Ngày xuân, bên chung trà thơm phức, vừa nhâm nhi miếng bánh mứt, đấu cờ tướng với người thân, vừa suy nghĩ về trí tuệ người xưa, cùng với những thông điệp ẩn chứa trong nó, thì còn gì vui bằng.
Cờ tướng là trò chơi giải trí rất phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam và những nơi trên thế giới có đông đảo người Hoa sinh sống. Nhật Bản và Triều Tiên cũng là những nước chịu ảnh hưởng lâu đời của nền văn hóa Trung Quốc, họ tiếp thu bàn cờ tướng Trung Quốc và có cải biên đôi chút về hình vẽ trên bàn cờ, tên các quân cờ, cách chơi cờ cho phù hợp với đặc tính văn hóa của dân tộc mình.
Ở Trung Quốc, người ta không gọi bằng cờ tướng mà lại gọi bằng cờ tượng, nghĩa là cờ voi. Nguyên nhân của điều này là vì ngay từ xưa, người Trung Quốc đã biết sử dụng ngà voi để chế tác thành các quân cờ trong bộ cờ tướng. Cờ tướng có lịch sử từ rất lâu đời, đa số người Trung Quốc tin rằng cờ tướng có nguồn gốc từ môn cờ lục bác (六博, bác nghĩa là đánh bạc), một loại cờ thịnh hành ở nước Tấn thời Chiến Quốc, bàn cờ gồm 2 người chơi đối kháng, người thắng là người giành được nhiều thẻ trên bàn cờ nhất. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, đến đời Tống thì cờ tướng mới định hình như hiện nay. Ban đầu là một trò chơi dành cho bậc danh gia thế phiệt hay quyền quý trâm anh (cầm, kỳ, thi, họa), sau được đại chúng hóa thành môn giải trí yêu thích của tất cả mọi người.
Ngoài Việt Nam, cờ tướng cũng du nhập vào Triều Tiên thời Bắc Tống, tuy nhiên đã xuất hiện một số thay đổi nhỏ. Trên bàn cờ không có con sông làm ranh giới. Các quân cờ có hình bát giác, kích thước lớn nhỏ không đồng nhất, tùy thuộc vào sức mạnh và quyền lực của các quân cờ. Trong đó quân Sở, Hán có kích thước lớn nhất và lần lượt thay thế vị trí của quân Tướng, Soái hai bên trong bàn cờ Trung Quốc; vị trí xuất phát của chúng là chính giữa cửu cung chứ không sát mép bàn cờ. Các quân Xa, Mã, Pháo, Tượng kích thước lớn thứ nhì. Các quân Sĩ, Binh, Tốt có kích thước nhỏ nhất. Quân cờ đỏ được khắc bằng chữ khải, quân cờ xanh được khắc bằng chữ thảo. Bên cờ đỏ luôn được ưu tiên đi trước, bên cờ xanh đi sau.
Cờ tướng cũng là một trò chơi giải trí khá phổ biến ở Nhật Bản, nó được truyền từ Trung Quốc sang. Bàn cờ tướng Nhật ngang dọc đều có 9 ô với 20 quân cờ mỗi bên. Các quân cờ nằm gọn trong ô chứ không nằm lên đường giao nhau giữa các ô. Trình tự 8 quân từ quan trọng đến ít quan trọng hơn là quân Vương, Tướng ngọc, Tướng vàng, Tướng bạc, Ngựa quế, Xe thơm, Giác hành, Bộ binh. Các quân cờ có hình cái chuông, đầu trên hơi nhọn để chỉ phương hướng đi.
