Kiểu bài: Nghị luận văn học
Đề: Từ nỗi “thẹn” của Phạm Ngũ Lão trong bài thơ Thuật hoài, em hãy nói lên suy nghĩ về hoài bão, lí tưởng sống của thế hệ trẻ hiện nay.
Dàn ý
– “Thẹn” là một trạng thái tâm lí, xấu hổ bởi điều gì khiếm khuyết bản thân.
– Nỗi “thẹn” của Phạm Ngũ Lão trong bài thơ Thuật hoài:
+ Theo quan niệm của Phạm Ngũ Lão, đấng tu mi nam tử phải lập được công danh với đời. Phạm Ngũ Lão thẹn vì mình đã không tài giỏi được Vũ hầu để làm nên nghiệp lớn.
+ Ấn sau nỗi “thẹn” ấy là ý thức hoàn thiện bản thân để cống hiến tận độ cho triều đại nhà Trần, cho giang sơn, Tổ quốc.
-> Nỗi “thẹn” thể hiện lí tưởng nhân sinh cao đẹp của chiến tưowsng Phạm Ngũ Lão, rất đáng được coi trọng.
– Suy nghĩ về hoài bão, lí tưởng sống của thế hệ trẻ hiện nay:
+ Thời đại nào, thế hệ trẻ cũng là lực lượng hùng hậu, đi đầu trọng công tác xã hội.
+ Thế hệ trẻ ngày nay đã tiếp bước nhiều truyền thống tốt đẹp của cha anh. Rất nhiều người sống có lí tưởng, có hoài bão. Thế hệ trẻ ngày nay mong muốn học tập tốt, thực hiện những điều có ích cho đất nước.
+ Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận thanh niên sống không có lí tưởng ước mơ. Họ rất đáng bị phê phán.
+ Bày tỏ niềm tin tưởng thế hệ trẻ ngày nay sẽ lạc quan, yêu đời, luôn cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt để vươn lên, đạt những mục tiêu trong cuộc sống.
Bài làm
Không phải ngẫu nhiên mà Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão) cho đến nay vẫn được xem là bài thơ hay, có ý nghĩa xuyên suốt mọi thời đại. Một trong những lí do mang đến sức sống bất tử của tác phẩm chính là vẻ đẹp nhân cách tướng quân họ Phạm thể hiện trong câu thơ cuối cùng: Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu (Xấu hổ khi nghe người ta nói chuyện Vũ hầu). Nỗi “thẹn” ấy đã khiến chúng ta – thế hệ thanh niên ngày nay phải nghiêm túc nhìn nhận lại lí tưởng, hoài bão của chính mình. Trước hết, phải thấy rằng “thẹn” là một trạng thái tâm lí cảm xúc của con người. Đó là sự xấu hổ khi ta tự nhận thấy bản thân còn điều gì đó chưa hoàn thiện. Trong Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão đã bày tỏ suy nghĩ của mình về khát vọng công danh và thấy “thẹn” bởi công danh chưa trọn:
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Thân nam nhỉ mà chưa trả xong nợ công danh,
Thì lúa thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.)
Như nhiều trang nam nhi thời phong kiến, Phạm Ngũ Lão cũng cho rằng đã là đấng tu mi nam tử thì phải lập được công danh với đời. Khao khát lập công danh, khao khát được đóng góp cho đất nước nên khi nỗi khao khát càng lớn thì càng cảm thấy những gì mình làm được là nhỏ bé và nỗi thẹn vì thế càng nhân lên. Phạm Ngũ Lão thẹn với ai? – Với Vũ hầu Gia Cát Lượng, vị quân sư nổi tiếng thời Xuân thu Chiến quốc, người đã giúp Lưu Bị khôi phục lại nhà Hán. Ông thẹn vì mình đã không tài giỏi được như Vũ hầu để làm nên nghiệp lớn. Một người từng có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, đặc biệt trong công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vậy mà vẫn cảm thấy còn vương nợ đối với nước nhà, vẫn chưa thỏa lòng với những chiến công vang dội của mình. Đó là nỗi thẹn cao cả, nỗi thẹn làm nên nhân cách lớn. Nỗi thẹn ấy, xét cho đến cùng chính là sự ý thức muốn hoàn thiện bản thân để đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Nó làm nên một hình tượng con người có tầm vóc lớn lao. Hiểu được điều này, ta sẽ nhận ra rằng Phạm Ngũ Lão không chỉ đơn thuần nói đến cái nợ công danh thường gặp theo lí tưởng phong kiến. Với ông, công danh chỉ là một cách thức, một phương thức để cứu đời, giúp đời. Câu thơ Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu (Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu) đã thể hiện tập trung nhất lí tưởng nhân sinh cao đẹp của nhà thơ, nhà quân sự tài ba Phạm Ngũ Lão. Nó góp phần xây dựng và hoàn thiện bức chân dung về một tài năng, một tấm lòng và một nhân cách lớn. Lí tưởng tích cực ấy của ông ngày nay vẫn luôn được coi trọng, đặc biệt vẫn được thế hệ trẻ noi theo.
Thực tế là ở bất kì thời đại nào, thế hệ thanh niên cũng là lực lượng hùng hậu, đi đâu trong các công tác xã hội. Thời đại nhà Trần, nếu không có tuổi trẻ của Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu, không có những Trần Quốc Toản tuổi nhỏ mà chí lớn thì chưa chắc đã có những chiến thắng oanh liệt liên tiếp trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên — Mông. Thời đại ngày nay, đất nước không có bóng quân thù, thế hệ thanh niên không phải cầm gươm, vác súng như lớp cha anh nhưng không phải vì thế mà trong họ thiếu đi những lí tưởng sống cao đẹp. Không cầm gươm chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ giang sơn, đất nước nhưng những người trẻ hôm nay lại nhiệt tâm cầm bút, không ngừng học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, đóng góp cho đất nước. Họ là những bạn trẻ đã vinh danh Việt Nam trên các đấu trường Toán học, Vật lí.. quốc tế. Họ là những bạn trẻ đã thi đấu hết mình để quốc kì Việt Nam được kéo lên cao nhất trong các cuộc thi thể thao trong khu vực và trên thế giới.. Họ – là chính chúng ta – những học sinh đang miệt mài học tập để giành thành tích cao nhất. Và có ai bảo đó không phải là yêu nước? Có ai bảo chúng ta không tiếp nối lí tưởng sống cao đẹp của cha ông?
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng hiện nay còn một số không nhỏ thanh niên có biểu hiện đạo đức không lành mạnh. Họ học hành bê trễ, vi phạm trật tự an toàn giao thông, sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật lười lao động… Những bạn trẻ này cần phải tự và được đấu tranh, thuyết phục, vận động để từ bỏ thói tật. Và tôi tin rằng các bạn trẻ ấy sẽ nhận ra mình đang đi lệch đường ray, sẽ đổi thay để những khuyết điểm lùi lại phía sau, nhường đường cho cuộc sống tiến bộ.
Cuộc sống luôn đòi hỏi mỗi người phát huy ưu điểm và loại bỏ những thói hư tật xấu, vươn tới sự hoàn thiện hơn. Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay luôn khát khao vươn lên, luôn đặt ra mục tiêu dài hạn để phấn đấu và không bao giờ nản lòng, thất vọng, không bao giờ than thân trách phận.
Chúng ta hãy cùng nhau lạc quan, yêu đời, không cam chịu khó khăn trước mắt để vươn lên, đạt những mục tiêu trong cuộc sống như Phạm Ngũ Lão và biết bao thế hệ cha anh đã làm được.