Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng nhân tố con người, coi đó là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng, đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển. Vấn đề “phát triển con người toàn diện” trong các văn kiện của Đại hội XII được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020. Đó là xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Một con người toàn diện cần phát triển hài hòa, đầy đủ các mặt đức, trí, thể, mỹ. Do đó, việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện không phải là riêng của từng bộ, ngành mà là nhiệm vụ chung, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, toàn hệ thống chính trị và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp đồng bộ.
Phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ có phần góp sức của nhà trường. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
Coi trọng giáo dục nhân cách từ gia đình
Tuy không phải là thiết chế duy nhất có vai trò, trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ nhưng gia đình là môi trường giáo dục có tầm quan trọng quyết định việc hình thành nhân cách con người. Giáo dục từ nhà trường và xã hội chỉ phát huy hiệu quả khi lấy giáo dục gia đình làm cơ sở. Từ nền tảng giáo dục gia đình, mỗi người cần được bồi đắp thêm đức, trí, thể, mỹ trong nhà trường, xã hội với các tri thức, kỹ năng sống đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay.
Bà Trần Thị Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Sau nhiều năm đổi mới, Việt Nam đang đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đạo hóa, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giáo dục nhân cách cho con người ngay từ gia đình là một vấn đề quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân đang có những biểu hiện sa sút nghiêm trọng, vai trò của gia đình và giáo dục gia đình đối với việc hình thành, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước trở nên quan trọng hơn lúc nào hết.
Nghiên cứu của nhiều chuyên gia và thực tiễn cuộc sống đã cho thấy, trong giáo dục gia đình, người lớn phải dạy cho trẻ ngay từ nhỏ những điều giản dị nhất như chào hỏi, cảm ơn, nhặt được của rơi phải trả lại người mất, kính già, yêu trẻ, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn, ai cũng có trách nhiệm với bản thân, xã hội… Thế nhưng trong thời kỳ kinh tế thị trường, các bậc cha mẹ phải bắt nhịp với guồng quay hối hả của cuộc sống, bị vòng xoáy của công việc cuốn đi. Nhiều gia đình quá coi trọng giá trị vật chất mà quên đi giá trị tinh thần, không ý thức được tầm quan trọng của giáo dục gia đình với thế hệ trẻ, coi nhẹ việc chăm lo, bồi đắp tình yêu thương – chất keo gắn kết sự bền vững của mỗi gia đình.
Thực tế trong xã hội đã có những gia đình phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, ở nhà giao phó cho người giúp việc. Trong khi đó, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở nhà trường không thể thay thế được vai trò giáo dục của gia đình và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn bất cập. Mặt khác, với cách dạy quá nuông chiều con trẻ ở nhiều gia đình, nhất là gia đình thành thị vốn ít con, theo các chuyên gia là không tốt, sẽ dẫn đến hậu quả là con trẻ thiếu kỹ năng sống, vô cảm, vô ơn. Nhiều trẻ không biết cách ứng xử, thậm chí hỗn hào với người lớn, bắt nạt người bé hơn vì quen được nuông chiều, muốn gì được nấy.
Khi trưởng thành, những đứa trẻ như vậy thường không chịu được sức ép của cuộc sống, đạo đức không được giáo dục đầy đủ nên luôn đặt cái tôi cá nhân lên trên hết, không còn biết sợ, không đủ nhân ái, vị tha và chia sẻ với người khác…
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với 4 tiêu chí: Ứng xử vợ chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em. Các tiêu chí này góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các tiêu chí giúp củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội…
Hoàn thiện con người Việt Nam
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là cơn lốc toàn cầu hóa, con người Việt Nam có những biến đổi phức tạp. Một mặt đó là sự nâng cao rõ rệt về trình độ học vấn, sự phát lộ về tài năng, trí tuệ; sự cải thiện đáng kể về thể chất, tầm vóc.
Nhưng mặt khác đó là những chuyển biến tiêu cực về đạo đức, lối sống; sự tha hóa về nhân cách; rối loạn về thị hiếu thẩm mỹ; lệch lạc trong nhân sinh quan, thế giới quan… Từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá kịp thời công cuộc xây dựng con người Việt Nam hiện nay để có những điều chỉnh, đối sách phù hợp, hiệu quả.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế; hướng tới các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học để xây dựng con người Việt Nam có đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, có tinh thần nhân văn, ý thức lao động; đề cao trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc xây dựng đạo đức xã hội hiện nay cần được chấn chỉnh, củng cố niềm tin vào chế độ. Trong đó, cần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, khắc phục bệnh thành tích, nói không đi đôi với làm. Các cấp lãnh đạo cần phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất. Gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách. Báo chí cần đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống suy thoái đạo đức, lối sống; tăng cường biểu dương các nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Mặt khác, cần đề cao vai trò giáo dục, cảm hóa của văn học nghệ thuật, hướng con người đến chân – thiện – mỹ… Về mặt giáo dục, bồi dưỡng trí tuệ cần triển khai có hiệu quả chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế tri thức, sự phát triển của khoa học, công nghệ; phối hợp giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; ứng dụng công nghệ mới, các phương pháp giáo dục phù hợp. Đối với việc nâng cao thể chất, cần thực hiện tốt chương trình tổng thể nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030; phát động các phong trào tập luyện thể thao, phát huy các thiết chế thể thao ở cơ sở nhằm nâng cao thể chất, tăng tuổi thọ, lành mạnh hóa lối sống của nhân dân. Đặc biệt cần có sự liên kết giữa các ngành chức năng nhằm gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống. Đặc biệt, về nâng cao năng lực thẩm mỹ, các ngành chức năng cần triển khai chương trình giáo dục nghệ thuật nhằm nâng cao năng lực cảm thụ, trình độ thẩm mỹ cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Các văn nghệ sĩ cần sáng tạo thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người; thực hiện tốt chương trình sân khấu học đường; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: Bên cạnh các giải pháp hành chính, pháp luật, giáo dục, văn hóa… cần chú trọng việc cải thiện đời sống vật chất của người dân như giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút nhân tài, bổ nhiệm theo năng lực và phẩm chất cá nhân./.
Theo TTXVN