BVCL – Tối ngày 2/11/2022, Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 đã chính thức khai mạc tại Khu Hội chợ Triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Hội chợ do Bộ NN-PTNT chủ trì, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp trực tiếp thực hiện.
Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022 là sự kiện thường niên do Bộ NN-PTNT tổ chức. Trong đó, Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 là hai hoạt động chính nằm trong chuỗi 7 hoạt động của Festival được diễn ra từ ngày 2 – 6/11 tại Khu Hội chợ triển lãm – Giao dịch kinh tế và thương mại (số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).
Báu vật cần gìn giữ
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Việt Nam có hàng ngàn làng nghề truyền thống lâu đời, với lớp lớp các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi. Từ những nguyên liệu thô sơ, các nghệ nhân, thợ giỏi với sự khéo léo, tỉ mỉ, tài hoa đã tạo ra những sản phẩm mang lại cho người xem rất nhiều cảm xúc. Mỗi người trong chúng ta không nên nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ một cách thông thường mà hãy lắng đọng, suy tư để cảm nhận được hồn, cốt, tinh hoa của sản phẩm, tác phẩm, cao hơn là làng nghề tạo ra nó.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng: Đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi đang miệt mài đưa hơi thở cuộc sống, các giá trị văn hóa, lịch sử… vào từng tác phẩm. Do đó, mỗi người Việt Nam phải có trách nhiệm nâng niu, trân trọng những tác phẩm, sản phẩm, làng nghề, coi đó là một báu vật, di sản cần được bảo vệ, giữ gìn cho thế hệ mai sau.
Tại lễ khai mạc Hội chợ, Ban tổ chức đã Trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 cho 48 sản phẩm đạt giải. Giải đặc biệt thuộc về ông Kha Văn Thương (Tam Quan, Tương Dương, Nghệ An) với sản phẩm bàn ăn mây tre; giải nhất cho 5 tác giả: Quách Phan Tuấn Anh (Hà Nội) với sản phẩm Chào mào hót; Vũ Văn Hoan (Hưng Yên) với sản phẩm Cây lúa; Hoàng Long (Hà Nội) với sản phẩm Bộ bàn ghế lưu thủy; Lê Văn Nguyên (Hà Nội) sản phẩm Đôi chim sếu; Hồ Mai Hương (Hà Nội) với sản phẩm Lọ hoa trang trí. Đồng thời Ban tổ chức cũng trao 10 giải nhì; 15 giải ba và 17 giải khuyến khích có tác tác giả, nhóm tác giả từ các địa phương trong cả nước và công nhận 196 tác giả tham gia Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022.
Theo Ban Tổ chức, các sản phẩm đạt giải đã đại diện cho các vùng, tập trung ở 16 tỉnh, thành phố, số lượng giải lớn nhất ở Hà Nội, đây cũng là cái nôi của làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Mỗi tác phẩm đạt giải đều có những câu chuyện riêng về sản phẩm, nhiều sản phẩm của nghệ nhân người dân tộc của các tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Hà Giang…
Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Hội chợ năm nay có quy mô 150 gian hàng tiêu chuẩn và 1.200m2 sàn trưng bày được thiết kế đặc biệt. Hội chợ giới thiệu nhiều mặt hàng nông lâm thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, trái cây đặc sản vùng miền và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước.
Các sản phẩm tham gia trưng bày đều đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, điển hình như: gạo (gạo Séng Cù Lào Cai, gạo tám Điện Biên, gạo nàng thơm Chợ Đào Long An…), chè (chè Shan tuyết Hồng Thái Tuyên Quang, chè Suối Giàng Yên Bái…), bánh đậu xanh Hải Dương, nho Ninh Thuận, xoài cát Cao Lãnh, gà Đông Tảo, hành tỏi Lý Sơn, nước mắm Cà Ná Ninh Thuận, hải sản Phan Thiết, nem chua Thanh Hóa, chả mực Hạ Long…
Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, phố nghề truyền thống như: gốm Bồ Bát Ninh Bình, Lụa Nha Xá Thanh Trì, Hà Nội, gốm sứ vẽ thủ công Bắc Giang, dệt thổ cẩm, gốm nung, thủ công mỹ nghệ mây tre đan Ninh Thuận, dệt thổ cẩm Hòa Bình, dệt lanh, thổ cẩm Hà Giang, trầm hương Quảng Nam, dệt thêu thổ cẩm dân tộc Dao, mỹ nghệ từ dừa Bến Tre, gỗ mỹ nghệ Phú Thọ…
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết: Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam là sự kiện được Bộ NN-PTNT tổ chức thường niên 2 năm một lần.
Đến nay, đây là hội thi duy nhất mang tính Quốc gia, được tổ chức nhằm động viên, khuyến khích, tôn vinh, phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam; tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm… Từ đó, góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa các giá trị truyền thống đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Hội thi năm nay đã tạo được môi trường giao lưu học hỏi và cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm làng nghề; giúp thay đổi tư duy theo hướng hợp tác, nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm, hướng tới mục tiêu nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.