Thể loại phim ma – kinh dị luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm và hứng khởi đến từ công chúng, hiệu ứng mà dòng phim này mang lại là vô cùng cao và luôn giữ những vị trí thuộc hàng “top” trong cuộc đua phòng vé. Song, đối với những gì đã gắn liền với tuổi thơ của ta, thân quen, gần gũi sẽ lại càng dễ dàng khiến ta cảm thấy kinh hoàng, sợ hãi và ám ảnh. Và đây chính là những gì mà Năm, Mười, Mười lăm (Play With Me) mang đến cho khán giả. Trò chơi trốn tìm quen thuộc thời còn bé sẽ được tái hiện lại nhưng với một cách rất lạ, rất riêng và dị biệt. Cơn ác mộng kinh hoàng đang chuẩn bị ập đến, trò chơi của trẻ con bỗng biến thành cuộc đi săn một mất một còn.
Lấy cảm hứng từ ác quỷ Mormo trong thần thoại Hy Lạp, Năm, Mười, Mười lăm của đạo diễn Adrian Garcia Bogliano kể về Sofia (Liz Dieppa) – một cô gái 18 tuổi từng phải trải qua một quá khứ vô cùng ám ảnh bên cạnh người bà của mình. Nhờ sự giới thiệu của chị gái Natalia (Alejandra Rodriguez), Sofia được nhận vào làm bảo mẫu cho một gia đình giàu có. Tuy nhiên, cuộc sống của cô chưa hề đơn giản chút nào khi những đứa trẻ mà cô được giao nhiệm vụ coi sóc luôn rất hiếu động, nghịch ngợm và không nghe lời.
Và cũng chính từ sự bướng bỉnh ấy, một trong số những đứa trẻ đã vô tình mời gọi tên ác quỷ Mormo đến chơi cùng, trò chơi chính thức bắt đầu, Sofia buộc phải tham gia vào trò chơi vốn không hề mong muốn ấy để có thể bảo vệ chính bản thân cô và những đứa trẻ được an toàn.
Đầu tiên, nếu so về mặt bằng chung của các phim đang được công chiếu tại rạp, Năm, Mười, Mười lăm vẫn được đánh giá cao hơn các phim kinh dị Việt Nam trong khoảng thời gian này. Với một cốt truyện dễ hiểu, motif phim tuy vẫn đi theo lối mòn cũ của đa số các bộ phim đi trước thuộc thể loại này, xoay quanh nút thắt ba mẹ có việc đi khỏi nhà, để lại các nhân vật chính cùng nhau tự giải quyết vấn đề nhưng Năm, Mười, Mười lăm vẫn ghi được một mức điểm nằm ở ngưỡng trung bình – khá ở khâu kịch bản.
Cốt truyện tuy không quá đặc sắc, nút thắt trong phim được giải quyết có phần làm khán giả hơi hụt hẫng song vẫn đủ để cảm thấy hài lòng cho một tác phẩm chú trọng nhiều về các yếu tố giật gân thót tim, hù dọa, đánh vào nỗi sợ trong tâm lý người xem. Màu phim đẹp, mang đậm chất nét kinh dị Tây phương tiêu chuẩn, diễn xuất của diễn viên cũng nằm ở mức ổn cho đến khá tốt làm mạch phim không bị vỡ, khá lôi cuốn và giữ được nhịp phim từ đầu đến cuối.
Các hình tượng trong phim đều được xây dựng khá tròn trịa, chỉn chu với sự xuất hiện xuyên suốt của những món đồ chơi thân quen, gần gũi đã tạo nên một nỗi ám ảnh nhất định, kéo theo từng cảm giác ma mị, kinh dị rùng mình mỗi khi xuất hiện. Đặc biệt, hình ảnh gã ác quỷ Mormo được tạo nên khá hay, đi từ hình tượng được xây dựng trong thần thoại Hy Lạp về một ác quỷ chuyên ăn thịt những đứa trẻ hư có hình dạng như ma cà rồng. Nó đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trong các câu chuyện dân gian đậm chất Hy Lạp thời Byzantine.
Một điểm sáng khác của Năm, Mười, Mười lăm nằm ở nhạc phim. Hầu hết tất cả âm thanh trong phim đều là nhạc nền, được phổ lại từ tiếng dương cầm đã được cố tình làm méo mó âm thanh đi, tạo nên những thanh âm vô cùng ẩm đạm, ma quái, có chút gì cổ điển, ủy mị làm khán giả cảm thấy “sởn gai óc” khi nghe qua. Kết hợp với những đoạn cao trào dồn dập hay cả khâu lồng tiếng tên ác quỷ Mormo… Nhìn chung, âm thanh trong Năm, Mười, Mười lăm được đánh giá khá cao, kích thích được sự hồi hộp, hiếu kì và căng thẳng cho người xem.
Dù có khá nhiều những điểm sáng so với thị trường phim kinh dị hiện nay song Năm, Mười, Mười lăm cũng chưa phải là một tác phẩm đạt được sự trọn vẹn tuyệt đối, kịch bản khá nhạt, đơn điệu, hầu như xuyên suốt cả bộ phim không có một cú twist nào thực sự ấn tượng. Nút thắt trong phim cũng được mở ra quá nhẹ nhàng làm người xem cảm thấy hụt hẫng khi xem đến cuối phim.
Nói chung, Năm, Mười, Mười lăm vẫn đáng để các tín đồ phim kinh dị ra rạp xem nếu sự tập trung chủ yếu hướng về mặt hình ảnh, sự cài cắm những cú “hù thót tim” chứ không đặt quá nhiều kì vọng vào một kịch bản quá sắc sảo, thông minh và hóc búa.