Phải nói rằng Orange là một anime đã khai thác khá tốt khía cạnh nhân vật, đặc biệt là nó đã khắc họa tương đối chân thực Kakeru – một học sinh cao trung phải vật lộn với chứng “Rối loạn Trầm cảm Chính” hay thường được gọi là “trầm cảm”.
Orange mở đầu với việc Naho – một nữ sinh trung học nhận được những lá thư do chính cô gửi đến từ tương lai. Những lá thư này đặt cô vào nhiệm vụ phải cứu lấy cậu bạn Kakeru của mình, bởi trong tương lai Kakeru sẽ tự sát. Trong Orange tồn tại 2 dòng thời gian: một là dòng thời gian nơi mà Kakeru tự sát, ở đây Naho và những người bạn của mình đã gửi thư về quá khứ để cứu Kakeru; hai là dòng thời gian của Naho và những người bạn nhận được thư gửi từ chính họ trong tương lai.
Để hiểu rõ hơn về chứng “trầm cảm” của Kakeru chúng ta hãy cùng xét ở dòng thời gian đầu tiên. Bắt đầu với việc Kakeru được chuyển đến lớp của Naho. Cậu đã phớt lờ tin nhắn từ mẹ để đi chơi với Naho, Suwa, Hagita, Azusa và Chino. Hmmmmmm, nghe cũng không có gì nghiêm trọng lắm đúng không? Ai mà chẳng có lúc ham vui bạn bè mà bỏ ngoài tai những lời réo gọi của phụ huynh chứ…
Tuy nhiên đáng buồn thay, tin nhắn: “Mẹ phiền phức quá” của Kakeru chính là lời từ biệt cuối cùng đối với mẹ cậu…bà đã tự sát ngay sau đó. Lý do: Mẹ Kakeru mắc chứng trầm cảm. Sự kiện này đã gây ra rối loạn trong tâm lý của Kakeru, điều này dẫn đến những tiêu cực thể hiện qua những triệu chứng đã nêu ở trên.
Những hoạt động của Kakeru trong khoảng thời gian sau đó đã phần nào cho thấy rõ những dấu hiện của “trầm cảm”
Cậu mặc dù đá bóng rất giỏi nhưng vẫn từ chối tham gia CLB bóng đá . Đó là giảm hứng thú, niềm vui đối với các hoạt động.
Kakeru nhận lời hẹn hò với senpai khóa trên chỉ bởi vì chị ấy có vẻ xinh, mặc dù cậu vẫn có cảm tình với Naho. Đó là tính quyết đoán bị suy giảm.
Vào đêm đón năm mới ở đền, lúc Naho thuyết phục Kakeru ở lại với mình và nói rằng bà của cậu sẽ không sao thì Kakeru đã nổi giận và quay sang tự trách bản thân mình đã giết mẹ. Đó là dễ bị kích động và cảm giác quá mức tội lỗi.
Kakeru luôn có suy nghĩ tự sát mỗi ngày, cậu từng hỏi đùa với Naho rằng nếu nhảy xuống cửa sổ ngay bây giờ liệu cậu có thể bay được như siêu nhân được không. Lặp đi lặp lại suy nghĩ hoặc chú ý vào cái chết hoặc ý nghĩ tự tử, một kế hoạch tự tử, hay cố gắng tự tử.
Qua những chi tiết trên ta có thể thấy rõ ràng rằng Kakeru đã gặp phải một “Đợt trầm cảm chính”, nguyên nhân của nó đến từ cái chết của mẹ cậu. Orange đã khắc họa tương đối chính xác những dấu hiệu của bệnh “trầm cảm” thông qua Kakeru.
Trầm cảm có thể điều trị bằng nhiều cách như sử dụng thuốc, những biện pháp trị liệu tâm lý hay trị liệu ECT. Ngoài những cách trên, trầm cảm còn có thể điều trị bằng những biện pháp tự nhiên hơn, điển hình là cách mà Naho cùng bạn bè đã sử dụng để cứu Kakeru: “SỨC MẠNH TÌNH BẠN”
Bây giờ chúng ta hãy cùng xét tới dòng thời gian thứ 2, nơi mà Kakeru không tự sát.
