BHG – Tỉnh ta có 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét đặc sắc riêng về trang phục. Trong đó, phải kể đến phụ nữ dân tộc Mông có những bộ trang phục vô cùng cầu kì với các đường nét, hoa văn độc đáo và mang nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống hàng ngày, đời sống tâm linh.
Các đường nét trên trang phục của người Mông không chỉ là họa tiết thông thường để trang trí, nó còn có ý nghĩa kết nối quá khứ với hiện tại và những ước vọng, cảm xúc trong cuộc sống, để nhắc nhở nhau nhớ về lịch sử, văn hoá truyền thống của dân tộc. Bà Sùng Thị Máy, Phó Giám đốc HTX Dệt lanh xã Cán Tỷ (Quản Bạ), chia sẻ: Người Mông thường sống trên những triền núi cao nên họ chọn gam màu sắc sặc sỡ (xanh, đỏ, tím, vàng). Họ coi những màu sắc này sẽ mang đến may mắn, ấm no, hạnh phúc. Qua đó, cũng thể hiện những khát vọng về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Họa tiết trong trang phục của người Mông chủ yếu là hoa văn hình xoắn ốc, trái tim, hình vuông, chữ nhật, zích zắc và một số biểu tượng gắn liền với cuộc sống như: Sấm chớp, dụng cụ lao động, con vật, các loài hoa… được thể hiện qua từng đường nét uốn lượn trên thân áo, váy nhằm thể hiện sùng bái vạn vật bao quanh, mùa màng thuận lợi, sung túc, ấm no, hạnh phúc.
Bà Sùng Thị Máy, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) giới thiệu họa tiết độc đáo thường có trên trang phục phụ nữ Mông.
Trên địa bàn tỉnh có dân tộc Mông xanh, Mông trắng, Mông hoa hay còn gọi Mông đỏ và Mông đen. Đối với trang phục của phụ nữ Mông xanh và Mông trắng, các họa tiết nổi bật trên lưng, cổ áo, phía trước ngực; trang phục của phụ nữ Mông đen và Mông đỏ, các họa tiết trang trí chủ yếu tập trung trên hai ống tay áo, yếm và trên váy. Mặc dù chọn các gam màu khác nhau nhưng đường nét, hoa văn được thêu trên áo, váy vẫn mang chung quan niệm ý nghĩa như nhau.
Chị Giàng Thị Dí, dân tộc Mông, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mèo Vạc chia sẻ: Trước đây, đi trẩy hội, chơi Tết, người Mông thường nhìn các họa tiết trên trang phục để biết được cuộc sống, cảm xúc hiện tại. Nếu trên trang phục của phụ nữ đang mặc có thêu hình xoắn ốc là đang cô đơn cần tìm bạn; nếu hình trái tim là đang có người yêu, còn 2 hình trái tim là họ đã lập gia đình, 4 trái tim là phụ nữ có đại gia đình sống hạnh phúc…
Trang phục của phụ nữ Mông rất độc đáo, luôn được bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Khác với các dân tộc khác, trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông gồm rất nhiều bộ phận cầu kì hợp thành như khăn đội đầu hoặc mũ, áo, váy và thắt lưng. Váy được xếp thành ly khi bước đi tạo sự nhịp nhàng, đong đưa. Người Mông thường quan niệm, các khối hình càng thêu tỉ mỉ, càng chắc tay thì càng thể hiện được sự khéo léo trong việc vun vén hạnh phúc cũng như sự giàu sang, sung túc của gia đình. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái người Mông đã được bà, mẹ dạy cách thêu thùa, để có những bộ trang phục luôn được thêu tỉ mỉ và đẹp mắt trong các ngày hội. Ngày nay, nhu cầu của giới trẻ về “gu” thời trang có nhiều đổi mới, các đường nét trên trang phục của người Mông ngày càng đa đạng, hiện đại hơn. Tuy nhiên, vẫn giữ được giá trị đặc sắc, không làm mất đi khuôn mẫu trang phục truyền thống của dân tộc.
Đối với người Mông, trang phục của phụ nữ có ý nghĩa không chỉ bảo vệ sức khỏe, che thân mà còn ẩn chứa nét riêng để làm đẹp và phân loại các dân tộc Mông khác. Đặc biệt, họa tiết trong trang phục của phụ nữ Mông còn mang đậm ý nghĩa tâm linh, là thước đo chuẩn mực xã hội, thể hiện rõ cá tính, cái độc đáo, không bị hòa lẫn trong các hoa văn dân tộc khác.
Bài, ảnh: Vương Mai