I. Đọc kĩ bài:
– Đọc nhiều lần bài thơ, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.
– Đọc diễn cảm bài thơ với giọng nhẹ nhàng, tha thiết.
– Chú ý các từ ngữ khó phát âm: phù sa, sông, hương sen, bão, bom Mĩ, trút, súng, bát cơm, sớm, chống hạn, gầu, trưa, sâu, trành, quết đất, tiền tuyến…
II. Tóm tắt nội dung:
Ca ngợi những người làm ra hạt gạo thời chống Mỹ cứu nước. Hạt gạo làng ta được làm nên từ vị phù sa, từ hương sen thơm, từ mồ hôi công sức của cha mẹ, của các bạn thiếu nhi. Hạt gạo là tấm lòng hậu phương góp phần vào chiến thắng nơi tiền tuyến. III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Đọc khổ thơ 1, em hiểu hạt gạo được làm nên từ những gì?
Hạt gạo được làm nên từ tinh tuý của đất (có vị phù sa), của nước (có hương sen thơm trong hồ nước đầy) và công sức cùng tình cảm của con người, của cha mẹ – Có lời mẹ hát ngọt bùi đắng cay.
2. Những hình ảnh nào nói lên nỗi vất vả của người nông dân?
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy.
Hai dòng cuối của khổ thơ có hai hình ảnh trái ngược nhau: cua sợ nước nóng phải ngoi lên bờ tìm chỗ mát; mẹ lại bước chân xuống ruộng để cấy lúa. Hai hình ảnh này có tác dụng nhấn mạnh nỗi vất vả và sự chăm chỉ của người nông dân không quản nắng mưa, lăn lộn trên ruộng đồng để làm ra hạt gạo.
3. Tuổi nhỏ đã góp công góp sức như thế nào để làm ra hạt gạo?
Các bạn thiếu nhi đã thay cha anh mình đang ở chiến trường, cùng bà con nông dân gắng sức lao động, làm ra hạt gạo để tiếp tế cho tiền tuyến. Hình ảnh các bạn: Trưa nào chống hạn vục mẻ miệng gầu, Chiều nào bắt sâu lúa cao rát mặt,… gánh phân quang trành quết đất là những hình ảnh cảm động, nói lên sự nỗ lực và ý thức trách nhiệm cùng tấm lòng của các bạn nhỏ đối với quê hương, đất nước.
4. Vì sao tác giả gọi hạt gạo là “hạt vàng”?
Vì hạt gạo rất quý, được làm ra từ đất, từ nước, từ mồ hôi công sức của con người. Từ mảnh đất quê hương thân yêu, hạt gạo được gửi ra tiền tuyến nuôi quân đánh giặc; gửi đi muôn phương đổi lấy hàng hoá, máy móc phục vụ con người. Hạt gạo tuy nhỏ bé mà ý nghĩa lớn lao biết chừng nào!
IV. Thực hành – Luyện tập:
1/ Học thuộc lòng bài thơ.
2/ Chuyển nội dung bài thơ Hạt gạo làng ta ra văn xuôi.
* Tham khảo cách viết dưới đây:
Hạt gạo làng ta được làm nên từ những tinh tuý của đất đai, đậm đà vị phù sa của dòng sông Kinh Thầy như dải lụa mềm mại uốn quanh những xóm thôn trù phú, xanh tươi. Hạt gạo làng ta có hương sen thơm ngát theo ngọn gió từ phía hồ sen bốn mùa nước đầy ắp, trong veo thổi tới; có lời mẹ hát gửi gắm bao ngọt bùi cay đắng đời người.
Hạt gạo làng ta được làm ra trong thời tiết khắc nghiệt, có cả những cơn bão tháng bảy rung trời chuyển đất, những cơn mưa tháng ba hoa xoan rụng đầy lối ngõ. Hạt gạo làng ta được làm ra từ nỗi vất vả của mẹ, của cha. Hạt gạo có vị mặn của giọt mồ hôi thánh thót như mưa của mẹ gò lưng cấy lúa dưới cái nắng tháng sáu đổ lửa, nước ruộng nóng như đun, chết cả cá cờ. Những con cua phải ngoi lên nép vào bờ cỏ để tránh nắng.
Hạt gạo làng ta chứa đựng bao gian lao trong những năm máy bay giặc bắn phá miền Bắc, bom trút lên mái nhà, mái trường, giết hại dân lành và trẻ thơ vô tội. Hạt gạo làng ta đã cùng những khẩu súng trên vai các anh bộ đội xẻ dọc Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Bát cơm mùa gặt thơm lừng trong những hào giao thông và những căn hầm tránh bom đạn giặc. Hạt gạo cùng các chị dân quân bảo vệ xóm làng.
Hạt gạo làng ta ngoài công sức của ông bà, cha mẹ, của các chị, các anh… còn có công của nhiều bạn nhỏ cùng tham gia chống hạn, bắt sâu cứu lúa; cũng kĩu kịt trên vai gánh phân ra đồng, quang trành dài quết đất dọc đường làng.
Từ mảnh đất quê hương thân yêu, hạt gạo được gửi ra tiền tuyến nuôi quân đánh giặc; gửi đi muôn phương đổi lấy hàng hoá, máy móc phục vụ con người. Hạt gạo tuy nhỏ bé mà ý nghĩa lớn lao biết chừng nào! Em vui vẻ cất lên tiếng hát ngợi ca hạt gạo – hạt vàng làng ta!