Nói đến hoa lê-ki-ma, có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ liên tưởng ngay đến ca khúc nổi tiếng “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, bởi trong từng câu hát, loài hoa này là biểu tượng cho vẻ đẹp thanh xuân rạng rỡ, ý chí kiên cường bất khuất của người nữ anh hùng.
NSƯT Thanh Thúy và vũ đoàn thể hiện bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” trong chương trình nghệ thuật Chung sức cùng Côn Đảo được tổ chức tại huyện Côn Đảo năm 2014. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
“Mùa hoa lê-ki-ma nở
Ở quê ta miền Đất Đỏ
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng
Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở…”
(Biết ơn chị Võ Thị Sáu).
Ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” được nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác năm 1958, hưởng ứng cuộc thi sáng tác đề tài về người con gái miền Nam. Nhạc sĩ tình cờ đọc được câu chuyện về Võ Thị Sáu trong tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán, trong đó có chi tiết: Thời thơ bé, chị Sáu rất thích chơi hoa lê-ki-ma. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã quyết định lấy hoa lê-ki-ma làm hình tượng Võ Thị Sáu.
Cây lê-ki-ma có nguồn gốc từ vùng núi Andes ở Nam Mỹ. Người Việt Nam quen gọi là cây trứng gà vì khi chín, trái có ruột giống lòng đỏ trứng gà. Thực tế, không có nhiều người biết về bông hoa lê-ki-ma. Vì vậy, có lẽ nhạc sĩ dùng hình ảnh loài hoa ấy để tượng trưng cho tuổi trẻ anh hùng, vẻ đẹp vĩnh cửu của người thiếu nữ đã hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Và vì vậy, hoa lê-ki-ma đã trở thành biểu tượng anh hùng bất diệt trong thi ca cách mạng Việt Nam.
“Chị Sáu đã hy sinh rồi
Giọng hát vẫn như còn vang dội
Vào trái tim những người đang sống
Giục đi lên không bao giờ lui”.
Viết một bài hát về câu chuyện lịch sử bi hùng không hề dễ dàng. Quá ủy mị, hoặc quá đao to, búa lớn đều khó tiếp nhận. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã khéo léo khi kể câu chuyện về Võ Thị Sáu thật dung dị, truyền tải cảm xúc đến người nghe, khơi gợi lòng tự hào, biết ơn về người nữ anh hùng bằng những ca từ giản dị, gần gũi. Ông so sánh người thiếu nữ như mùa xuân đang độ hương sắc, đẹp như bông hoa lê-ki-ma vừa hé nở. Người thiếu nữ ấy xứng đáng được đón nhận tình yêu, hạnh phúc như bao cô gái cùng độ tuổi nhưng chiến tranh, quân xâm lược đã cướp đi khát vọng đẹp đẽ ấy. Người con gái ấy đã tham gia kháng chiến bảo vệ quê hương và ngã xuống ngay trên mảnh đất ruột thịt của mình:
“Kìa hoa lê-ki-ma nở
Đẹp thêm quê miền Đất Đỏ
Nơi đó sáng mãi tên người anh hùng
Bình minh đang rực sáng cho hoa kia nở
Mùa xuân lan tràn xứ sở”
Hình ảnh “hoa lê-ki-ma nở” mỗi độ xuân về được nhắc lại nhiều lần trong bài hát, như gợi nhớ về cái chết khi đang độ xuân thì của người thiếu nữ hóa thân vào từng cánh hoa, khiến người nghe bâng khuâng, xúc động.
Có nhiều ca sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư chọn trình bày bài hát này nhưng thành công nhất có lẽ phải kể đến NSƯT Thanh Thúy. Bài hát từng giúp Thanh Thúy đoạt giải tại Tiếng hát Truyền hình TP. Hồ Chí Minh năm 1994. Chị còn được đạo diễn Lê Dân mời đóng vai nhân vật Võ Thị Sáu trong phim Người con gái Đất Đỏ năm 1995. Thanh Thúy tâm sự rằng cuộc đời và khí phách của Võ Thị Sáu mà chị cảm nhận qua những bài học trong trường cũng như trong giai điệu bài hát về người nữ anh hùng đã khiến chị nhập tâm và được giới chuyên môn đánh giá vai diễn gây ấn tượng mạnh cho người xem.
Đã hơn 60 năm trôi qua, bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vẫn khiến người nghe thuộc bao thế hệ cảm nhận được vẻ đẹp thanh xuân, khí phách kiên cường cùng lòng tự hào và biết ơn người nữ anh hùng Võ Thị Sáu của quê hương Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Ở quê ta miền Đất Đỏ
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng
Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở
Đời sau vẫn còn nhắc nhở
Sông núi đất nước ơn người anh hùng
Đã chết cho đời sau”
VŨ THANH HOA