Tác phẩm viết về gia đình tội phạm Mafia của Mario Puzo nó đặc biệt ở chỗ, viết về Bố già nhưng lại đậm đặc chất đàn ông mà mọi cánh mày râu đều ao ước, và sau tất cả là tình cảm gia đình, thứ thiêng liêng cao đẹp luôn được đặt ở trên hết, ngay cả trong một gia đình tội phạm.
Bố già (tên tiếng anh The Godfather) là một câu chuyện dài, một câu chuyện truyền cảm hứng xoay quanh gia đình mafia gốc Ý. Nhân vật chính là ông trùm Vito Corleone trong những năm tháng cuối đời và những biến cố bất ngờ liên tục xảy đến cho gia đình tưởng như yên ấm của ông.
Từ một gia tộc quyền lực, chỉ vì từ chối hợp tác bán ma túy cùng thế lực xã hội đen mới nổi, The Godfather đã bị ám sát, tuy không chết bởi hàng chục viên đạn, nhưng sau vụ đó cả gia tộc của ông đã suy yếu đi đáng kể, bởi thiếu đi một người lãnh đạo đúng nghĩa. Ông có một người con gái, một con nuôi làm ca sĩ, một con rể vũ phu, và 3 người con trai làm nên điểm nhấn cho toàn bộ mạch truyện.
Tác giả Mario Puzo khiến Bố già trở thành kinh điển, khi viết về mafia nhưng không nói nhiều về ma túy, máu và cờ bạc mà lại tập trung miêu tả những âm mưu, những biến cố của gia đình, cách mà từng thành viên của gia tộc ứng biến với khó khăn. Khí chất của những “tiểu ông trùm” qua đó cũng được khắc họa rõ nét. Giữa giông bão có kẻ hèn nhát bỏ trốn, có kẻ quay lưng phản bội, có kẻ vũ phu dùng bạo lực trấn áp để rồi chết trong tức tưởi. Sau tất cả, những người tưởng như yếu đuối ban đầu sau cùng lại làm nên nghiệp lớn, và kẻ thông minh nhất lên kế hoạch cho mọi thứ, không ai khác lại chính là Bố già!
Làm tất cả mọi thứ vì gia đình
Xuyên suốt hành trình của Bố Già, Mario Puzo khiến nó nổi tiếng không phải bởi vì có những mưu sâu kế hiểm trong một thế giới mafia đầy rẫy chết chóc, càng không phải tiền bạc & quyền lực. Bởi những thứ đó, Holywood và những dòng phim điện ảnh thời bấy giờ thừa sức thể hiện xuất sắc.
Và cũng không thiếu những tiểu thuyết kinh điển đã làm mưa làm gió trước khi Bố già ra đời.
Bởi vậy cái làm Bố già trở nên tiểu thuyết kinh điển & huyền thoại, cái đã thực sự làm nên thương hiệu của loạt series Bố già, chính là xuất phát, mục tiêu từ đáy của mỗi hành động: tất cả là vì gia đình.
Dù phải làm tất cả, phải “đưa ra một lời đề nghị hắn không thể chối từ”, không phải để thể hiện quyền lực, mà là nâng tầm sự quan trọng của những người thân trong gia đình.
Rõ ràng ông trùm không rảnh để quan tâm tới những điều nhỏ nhặt, nhưng một khi ai đó là người trong gia đình Corleone khẩn cầu, thì dù nhỏ bé hay lớn lao tới đâu, tất cả đều phải được giải quyết.
Phong thái của những người đàn ông xuất chúng
Cái cách mà những thành viên của Corleone thể hiện cho những kẻ thù khiếp sợ khiến cho bất cứ ai mơ mộng về quyền lực đỉnh cao luôn khao khát lấy đó làm kim chỉ nam dẫn đường
Con nuôi của Bố Già, Luật sư Tom Hagen lặng lẽ ngồi ăn cơm trước hàng tá lời mạt sát sỉ vả của tay đạo diễn phim Holywood – Jack Woltz ngay tại nhà riêng của hắn. Ăn xong, Tom ngước lên, chùi mép và nói lời cảm ơn vì bữa ăn! Một thứ quyền lực thật đáng sợ. Kẻ mạt sát bằng những lời thô tục nhất cuối cùng đã phải câm nín, và run rẩy. Bởi vì gã cũng hiểu rằng, với gia đình nhà Corleone, họ đã đưa ra “đề nghị” thì không thể nào thương lượng được nữa.
