Vào ngày 12/01/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động (“Nghị định 05”) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/03/2015.
Sự ra đời của Nghị định 05 đã khôi phục lại hiệu lực của một số hướng dẫn quan trọng từ các Nghị định, Thông tư cũ hướng dẫn Bộ luật Lao động 1994 như: ai là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động; cách tính trợ cấp thôi việc; cách tính lương ngày, lương tuần; khái niệm “trường hợp bất khả kháng khác” mà người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; v.v.
Ngoài ra, Nghị định 05 cũng bổ sung thêm nhiều hướng dẫn mới. Sau đây là mười (10) quy định nổi bật:
- Thời hạn hợp đồng lao động chỉ có thể được sửa đổi duy nhất một (01) lần và không được làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết. Quy định này nhằm hạn chế việc người sử dụng lao động lạm dụng phụ lục hợp đồng lao động để thay thế cho việc ký kết hợp đồng lao động mới, nhằm trốn tránh nghĩa vụ ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động.
- Người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động về kết quả thử việc của họ ít nhất ba (03) ngày trước ngày kết thúc thời hạn thử việc, trừ trường hợp thời hạn thử việc chỉ là sáu (06) ngày làm việc theo Điều 27.3, Bộ luật Lao động 2012.
- “Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh”, lý do phổ biến nhất được sử dụng để tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác, nay chỉ có thể được áp dụng nếu được quy định cụ thể trong nội quy lao động.
- Những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động (là cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) có thể được quy định trong bất cứ quy chế nội bộ nào của công ty (không bắt buộc phải quy định trong nội quy lao động), miễn là quy chế này phải được ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
- Trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế, nếu người sử dụng lao động chỉ cần chấm dứt hợp đồng lao động với một (01) người lao động, người sử dụng lao động sẽ không cần phải thực hiện những thủ tục quy định tại Điều 44, Bộ luật Lao động 2012 như lập phương án sử dụng lao động, thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước, v.v. Lý do kinh tế cũng được định nghĩa là khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện cam kết quốc tế.
- Nghị định 05 cũng xác nhận lại rằng, trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 44 (thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế) hoặc Điều 45 (sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản), Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động chỉ phải trả cho người lao động tiền trợ cấp mất việc làm thay cho tiền trợ cấp thôi việc. Trước đây, một số người sử dụng lao động đã từng nhầm lẫn (do các quy định không rõ ràng của Bộ luật Lao động 2012) rằng họ phải trả cùng lúc hai loại trợ cấp.
- Thương lượng tập thể phải được tổ chức ít nhất mỗi năm một (01) lần. Thời điểm cụ thể sẽ do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận.
- Điều 90, Bộ luật Lao động 2012 quy định tiền lương gồm (i) mức lương theo công việc hoặc chức danh, (ii) phụ cấp lương và (iii) các khoản bổ sung khác. Nghị định 05 đã định nghĩa rõ ba (03) yếu tố cấu thành tiền lương nêu trên, bao gồm tất cả mọi khoản tiền, chỉ trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp không liên quan đến việc thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
- Về thủ tục xử lý kỷ luật: người sử dụng lao động phải gửi thư mời họp cho tất cả các thành viên dự họp ít nhất năm (05) ngày làm việc trước ngày tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật. Trong trường hợp có thành viên dự họp vắng mặt dù đã được gửi thư mời ba (03) lần, người sử dụng lao động có thể mở phiên họp xử lý kỷ luật mà không có thành viên dự họp đó.
- Việc tự ý bỏ việc năm (05) ngày cộng dồn trong một (01) tháng hoặc hai mươi (20) ngày cộng dồn trong một (01) năm mà không có lý do chính đáng, là một cơ sở để sa thải, được hướng dẫn bởi Nghị định 05 là năm (05) ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi ba mươi (30) ngày hoặc hai mươi (20) ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc.
– Được biên soạn bới Le & Tran | Vietnam’s Premier Boutique Litigation Firm
Bản quyền của tài liệu này thuộc sở hữu độc quyền của Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Không được sao chép, phát tán hoặc truyền tải bất kỳ nội dung nào của tài liệu này dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương thức nào, bao gồm sao chụp, ghi chép hoặc các phương thức thủ công hoặc điện tử khác, mà không có sự cho phép trước bằng văn bản từ Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Chúng tôi bảo lưu tất cả các quyền và sẽ ngay lập tức thực hiện mọi hành động tố tụng pháp lý (hình sự, dân sự và thương mại) theo các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế để xử lý (các) hành vi vi phạm của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.