CODA (Child Of Deaf Adults – Đứa trẻ của người khiếm thính) là một câu chuyện về tuổi mới lớn chân thành, đơn giản, mang đến một niềm vui hân hoan mà chắc chắn sẽ đọng lại trong tâm trí của người xem qua nhiều ngày, nhiều tuần sau khi đã được thưởng thức.
CODA (2021) là một phiên bản làm lại bằng tiếng Anh của La Famille Bélier, bộ phim Pháp-Bỉ năm 2014.
- Tựa Tiếng Việt: Giai Điệu Con Tim
- Kịch bản và đạo diễn: Sian Heder
- Diễn viên chính: Emilia Jones, Eugenio Derbez, Troy Kotsur, Ferdia Walsh-Peelo, Daniel Durant, Marlee Matlin.
- Điểm IMDb: 8.1/10
- Giải thưởng nổi bật: Phim hay nhất tại Oscar lần thứ 94 (2022).
Cùng xem điều gì khiến CODA (2021) dành giải Phim hay nhất tại Oscar 2022 qua cảm nhận của các thành viên Xem phim & Bình phim nhé.
Review phim CODA
Là một bộ phim hài chính kịch về lứa tuổi mới lớn được nhào nặn bằng sự chân thành và tính chân thực cao, CODA kể về cuộc hành trình của Ruby Rossi, một cô bé bình thường duy nhất sinh trưởng trong gia đình có cả cha mẹ và anh đều là những người khiếm thính và họ cũng không nói được. Cái tên phim CODA là viết tắt của cụm từ Child of deaf adults (Con của người khiếm thính).
Gia đình Ruby làm nghề đánh bắt cá và họ cũng muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình. Bởi trước đến giờ, thương lái ép giá cá quá nặng, chưa kể thêm bao nhiêu ràng buộc khác nữa làm thu nhập cuộc sống ngày càng khó khăn.
Cả nhà đều dựa vào Ruby bởi cô là tiếng nói duy nhất của họ đối với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, cô bé Ruby một mặt cảm thấy trách nhiệm với gia đình mình phải gánh vác, một mặt khác lại muốn theo đuổi giấc mơ và giọng hát ngọt ngào của mình – cô muốn vào đại học.
Cô bé của chúng ta, Ruby Rossi, bắt đầu dần cảm thấy bản thân bị giằng xé giữa việc theo đuổi ước mơ ca hát và nỗi sợ hãi bỏ rơi gia đình khếm thính của mình để theo đuổi đam mê.
Bộ phim mang đến một niềm vui đơn giản, chân thành và rất dễ xem, kể một câu chuyện cũng rất thời thượng của xã hội hiện đại về mâu thuẫn gia đình đi kèm với các cung bật cảm xúc thuần khiết.
Phim được Sian Heder viết kịch bản và đạo diễn, chủ đề không có gì mới và diễn biến câu chuyện cũng quen thuộc, nhưng những nhịp đập đầy cảm xúc trong từng màn đối thoại, các vấn đề giữa người bình thường và người khiếm thính đã đánh đúng nhịp vào trái tim người xem và khiến phim trở thành một chuyến tàu hành trình cảm xúc đáng yêu, cuốn hút và ấm áp.
Bức chân dung về cộng đồng người khiếm thính trong phim cũng được diễn tả chân thực bởi đạo diễn, bối cảnh cuộc sống ngày qua ngày được trình diễn tự nhiên với sự quan tâm và thấu hiểu, không khí gia đình được dựng nên tạo cảm giác vô cùng gắn bó và cảm xúc giữa các thành viên với nhau rất cuốn hút.
Bối cảnh ở một thị trấn nhỏ, quay phim với tông màu rạng rỡ, sự dí dỏm thông minh đi kèm trong câu chuyện, nhịp phim nhanh và những đoạn trầm lắng xen kẽ làm trải nghiệm xem phim rất sống động.
Nhưng chính những màn trình diễn của toàn bộ dàn diễn viên và sự ăn ý mà họ chia sẻ với nhau mới là yếu tố chính khiến bạn, người xem sẽ thật sự lay động con tim.
Nhìn chung, CODA (Child Of Deaf Adults) kể một câu chuyện khuôn mẫu dành cho lứa tuổi mới lớn phổ biến, không cố gắng biến tấu lại thể loại phim và có một kết thúc khá dễ đoán.
Tuy nhiên, câu chuyện đến với thế giới điện ảnh mang trong nó tràn ngập sự ấm áp và tình cảm nhiều đến nỗi tính chân thật và nhân văn của bộ phim không chỉ nổi bật mà còn tỏa sáng tuyệt đẹp.
Cho dù là phiên bản làm lại dựa trên bản gốc của Pháp, nhưng có thể cảm nhận rõ ràng nhà sản xuất đã có những điều chỉnh để phù hợp với văn hoá Mỹ hơn, cũng khéo léo lồng ghét nhiều chi tiết khá là đắt khách và thời sự vào phim.
Đầu tiên là tính representation khá là thời thượng trong điện ảnh và văn hoá nói chung: phim về cộng đồng người khiếm thính nên nhất quyết những nhân vật khiếm thính trong phim đều bị tật nguyền thật ở ngoài đời. Riêng chi tiết này đã là một điểm cộng cực lớn.
Đặc biệt là Marlee Matlin trong vai bà mẹ. Cô là diễn viên khiếm thính nổi tiếng nhất, là người khiếm thính duy nhất đến thời điểm này được Oscar và cũng là nữ diễn viên nhận tượng vàng trẻ nhất trong lịch sử.
Tiếp theo, ở phần nhạc phim CODA chọn những bài dễ nghe, nhưng lại cực nổi tiếng và dễ đi sâu vào lòng người. Ví dụ như bài Both Sides Now của Joni Mitchell thì gần như là một tượng đài với lời ca và giai điệu như ghim vào lòng người xem. Sức mạnh của âm nhạc là không giới hạn, lan toả và chắp cánh cho câu chuyện của bộ phim.
Emilia Jones thủ vai Ruby Rossi cũng rất thành công, diễn xuất của cô gái 19 tuổi đầy tài năng sẽ khiến chúng ta phải bất ngờ.
CODA (2021) là minh chứng rõ ràng cho một tác phẩm remake vẫn đủ khả năng tạo nên sự khác biệt và đẳng cấp riêng nếu được thực hiện lại đúng cách.
Tại liên hoan phim Sundance vừa qua, CODA lập kỉ lục khi được Apple+ mua lại quyền phát hành với 25 triệu đô. Và giới critics cũng dành nhiều lời tán thưởng có cánh cho bộ phim.
CODA là một câu chuyện về tuổi mới lớn, về cộng đồng người khiếm thính, về tình cảm gia đình ấm áp, đáng xem và nên xem.
- [Review phim] The Batman (2022) – Đừng quá kỳ vọng
- [Review phim] Belfast – Hồi ký quyến rũ qua lăng kính nhuốm màu hoa hồng
- [Review phim] Don’t Look Up – Siêu phẩm không dành cho đám đông
- 5 series phim hình sự tâm lý tội phạm hay nhất bạn nên xem ngay
- 17 bộ phim Anh Quốc hay nhất bạn nên xem