Nói về chiến tranh và nước mắt của tuổi thơ, thì có lẽ không ai khắc họa tài tình bằng nhà văn Phùng Quán. Tuổi thơ dữ dội, một tác phẩm văn học đi cùng năm tháng bom đạn của ông, đã từng là cuốn sách gối đầu giường của biết bao thế hệ.
- Số Đỏ – Đứa Con Đáng Tự Hào Của “Ông Vua Phóng Sự Đất Bắc”
- Sống mòn – Thiên tiểu thuyết đặc tả Ngòi bút thiên tài mà không phô trương của Nam Cao
Chiến tranh – tạm không nhắc đến những đau thương, mất mát mà nó mang lại – chính là mảnh đất màu mỡ để con người gieo xuống những phẩm chất chân thật nhất. Cả tốt và cả xấu.
Trong Tuổi thơ dữ dội, Phùng Quán cũng chọn chiến tranh làm chủ đề, lấy những ngày Huế nổ súng là bối cảnh và chọn Trung đoàn Trần Cao Vân làm nhân vật trung tâm.
Cuốn sách là tập hợp câu chuyện về cuộc đời của những chiến sĩ nhỏ tuổi trong trung đoàn. Là Mừng với khát khao “…muốn theo các anh đánh Tây cho nước nhà được độc lập, để sau ni lỡ mạ em có mắc bệnh chi còn nặng hơn cả bệnh hen suyễn, cũng được Chính phủ chữa cho lành..”. Là Lượm – cậu “Việt Minh nhà nòi” dũng cảm, mưu trí không ai bằng. Là Quỳnh “sơn ca” – “vỡ tim mà chết” bởi quá đau lòng, là Tư dát, là Bồng da rắn, là Vệ to đầu,…
Khép lại trang sách đã lâu nhưng tôi vẫn không thôi thoát khỏi những ám ảnh về sự hi sinh của Vịnh “sưa” – nhân vật tôi yêu thương hơn cả trong tác phẩm. Rốt cuộc là thứ gì trong lò lửa chiến tranh đã tôi nên một trái tim gan dạ, dũng cảm dường ấy? Là ai, là cái gì đã dạy cho đứa trẻ mới mười bốn tuổi học được bản lĩnh ấy? Em nằm lại ngay trên nóc thành trì của địch, không một manh áo quần. Em chết dưới ngọn súng của kẻ thù, không một tất vũ khí trong tay, không một hành động kháng cự. Em đánh đổi tính mạng mình để chỉ điểm cho đồng đội, để làm chuẩn cho đồng đội bắn trúng, để nhìn anh em chiến đấu. Trong phút giây sinh tử, em lựa chọn cái chết. Chao ôi! Phút đó tôi chỉ có duy nhất một ao ước mãnh liệt, ước gì thứ mình đang cầm trên tay không phải là “bản án tử hình” của em mà là một câu chuyện cổ tích, bởi chỉ có trong cổ tích người ta mới có thể giằng em lại từ tay của tử thần.
Tôi thuộc kiểu người khá nghèo nàn về cảm xúc. Đã từng lèo một hơi đọc hết cả cuốn Một lít nước mắt mà không để lại tiếng nấc nào cả. Ấy vậy mà khi sống trong thế giới của Tuổi thơ dữ dội, tôi cứ thế mà cùng đồng hành với cảm xúc của các em, khóc cùng khóc. cười cùng cười.
Xin đừng lo lắng khi có quá nhiều nhân vật trong một cuốn sách chưa tới nghìn trang. Bởi cái tài hoa của Phùng Quán chính là sắp xếp những mảnh ghép rời rạc ấy thành một bức tranh hoàn mỹ. Sự hoàn mỹ này vừa xuất phát từ lòng yêu nước trong trẻo và cũng vừa được nổi bật lên nhờ những mảng tối xấu xí của chiến tranh, là gông cùm, xiềng xích; là những đòn roi; là sự phản bội từ chính đồng đội, anh em của mình;…
Hãy đọc Tuổi thơ dữ dội một lần, để biết thế nào là tình yêu đất nước xuất phát từ yêu người thân, yêu gia đình, yêu làng xóm,…; biết được yêu nước không cứ phải chân chính cầm súng dí vào đầu quân thù “đoàng” một tiếng, yêu nước đôi khi chỉ đơn giản là giữa cái thiếu thốn của chiến khu vẫn thấy tốt chán so với chung chạ với lũ bán nước và bọn cướp nước, là khi cùng với những người chung chí hướng quây quần bên nhau hát vang bài ca ca ngợi chiến khu;… biết được tình yêu nước được lan tỏa thế nào; biết cái gọi là “tài không đợi tuổi”, khi một đứa trẻ mới mười mấy tuổi mà đã năm lần bảy lượt vượt ngục; biết được thế nào cảm giác bị phản bội bởi người anh em đã từng chung một chiến tuyến; …
Nếu bạn vẫn đang tự hỏi yêu nước là gì? Và yêu nước thế nào? thì xin đừng bỏ qua cuốn sách này. Bởi nơi đây tập hợp những trái tim yêu nước thuần khiết nhất, non dại nhất và cũng đẹp đẽ nhất!