Mọi thứ trên đời này đều là sự tương đối, bao gồm cả luật pháp. Nó là môt quy trình tuân theo nguyên tắc mà xã hội đặt ra dựa trên bằng chứng để duy trì sự công bằng, lý trí. Nhưng cũng vì thế mà luật pháp sẽ không bảo vệ cho tất cả các nạn nhân.
Juvenile Justice – Tòa án vị thành niên:
- Biên kịch: Kim Min-seok
- Đạo diễn: Hong Jong-chan
- Thể loại: loạt phim hình sự tội phạm
- Diễn viên chính: Kim Hye Soo, Kim Moo Yeol, Lee Sung Min, Lee Jung-eun
- Số tập: 10
- Năm phát hành: 2022
- Công chiếu: Netflix
Juvenile Justice – Tòa án vị thành niên mới được ra mắt trên Netflix không lâu nên có lẽ mọi người đã đọc được rất nhiều bài review hay cảm nghĩ về phim. Sau khi xem xong Juvenile Justice, mình cũng rất muốn viết cảm nhận nhưng không muốn gây nhàm chán nên đã lựa chọn viết về vụ án mà mình cảm thấy thích nhất series và một câu chuyện tương tự ngoài đời thực.
Review phim Juvenile Justice – Tòa án vị thành niên
Đã là phim ảnh, thường người xem sẽ mong muốn một cái kết nhân văn hơn để thỏa mãn cảm xúc của họ khi theo dõi. Nhưng đối với mình, một nội dung được truyền đạt tốt lại là thứ phản ánh thực tế một cách rõ ràng nhất tới người xem. Vụ án trẻ vị thành niên làm giả giấy tờ và gây tai nạn chết người ở tập 7 và 8 chính là như vậy.
Trước khi nói về tập phim, mình muốn kể một câu chuyện có thật trước. Không rõ biên kịch đã lấy ý tưởng từ vụ án thật nào nhưng vụ án dưới đây có lẽ cũng khá tương đồng.
Ngày 29/3/2020, một chiếc xe ăn trộm do một đám thiếu niên 13 tuổi điều khiển đã vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ và cuối cùng là đâm vào một người giao hàng tại Daejeon. Nạn nhân là nam thanh niên 19 tuổi, chính xác là 18 tuổi 97 ngày, vừa mới đỗ đại học và đang đi làm thêm. Sau khi gây tai nạn, chiếc xe tiếp tục phóng đi. Khi bị bắt, có khoảng 6 thiếu niên trên xe, 2 trong số đó bỏ chạy được và chỉ bị bắt lại khi tiếp tục vụ trộm xe ở Sejong để quay lại Seoul. Một đám trẻ mười ba tuổi đã lái hơn 100 cây số, chính xác là 140 cây số và đâm chết một người.
Cậu thanh niên 19 tuổi khi được cấp cứu đã chết não, chân bị gãy biến dạng, cột sống phải cố định. Mẹ của cậu tới nhận xác còn không thể vuốt mắt cho con trai. Chiếc xe đám trẻ mười ba tuổi đó sử dụng thì bị biến dạng tới nát bấy. Còn chúng ngồi trong sở cảnh sát, chụp ảnh selfie và đăng lên với dòng trạng thái “Đ* mẹ bọn tao đâm chết người, sau nghỉ lái đê.”
Mười ba tuổi, bạn đang học lớp mấy, bạn đang làm gì lúc đấy? Mười ba tuổi, vừa hay nằm trong độ tuổi bảo hộ của luật pháp Hàn. Chúng ta thường có một câu nói như này, “trẻ con thì biết cái gì”. Đúng, trẻ con không biết cái gì vậy thì người lớn phải dạy cho chúng biết giết chết người là thế nào, phá nát một gia đình là như nào, luật pháp là thứ đáng sợ như nào.
Bộ phim đưa tới cho chúng ta một câu hỏi lớn như này, chúng ta nên xử phạt thật nặng những đứa trẻ này hay cho chúng cơ hội để có thể sửa sai vì đây là lần phạm tội đầu tiên của chúng? Có lẽ sau khi xem xong bộ phim, chúng ta vẫn chưa thể nào trả lời câu hỏi này một cách chính xác nhất. Bởi ngay cả những người làm luật hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện đạo luật dành cho trẻ vị thành niên. Như thế nào là đủ nặng, bao nhiêu tuổi là có thể chịu trách nhiệm cho tội của mình.
Thẩm phán trưởng Na Geunhee nói rằng phá án vị thành niên là cuộc chiến tốc độ, cũng đúng. Bởi như vậy có thể bảo vệ những đứa trẻ gọi mũi rìu của truyền thông và dư luận, thổi phồng chúng lên thành những tội phạm đáng sợ. Nhưng Thẩm phán Shim Eunseok cũng đúng khi cho rằng cần phải xử phạt chúng đủ nặng để chúng biết được luật pháp đáng sợ như nào.