Có nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, bốn chữ “Sở hà Hán giới” (楚河漢界, nghĩa là con sông làm ranh giới tự nhiên giữa nước Sở với nước Hán), chỉ chính thức được thêm vào trong bàn cờ tướng khoảng những năm từ 1920 – 1930. Có lẽ người Trung Quốc muốn khẳng định vị trí sở hữu bàn cờ tướng trước những ý kiến cho rằng, cờ tướng Trung Quốc và cờ vua quốc tế đều là sự cải biên từ một loại cờ của Ấn Độ cổ đại. Theo ý nghĩa của 4 chữ “Sở hà Hán giới”, người Trung Quốc khoác thêm vào nó một xuất xứ thú vị, liên quan đến cuộc chiến tranh Hán – Sở thời Xuân Thu từ 206 – 202 trước Công nguyên. Sau sự sụp đổ của nhà Tần, ở Trung Quốc xuất hiện hai thế lực lớn nhất kình địch nhau là vua nhà Hán Lưu Bang và Tây Sở bá vương Hạng Vũ. Hai bên đánh nhau giành ngôi vị bá vương suốt nhiều năm liền mà chưa ngã ngũ, khiến cho dân chúng khốn đốn, quân sĩ mệt mỏi. Thế là thủ lĩnh hai bên đi đến một thỏa thuận là dàn binh gần bờ sông, đấu trí với nhau bằng cách dàn thế trận thử thách đối phương, tuyệt đối không đụng tới gươm đao. Bàn cờ tướng với “Sở hà Hán giới” ra đời từ cuộc tỷ thí đó. Dĩ nhiên đây chỉ là một giai thoại thêu dệt để giải thích cho sự ra đời của bàn cờ tướng, chứ nó không đúng với sự thật lịch sử.
Các quân cờ trên bàn cờ tướng chia làm hai bên với màu sắc khác nhau, thường là màu đỏ – xanh, đỏ – trắng hay đỏ – đen. Chúng được thể hiện bằng những chữ Hán có cách đọc và ý nghĩa khác nhau. Thế nhưng, đa số người chơi hiện nay không phân biệt được điều đó. Trong bảng dưới đây, chúng tôi xin được giải thích tự dạng và mô tả ý nghĩa, nước đi của các quân cờ trong bộ cờ tướng.
Thứ bậc các quân cờ
Chữ viết trên quân cờ
Cách đọc Hán Việt
Phân tích ý nghĩa
Giải thích nước đi của quân cờ
1
將
Tướng Tướng lĩnh, người giỏi võ nghệ, có tài thao lược, am hiểu binh pháp, biết điều binh khiển tướng chiến đấu trên trận mạc. Theo nguyên tắc chơi cờ tướng, quân Tướng và Soái chỉ được đi từng ô một trong cửu cung, không đi được nhiều ô, không được bước ra ngoài. Điều này có vẻ mâu thuẫn với vai trò của tướng soái trong chiến trận.
帥
Soái (Súy) Tướng đứng đầu, thống soái, lãnh đạo cả một cánh quân (nguyên soái, đại soái…)
2
士
Sĩ Học trò, những người nghiên cứu học vấn, có hiểu biết sâu rộng. Sĩ là những người có học vấn, đọc nhiều sách sử, nghiên cứu binh pháp kĩ lưỡng, thường ở bên cạnh Tướng, Soái để tham mưu, trù hoạch phương kế đánh giặc.
仕
Sĩ Quan, những người ra làm quan, hoặc ở bên cạnh soạn thảo văn thư cho vua.
3
象
Tượng Con voi, thường được dùng để giữ thành, ngăn cản quân tiên phong của giặc. Tượng và Tướng đều có sức mạnh, có uy lực, có dũng khí nhưng không thể viễn chinh tham chiến. Nên trong cờ tướng, hai quân cờ này không thể qua sông, không vây hãm đánh đối phương mà chủ yếu tự vệ ở đất nhà.
相
Tướng Quan tướng quốc, chức quan đứng đầu cả trăm quan, chủ trì việc triều chính (tể tướng, thừa tướng…).
4
車
Xa Chiếc xe, thường là xe có bánh do ngựa kéo hoặc người kéo trong chiến tranh, dùng để vận tải quân lương, khí giới, cũng có khi dùng để phá thành. Xa (xe) là quân cờ mạnh nhất trong bàn cờ tướng. Xa với tính năng của mình có thể đi nhanh, đi xa để vây hãm, tấn công và tiêu diệt thành trì phòng thủ cẩn mật của đối phương.
俥
Xa Chiếc xe, giống như trên, có người (bộ nhân) điều khiển.
5
馬
Mã Con ngựa. Trong bàn cờ tướng thì đây là chiến mã, tức con ngựa được tướng lĩnh, binh lính cưỡi xung trận. Ngựa là quân cờ quan trọng trong bàn cờ tướng, đi mỗi nước chỉ được 2 ô theo hình L. Ưu điểm của ngựa là có thể đi xa, là phương tiện không thể thiếu của tướng soái khi cầm quân xuất trận.
傌
Mã Ngựa có người cưỡi.
