Ở Afghanistan người ta không gọi là thả diều, mà là đấu diều. Các cuộc đấu diều diễn ra mỗi năm trên đất nước nhỏ bé bị bom đạn chiến tranh bao phủ này. Trên bầu trời hàng trăm chiếc diều, mỗi cánh diều như một người chiến binh chiến đấu với nhau cho đến khi chỉ còn một kẻ sống sót, kẻ đó là nhà vô địch. Lấy cảm hứng từ lễ hội độc đáo nơi quê nhà của mình, Khaled Hosseini đã cho ra đời tác phẩm đầu tay làm lay động trái tim người đọc trên khắp thế giới – Người đua diều.
Không đơn thuần chỉ là một câu chuyện về tình bạn cao đẹp, Người đua diều mang đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về một đất nước hồi giáo mang tên Afghanistan, nơi bóng ma chiến tranh luôn luôn bao trùm. Nơi tình cảm cha con mỏng manh. Danh dự. Sự phản bội. Dối trá. Đắc tội. Khaled Hosseini vẽ ra một bức chân dung một màu nhưng không đơn giản, là một vết cắt nhẹ nhưng lại sâu lắng trong lòng người yêu văn chương khắp năm châu.
Nhịp điệu cuộc sống là cái khung của câu chuyện
Người đua diều có thể được chia làm hai phần: phần đầu là tuổi thơ của nhân vật chính – Amir, ở Afghanistan trước khi chiến tranh nổ ra. Phần hai vẫn là Amir, nhưng ở Mỹ và sau đó là cuộc hành trình trở về quê hương tìm kiếm một phần đã làm tuổi thơ cậu trở nên đẹp đẽ thế nào – cũng có thể gọi đó là một cuộc hành trình chuộc tội.
Khaled Hosseini dẫn dắt người đọc vào câu chuyện về sự tàn bạo khủng khiếp và một tình yêu mãnh liệt chưa bao giờ được đền đáp. Tất cả điều đó đã thay đổi cuộc đời của Amir – một chàng trai quý tộc lớn lên trong những tháng ngày yên bình cuối cùng của nền quân chủ, trước khi đất nước cậu rơi vào tay những tên lính Nga. Thế nhưng những sự kiện, yếu tố chính trị ở đây, dù được miêu tả rất kịch tính, vẫn chỉ là một phần khác của câu chuyện. Yếu tố cốt lõi mà tác giả thể hiện xuất sắc nhất là khả năng khai thác giá trị bên trong mỗi nhân vật.
Amir thuật lại câu chuyện của mình như sau: tại huyện Kabul, Afghanistan, có một căn dinh thự của một người đàn ông vĩ đại. Nơi đó đã là chốn sinh thành của hai sinh linh bé nhỏ, một người bập bẹ tiếng nói đầu tiên là “Baba”, người con lại là “Amir”. Amir là con của Baba và người mẹ đã chết sau khi sinh ra cậu. Baba lớn lên với một người bạn thân nhất của mình tên là Ali, và con trai của ông ta, Hassan lại là người bạn thân nhất của Amir. Mọi chuyện rất đẹp đẽ cho đến khi bi kịch ập đến ngay sau chiến thắng huy hoàng của họ trong một trận đấu diều ở địa phương. Tiếp theo đó là bom đạn chiến tranh đã khiến Amir và cha của cậu phải sang Mỹ tị nạn, bỏ lại tất cả phía sau mình, trong đó có cả Hassan. Trên hành lý của họ mang theo chỉ có duy nhất hai món: sự phản bội và dối lừa. Amir cố gắng quên đi những lỗi lầm mà mình đã gây ra, thế nhưng nó đã hằn sâu vào trong tâm trí của cậu. Đến nỗi nhìn thứ gì cậu cũng hình dung ra mình đã từng thấy nó ở quê hương, làm một hành động gì cũng liên tưởng đến những việc mình đã làm với Hassan ở Afghanistan. Day dứt về tội lỗi của mình, cuối cùng Amir cũng quay trở lại vùng đất nơi cậu đã lớn lên để kiếm tìm và bảo vệ thứ bảo vật mà người bạn thân nhất của cậu đã để lại: con trai của Hassan – Sohrab.
454 trang sách là một câu chuyện diễn ra nhanh, hầu như không có chi tiết dư thừa. Một sự thể hiện kịch tính các sự kiện lịch sử. Khả năng miêu tả sâu sắc nội tâm nhân vật, tuy viết ở góc nhìn của Amir nhưng người đọc hoàn toàn có thể hiểu được tấm lòng của cậu bạn thân Hassan, suy nghĩ của người cha vĩ đại Baba. Điều đó mang đến cho tác phẩm đầu tay của Khaled Hosseini những lời khen ngợi và đánh giá khá cao về quyển sách nhỏ chứa đựng bên trong một tâm hồn lớn này.
“Vì cậu, cả ngàn lần rồi”
Không giống như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi mọi tộc người có thể cùng nhau sinh sống trên một đất nước rộng lớn. Afghanistan lại gánh chịu một làn sóng kỳ thị chủng tộc sâu đậm, cụ thể hơn là nhắm tới tộc người Hazara. Người Pashtun nhìn người Hazara không khác nào một Con người nhìn một loài Súc vật. Và Hassan, một con người Hazara cũng không nằm ngoài cảnh bị kỳ thị như thế.
Không giống với Amir, Hassan sinh ra trong một căn lều nhỏ trong dinh thự nhà Baba – một gia đình quý tộc giàu có người Pashtun. Amir biết chữ và được đi học, còn Hassan thì không. Thế nhưng cha của Amir, Baba, lại rất mực thương yêu Hassan. Đôi lúc còn làm cả Amir nổi dậy lòng ghen tuông với chính người bạn thân của mình. Hàng ngày Hassan cùng cha là Ali chuẩn bị bữa sáng cho Baba và Amir, làm các công việc nhà sau đó đợi Amir về và cùng nhau lên đồi, hái lựu, nghe Amir đọc sách. Vốn không biết chữ, Hassan thường hay bị Amir trêu chọc khi nghe thấy một từ lạ, thậm chí Amir còn giải thích sai nghĩa của từ cho Hassan và lấy đó làm trò vui cho riêng cậu.
Không giống với Amir, tiếng nói đầu tiên của cậu là “Baba” còn Hassan là “Amir”. Amir tôn thờ cha còn Hassan thì tôn thờ Amir. Điều đó như vô tình đính chính lòng yêu thương, sự trung thành không bao giờ nhạt phai. Ngay cả khi bị chính cậu chủ, người bạn thân Amir phản bội, cậu vẫn hết mực trung thành. Đến lúc cả hai đã có vợ con, cậu vẫn giữ vững một lòng với Amir. Đó không phải là thứ tình bạn, tình anh em đơn thuần, đó là một thứ tình yêu thiêng liêng giữa hai con người không cùng chủng tộc, không cùng đẳng cấp, địa vị.
Không giống với Amir, Hassan không được biết sự thật, một sự thật phũ phàng giữa hai người họ. Amir may mắn hơn khi được chứng kiến chú Rahim, một người bạn kinh doanh của Baba, kể cho nghe sự việc ấy. Còn Hassan, chưa được biết thì cậu đã ra đi và để lại một phần sự thật trên chính mảnh đất tràn ngập khói lửa chiến tranh. Khiến cho Amir cũng không thể chuộc tội một cách hoàn chỉnh.
Điểm duy nhất mà hai người giống nhau, có lẽ là cả hai được bú cùng một bầu vú và lớn lên cùng nhau. Mẹ của Amir chết ngay sau khi sinh ra cậu, còn mẹ của Hassan đã bỏ nhà ra đi sau khi hạ sinh đứa bé này vài ngày. Cả hai đều không được nhìn thấy mẹ và cùng được nuôi lớn dưới bầu sữa của một bà người làm mà Baba đã thuê về. “Có một tình anh em giữa những con người được bú cùng một bầu vú mẹ, tình máu mủ mà ngay cả thời gian cũng không thể phá vỡ.”
Trong trận đấu diều cuối cùng của họ, cả hai đã xuất sắc giành chiến thắng. Và để lấy được tình yêu của Baba, Amir phải đem con diều đã bị cậu đánh bại về nhà. “Vì cậu, cả ngàn lần rồi.” Dứt lời, Hassan một mạch chạy về hướng con diều rơi và đến tối cậu trở về với chiếc diều đó. Đó cũng là cái ngày định mệnh khó quên của Amir. Cái ngày mà tác giả đã luôn nhắc đến.
“Vì cậu, cả ngàn lần rồi”
Có lẽ đó chính là câu nói gây ám ảnh nhất câu chuyện, người đọc sau khi gấp quyển sách lại sẽ không thể nào thoát khỏi một cảnh tượng u buồn mà Khaled Hosseini đã xuất sắc viết nên. Một sự thật phũ phàng. Giống như một nhát dao cắt thẳng vào lòng những người yêu văn chương và để lại một vết thương sâu khó tả. Những vết thương lòng đầu tiên, những giai đoạn thổi bùng cảm xúc mà Người đua diều mang lại quả thật là một trải nghiệm khó quên đối với độc giả trên toàn thế giới.
“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”
Câu chuyện này sẽ thiếu phần hấp dẫn nếu không có Baba, một trong những nhân vật tầm vóc ảnh hưởng đến câu chuyện như cái cách mà ông ảnh hưởng đến mọi người ở Kabul, Afghanistan.
Baba chính là cha ruột của Amir, người được xem là vị anh hùng vĩ đại và được ngưỡng mộ ở khắp Kabul. Baba và Amir không bao giờ có được sự kết nối với nhau, đặc biệt là khi ở Afghanistan. Mặc dù dành tình thương cho cả hai đứa trẻ như nhau nhưng ông vẫn thờ ơ với Amir và có lẽ cậu là người cảm nhận được điều đó rõ ràng nhất. Baba luôn làm những việc được gọi là khác người, tuy nhiên điều đó đã khiến ông thành công và trở nên nổi bật hơn cả.
Baba là một người mẫu mực với những quy chuẩn đạo đức riêng của mình, ông xuất hiện với vai trò làm gương cho Amir, cũng như là một người đàn ông chuẩn mực. Những lời dạy của ông đối với Amir có đôi lúc khó hiểu, có lúc lại vô cùng chính xác: “Một thằng con trai không tự bảo vệ mình sẽ trở thành một thằng đàn ông không thể bảo vệ bất cứ điều gì.”
Baba là một con người tốt, ông sẵn sàng giúp đỡ mọi người dù là chẳng hề quen biết. Có lẽ đã có lý do gì đó khiến ông phải làm vậy và mãi sau này Amir mới phát hiện ra. Baba còn là người giữ một bí mật trong suốt cuộc đời mình, một sự thật mà nếu bị tiết lộ có thể sẽ hủy hoại tất cả những thứ ông đã dựng nên. Baba không mấy thân thiết với con trai mình khi ở Afghanistan vì ông không nhìn thấy tính cách mạnh mẽ giống như ông ở Amir, mà nó lại ở Hassan.
Có lẽ thứ mà Amir giống với ông nhất, đó là sự đắc tội và cố gắng chuộc lại lỗi lầm của mình. Baba luôn dạy cho Amir không được dối trá, phải luôn tôn trọng sự thật. Ông dạy rằng “thà bị đau bởi sự thật còn hơn được vỗ về bằng sự dối trá”, rằng “mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp”.
“Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp được quyền được ngay thẳng. Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp, Amir ạ.”
Đó là lời mà Baba dạy cho cậu con trai của mình, thế nhưng ngay chính ông cũng đã trở thành một kẻ cắp. Ông ăn cắp quyền được biết sự thật của Amir khi đã cố tình giấu giếm cậu trong hết phần đời còn lại của mình. Một sự thật phũ phàng nhất trong suốt câu chuyện.
Dù là quyển tiểu thuyết đầu tay, Khaled Hosseini vẫn mang đến cho độc giả một món quà bất ngờ về sự hiểu biết, cảm thông đối với người Afghanistan. Cả cách xây dựng nhân vật không có bất kỳ một chi tiết thừa nào đem đến tầm vóc cho một quyển sách đáng được đề cử: Người đua diều.
“Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”
Nỗi hối hận đeo bám lấy Amir đến tận cùng và cả con đường chuộc tội được vạch sẵn như số phận. Tác giả tin rằng “luôn có một con đường để tốt lành trở lại”.
Amir từ Mỹ trở về Afghanistan giống như một con người nhận thấy tội lỗi mình đã gây ra và trở về để chuộc tội. Cậu đặt chân lên quê hương của cậu, tuy quen thuộc nhưng nó xa lạ vô cùng. Một Kabul thanh bình trước đây giờ bao phủ bởi bom đạn, khắp nơi toàn là dấu vết chiến tranh. Khá giống với đất nước nhỏ bé hình chữ S ta cũng từng rất bình yên trước khi có khói lửa của những cuộc chiến. Thế nhưng vượt qua sự khó khăn và nguy hiểm đó, Amir vẫn một lòng trở lại nơi chính cậu sinh ra.
Là những người đàn ông bị phá hủy nhà cửa và sự nghiệp bởi chiến tranh đã chỉ đường cho cậu. Là những biển chỉ đường tuy đã bị bắn thủng nhưng vẫn đứng vững chỉ lối cho cậu về. Và một mảnh đất quê hương luôn chào đón những người con xa xứ.
Khaled Hosseini lại một lần nữa xuất sắc thể hiện khả năng của mình trong việc xây dựng và bộc lộ cảm xúc nhân vật. Lúc trẻ Amir đã phải chạy trốn khỏi quá khứ tội lỗi của mình thì giờ đây, cậu lại muốn chạy trốn khỏi thực tại vô vị đầy sự ân hận mà cậu đã gây ra.
Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết chính trị Trung Đông, đây là câu chuyện cuộc đời của con người trong một đất nước tươi đẹp đã bị hủy hoại đến hoang tàn. Thông qua những nhân vật với một cốt truyện đầy quyến rũ và khuấy động, Hosseini đã chỉ ra một cuốn sách hấp dẫn bắt đầu như thế nào. Ông nhắc cho cả thế giới biết rằng đất nước nhỏ bé Afghanistan đã phải vươn mình chiến đấu chống lại tội ác chiến tranh một cách phi thường thế nào. Và Người đua diều là một cuốn sách đầy suy tư, trong đó hối cải và hạnh phúc không phải đã đến cùng nhau.
Link mua sách:
- Lazada: https://shorten.asia/xU6HQfsr
- Fahasa: https://shorten.asia/SvQ53cR7
- Tiki: https://shorten.asia/EWSBxXbm
- Shopee: https://shorten.asia/KhGATbnM