Kia là post để trash, đây là post nghiêm túc review phim.
Khánh Dư Niên, tên truyện (phim) được đặt theo hồi thứ 19 trong Tứ đại tuyệt tác của Trung Hoa, Hồng Lâu Mộng với hàm ý những ngày tháng vui vẻ còn lại (Lưu Dư Khánh). Nhân vật chính là Phạm Nhàn, con trai riêng của Hộ bộ thị lang, văn võ song toàn lại giỏi y học, được nuôi dưỡng tại Đạm Châu. Sau nhiều năm bị “bỏ mặc”, cuối cùng hắn được phụ thân gọi lên Kinh Đô, chuẩn bị cho một cuộc mưa gió máu tanh tại chốn kinh thành náo nhiệt này. Tại đây, Phạm Nhàn đã “nhất kiến chung tình” với thê tử sắp cưới của mình, kết thân với một số vị bằng hữu huynh đệ nhưng cũng không thiếu đi kẻ thù muốn lấy mạng hắn. Vậy Phạm Nhàn có đủ bản lĩnh cùng sự may mắn để có thể tận hưởng quãng thời gian vui vẻ còn lại không?
Đây không phải lần đầu tiên mình xem phim quyền mưu đấu trí nhưng lại xem thoải mái mà chăm chú như vậy là lần đầu. Từng lời nói, hành động của nhân vật có thể 5s trước là hài hước, cợt nhả nhưng ngoặt lại, ẩn chứa hàm ý sâu xa. Thế mà phim cũng không hề lạm dụng những phân cảnh hài hước đâu, chúng chỉ như gia vị nên vào, khiến món ăn thêm phần đậm đà chứ không quá tay. Theo như mình tìm hiểu, để ra được một kịch bản hoàn chỉnh như vậy thì biên kịch cùng tác giả đã mất đến mấy năm để chắt lọc cũng như sắp xếp tình huống, diễn tiến hợp lý nhất.
Có một điều ở Khánh Dư Niên làm mình rất tâm đắc, chính là tình người trong dòng phim cổ trang. Từ Diệp Khinh Mi hay Phạm Nhàn, mang tư tưởng của người hiện đại nên không muốn thấy những mạng người bị hi sinh oan uổng, áp bức bất công của giới phong kiến. Có lẽ vì tình người quá nhiều, nên họ thường bị người khác nắm thóp cũng như bị dồn vào con đường chết nhỉ?
Góp phần tạo nên một tác phẩm hay, ngoài trừ kịch bản chắc tay còn nhờ phần lớn vào sự truyền tải của diễn viên và đoàn chế tác không khiến khán giả thất vọng, các vai diễn gần như được đo ni cho các lớp diễn lớn, còn các vai phụ cũng hoàn thành xuất sắc.
Với mình, phim được chia thành 3 lớp diễn. Lớp thứ nhất là vai của các đại tiền bối mà đoàn làm phim phải vất vả mời về: Trần Đạo Minh, Ngô Cương, Điền Vũ,…. Theo lý thuyết, đây là những vai phụ quan trọng, thúc đẩy sự phát triển tính cách của Phạm Nhàn. Trên thực tế, với mình, những vai này chính là vai chính, không phải họ diễn, chưa chắc Khánh Dư Niên đã là Khánh Dư Niên. Từng cái liếc mắt, nhếch mép hay chuyển động khuôn mặt của họ khiến mình phục hay thậm chí sợ trước những tinh toán, âm mưu thâm độc.