Cái cách mà thân tín của Vito Corleone – Clemenza xử đẹp kẻ phản bội. Lúc đó gã đang đi tè ngoài đường, còn trong xe là một tiếng súng nổ. Đơn giản và gọn gẽ. Người đàn ông đã nói là làm thực sự đáng sợ, nhưng không nói, chỉ lặng lặng mà làm, còn đáng sợ hơn bội phần.
Cái vẻ mặt của “bố già mới” – Michael Corleone khi ngồi trước mặt ông em rể – chính là kẻ phản bội, để chất vấn hắn về cái chết của anh trai (Sony). Đủ lạnh lùng để cả thân cận là Tom cũng rợn tóc gáy. Và đủ chân thật một cách vô cùng thông minh, để khiến gã phản bội tự thú, vì hắn nghĩ hắn còn cơ hội sống sót. Nhưng sau đó, không có sau đó nữa.
Và cuối cùng là phong thái của ông trùm, The God Father, Bố già Vito tại cuộc họp thượng đỉnh, đàm phán hòa bình với 5 gia tộc đối đầu ở New York. Trong bối cảnh mà trước đó Ông bị đạn bắn suýt chết, chưa kịp bình phục đã phải nhận 2 hung tin. Thằng con cả Sony vì nông nổi đã bị bắn chết, gương mặt nát bét vì những mảnh đạn. Còn thằng con út Michael thì lưu lạc trốn tha phương và luôn thấp thỏm bị kẻ thù truy sát!
Với địa vị của một ông trùm tối cao, với sự tự tôn của mình, với niềm tin về một gia đình an toàn và sự bảo vệ tuyệt đối, một Vito đủ ma lanh khôn ngoan với hơn 30 năm trên thương trường, liệu có để yên cho kẻ thù tự tung tự tác như vậy không? Chắc chắn là bất cứ ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ nói không. Như Sony đã nói, giết sạch bọn chúng, tắm máu New York!
Đó là suy nghĩ của một gã đàn ông bình thường, một kẻ thất phu không hơn không kém!
Bố già Vito thì khác, ông bình thản thiết lập một buổi hẹn hòa bình, giao ước với 5 gia tộc: Sẽ cho chúng mọi quyền lợi chúng muốn. Ông sẽ không trả thù. Ông sẽ cho phép bọn chúng được kinh doanh ma túy như chúng muốn. Ông không giúp chúng, cũng không cản trở!
Một bước lùi để đổi lại duy nhất một thứ! Con trai út của ông, Michael Corleone được trở về, bình yên, an toàn!
Có lẽ để đến khi đọc hết chương cuối cùng, độc giả mới vỡ lẽ ra vì sao Bố già Vito lại làm vậy để rồi ngả mũ thán phục tài năng của ông trùm.
Khoảnh khắc đẹp nhất của ông, chính là cái vẻ u uất đến bình thản khi thiết lập hội nghị hòa hoãn ấy. Và chừng đó thôi, đủ để con tim của bao nhiêu đấng nam nhi phải nhảy nhót, vì kính phục.
Đàn ông là phải thế. Biến cố lớn, bình thản đón nhận. Và vạch sẵn hướng đi, để vùng lên. Tưởng yếu nhưng mạnh, tưởng lùi mà thực ra là tiến!
Một nước cờ “bỏ xe giữ tướng”. Một toan tính mưu hiểm khó lường. Đàn ông xuất chúng, phong thái thực sự khác biệt. Đàn ông đỉnh cao được như Vito, trên đời này khó kiếm.
Xem thêm:
Ông già và biển cả
Thép đã tôi thế đấy: Cội rễ văn chương Nga về những chiến binh anh hùng cách mạng
Chuông nguyện hồn ai: Bản anh hùng ca dành tặng tâm hồn người lính
Một góc nhìn mới về thế giới tội phạm : Khi dấn thân vào tội ác là một lựa chọn bất đắc dĩ
Vito Corleone bỏ làng ra đi vì bị kẻ thù truy sát, trốn từ Ý sang New York mưu sinh, và cuộc đời mafia của Bố già cũng bắt đầu bằng việc tiêu diệt gã bảo kê ở trong khu phố anh mưu sinh nhọc nhằn. Một lựa chọn bất đắc dĩ, nhưng khả dĩ nhất, và cũng là lựa chọn sáng suốt thông minh nhất của ông già! Gạt bỏ mọi yếu tố đạo đức, ở một xã hội loạn lạc, cái mà mọi người đàn ông cần làm để bảo vệ gia đình: Phải Sống sót!
