Tác giả: Loan
Edit: Tô Ngọc Hà
Link đọc: https://fjveel.wordpress.com/truyen-dang-dich/khang-kieu-loan/
Thể loại: “Ngược tâm, OE theo hướng SE, nữ ngu dốt, nam mất dạy” – Tô Ngọc Hà nói. Cơ mà đừng vội tin, chỉ 1 nửa là đúng thôi. Theo mình thể loại đúng phải là như vầy:
“Ngược ngọt, ngược từ đầu chí cuối, cơ mà H.E H.E H.E.” Điều quan trọng phải nói 3 lần.
Tại sao lại là ngược ngọt? Ngược thì có gì mà ngọt? Chúng ta hãy cùng trở về quan điểm mình đã từng đề cập nhiều lần trong những lần review trước đây: không có ngược làm sao biết quý quãng thời gian đường mật bên nhau? Truyện này là kiểu như vậy đấy, một đoạn ngược rồi một đoạn ngọt xen nhau rất đều, không phải kiểu đầu tiên mặn nồng xong cách xa ngược điên dại đâu. Cái kiểu nửa đắng nửa ngọt này rất hiếm tác giả viết được, không hoàn ngược mà ngọt thì cũng nồng nàn vô cùng, thế nên mới gọi là ngược ngọt.
“Con sinh ra vào thứ Hai thì diện mạo bảnh bao, con sinh ra vào thứ Tư thì dễ đau thương, con sinh ra vào thứ Sáu thì bụng dạ tốt, còn đứa sinh ra vào thứ Năm đã đi xa rồi.
Bài đồng dao của nước Anh cổ kính dường như đã hát lên số phận của họ. Đứa sinh ra vào thứ Hai tên Hoắc Liên Ngao, đứa sinh ra vào thứ Tư tên Khang Kiều, đứa sinh ra vào thứ Sáu tên Văn Tú Thanh, còn đứa sinh ra vào thứ Năm tên Hoắc Tiểu Phàn.”
Có một điều thú vị là mình biết đến truyện này nhờ một thread tổng hợp trích đoạn H văn trên wattpad, tưởng là truyện thuần sắc nhưng đọc được chiếc văn án ở trên thì mê luôn. Không biết bạn sao chứ cái văn án trên với mình là cực hay, cách đặt vấn đề lạ, chỉ bằng ba câu mà khái quát hóa được câu chuyện, cũng gợi buồn kinh khủng, đọc chút xíu thôi mà đã buồn rồi. Đây là cảm giác buồn rất thơ văn, nó không khiến mình đau khổ, mà giúp mình trầm lắng lại, nhìn nhiều và nghe nhiều hơn, mộng tưởng hơn. Nói chung đấy là một nỗi buồn tích cực.
Chiếc văn án này cũng thành công hé ra không khí truyện: buồn, thực tế, nhưng cũng lại rất thơ. Khang Kiều – nữ chính là con gái của vợ lẽ, người vợ này gài bẫy có thai với chồng để được vào nhà giàu, khiến ông ta không giữ được lời hứa trung trinh với người vợ cũ đã khuất. Thế nên Hoắc Liên Ngao, đứa con trai vàng ngọc mà ông ta luôn chú tâm bồi dưỡng trở mặt ghét ông ta, cũng trút sự ghét bỏ của mình lên đôi mẹ con nhà Khang Kiều.
Chúng ta đã có đứa sinh ra vào thứ hai – Hoắc Liên Ngao với bộ dạng đẹp đến nỗi khiến người mới gặp phải ngẩn ngơ. Đứa sinh ra vào thứ Tư – Khang Kiều đã định trước phải chịu nhiều đau khổ khi mẹ bốc đồng, cha kế hắt hủi, em trai không chung máu mủ ghét bỏ. Còn lại đứa sinh ra vào thứ sáu bụng dạ tốt tên Văn Tú Thanh – nữ phụ gây nên nhiều hiểu lầm giữa nam nữ chính, chữ bụng dạ tốt thực ra là trào phúng, đến phút chót cô ta mới xứng được một tí với từ này. Cuối cùng sinh vào thứ năm – đứa em trai Hoắc Tiểu Phàn đã mãi mãi nằm xuống năm tám tuổi, là vết thương không bao giờ khép miệng trong lòng Khang Kiều.
Nữ chính Khang Kiều nếu không đọc kỹ sẽ mắng con bé là ngu si nhu nhược. Nhưng nếu đọc kỹ cũng sẽ không nhịn được mà chửi nó là yếu đuối cam chịu. Nhưng Khang Kiều không hề ngu. Con bé bước vào nhà họ Hoắc trong sự dè bỉu của đám giúp việc trong nhà, lớn lên trong sự ấu trĩ thiếu đùm bọc của bà mẹ Nghê Hải Đường và sự ghét bỏ của Hoắc Liên Ngao. Toàn bộ tình yêu thương của nó đều dành để yêu thương em trai, và lén lút bảo vệ bà mẹ bốc đồng của nó. Thế mà mẹ nó bị người mình một mực thương yêu kéo ra chắn dao, cũng chính ông ta không buông lợi ích của bản thân mà hại chết Hoắc Tiểu Phàn. Ông ta là cha của Hoắc Liên Ngao.
Hoắc Liên Ngao nếu gặp cách kể thông thường hẳn sẽ nóng nảy, kiêu ngạo, tàn ác, không biết thông cảm cũng như đồng cảm. Cậu quả là như thế, nhưng lời nói và cách cư xử của cậu được giáo dục quá tốt. Với bối cảnh diễn ra ở Brunei, Hoắc Liên Ngao không chỉ là cậu chủ nhà giàu mà còn là nhân vật thường xuyên được mời đến hoàng thất dự tiệc, sóng vai cùng hoàng tử trên truyền hình, là nhân vật người Hoa nổi tiếng tại Brunei từ những năm nhỏ tuổi. Cách cậu ghét bỏ không phải là chửi mắng mà là không thèm để ý, ngay cả trả thù cũng được thực hiện một cách thông minh tròn vẹn. Đã vậy cậu cũng rất thấu tình đạt lý, hiểu rằng Khang Kiều không có lỗi, nhưng cũng phân tích cho cô bởi vì cô bên phe mẹ cô, nên cậu đành phải ghét lây.
Cậu chủ Liên Ngao đứng cao như sao trên trời, thế mà lại bị đôi tay của người chị con riêng – đứa con của kẻ thù hái xuống. Ban đầu là đùa ác mấy lần, nhưng đến khi Khang Kiều vì mẹ mà hiến dâng cho cậu, qua một đêm ái ân, Hoắc Liên Ngao đã không còn đường quay lại. Dù Khang Kiều luôn được nước lấn tới, ép cậu tha cho mẹ mình, ép cậu đối xử tốt với em trai mình, nhưng Hoắc Liên Ngao vẫn không thể kháng cự được cô. Khang Kiều là liều thuốc độc, cũng là thuốc phiện của cuộc đời cậu chủ Liên Ngao.
Giữa Hoắc Liên Ngao và Khang Kiều có rất nhiều ngăn cách: đầu tiên là sự căm ghét mