi.
- Tôi không muốn làm nhiều tiền, vì tiền nhiều chỉ tổ làm hư thân.
- Thầy yêu cầu em làm gì cũng được, chỉ cần không phải là thuyết trình. Em sợ thuyết trình hơn cả sợ chết đấy ạ. Vốn dĩ em đã nhát cáy như vậy rồi.
Thái độ hạn chế cũng được thể hiện dưới dạng các niềm tin sai lầm này. Nó có thể khiến chúng ta sống hoài nghi cuộc đời tầm thường nếu không cố gắng vượt lên chính mình. Hãy nhớ rằng bạn luôn luôn là những gì bạn tự gán cho mình. Hãy tin vào bản thân mình.
Con bò mang tên “Thật mà, đây đâu phải biện bạch”
- Tôi muốn tập thể dục nhiều hơn, nhưng gần nơi tôi ở chẳng có phòng tập nào.
- Tôi chưa muốn làm chuyện gì mới cho đến khi tôi sẵn sàng một tăm phầm trăm.
- Tôi muốn đọc thêm sách nhưng chẳng có thời gian.
Bất cứ khi nào bạn thốt ra câu nói “tôi muốn… nhưng…” thì bất cứ thì gì theo sau chữ nhưng đều rất có thể là con bò. Nó làm ta tê liệt vì chúng ta cảm thấy mình chưa bao giờ hoàn toàn sẵn sàng. Cách duy nhất để làm điều gì đó thật tốt là phải thực hành nhiều và nắm bắt mọi cơ hội để tiến hành việc đó ngay lập tức.
Con bò mang tên “Tôi cảm thấy bất lực”
- Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng có thể thành công.
- Tôi mập là do gene di truyền rồi. Còn có thể làm gì được nữa.
- Tôi không giỏi những việc này.
Đừng thừa nhận bất cứ hạn chế nào mà không tìm hiểu và thực hiện chúng. Đây chính là gốc rễ của những kỳ vọng thấp. Hãy tự hỏi “Tại sao không thử xem?”
Con bò mang tên “Triết Gia”
- Nếu Thượng Đế muốn tôi thành công, Người sẽ chỉ cách cho tôi. Vấn đề của tôi là kiên nhẫn chờ đợi.
- Con vua thì lại làm con vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa.
- Vấn đề không phải bạn biết cái gì, mà là bạn quen biết những ai, mà tôi thì chẳng quen ai cả.
Vấn đề lớn nhất của lối suy nghĩ này là một khi bạn bằng lòng với nó, bạn cũng sẽ chấp nhận nó như nguyên tắc hướng đạo trong những lĩnh vực khác. Trước khi bạn quá nhanh nhẩu quyết định chấp nhận một chỉ dẫn mới mẻ nào đó, hãy cân nhắc nguồn gốc của nó. Con bò này là tượng đài siêu lớn tượng trưng cho sự tầm thường.
Con bò mang tên “Tự huyễn hoặc mình”
- Tôi bỏ thuốc lúc nào mà chả được. Chỉ là tôi chưa quyết định bỏ đó thôi.
- Đâu phải tôi khoái ăn nhậu. Anh đã nghe người ta nói đến việc ăn nhậu để duy trì mối quan hệ xã hội chưa?
- Tôi không phải là người nước đến chân mới nhảy; chỉ là vì khi có áp lực tôi mới làm việc có hiệu quả.
Khi đọc chương này, bạn sẽ thấy chính mình ở trong đó. Thủ tiêu nó hay không là quyết định của bạn.
5. Nguồn gốc: Bò ở đâu ra?
Vấn đề thật sự nằm ở chương trình về tinh thần mà chúng ta lưu trữ thông tin trong tiềm thức, và nó hoạt động như những cơ chế tự vệ giúp ta duy trì một hình ảnh lành mạnh, nhưng thực chất là đang bỏ phí nhiều tiềm năng và chấp nhận làm một phiên bản kém chất lượng hơn của chính mình. Chúng ta thắng hay thua là do tâm lí!