Không phải kẻ giết người nào cũng máu lạnh tàn nhẫn. Qua góc nhìn nhận tội phạm cũng đã từng có một quá khứ không êm ái, Mario Puzo đã cho độc giả thấy mình tài tình như thế nào!
Khi đã quá nhiều những bộ phim, tiểu thuyết với việc kẻ đóng vai chính nghĩa anh hùng tiêu diệt những ác nhân giết người hàng loạt, thì việc khắc họa một “dân thường” bắn chết cảnh sát trở nên thật lạ lùng.
Michael là “dân thường” trong cái thế giới Mafia đầy ảm đạm ấy. Anh ta muốn thoát ra khỏi gia tộc tội phạm. Anh ghét chính gia đình mình, dù vẫn tôn trọng bố già, vẫn yêu thương các anh chị em trong gia đình. Thế nhưng anh không muốn nhúng tay vào tội ác như những thành viên khác.
Bởi thế nên khi nhà văn Mario Puzo miêu tả cảnh Michael cầm súng đi giết hại tên cảnh sát ăn hối lộ & tên trùm ma túy, kẻ đứng sau vụ ám sát bố già, tất cả đều bất ngờ. Tại sao Michael Corleone lại “biến chất” nhanh đến thế?
Thế giới của Michael trước khi bố già gặp nạn, là một anh hùng hải quân, là một vị lính trẻ, là một công dân Mỹ thực thụ. Anh ăn học đàng hoàng, có một mối tình đẹp như mơ với cô bạn gái dự tính kết hôn. Anh muốn hoàn toàn rũ bỏ quá khứ đen tối trong gia đình của mình. Anh muốn thật sự khác biệt.
Bằng chứng là ngay trong lễ cưới của em gái mình, Michael đã nói với Kay: “tin anh, anh không giống họ – ám chỉ những thành viên còn lại trong gia đình”. Thậm chí anh không thèm mặc vest cho lịch sự hợp thời với một đám cưới của gia tộc, mà anh mặc hẳn quân phục người lính- một bằng chứng cho thấy sự xa cách với gia tộc tội phạm.
Nhưng ai rồi cũng khác, khi chứng kiến Bố già nằm viện trong sự bất lực vì không có ai bảo vệ, một mình anh ta phải đưa ra quyết định dũng cảm (sau này mới nhận ra đó là một hành động thực sự ngu ngốc). Tấn công trước khi kẻ địch kịp làm hại ông già!
Ai làm con trong hoàn cảnh đó cũng hành động vậy thôi! Nếu bạn nghĩ như thế thì thực sự sai lầm. Bởi Bố già có 3 người con trai tất cả, ngoại trừ Sony, Michael thì chúng ta còn có thêm ông anh Fred ăn tàn phá hại nữa.
Cùng là con, nhưng khi bố già gặp nạn, gã chỉ biết run rẩy sợ hãi. Khi cả gia tộc lâm nguy, hắn đi ăn chơi đập phá cùng với hàng loạt gái mại dâm!
Và khi Sony phải gánh trách nhiệm thủ lãnh, thì việc Michael không còn lựa chọn nào ngoài việc “Trở thành kẻ xấu” – Breaking bad! Hơn 30 năm sau kể từ cái ngày Vito đặt chân tới nước Mỹ, đứa con út thông minh nhất của ông đã “kế thừa” thương hiệu mà ông để lại.
Một sự lựa chọn bất đắc dĩ, trở thành tội phạm là một bước dấn thân mà một đi không trở lại. Và có tính kế thừa của những gia tộc Mafia. Hoàn toàn có thật trong thế giới tội phạm lúc bấy giờ
Đọc thêm: Ebook Bố già bản tiếng Anh (pdf, download here)
Vài nét về tác giả Mario Puzo
Mario Puzo sinh ngày 15 tháng 10 năm 1920 trong một gia đình người Ý nhập cư sống ở khu “Hells Kitchen”, thành phố New York. Trong thời kì tại ngũ sau Chiến tranh Thế giới II , ông theo học Cao đăng thành phố New York theo diện ưu đãi của chính phủ dành cho quân nhân đồng thời là một cây bút tự do. Trong giai đoạn này, ông đã viết hai tiểu thuyết đầu tiên, The Dark Arena (1955) và The Fortunate Pilgrim (1964).
Tác phẩm của ông được giới phê bình đánh giá cao nhưng không thành công về mặt thương mại, vì vậy ông đã quyết tâm viết một tác phẩm thuộc hàng “ăn khách”. Tiểu thuyết Bố già – The Godfather (1969) là một thành công vang dội. Sau kiệt tác này, ông đã hợp tác với đạo diễn Francis Ford Coppola xây dựng kịch bản cho loạt phim Godfather gồm ba phần và giành giải Oscar cho hai phần đầu là The Godfather (1972) và The Godfather Part II (1974).
