Đề bài
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
(Trích “Tổ quốc nhìn từ biển” – Nguyễn Việt Chiến)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.
Câu 2: Nêu ý nghĩa của từ bão giông trong câu thơ đầu.
Câu 3: Truyền thuyết nào được gợi lại trong đoạn thơ? Ý nghĩa của việc gợi lại truyền thuyết đó.
Câu 4: Từ đoạn thơ, hãy viết một đoạn văn ngắn thể hiện ý thức trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc.
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Cảm nhận về nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám.
Lời giải chi tiết
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Câu 1:
– Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2:
– Ý nghĩa của từ “bão giông” trong câu thơ đầu là: Chỉ giông bão từ thiên nhiên và giông bão từ những hiểm họa đối với chủ quyền của đất nước.
Câu 3:
Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ được gợi lại trong đoạn thơ. Tác giả nhắc lại truyền thuyết này nhằm:
– Gợi nhắc về cội nguồn dân tộc
– Nhắc nhở chúng ta về sự toàn vẹn và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
– Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức đoàn kết đấu tranh vì Tổ quốc.
Câu 4:
– Học sinh viết đoạn văn thể hiện rõ cảm nhận của mình về những hiểm họa đang đe dọa an ninh, chủ quyền, hòa bình của đất nước từ biển. Nêu lên tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của bản thân về chủ quyền của Tổ quốc, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi cần.
PHẦN II: LÀM VĂN
MB:
– Giới thiệu truyện cổ tích “Tấm Cám”
– Dẫn dắt vấn đề
TB:
1. Thân phận, con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm
a) Hoàn cảnh, thân phận: mồ côi, ở với dì ghẻ
– Hoàn cảnh đáng thương, côi cút, đối xử bất công, tệ bạc
b) Mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám
– Mâu thuẫn có ở hai giai đoạn: mâu thuẫn gia đình (từ đầu đến Tấm đi hội) và mâu thuẫn xã hội dữ dội một mất một còn (từ khi Tấm chết cho đến hết)
=> Tấm là nhân vật đại diện cho cái thiện, mẹ con Cám là nhân vật đại diện cho cái ác. Mâu thuẫn giữa Tấm và Cảm không đơn thuần chỉ là mâu thuẫn, xung đột giữa dì ghẻ và con chồng trong gia đình mà còn là mâu thuẫn, xung đột giữa cái thiện và cái ác.
c) Con đường tìm đến hạnh phúc:
– Giai đoạn đầu: Tấm thụ động, yếu đuối, khi bị áp bức, đối xử bất công, Tấm chỉ biết ôm mặt khóc
– Sự xuất hiện của nhân vật Bụt: nhờ Bụt giúp đỡ, từ cô gái mồ côi nghèo trở thành hoàng hậu. => Thể hiện quan niệm triết lí của nhân dân “ở hiền gặp lành”, thể hiện khát vọng, ước mơ của nhân dân về hạnh phúc, lẽ công bằng trong cuộc sống.
=> Con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm dù nhiều khó khăn, trắc trở nhưng cuối cùng Tấm vẫn tìm được hạnh phúc cho bản thân mình. Đó cũng là con đường đến với hạnh phúc của nhân vật lương thiện trong truyện cổ tích Việt Nam nói riêng, truyện cổ tích thế giới nói chung.
2. Cuộc đấu tranh giành lại hạnh phúc của Tấm
– Tấm trở thành hoàng hậu, bị mẹ con Cám hãm hại
– Những lần hóa thân của Tấm:
+ Chim vàng anh
+ Cây xoan đào
+ Khung cửi
+ Cây thị, quả thị
– Ý nghĩa của quá trình hóa thân:
+ Khẳng định sự bất diệt của cái thiện. Cái thiện không chết đi một cách oan ức, không bị khuất phục trước cái ác.
+ Sự hóa thân của Tấm thể hiện tính chất gay gắt, quyết liệt của cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Cái thiện luôn chiến thắng.
+ Những sự vật mà Tấm hóa thân đều là những sự bậy bình dị, quen thuộc với người dân lao động. Đó cũng chính là những hình đẹp đẽ của làng quê Việt Nam xưa.
=> Tấm không còn thụ động, yếu đuối, không còn sự xuất hiện của nhân vật Bụt. Một cô Tấm mạnh mẽ, quyết liệt, chủ động giành và giữ hạnh phúc cho mình.
3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
– Xây dựng những mẫu thuẫn có sự tăng tiến để thể hiện sự phát triển trong hành động nhân vật
– Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập để khắc họa nhân vật
– Sử dụng các yếu thần kì.
KB: Nêu cảm nhận của bản thân về nhân vật Tấm.
HocTot.Nam.Name.Vn