Vừa đọc lại Một toà thành chờ anh của Cửu Nguyệt Hi, đến nay đã là lần thứ 3 nhưng vẫn vô cùng cảm động. Đây có lẽ là một trong số ít những tác phẩm của Cửu Nguyệt Hi khiến mình cảm thấy cực kỳ mãn nguyện sau khi gấp sách lại. Một kết thúc viên mãn khiến mình không cầm được nước mắt.
Lính cứu hoả – Bác sĩ
Chưa nói đến nội dung, chỉ xét trên phương diện nghề nghiệp hai nhân vật chính, một lính cứu hoả, một bác sĩ khoa ngoại thì cũng đủ hút mình ngay từ đầu đọc lướt qua văn án. Hai loại công việc này gian khổ không nói, cái đáng nói là nó liên quan mật thiết đến mạng người, thế nên đáng ngưỡng mộ, đáng trân quý. Vào truyện rồi mới thấy, tình yêu chỉ là một khía cạnh, những mảnh ghép khác của cuộc sống như cơm áo gạo tiền, sự nghiệp, gia đình được miêu tả vô cùng chân thực và tỉ mỉ. Mối tình của họ cứ vậy đặt trên cái nền của hiện thực tàn khốc, 5 lần bảy lượt bị ngược, độc giả chỉ biết ngậm ngụi chấm nước mắt.
Tuy vậy, mình thích cách Cửu Nguyệt Hi xây dựng hình tượng hai nhân vật chính ở bộ này. Không cầu kì hoa mỹ, đối thoại dung dị nhưng vẫn thấm đẫm tình người. Tống Diệm không phải kiểu chủ nam hoàn hảo nhưng càng đọc càng có hảo cảm. Hứa Thấm ban đầu khiến mình thấy vừa thương vừa giận, sau cùng lại vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ cô.
Nói về Tống Diệm
Ban đầu mình cảm giác thanh niên này mặc dù rất nghĩa khí nhưng khá đầu gấu và vô học. Đọc về sau mới thấy anh ta là người đàn ông rất quyến rũ, có mị lực, cực kì men. Trong công việc là một Trung đội trưởng quyết đoán, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và bảo vệ đồng đội. Trong cuộc sống điển hình là kiểu EQ cao, biết tiến biết lùi, nghĩ trước nghĩ sau. Trong tình yêu thì cố chấp và kiên cường, lặng thầm hy sinh để vun vén cho cuộc sống sau này.
Sau 10 năm gặp lại, rõ ràng anh còn yêu Hứa Thấm rất nhiều nhưng vẫn một mực đẩy cô ra. Anh biết, cho dù tiếp nhận cô thì khúc mắc giữa Hứa Thấm và gia đình vẫn ở đó, chuyện của họ rồi sẽ chẳng đi đâu về đâu. Bởi lúc này, Hứa Thấm không hề có dũng khí để thật sự bắt đầu lại, cô tiến về phía anh chẳng qua xuất phát từ bản năng mà thôi.
Mình còn nhớ đoạn Hứa Thấm uống say và đến Tứ hợp viện của anh làm ầm lên, cô nói cô không giỏi giao thiệp, không làm được luật sư hay kinh doanh, chỉ có thể làm bác sĩ, vì ngành này chỉ cần chuyên tâm vào nghiệp vụ là được. Cô nỗ lực để có thể làm chủ cuộc đời mình, mong mỏi về tương lai của cả hai nhưng tại sao anh vẫn đứng im? Có phải anh không còn yêu cô? Dù khi đó Tống Diệm quay lưng, mình vẫn có thể tưởng tượng cảnh người đàn ông cao lớn đó, lặng lẽ kìm nén những giọt nước mắt, khống chế bản thân không quay lại đi về phía cô. Anh cảm thấy có lỗi vì năm xưa lực bất tòng tâm, không thể mang đến những điều hạnh phúc nhất cho người con gái anh yêu. Tống Diệm hẳn đã rất day dứt khi phải đặt bản thân và Hứa Thấm lên cán cân của tình yêu và mưu sinh, bên nào nặng hơn bên nào.