Cho đến nay, bộ phim Bố Già I, sản xuất & công chiếu năm 1972 vẫn nằm ở top 2 trong 100 những bộ phim hay nhất của Viện Phim Mỹ
Bộ phim Bố Già II, ra đời 2 năm sau đó, cũng mang đến hàng loạt giải thưởng để đời cho cá nhân diễn viên chính và cả bộ phim được đề cử lọt top những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Tác giả Dũng Phan khi bình phẩm về bộ phim, đã phải thốt lên rằng làm đàn ông nếu Đọc sách thì hãy đọc “Bố Già 1”, mà xem phim, thì phải xem “Bố Già 2”.
Sau hành trình rực rỡ ấy, Mario Puzo tiếp tục cho ra đời nhiều tiểu thuyết thành công bao gồm Fools Die (1978), The Sicilian (1984), The Fourth K (1991) và The Last Don (1996). Ông cũng tham gia biên kịch cho những bộ phim kinh điển như Superman (1978) , Superman II (1980) và The Cotton Club (1984)
Mario Puzo qua đời ngày 2 tháng 7 năm 1999 . Tiểu thuyết cuối cùng của ông , luật im lặng Omerta được xuất bản năm 2000.
Một số dịch phẩm từ tiểu thuyết của ông tại Việt Nam:
– Đấu trường u ám ( The Dark Arena )
– Đất khách quê người ( The Fortunate Pilgrim )
– Bố già ( The Godfather )
– Những kẻ điên rồ phải chết ( Fools Die )
– Đất máu Sicily ( The Sicilian )
– Ông trùm cuối cùng ( The Last Don )
– Luật im lặng ( Omerta )
– Cha con Giáo hoàng ( The Family)
Về sự ra đời của cái tên sách Bố già: Dịch giả Ngọc Thứ Lang qua lời giới thiệu của nhà sách Đông A
Ngọc Thứ Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Tú, biệt danh là Công tử Bắc Kỳ, vào Sài Gòn lập nghiệp khoảng năm 1950. Ngọc Thứ Lang là dịch giả của thời kì trước năm 1975, đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nhưng có lẽ Bố Già là một dấu son trong sự nghiệp của ông.
Năm 1969, tác phẩm The Godfather của Mario Puzo được xuất bản ở Mỹ. Năm 1970, tại miền Nam Việt Nam, nhật báo Chính luận đã đăng nó dưới dạng tiểu thuyết nhiều kỳ với tựa đề Cha đỡ đầu do nhà Văn Trịnh Tấu dịch từ bản tiếng Pháp, nhưng vì lối hành văn không hấp dẫn người đọc nên bị ngừng đăng giữa chừng.
Tới năm 1972, bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh ra mắt và đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều độc giả. Nếu như The Godfather của Mario Puzo khi vừa xuất bản đã nằm trong danh sách sách bán chạy nhất suốt 67 tuần, thì Bố Già của Ngọc Thứ Lang cũng “làm mưa làm gió” ở Sài Gòn suốt những năm 70 của thế kỉ trước.
Bản thân cái tên Bố Già cũng là một sáng tạo vô tiền khoáng hậu của Ngọc Thứ Lang. Các dịch giả khác đã dịch The Godfather thành Cha đỡ đầu, Cha Thánh hay Cha Chúa nhưng không có tên nào ấn tượng như cái tên Ngọc Thứ Lang chọn cho bản dịch của mình. Một số dịch giả sau này khi chuyển ngữ The Godfather cũng học tập Ngọc Thứ Lang và lấy tựa đề Bố Già cho bản dịch. Ngọc Thứ Lang không phải người đầu tiên, và cũng chẳng phải người cuối cùng chuyển ngữ The Godfather sang tiếng Việt , nhưng bản dịch của ông chỉ được dấu ấn trong lòng người đọc nhất. Cái hay, cái khiến người đọc say mê có lẽ nằm ở chính giọng văn đậm chất giang hồ súng đạn của người dịch. Nhiều người nói rằng nếu đọc The Godfather của Mario Puzo , hãy tìm đúng bản dịch của Ngọc Thứ Lang để thấy chất đàn ông trong đó . . .
Link mua sách Bố già của Đông A
- Link 1: giảm 30%
- Link 2: giảm 37%