Trên cơ sở căn cứ các nội dung Luật Xây dựng 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật xây dựng năm 2020 và kết quả tổng kết quá trình thực hiện Nghị định 46/2015/NĐ-CP, về cơ bản Nghị định kế thừa các nội dung ưu việt của Nghị định 46/2015/NĐ-CP; hoàn thiện, bổ sung một số nội dung các nội dung còn hạn chế, các quy định mới cần quản lý nhưng chưa thể hiện trong Nghị định 46/2015/NĐ-CP. So với Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015, Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ có một số nội dung mới như sau:
1. Nội dung quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ đã được quy định tại Điều 9. Các nội dung về thiết kế, giám sát, thi công xây dựng đã được quy định tương đối cụ thể, căn cứ vào điều kiện cụ thể người dân có thể dễ dàng áp dụng:
– Nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân không có tầng hầm, có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình.
– Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân dưới 7 tầng hoặc có 01 tầng hầm, trừ các trường hợp trên, việc thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
– Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân từ 07 tầng trở lên hoặc có từ 02 tầng hầm trở lên, hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình trước khi xin cấp giấy phép xây dựng. Việc thiết kế và thẩm tra thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
2. Về phân loại công trình theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP: Công trình xây dựng được phân loại dựa trên căn cứ về tính chất kết cấu và công năng sử dụng của công trình, cụ thể như sau:
– Căn cứ tính chất kết cấu, công trình xây dựng được phân thành các loại (tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP không quy định phân loại theo căn cứ này): Nhà, kết cấu dạng nhà; Cầu, đường, hầm, cảng; Trụ, tháp, bể chứa, silô, tường chắn, đê, đập, kè; Kết cấu dạng đường ống; Các kết cấu khác.
– Căn cứ công năng sử dụng, công trình xây dựng được phân thành các loại: Công trình sử dụng cho mục đích dân dụng; Công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp; Công trình cung cấp các cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật; Công trình phục vụ giao thông vận tải; Công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh. Việc phân loại công trình theo công năng sử dụng được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 06/2021.
3. Quản lý chất lượng công tác khảo sát, thiết kế xây dựng công trình không còn quy định trong Nghị định này.
4. Thời hạn bảo hành công trình: Căn cứ quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về quyền và trách nhiệm của các bên trong bảo hành công trình xây dựng; thời hạn bảo hành công trình xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ…
Thời hạn bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp được tính kể từ khi được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định và được quy định như sau:
a. Không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
b. Không ít hơn 12 tháng đối với các công trình cấp còn lại sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
c. Thời hạn bảo hành đối với công trình sử dụng vốn khác có thể tham khảo thời hạn tại mục a và b kể trên để áp dụng.
5. Đối tượng phải được cơ quản quản lý nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng cũng có sự thay đổi, bao gồm các công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình sử dụng vốn đầu tư công và công trình ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 01 năm 2021. Các quy định cụ thể các tổ chức, cá nhân có thể xem tại file đính kèm./.
Đặng Thái Sơn – Thanh tra Sở