6. Không nên nhận bất cứ con bò nào người ta tặng cho mình!
Mình có một câu hỏi, bạn sẽ có 30 giây để trả lời: Người ta thích tặng gì cho người khác nhất? Nếu bạn nói đó là lời khuyên thì bạn đúng rồi đấy. Chúng ta thích ban phát lời khuyên, đặc biệt khi không yêu cầu. Hiển nhiên, đa số những lời khuyên này đều xuất phát từ sự mong muốn điều tốt cho bạn. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, sau khi nghe nó bạn có thể sẽ cảm thấy bối rối, rồi bắt đầu nghi ngờ khả năng của mình và cuối cùng kế hoạch được đặt ra để thành công giờ lại thành một mớ bòng bong trong con mắt của chính bạn. Ai cũng biết khi một ý tưởng nào đó cắm rễ trong đầu bạn rồi, bạn sẽ thành nô lệ của nó. Nói tóm lại, tiến sĩ Cruz đưa ra cách tốt nhất đó là không nhận những lời khuyên đó!
7. Chỉ có một cách để giết một con bò
Tác giả Camilo Cruz đưa ra 5 bước để có thể từ bỏ chúng. Đây là phần quan trọng nhất của cuốn sách.
1. Nhận dạng những con bò của mình. Xác định chúng là việc bắt buộc nếu chúng ta muốn giết nó. Bạn phải đặt bút viết ra một số suy nghĩ, lời nói, thói quen, và hành vi phổ biến – những con bò là một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
2. Xác định niềm tin sai lầm nào đang lẩn trốn sau mỗi con bò. Hãy đào sâu hơn danh sách những con bò của mình và tìm tòi sự thật ẩn phía sau các ý tưởng sai lầm nằm sau những lời biện bạch. Tự hỏi tại sao chúng đã xuất hiện trong danh mục “đàn bò”. Hầu hết những con bò này đều được ngụy trang dưới những sự thật hiển nhiên khiến chúng ta toàn tâm toàn ý tin là thật.
3. Nhớ rằng bạn đang trả giá đắt cho mỗi con bò mà bạn đang bao che. Lập một danh sách tất cả những hậu quả tiêu cực mà nó đã gây ra trong cuộc đời bạn rồi viết ra chi tiết những cái giá phải trả khi còn mang giữ nó.
4. Lập một danh sách những kết quả tích cực mà bạn sẽ bắt đầu trải nghiệm như hiệu quả của việc bạn đã loại bỏ những con bò. Danh sách này sẽ trở thành động lực cho bạn khi bạn thấy sắp bỏ cuộc.
5. Thiết lập những khuôn mẫu hành vi mới. Nếu bạn không trồng vào chậu những ý tưởng mới, niềm tin mang lại sức mạnh và hành vi tích cực, cỏ dại sẽ lại xuất hiện.
Để loại bỏ những con bò này vĩnh viễn, bạn cần có kỷ luật, sự toàn tâm và dứt khoát. Nếu không ra tay hành động thì sẽ không có kết quả.
Kết
Lời tác giả: Hãy sống thế nào để tất cả những giấc mơ của bạn đều trở thành hiện thực và không chấp nhận bất cứ giới hạn nào khiến bạn không thể đạt được những thành tựu trong đời.
Mình chọn đọc cuốn sách này bởi cái tên gây tò mò. Lấy cảm hứng từ một câu chuyện ngụ ngôn, Ngày xưa có một con bò có ý tưởng hay nhưng chưa tới. Cuốn sách này thật quá chung chung và mình cố gắng tìm những điều gì đó khác biệt, đánh mạnh vào tư duy nhưng không có. Vì vậy nó chỉ dừng lại ở mức lý thuyết mà thôi. Nó chưa đào tới tận đáy nên cảm giác chưng hửng và thiếu thốn một điều gì đó trong cách giải quyết vấn đề gợn lên rất rõ. Nếu bạn muốn tìm đọc một cuốn sách có tác động mạnh mẽ đến nỗi bạn phải thay đổi thì đây không phải là cuốn sách dành cho bạn. Tuy nhiên, bạn đang tập tành thói quen đọc sách hàng ngày thì đây sẽ là một cuốn sách khá phù hợp vì nó ngắn và nhỏ nhắn nên bạn có thể mang theo bên mình để đọc trong lúc chờ ai đó hoặc đợi trời tạnh mưa chẳng hạn.
Hi vọng bài review của mình sẽ giúp ích được cho các bạn.
Review chi tiết bởi Excelsior – Bookademy
–
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (Tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]