Nếu bố mẹ không thể dạy chúng, xã hội không nói cho chúng biết thì tòa án phải là nơi dạy cho chúng hiểu chúng đã gây ra tội lớn đến thế nào.
Hình ảnh những đứa trẻ vui cười reo hò và những ông bố vui vẻ bắt tay nhau sau khi tòa tuyên án vô tội có lẽ chính là cảnh mình thích nhất cả bộ phim. Không có nhân văn, không có hậu, đây là hiện thực. Bởi không có đủ bằng chứng xác thực chứng minh chúng là kẻ đầu sỏ cho việc giả bằng lái và gây tai nạn, thẩm phán trưởng đã phán vô tội.
Là một người xem, biết được sự thật là gì, chắc hẳn ai cũng cảm thấy phẫn nộ. Nhưng “luật pháp vốn dĩ là vậy. Luật pháp sẽ không bảo vệ tất cả các nạn nhân. Luật pháp chỉ đưa ra phán quyết dựa trên bằng chứng.”
Một vụ án nhỏ nhưng trong đó lồng ghép rất nhiều vấn đề của tuổi trẻ, quay lén, bắt nạt, làm giả giấy tờ, lái xe gây tai nạn chết người. Kwak Do Seok, một cậu bé từng phải vào trại giáo dưỡng vì tội hành hung nhưng sau khi thụ án xong đã mong muốn thay đổi, dùng khả năng của mình để có thể trở thành một bảo vệ. Cuối cùng lại gây ra vụ tai nạn chết người còn bản thân thì trở thành người thực vật suốt đời. Dù mục đích của cậu vốn là để giúp cô bạn của mình xóa những tấm ảnh chụp lén, nhưng cho đến cùng, người giả giấy tờ và người cầm lái chính là cậu.
Bất kể lý do của hành động là gì cũng chẳng thể nào thay đổi được một việc, rằng có một gia đình đã tan nát vì chuyện đó, một người vợ mất chồng, những đứa con mất cha. Đây chính là “bằng chứng” để thẩm phán Na đưa ra phán quyết cuối cùng.
Những đứa trẻ thời nay nghĩ gì? “Thanh thiếu niên coi trọng bạn bè hơn cả sinh mạng”. Sau khi tòa đưa ra phán quyết, mình cũng đã hy vọng phải chăng sẽ có một cú quay xe, cô bé được Do Seok giúp sẽ đứng ra làm nhân chứng. Nhưng không, cho tới kết thúc phim, chẳng có thay đổi nào cả. Chúng ta không thể đòi hỏi sự dũng cảm đến từ chúng, nhưng cũng không biết làm cách nào để nói cho chúng hiểu rằng xã hội này sẽ bảo vệ chúng cả.
Liệu những đứa trẻ đó và bố chúng sau khi nghe việc Kwak Do Seok đánh tay lái về hướng ngược lại thông thường chính là để bảo vệ mạng sống của chúng sẽ nghĩ gì? Theo mình, những ông bố dường như chỉ có sự xấu hổ trong phút chốc, còn những đứa trẻ đó rất nhanh thôi sẽ quên đi. Bởi vì ngày hôm đó, tòa án đã không dạy chúng rằng luật pháp đáng sợ như nào, không cho chúng biết giết chết một người, một gia đình là việc tồi tệ ra sao.
“Chúng không nên hoan hô, vui mừng như vậy.”
Chính phán quyết ngày hôm đó của tòa án đã cho những đứa trẻ như vậy cơ hội để coi thường luật pháp. Chúng sẽ nghĩ, à ra là đâm chết một người cũng chỉ như vậy thôi, quản chế vài tháng và rồi chẳng ai biết những tội lỗi chúng đã làm.Một ngày nào đó, có lẽ chúng sẽ lại xuất hiện ở tòa án, nhưng là tòa án cho người trưởng thành.
Bản án nặng nhất cho một vụ án hình sự vị thành niên là 20 năm. Nghĩa là nếu thụ án đủ, sau khi ra tù, đứa trẻ đó cũng chưa tới 40 tuổi, mới chỉ sống hơn nửa đời người. Nếu không ai nói cho chúng biết tội lỗi mà chúng phạm phải là gì, liệu chúng sẽ tiếp tục hại chết thêm ai nữa?
“Thầy Paul từng nói: “Đến đây với thầy, thầy vẫn còn rất nhiều điều muốn dạy cho em. Trong cuộc sống này, dấu phẩy quan trọng hơn dấu chấm. Vì thế, em không cần lo lắng. Ai cũng sẽ phạm sai lầm. Nhưng sai lầm đó không hẳn là thất bại. Lúc nào em cũng có thể bắt đầu lại.”
(Nhật ký của Thầy tôi – Tác giả Kang Taesoo)
Dường như, cuộc sống không phải lúc nào cũng sẽ diễn ra như ý chúng ta muốn. Dấu chấm có thể tới một cách thật đường đột, không cho chúng ta cơ hội để có thể bắt đầu lại. Luật pháp vốn dĩ là vậy, cuộc sống vốn dĩ là vậy.