Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, định nghĩa bình luận là: “ Bàn và nhận xét, đánh giá về vấn đề gì đấy” . Trong đó bình là: “tỏ ý khen chê, nhằm bình phẩm đánh giá; bàn bạc đánh giá để cân nhắc, lựa chọn” và luận là: “ bàn bạc, dựa vào lý lẽ mà suy ra ”
Như vậy, bình luận được hiểu là những đánh giá, phân tích, nhận xét bàn bạc về một vấn đề nào đó. Nhưng có thể thấy, cách hiểu này thể hiện sự thiếu rạch ròi, chưa thật sự phân biệt rõ hai yếu tố bình và luận, nếu ghép chúng lại thành bình luận thì ý nghĩa của chúng cũng không khác nhau mấy. Nên phân biệt bình là nêu quan điểm thái độ; còn luận là phân tích, đánh giá, bàn bạc, suy luận. Bình có thể là tiền đề của luận, ngược lại luận là cơ sở cho bình. Và bình luận là tổng hợp của hai yếu tố, tức là bao hàm cả việc phân tích, đánh giá và nêu quan điểm.
Quảng Cáo
Trên thực tế, giữa bình và luận không có sự tách biệt tuyệt đối, chúng luôn đan xen với nhau, đi liền với nhau và trật từ tuyến tính sau trước giữa chúng cũng hết sức tương đối, phụ thuộc vào chính bản thân sự phong phú của cuộc sống và các vấn đề cần bình luận.
Bình luận theo nghĩa thông thường và đơn giản nhất còn được hiểu là ý kiến, quan điểm của một người về một vấn đề nào đó. Nhưng để hiểu về bình luận một cách đầy đầy đủ, phải luôn gắn với sự lập luận đánh giá trên cơ sở những lí lẽ, căn cứ lôgíc, thuyết phục chứ không phải chỉ mang tính cảm tính đơn thuần.
Quảng Cáo
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, bình luận là: “ phân tích, nhận định, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hoá, kĩ thuật…) trên báo đài, vô tuyến truyền hình để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người đọc, người nghe. Bình luận chủ yếu là vận dụng trí tuệ và tư duy lôgíc để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng khác khi thực hiện chức năng thông tin tuyên truyền” .
Trong định nghĩa này, bình luận được xếp vào mảng nội dung thông tin và được giải thích như một thể loại dành riêng và thuộc về báo chí. Đây là định nghĩa khá đầy đủ và gần với định nghĩa thể loại.
Quảng Cáo
Các tác giả Trần Quang, Trần Thế Phiệt và nhóm tác giả của cuốn “ Giáo trình nghiệp vụ báo chí” và “ Nghề nghiệp và công việc của nhà báo” cũng đều khẳng định có một số tên gọi khác của bình luận, phổ biến nhất là nghị luận. Các tài liệu nghiên cứu trước đây đều sử dụng khái niệm này và trong lịch sử báo chí Việt Nam người ta cũng đặt tên các bài viết dạng này là văn nghị luận. Mặc dầu vậy, đến nay, tên gọi bình luận đã được thống nhất và được sử dụng khá nhất quán với các tiêu chí tương đối ổn định trên cả phương diện lí luận và thực tiễn.
Trong tiếng Anh có nhiều từ được dùng gần với nghĩa bình luận, đó là: critic với nghĩa “phê bình, quan sát, nhận xét, và bình luận”; analysis với nghĩa phân tích nhận định; hay point of view, opinion với nghĩa “quan điểm”…Các tên gọi khác nhau này được sử dụng rải rác trên các tài liệu tiếng Anh vốn rất ít bàn đến thể lọai và được dùng như tên các chuyên mục bình luận trên báo.
Nhưng phổ biến và chính xác nhất để chỉ bình luận và thể loại bình luận là commentary nghĩa là “chú giải, giải thích nhận xét, bình luận, tác phẩm bình luận” và commentator, nghĩa là “nhà bình luận, bình luận viên”. Tuy nhiên, rất có thể do đặc thù của báo chí phương Tây về phương diện lí luận thể loại mà người ta coi commentary vừa là bình luận vừa là tường thuật và commentator vừa là nhà bình luận vừa là người tường thuật. Điều này, có lẽ đúng với các chương trình tường thuật bóng đá mà ở đó người ta vừa tường thuật vừa bình luận.
Căn cứ trên phương diện gốc của từ “ comment ” trong tiếng Anh, có thể hiểu bình luận với nghĩa đúng của nó là commentary. Tên gọi này cũng được thông dụng trong một số văn bản, tài liệu bằng tiếng Việt và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)