Sau này Hứa Thấm mới biết, mẹ nuôi của cô, người cô luôn dè dặt và nghe lời, thậm chí vứt bỏ cả tình yêu thuở thiếu thời với Mạnh Yến Thần và chia tay Tống Diệm để sang Mỹ du học, mới là người hại anh thân bại danh liệt. Thử nghĩ mà xem, một người đàn ông, đầu tiên là sĩ diện, thứ hai là sự nghiệp, cuối cùng mới tới tình yêu. Tống Diệm bị người nhà cô hãm hại đến trắng tay. Vậy mà anh vẫn lặng im nhẫn nhịn, không ngừng cố gắng để nhanh chóng lập được chiến công, trở nên xứng đôi với cô. Anh dành dụm tiết kiệm tiền, trả nợ, mua nhà, tích góp cho cuộc sống của cả hai sau này. Mình nhớ Lục Tiệp, người đồng đội trong nhóm lính đặc chủng đã nói: “Thằng nhóc này khi đó nhìn thấy ảnh của em là như phát điên. Mọi người còn gọi nó là Thập Tam Lang liều mạng. Năm đó cứ tưởng nó chết rồi.”
Khi Hứa Thấm còn do dự không biết có nên ở bên anh không, anh đã hoạch định và dự tính tất thảy cho tương lai. Mà công việc của người lính cứu hoả chung quy thật quá gian khổ. Mỗi lần làm nhiệm vụ như thể đặt cược với tính mạng bản thân, biết có thể hy sinh nhưng vẫn như thiêu thân nhảy vào, một phần vì chức trách, một phần vì đồng đội, một phần vì tương lai. Tống Diệm từng nói rằng: “Làm việc lâu như vậy rồi, anh không còn để tâm đến việc thích hay không nữa, mà chỉ nghĩ đây là chức trách của bản thân, đã làm thì phải làm cho tốt.”
Thực sự rất khâm phục khí khái của người đàn ông này.
Nói về Hứa Thấm
Ấn tượng của mình với Hứa Thấm ở phần đầu truyện là một nữ chính do dự, khá rụt rè và hèn mọn trong tình yêu. Cô sợ hãi bản thân sẽ đánh mất gia đình cưu mang mình. Cô không dám đối mặt với hiện thực, không dám làm trái lời gia đình, mà cũng chẳng dám quay về bên Tống Diệm. Mình thật sự không có hảo cảm với nhân vật này. Cô lúc nào cũng nói một đằng, làm một nẻo. Nhưng cũng chính vì thế mà mình thấy truyện thực.
Sở dĩ Hứa Thấm luôn do dự, dè dặt trong tình cảm là vì ngay từ nhỏ cô trưởng thành trong một gia đình tuy giàu có nhưng không hề hạnh phúc. Mẹ ruột cô tự tay đốt nhà, thiêu chết cả gia đình. Cô được cứu nhưng phải sống trong cô nhi viện, đến năm 10 tuổi mới được gia đình họ Mạnh đón về Đế Thành. Nhưng cô sống trong căn nhà đó cũng chẳng vui vẻ gì, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Sợ bị bỏ rơi, bị mẹ Phó ghét bỏ. Nếu gia đình họ Mạnh không thu nhận cô thì cô sẽ không còn ai nữa. Chỉ có khi ở bên Tống Diệm, cô mới trở nên hoạt bát vui vẻ, bao uất ức dồn nén bấy lâu cứ vậy mà phát tiết. Chính bóng lưng gầy gò và yếu đuối của cô đã khiến Tống Diệm bất giác mềm lòng, không tự chủ được mà muốn bảo vệ và che chở cho cô.
