Lester đang gặp khủng hoảng trung niên, kèm theo đó là sự chán ghét bản thân, công việc và thậm chí phần nào đó là vợ con của chính mình. Carolyn người vợ thì luôn xem trọng vẻ bề ngoài, những bóng bẩy và ham muốn có được hào nhoáng của công việc hơn là thành công nuôi dạy con gái và để ý tới gia đình. Jane cô con gái, đang trong độ tuổi teen, tâm lý luôn bất ổn, cô cộc cằn, thiếu lập trường, sống có phần buông thả và có xu hướng đẩy bố mẹ ra xa mình.
Ra mắt vào năm chuyển giao của thế kỷ và cũng cùng thời với phim Fight Club. Đến giờ American Beauty vẫn được xem như một tuyệt phẩm và giá trị mà phim đem lại gần như vẫn chưa bao giờ là lỗi thời. Hiếm có phim nào khiến mình phải suy ngẫm, cố hiểu ra cái mà nhà làm phim muốn truyền đạt qua từng ngóc ngách, từng nhân vật trong phim được như American Beauty.
Không chỉ gia đình Burnham mà mỗi nhân vật trong phim đều phần nào đại diện cho một kiểu người, đồng thời nói lên những mặt tối trong xa hội Mỹ. Đặc biệt, mình muốn nhắc đến ở đây nhân vật Frank, bố của Ricky một người tuy ít có đất thể hiện nhưng khiến bản thân mình phải suy nghĩ khá nhiều. Ngay những thước phim đầu tiên về nhân vật này, ta được biết ông là người phép tắc và có phần bạo lực thái quá trong nuôi dạy con đồng thời là một người kỳ thị đồng tính. Nhưng càng đến cuối phim, người xem lại càng phần nào biết được thêm về nhân vật này, thực chất, ông là người đồng tính. Có thể vì tự ti, Frank đã tự từ chối giới tính thật, ghét bỏ bản thân mình. Ông chọn trở thành “đàn ông” như bao người khác, kiểu đàn ông độc hại, dùng nắm đấm với con của mình, và thích đặt bản thân lên trên tất cả…
American Beauty lên án mạnh mẽ việc treo bán bản thân bằng sự bóng bẩy, hay vẫn được gọi là Chủ nghĩa tiêu dùng (Đại loại giống như trong Fight Club) nổi bật nhất qua nhân vật người vợ Carolyn. Khi bà luôn đặt kỳ vọng lên bản thân và gia đình cao quá mức có thể, luôn muốn mình có được hình ảnh của sự thành công, trong khi đó lại luôn ngó lơ cái mà mình xin phép gọi là gốc rễ của một sự nghiệp đó là gia đình! Phải, Carolyn bỏ bê gia đình để theo đuổi sự thành công thì vốn dĩ, cô đã thất bại rồi. Sau cùng, khi người vợ mất hoàn toàn niềm tin vào gia đình, chồng con, cô hoàn toàn đơn độc và cần sự dựa dẫm, từ đó Carolyn bắt đầu ngoại tình và càng ngày càng tách xa khỏi gia đình.
Bên cạnh đó phải nói đến Lester và Jane. Ông bố do quá thiếu thốn tình cảm từ vợ, đã vô tình trở nên mê đắm người bạn của con gái mình. Jane thấy ghê tởm mối quan hệ này. Tuy Lester đã cố hàn gắn nhưng gần như vẫn có cái gì đó khiến hai bố con không thể thật sự hiểu và thông cảm cho những khó khắn của nhau…
Hình ảnh hoa hồng luôn xuất hiện trong suy nghĩ của Lester không chỉ thể hiện dục vọng, mà màu đỏ của hoa sau này còn là màu đi theo nhân vật trong phần còn lại của phim. Điều này như muốn nói lên rằng, tuy có vẻ là sai trái nhưng thực sự mối quan hệ với cô bạn nữ của con gái đã cứu rỗi Lester rất nhiều và nhờ nó mà ông cảm thấy như bản thân mình vừa tỉnh dậy sau nhiều năm hôn mê.
Năm 1999 có vẻ như là một năm cực kỳ sôi nổi với điện ảnh Mỹ, khi nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc ở nhiều thể loại khác nhau đều đồng loạt ra mắt và gây ấn tượng cho khán giả đến tận bây giờ. Có thể kể đến như Fight Club, The Matrix, The Green Mile, The Sixth Sense,… Nhưng American Beauty vẫn tạo nên dấu ấn riêng của mình khi bộ phim gắn liền với thực tế về xã hội Mỹ lúc đương thời.
Đặc biệt hơn, phim đã thắng 5 giải Oscars năm 2000, bao gồm những hạng mục: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất cho Sam Mendes, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Kevin Spacey, Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất. Bộ phim cũng được chấm với số điểm 8.3 trên trang IMDb, nằm trong top 250 phim hay nhất của trang IMDb, chứng tỏ sức sống lâu bền của phim trong lòng khán giả.