Ở dòng thời gian này, Naho, Suwa, Hagita, Azusa và Chino đều nhận được thư gửi từ chính bản thân mình trong tương lai. Những lá thư chỉ rõ cho 5 người họ biết phải làm gì để cứu Kakeru, tuy nhiên theo thời gian, những chỉ dẫn trong thư dần dần mất đi tác dụng và trở nên không còn hiệu quả ở dòng thời gian này nữa. Vì sao ? Bởi mối liên kết giữa Kakeru cùng với năm người họ đã trở nên khăng khít hơn so với dòng thời gian kia.
Mọi chỉ dẫn trong thư từ việc bảo Naho tham gia đánh bóng, làm bento cho Kakeru hay thuyết phục cậu vào đội bóng đá đều hướng đến mục tiêu là để cậu có thể hòa nhập với bạn bè. Chưa kể những chỉ dẫn trong thư còn có tác dụng giải quyết một số triệu chứng của “Đợt Trầm cảm Chính”. Ví dụ như khi lá thư bảo Naho làm bento cho Kakeru, một mặt là để khiến cô có thể gần gũi hơn với Kakeru đồng thời cũng là để giải quyết sự thay đổi đáng kể trong sự thèm ăn của cậu.
Chỉ khi hòa nhập Kakeru mới có thể mở lòng với mọi người cũng như giảm nhẹ đi mặc cảm tội lỗi của bản thân. Có thể hiểu tại sao những việc làm trên nhằm khiến cho Kakeru đến gần hơn với mọi người lại có thể giải quyết được chứng trầm cảm của cậu. Đó chính là sức mạnh của tình bạn, nghe có vẻ sến súa nhưng nhờ nó mà nhóm bạn của Naho đã làm nên kỳ tích.
Nếu như trước đây khi cậu kể chuyện mẹ cậu mất với những người bạn cũ của mình thì họ chỉ cười cợt và phớt lờ nó thì giờ đây Naho cùng với Suwa, Hagita, Azusa và Chino sẵn sàng ở bên Kakeru để lắng nghe, để thấu hiểu và để trân trọng hơn cảm xúc của cậu.
Tuy nhiên, nó lại không hề đơn giản. Kakeru giống như một chiếc ly thủy tinh sắp vỡ, đổ vào bao nhiêu nước cũng không thể đầy, cũng không thể cầm nắm hay xê dịch…chỉ một tác động nhỏ cũng có thể khiến nó vỡ tan. Trầm cảm không thể đơn giản giải quyết bằng việc cho đi thật nhiều sự quan tâm hay phun ra những lời động viên sáo rỗng, nó giống như một hố đen sâu hoắm, chầm chậm lôi con người chìm sâu xuống…để họ không thể thoát ra được và rồi cuối cùng tìm đến cái chết.
Suy cho cùng, sống chính là ràng buộc. Nếu trên đời này bạn còn có thứ gì đó để tiếc nuối khi mất đi, có thứ gì đó đủ quan trọng để níu giữ bản thân lại thì lúc đó bạn đang sống. Với Kakeru cũng như thế, khi mẹ cậu mất, thứ ràng buộc cậu với cuộc đời này cũng tan biến theo, cậu chỉ còn lại bà, nếu bà cậu mất thì cậu chỉ còn lại một mình, đơn độc.
Ở cả hai dòng thời gian, quyết định tự sát của Kakeru vào đêm hôm đó đều xuất phát từ hộp đồ cũ và tin nhắn của mẹ cậu. Giây phút cậu đọc những dòng tin nhắn của mẹ cũng là lúc mặc cảm tội lỗi trong cậu bắt đầu quay lại và rồi ý nghĩ về cái chết xuất hiện
Tuy nhiên ở dòng thời gian thứ hai cậu đã không tự sát…Tại sao lại như vậy? Đơn giản là bởi cậu đã hình thành một mối ràng buộc mới – Naho và những người bạn. Một mối ràng buộc được tạo nên từ sức mạnh tình bạn, một mối ràng buộc đủ mạnh để khiến cho cậu chần chừ trước việc kết liễu đời mình…cậu đã không lao vào chiếc xe tải đó…Kakeru vẫn sống…MỘT KỲ TÍCH !!
Có thể thấy Orange giống như một lời nhắn nhủ với chúng ta về những người xung quanh mình: Hãy quan tâm, hãy kết nối với nhau nhiều hơn và đặc biệt là hãy để tâm đến những dấu hiệu.Trầm cảm không chừa bất kỳ một cá nhân nào, nó là một thứ đáng sợ…hãy chú ý và cố gắng giúp đỡ…bạn có thể cứu sống được ai đó ra khỏi hố đen trầm cảm.