6
砲
Pháo Khẩu pháo, cái máy bắn trái phá, đại bác. Thời xưa, khẩu pháo có hình dáng như chiếc ná, các trái pháo được đẽo bằng đá (bộ thạch) để bắn sang phá thành đối phương. Pháo là phương tiện công phá thành hiệu quả nhất, đặc biệt là những thành trì được phòng thủ kiên cố. Đặc trưng của đạn pháo là bay bổng theo đường vòng cung, vì vậy mà Pháo chỉ ăn được những quân cờ nằm cách bởi một quân cờ khác được xem là điểm tựa cho Pháo.
炮
Pháo Cũng có nghĩa là khẩu pháo, nhưng khẩu pháo này không phải để bắn đá mà để bắn quả cầu lửa hoặc thuốc súng (bộ hỏa) để công phá đối phương.
7
卒
Tốt Quân lính, binh lính, được biên chế thành nhiều đơn vị nhỏ do tướng soái cầm đầu. Binh, Tốt là lực lượng nhiều nhất, đông đảo nhất, nhưng lại có năng lực yếu ớt nhất trong bàn cờ tướng. Binh, Tốt chỉ được đi mỗi lần một ô, thường thí mạng cho các quân cờ khác ăn, dễ hy sinh đầu tiên để bảo vệ các quân cờ khác.
兵
Binh Quân lính, binh sĩ trong quân đội, giống như tốt.
Có ý kiến cho rằng, mô hình quân lực của mỗi bên trong bàn cờ không phải là mô hình của một cánh quân do một tướng soái cầm đầu; mà đó chính là mô hình chính quyền của một đất nước, ít nhất cũng là một nước chư hầu có đầy đủ quyền lực và bộ máy thống trị. Theo đó thì vị trí quân Tướng và Soái phải là quân Đế, Vương hoặc Hầu mới đúng. Vì chỉ có họ mới đủ quyền lực huy động Sĩ, Tướng, Tượng, Mã, Xa, Pháo ở bên cạnh yểm trợ, bảo vệ. Hơn nữa, chỉ có Để, Vương, Hầu mới ở trong cửu cung ra lệnh xuất quân; còn những bậc Tướng, Soái phải là những người xông pha trận mạc, lẽ nào lại nằm trong cung để bày binh bố trận. Có ý kiến giải thích rằng, bộ cờ tướng ra đời khi chế độ phong kiến đang phát triển, việc đưa quốc vương của một nước vào trận đấu cờ để mua vui là hành động khi quân phạm thượng. Quan trọng hơn, việc đấu tranh tiêu diệt lẫn nhau giữa các thế lực trong bàn cờ ít nhiều sẽ nguy hại đến quyền lực của nhà vua, khi bàn cờ đã gián tiếp khuyến khích các lực lượng đánh lại nhà vua. Vì vậy, quyền lực cao nhất của mỗi bên trong bàn cờ đặt vào nhân vật thay thế là Tướng, Soái.
Các ý kiến giải thích trên là những giả thuyết thú vị; nhưng có một điều chắc chắn là, bộ cờ tướng mang trong nó ý nghĩa triết học to lớn, đặc biệt là tư tưởng dụng binh trong binh pháp của người phương Đông xưa. Bộ cờ là một mô hình quốc gia hoàn chỉnh, có vua tôi, có các binh chủng, có quan ở nhà bàn mưu, có quân ra trận chiến đấu… Trên bàn cờ, chúng ta dễ dàng nhận ra các dạng kiến trúc, cách sắp xếp lực lượng theo quan niệm của quốc gia phong kiến phương Đông xưa, ở đó có cung cấm, thành trì, sông ngòi, biên giới, pháo thủ… Quan trọng hơn, bàn cờ là một trận địa sinh động, hoàn hảo với đầy đủ các thứ bậc, tầng lớp, các binh chủng trên chiến trường, các chiến thuật tác chiến (công, thủ, vây hãm, bảo vệ, mai phục, đánh vu hồi, đánh trực diện, thí mạng, uy hiếp)…
Hiểu rõ điều này, chúng ta thấy chơi cờ tướng không đơn thuần chỉ là trò chơi giải trí nữa mà là một sự thể nghiệm thú vị những kinh nghiệm dụng binh của người xưa, người chơi cờ không còn lao vào cuộc sát phạt thắng thua nữa mà là rèn luyện trí tuệ của mình trong việc huy động nguồn lực để tạo nên sưc mạnh.
Nguyễn Thanh Phong