Nhà sử học Tăng Bá Hoành và những tài liệu chứng minh tên gọi tỉnh Hải Dương có từ năm 1831
Để giải đáp thắc mắc trên, người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học Hải Dương. Vốn nghiên cứu sâu vấn đề này, ông nói luôn: Năm 1466 (tức năm Quang Thuận thứ 7, đời Lê Thánh Tông), nước ta chia thành 12 thừa tuyên. Lúc ấy tỉnh ta gọi là Nam Sách thừa tuyên. Năm 1469 (năm Quang Thuận thứ 10) định lại bản đồ đất nước và Nam Sách thừa tuyên được đổi thành Hải Dương thừa tuyên. Tên gọi Hải Dương bắt đầu từ đó.
Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Hoành cho chúng tôi xem sách “Đại Nam nhất thống chí”. Trang 355, phần về tỉnh Hải Dương, sách viết: “Năm thứ 10 (tức năm Quang Thuận thứ 10 – 1469), định bản đồ cả nước, gọi là Hải Dương thừa tuyên, lãnh 4 phủ là Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách và Kinh Môn, 18 huyện”.
Ông Hoành cho biết thêm: “Sau Hải Dương thừa tuyên, tỉnh ta còn có tên xứ Hải Dương, trấn Hải Dương. Đến năm 1831 (tức năm Minh Mệnh thứ 12), nhà Nguyễn có cuộc cải cách hành chính, trong đó đổi các trấn thành các tỉnh. Cả nước có 31 tỉnh. Tên gọi trấn Hải Dương trước đó được đổi thành tỉnh Hải Dương. Tên gọi tỉnh Hải Dương có từ lúc này”.
Xuất xứ tên gọi Hải Dương: Tên gọi Hải Dương chính thức có từ năm 1469. Hải là biển. Dương là ánh sáng, ánh mặt trời. Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hướng Đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy Hải Dương có nghĩa là “ánh mặt trời biển Đông” hay “ánh sáng từ miền duyên hải (phía đông) chiếu về”.
Tìm đến hỏi một người nghiên cứu sử học khác là ông Lưu Đức Ý, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tên Hải Dương có từ năm 1469 và tên gọi tỉnh Hải Dương bắt đầu có từ năm 1831.
Phần viết về tên gọi Hải Dương thừa tuyên trong sách Đại Nam nhất thống chí
Tra cứu sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương” (tập 1), các thông tin cũng trùng khớp nhau. Tuy nhiên trong sách này có một sai sót nhỏ. Trang 14 của sách viết: “Năm Minh Mệnh thứ 10 (1831), tỉnh Hải Dương chính thức được thành lập, biệt danh là tỉnh Đông (nằm về phía đông của kinh thành Thăng Long”. Theo các nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành và Lưu Đức Ý, Minh Mệnh lên ngôi năm 1820, tức năm Minh Mệnh thứ nhất. Do đó, đến năm 1831 phải là năm Minh Mệnh thứ 12, chứ không phải năm Minh Mệnh thứ 10.
Có thể khẳng định tên gọi Hải Dương bắt đầu có từ năm 1469 và địa danh tỉnh Hải Dương có từ năm 1831. Đến nay, lịch sử tên gọi Hải Dương đã được 550 năm và tên tỉnh Hải Dương được 188 năm.
Nhà sử học Tăng Bá Hoành chia sẻ: “Tỉnh ta chưa tổ chức kỷ niệm lịch sử tên gọi Hải Dương. Trong khi đó tỉnh đã tổ chức một số dịp kỷ niệm khởi lập Thành Đông, lỵ sở của tỉnh (TP Hải Dương ngày nay)”. Ông Hoành cho rằng nếu cần xác định thời gian cụ thể để tổ chức kỷ niệm thì có thể tìm được ngày, tháng khi Minh Mệnh ra chỉ dụ về đổi tên trấn thành tỉnh vào năm 1831. Nếu quyết tâm cũng có thể xác định được tháng nào của năm 1469 khi Nam Sách thừa tuyên được đổi thành Hải Dương thừa tuyên.
Nhiều tỉnh, thành phố thường tổ chức kỷ niệm lịch sử địa danh của địa phương mình rất trang trọng vào những năm chẵn. Việc tổ chức kỷ niệm lịch sử địa danh Hải Dương phải được chú trọng hơn lịch sử khởi lập Thành Đông. Nên chăng năm nay đúng tròn 550 năm lịch sử tên gọi Hải Dương, tỉnh ta cần tổ chức hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống lịch sử để nhiều người biết.