Nhiều thế hệ sống cùng nhà – ý tưởng cơ sở là già trẻ hỗ trợ lẫn nhau. Ở Đức hình thức này ngày càng được ưa chuộng hơn, cả đối với người già. Nhưng liệu hình thức đó có đưa ra giải pháp cho các vấn đề xã hội hiện tại?
Sống trong cộng đồng, nhất là với trẻ con, giữa thành phố và có cây xanh trước nhà – đó là hình dung của Ingrid Vetter khi về già. Trong công trình “Leuchtturm (Hải đăng)“, một ngôi nhà nhiều thế hệ giữa quận Prenzlauer Berg sống động của Berlin, bà tìm được ngôi nhà trong mơ của mình trước đây ba năm. Một lúc nào đó, cả Rainer Gebauer cũng suy nghĩ xem “nên sống tuổi già ra sao“. Ông và vợ ông không thích sống trong nhà dưỡng lão, do đó họ đi tìm một lựa chọn khác cho tuổi già và cũng đến với “Leuchtturm“. Từ 2009 hai vợ chồng chung sống với một cộng đồng láng giềng già trẻ dưới cùng mái nhà. Mô hình sống có tương lai Có nhiều tiềm năng ẩn chứa trong các dự án nhà chung cư như “Leuchtturm“ ở Berlin. Riêng tình hình phát triển dân số đã cho một gợi ý: Ở Đức ngày càng nhiều người già, trong khi tỉ lệ người trẻ giảm thiểu. Nhưng các yêu cầu công việc như tính linh động và cơ động, tính cá nhân gia tăng và cơ cấu gia đình kiểu cũ bị phân hoá… cũng bắt ta phải suy nghĩ về các phương thức chung sống mới. Ngày càng ít người có con và cháu, hoặc con cháu họ sinh sống ở thành phố khác, do đó mối liên lạc họ hàng và sự tương trợ thường bị lỏng lẻo. Ngày xưa là chuyện thường, khi mọi thế hệ sống chung dưới cùng một mái nhà, nhưng ngày nay đó là ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi. Do vậy mà nhà nhiều thế hệ, xét về mặt nào đó, là một bước thụt lùi về quá khứ mang tên “tam đại đồng đường“. Sự trao đổi và hỗ trợ được bảo đảm thông qua phương thức tổ chức để làm sao cuộc sống chung không phải bên-cạnh-nhau mà là thực sự cùng-với-nhau: Cư dân trong nhà tự quyết định ai chuyển đến, tự tổ chức việc ăn ở, tự đặt ra quy định cho việc chung sống và tích cực góp tay điều hành sự chung sống đó. Cách chung sống mới này làm vừa lòng cả già lẫn trẻ: Theo Nghiên cứu gia đình Vorwerk 2012, 79% người trên 60 tuổi nhận định nhà nhiều thế hệ là “tốt“, và 55% có thể hình dung ra là sẽ sống được ở trong một ngôi nhà như thế. Những người trẻ cũng có quan điểm tương tự. Người có dân trí cao và thu nhập cao thì cởi mở hơn đối với hình thái chung sống mới này.
Giữa nhu cầu và thực tế
Tuy nhiên, nhà nhiều thế hệ vẫn còn là “hiện tượng hi hữu“, theo lời Bernhard Heiming, giám đốc công ty xây dựng BB Hausbau và chủ tịch kiêm nhiệm Nhóm công tác bất động sản cho người cao tuổi của Hiệp hội liên bang các doanh nghiệp bất động sản tự do. Từ mấy năm nay, tuy ngày càng nhiều dự án đơn lẻ ra đời, thường là trên cơ sở sáng kiến cá nhân, nhưng nếu muốn đưa ra giải pháp thực sự cho các vấn đề xã hội thì theo ý Heiming nhà nhiều thế hệ phải vượt tầm giải pháp đơn lẻ để phát triển thành ý niệm mang quy mô khu dân cư, với môi trường xung quanh thực sự thích hợp với tình hình phát triển dân số. Nhà nước đã nhận ra tiềm năng cộng đồng đó và từ 2006 đã hỗ trợ phát triển 450 công trình toàn quốc trong khuôn khổ “Chương trình hành động vì nhà nhiều thế hệ“. Những ngôi nhà đó dự tính sẽ là điểm chuyển giao thông tin và dịch vụ tại chỗ cho các cá nhân đủ mọi lứa tuổi: từ lớp học computer, dịch vụ “mượn“ bà trông cháu, cho đến giúp đỡ làm bài tập về nhà và nấu bữa trưa cho trẻ con đi học – đó là nội dung sự hỗ trợ lẫn nhau theo hình mẫu đại gia đình.
Tăng chất lượng sống
Nhưng liệu hình thức chung sống mới cho nhiều lứa tuổi có giải quyết nổi các vấn đề do biến đổi dân số trong xã hội gây ra? Trong một luận án thạc sĩ, Yvonne Kuhnke nghiên cứu sự tương trợ láng giềng trong các dự án chung sống nhiều thế hệ. Cô không tìm được minh chứng chắc chắn cho sự thoả mãn các kỳ vọng lớn của giới nghiên cứu, truyền thông, chủ thể thị trường nhà ở và nhà nước về sự hỗ trợ lẫn nhau trong thực tế. Dù là ở các dự án đó cư dân hoàn toàn tương trợ lẫn nhau, từ việc đi chợ hộ nhau cho đến trông trẻ hoặc lo ăn uống cho người ốm, nhưng các hành vi hỗ trợ đó “chủ yếu là sự hỗ trợ ’đặc trưng’ của những người hàng xóm láng giềng trong khuôn khổ nhỏ và không mang tính quy định“. Nhất là trách nhiệm chăm sóc thì thông thường không ai có thể hoặc muốn đảm nhận. “Dự án kiểu này trong tương lai không nên được hiểu như một cách giảm áp lực cho nhà nước“, Kuhnke đề nghị, “mà chỉ có ý nghĩa tăng chất lượng sống“. Tăng chất lượng sống cũng là điểm cốt lõi của cư dân “Leuchtturm“ khi lập ra một cộng đồng. Trẻ em rất thích được bà “dự bị“ cho kẹo và bản thân bà cũng thích đại gia đình phong phú đã chọn. Đối với bà, không bao giờ ngôi nhà nhiều thế hệ được coi là tấm lưới bảo hiểm cho trường hợp bất trắc: “Tôi hoàn toàn không trông đợi hàng xóm chăm sóc tôi, mà sẽ tổ chức việc đó theo cách khác“. Riêng ý nghĩ là khi ốm có người nấu hộ chút ít, đó đã là một chuyện có ý nghĩa. Nhưng cho đến nay chưa có trường hợp nghiêm trọng nào xảy ra. “Ai biết được từ bây giờ, phải xử sự ra sao với một trường hợp cần chăm sóc trong nhà“, Rainer Gebauer nói, “cái gì đến sẽ đến.“