Phần đầu truyện, Hứa Thấm được miêu tả như một cái xác không hồn, sống như để tồn tại, mọi cảm xúc dường như đã chai lì. Cô kìm nén bản thân, từ ánh mắt, cử chỉ đến lời nói đều mang vẻ bải hoải, mỏi mệt, dường như nỗi bi thương trong cô đã lên đến cùng cực. Gặp lại Tống Diệm, nhân vật này mới trở nên sống động hơn, dù chỉ là những cảm xúc tiêu cực: nhớ mong, tiếc nuối, hổ thẹn và uất ức. Người nhà họ Mạnh đối đãi với Hứa Thấm tốt thì tốt thật, nhưng họ chỉ coi cô như một công cụ trong cuộc hôn nhân chính trị nhằm trải đường cho Mạnh Yến Thần. Giống như lời Tống Diệm nói với Mạnh Yến Thần ở dưới sân nhà cô: “Các người ép cô ấy ra nông nỗi này. Cô ấy uống thuốc ngủ và thuốc chống trầm cảm. Nếu tình trạng này còn tiếp tục, tôi không biết đến lúc nào cô ấy sẽ nhảy từ trên kia xuống mất.” Càng đọc, sẽ càng thấy Hứa Thấm rất đáng thương.
Bác sĩ Hứa mặc dù khá lạnh lùng nhưng thi thoảng cũng có những phát ngôn khiến người ta giật mình và buồn cười. Cô cho rằng: “Y học cũng chỉ là một ngành khoa học. Bác sĩ chỉ cần làm đúng nghĩa vụ và chức trách của mình là được, bởi vì họ cũng là người bình thường, không phải chúa cứu thế.” !!!
Trận động đất ở Vạn Hương
Mình nghĩ bắt đầu từ đoạn này về sau, truyện mới thực sự hay. Lý do mà mình tách ra hẳn một phần để nói là bởi có rất nhiều tình tiết trong đoạn này vô cùng cảm động.
Khi Vạn Hương xảy ra động đất, lính cứu hoả và bác sĩ đều phải xông ra tuyến đầu. Nghề nghiệp của họ đều đặt cược với sinh mệnh tính mạng con người, thân mang trọng trách, nên dù lo lắng cho đối phương, họ đều buộc mình phải chuyên tâm cho công việc. Mối liên hệ giữa Tống Diệm và Hứa Thấm khiến mình bất giác nhớ tới trận động đất trong Hậu duệ mặt trời, khoảnh khắc anh lính Yoo Si Jin và bác sĩ Kang Mo Yeon lướt qua nhau, ánh mắt nhìn nhau như thể muốn nói bao điều nhưng phải kìm nén. Đặc biệt là cảnh Si Jin thắt dây giày cho bác sĩ Kang, huhu, cảm giác y hệt Tống Diệm và Hứa Thấm lúc này: dù chia tay nhưng không kìm được mà quan tâm đến người kia.
Khi thấy anh bác sĩ nức nở vì tay có thể sẽ bị phế, Tống Diệm đã nói: “Đừng khóc, cậu còn trẻ như vậy, sau này vẫn có thể bắt đầu lại”. Không ngờ lúc Hứa Thấm cấp cứu cho anh ta, cô cũng nói câu y chang vậy.
Tình tiết mà Hứa Thấm và Tống Diệm cùng nhau cứu đứa trẻ còn sống trong bụng người mẹ đã chết cũng rất xúc động. Cảm giác như thể, trong khung cảnh hoang tàn của thảm hoạ, người chết vô số kể nhưng bọn họ lại cứu được thêm một sinh linh nhỏ bé. Bố của đứa trẻ cũng là một người lính, đang làm nhiệm vụ ở nơi khác, không thể về nhà cứu vợ con. Khi đó mình đã nghĩ, trong nghịch cảnh như vậy mà họ vẫn bao dung và hỗ trợ nhau. Điều này còn lớn lao hơn rất nhiều so với chuyện nam nữ thường tình.
Cảm động nhất là cảnh Tống Diệm vì cứu người mà bị thanh ngang đè lên ngực, thân mình bị vùi sau khói bụi, chỉ có bàn tay cong cong lòi ra. Hứa Thấm thấy vậy mới tới nắm lấy tay anh, nhưng chưa kịp nhìn mặt nhau thì anh đã bị khiêng đi. Sau đó cô cũng tất bật vào phòng phẫu thuật cứu người. May mà thanh niên vẫn còn sống, thật sự làm mình thót cả tim khi đọc đoạn này.
