Người lớn thường nói, bọn trẻ bây giờ sướng hơn ngày xưa, cơm ăn áo mặc đủ cả nên chẳng phải lo nghĩ gì. Thực tế thì, mỗi thế hệ lại mang trong mình những suy nghĩ đặc trưng của thời đại. Người trẻ thời nay cũng có những nỗi đau tinh thần không biết chia sẻ được cùng ai.
Cuốn sách Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi đưa chúng ta đi vào thế giới của những nỗi đau tinh thần, những dòng tâm sự giấu kín không dễ gì nói ra. Đọc sách để hiểu hơn về những vẫn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu của những người trong cuộc và chia sẻ từ góc nhìn của những người làm việc trong ngành tâm lý học.
Tác giả sách Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi
Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi là cuốn sách được viết bởi nhóm tác giả của cộng đồng A Crazy Mind. Đây là nhóm các bạn trẻ hướng tới thay đổi nhận thức công đồng về tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý thông qua những nội dung sáng tạo.
A Crazy Mind thường xuyên tổ chức những hoạt động đào tạo, kết nối mạng lưới cộng đồng, nâng cao nhận thức về tâm lý học.
Sách hay nên đọc: Review sách Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ – dũng cảm đối mặt với những sang chấn từ gia đình
Nội dung sách Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi
Những câu chuyện trong sách
Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi thực ra không phải một cuốn tản văn thích hợp cho một ngày cuối tuần nhẹ nhàng, yên bình và thong thả. Sách là tập hợp những câu chuyện có thật về các vết thương tâm lý mà người viết đã từng trải qua.
Có những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,.. họ chật vật để tồn tại trong một xã hội nhiều áp lực hoặc thoát ra những kí ức từ tuổi thơ đen tối.
Nhiều người trẻ trong sách đã có ý định tìm đến cái chết. Nếu bạn đang may mắn sống vui vẻ và lạc quan thì hãy cùng ngồi xuống lắng nghe câu chuyện từ những người đã đứng giữa lằn ranh sống và chết. Lựa chọn sống tiếp dù hành trình ấy còn nhiều đau đớn, xước xát, chông chênh.
Đằng sau vẻ bình ổn khó ngờ
Hầu hết các câu chuyện trong sách Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi đều được chia sẻ bí mật. Nhân vật chính trong sách không dám cất lời, không biết chia sẻ cùng ai. Cay đắng nhất, họ là những đứa trẻ câm lặng trong gia đình khi nỗi đau không thể bày tỏ cùng cha mẹ; hoặc, cha mẹ chính là nguồn cơn của những đau thương ấy.
Một bạn học sinh cuối cấp đã từng có thành tích nổi trội nhưng chán nản rồi trượt dài và không tự vực mình dậy được. Bất lực, bức bối, ức chế theo cả vào những cơn mơ. Người trẻ không muốn ngồi dậy, đã nhiều lần nghĩ đến cái chết. Ban ngày, họ có thể đối diện với bạn bằng nụ cười. Đêm tới, họ đối mặt với bản thân bằng giọt nước mắt đau khổ.
Một cô gái trông có vẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện trước mặt bạn thực ra đang phải đấu tranh nội tâm dữ dội để bình tĩnh trước mặt đám đông. Cô cố gắng làm vừa lòng người khác đến mức bị rối loạn lo âu, đêm mất ngủ, chân không đứng vững, thở cũng là một điều khó khăn. Đã nhiều lần, cô nghĩ đến cái chết.
Sách hay nên đọc: Review sách: Hai Mặt Của Gia Đình – chữa lành những tổn thương xuất phát từ gia đình
Người lắng nghe những câu chuyện
Sau dòng chia sẻ về những bí mật thầm kín, cuốn sách Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi nói về tâm sự của những người theo ngành tâm lý học. Họ đã từng chịu đựng nỗi đau, nay lại đi lắng nghe và san sẻ nỗi đau của biết bao người khác. “Suy cho cùng, câu hỏi đúng đắn duy nhất trong nghề này không phải là có việc hay lương bao nhiêu. Mà phải là: Liệu bạn có thể chịu đau đến mức nào? Và trong bao lâu?”
Ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có cái nhìn thực sự đúng đắn về ngành tâm lý học. Có người cho rằng các nhà tâm lý là người tạp nham. bao đồng, lo chuyện thiên hạ nhưng họ chưa nhìn thấy động lực sâu bên trong của những người có đam mê với ngành tâm lý. Đó là khát khao được tìm hiểu, khám phá, đồng cảm với những câu chuyện xung quanh mình.
Nhận xét về cuốn sách Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi
Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi là tập hợp của những câu chuyện, đến từ những hoàn cảnh sống khác nhau, độ tuổi khác nhau và thế giới quan khác nhau. Tuy vậy, một sợi dây xuyên suốt gắn liền những con người này là sự đồng cảm về nỗi đau.
Nỗi đau đã trở thành tinh thần chủ đạo của cuốn sách này. Đây không hề là một cuốn sách dễ đọc, nhất là với những ai chưa vững về tâm lý. Tuy vậy, nỗi đau trong sách cũng rất đẹp, “từ thẳm sâu nỗi đau lại nở rộ những điều đẹp đẽ đến nghẹn ngào. Hóa ra tận cùng nỗi đau và tận cùng sự chống chọi là một lòng tha thiết sống, tha thiết bám rễ ở cuộc đời này.”
Sau tất cả những đau đớn, cô độc, bất lực, họ vẫn chọn ở lại trên cuộc đời để tự mình viết tiếp những trang mới của tương lai.
Sách Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi viết chưa thực sự sâu, đó chỉ là lời kể lại của những người trẻ. Họ đơn giản chỉ viết ra suy nghĩ của mình để giải tỏa, để bộc bạch, để nhìn lại quãng thời gian đã qua. Nếu muốn nghiên cứu sâu hơn về tâm lý học, bạn cần tìm đến những cuốn sách chuyên sâu hơn nữa.
Trích dẫn từ sách Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi
“Hình ảnh trong giấc mơ luôn là tôi năm học lớp mười hai. Trong mơ, hoặc tôi ngồi ở góc lớp giải quyết đống bài tập được giao, hoặc tôi đối diện với những lời chê trách của giáo viên chủ nghiệm. Tôi luôn ở trong tâm trạng bức bối, khó chịu, chực chờ vỡ ra bất cứ lúc nào. Không chỉ vỡ trong tâm hồn mà còn cả bên ngoài nữa. Giấc mơ thực đến mức tôi nói mớ và khóc to…
Những gì tôi thấy trong mơ là lỗ hổng trong quá khứ của chính tôi..
Tôi bắt đầu cảm thấy khó ngủ. Một tuần thường có bốn đêm tôi thao thức mãi, chỉ ngủ chập chờn độ ba tiếng rồi lại đến trường. Hậu quả của những đêm mất ngủ là cơ thể uể oải, đầu óc mụ mị. Tôi thử ngâm chân bằng nước ấm khi ngủ, thử dùng thực phẩm chức năng những không thu được kết quả.
Những suy nghĩ tồi tệ ngày càng rõ rệt trong tâm trí. Tôi ước gì mình không vào ngôi trường này, ước gì ngày trước không nỗ lực quá nhiều để hôm nay bội phần chua xót, ước gì có ai đó sống thay tôi kiếp này… Thậm chí ước gì con tinh trùng đã tạo ra tôi không chui vào trứng.”
Lời kết
Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi là cuốn sách nên đọc. Đọc để hiểu thêm về những người xung quanh, để biết là đằng sau nụ cười và nét mặt bình thản là rất những câu chuyện cần ta đồng cảm và sẻ chia nhiều hơn nữa.
Sách hay nên đọc: Review sách Sang Chấn Tâm Lý – Hiểu Để Chữa Lành