Lớp thứ hai, nhân vật chính Phạm Nhàn – Trương Nhược Quân. Vì đây là phim nam chủ nên việc chọn nam chính vô cùng quan trọng, không thể quá chênh diễn xuất với lớp tiền bối nhưng cũng không thể quá đứng tuổi so với lớp trẻ vì Phạm Nhàn chính là cầu nối 2 bên, và Trương Nhược Quân ở độ tuổi 30 là sự lựa chọn hoàn hảo. Ở tuổi này, anh có đủ trải nghiệm để hóa thân Phạm Nhàn, người trải qua 2 cuộc sống. Hơn thế nữa, khả năng diễn xuất cùng đài từ của Trương tiên sinh giúp Phạm đại nhân trở nên sống động, không bị hụt hơi hay chênh. Điều mình chú ý nhất ở diễn xuất của Quân ca chính là khả năng truyền cảm xúc bằng mắt, đó là ánh mắt đau đớn cùng giận dữ lúc Đằng Tử Kinh – người huynh đệ của mình bỏ mạng mà bị người khác xem như điều thường tình; hay ánh mắt thâm tình, yêu chiều khi nhìn Uyển Nhi khác với ánh mắt tán thưởng dành cho Nhược Nhược hay Tư Lý Lý. Mình tin rằng, Trương Nhược Quân chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường diễn xuất phái thực lực.
Lớp cuối cùng của bộ phim, lớp diễn viên trẻ tuổi đảm nhiệm vai phụ. Những Lý Thuần, Tân Chỉ Lôi hay Lý Thấm đã được khảo nghiệm diễn xuất qua Như Ý Truyện nên mình không bất ngờ gì. Mình thích Tống Dật với vai Phạm Nhược Nhược – một cô gái lanh lợi, thông minh, fan cuồng nhiệt của ca ca và Quách Kỳ Lân – Phạm Tư Triệt, tìm hiểu thì biết anh này cũng xuất thân con nhà gia thế, cũng là phái thực lực, chỉ là đi về mảng hài nên có thể vào vai tiểu thiếu gia ngọt như vậy. Nhưng để nói để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong khán giả chắc là Lưu Đoan Đoan vai Nhị hoàng tử – Lý Thừa Trạch, từ phong cách cho đến tính cách, nhị điện hạ luôn nổi bật hơn hẳn, có vẻ phong lưu phất phơ nhưng vẫn ẩn chứa chút gì đó tàn nhẫn, thủ đoạn. Ngoài ra, các diễn viên trẻ khác đều hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, cho dù đó chỉ là vai thứ, phụ, xuất hiện chưa đến 1 tập.
Về nhạc phim, 2 bài hát đều khá tốt. Bài opening Nhất kiện nhất sinh của Lý Kiện giúp mình cảm nhận được sự cô đơn cũng thận trọng của nhân vật tại chốn kinh đô nước sâu đi sai một nước mất mạng như chơi. Còn bài Dư Niên lại mang đến cảm giác nhẹ nhàng hơn sau một tập phim căng thẳng.
Xét về bối cảnh cùng phục trang, Khánh Dư Niên cũng đáng được xếp vào dòng chế tác cẩn thận. May cho đoàn phim là bối cảnh giả tưởng nên không cần để tâm về trang phục cùng tác phong hành xử. Những bộ trang phục của Phạm Nhàn khá là bắt mắt, màu sắc tươi sáng lại dễ hoạt động. Những bộ khi tiến cung và sang Bắc Tề lại thể hiện được uy phong của một Khánh Quốc giàu sang vững mạnh, lựa chọn hợp lý. Còn trang phục bên nữ thì đơn giản cực kỳ, mỗi cô nương hình như có 2 bộ, cùng vài vật phẩm trang sức giản đơn, thôi thì phim nam chủ, anh đẹp là được.
Phim cũng chịu khó quay ngoại cảnh nhiều, phim trường rộng lớn, không tạo cảm giác gò bó, được dựng công phu, đặc biệt là điện của Khánh Đế nhưng có một điều mình thắc mắc là, bộ Khánh Quốc bị ngập thường xuyên hay sao mà dưới đất lúc nào cũng xâm xấp nước như mới mưa xong ấy còn sang Bắc Tề thì lại không thấy nữa.
Không ngờ lâu lắm rồi xem phim cổ trang mới khen được như vậy. Nếu phần 2 và 3 của bộ phim vẫn giữ được nguyên dàn cast thì lại tốt hơn nữa, mong chờ. Còn phần 1 được 8.5/10.