Trận động đất Vạn Hương được coi là cao trào của truyện, bởi chính nhờ nó mà Tống Diệm và Hứa Thấm mới nhìn rõ tình cảm của bản thân dành cho đối phương. Hứa Thấm từ đó mới có đủ dũng khí để bỏ qua tất cả trở ngại mà ở bên anh. Tống Diệm cũng bất chấp tương lai mà theo đuổi Hứa Thấm.
Tình yêu của họ
Tình yêu của Tống Diệm và Hứa Thấm phải nói là thực tế đến tàn nhẫn. Trải qua rất nhiều gian truân, máu, và nước mắt, thậm chí 10 năm xa cách dài đằng đẵng, cuối cùng họ cũng về bên nhau. Sở dĩ Tống Diệm và Hứa Thấm có thể ở bên nhau là bởi họ quá xứng đôi và phù hợp. Dù ai rời xa ai, cuộc đời mỗi người đều sẽ không toàn vẹn. Trước sự ăn ý và trọn vẹn như vậy, những thứ khác dường như đã không còn ý nghĩa gì nữa.
Có một chi tiết mà mình rất thích, đó là Tống Diệm luôn hy vọng Hứa Thấm có thể thoải mái bộc lộ bản thân, không cần phải đè nén như trước kia nữa. Lời Tống Diệm nói, nó đúng không chỉ trong tình yêu mà còn trong cuộc sống, bởi chỉ những người yêu thương mới để tâm bạn có bị ấm ức trong lòng không thôi.
Nếu như Hứa Thấm coi Tống Diệm là mục đích sống, thì Tống Diệm lại coi Hứa Thấm như lý do sống. Khoảnh khắc bị ngã trên trên tầng thượng, mình còn nhớ Tống Diệm đã nói, cảm giác nếu bản thân thật sự rơi xuống thì Hứa Thấm sẽ không thiết sống nữa, cô sẽ nhảy xuống theo anh mất. Tối đó khi anh đón cô, Hứa Thấm cũng nói rằng, nếu như anh hy sinh vì nhiệm vụ thì cô sẽ đi theo anh, bằng cách này hay cách kia.
Cũng như khi Tống Diệm đứng trước ngưỡng cánh cửa thăng chức khép lại, cho dù Hứa Thấm tự thấy mình ích kỷ, hèn yếu, nhưng cuối cùng lại không hề kinh hoảng, không hề rối rắm, không còn rơi vào cảnh sợ hãi trước tương lai mịt mờ nữa mà đã toàn tâm toàn ý ủng hộ Tống Diệm làm những việc anh muốn làm. Khoảnh khắc đó, đối với cô, vỗ về đau khổ và áy náy trong nội tâm Tống Diệm quan trọng hơn là cơm áo gạo tiền rất nhiều.
Tình cảm gia đình
Gia đình của Tống Diệm mặc dù không giàu có nhưng người thân của anh, cậu mợ và cô em Địch Miểu đối xử với anh rất tốt. Thế nên con người Tống Diệm mới có thể hào sảng và ấm áp đến như vậy. Trong khi nhà họ Mạnh, nơi nuôi nấng Hứa Thấm, dù vật chất đủ đầy nhưng cách giáo dục về lối sống và đối nhân xử thế có vấn đề. Mạnh Yến Thân và Hứa Thấm đều sống như những con rối, bị gò bó và ép đến gần như phát điên.
Lần đầu đọc mình cũng không để ý những điều này lắm, nhưng giờ mới nhận ra: Gia đình quả thực rất quan trọng. Nó có sức ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách và lối sống của một con người. Một đứa trẻ trưởng thành như thế nào, thái độ của nó với cuộc sống ra sao có phần không nhỏ do chính những người thân bên cạnh mà ra.
Lời kết
Tác phẩm này với mình mà nói không chỉ dừng lại ở một quyển tiểu thuyết tình yêu, mà hơn thế là một lát cắt của cuộc sống, một câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn và dư vị cuộc đời. Có lẽ lúc rỗi mình sẽ đọc lại vài lần nữa, bởi mỗi lần đọc mình đều phát hiện ra nhiều hơn những ý nghĩa sâu sắc đằng sau nó.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^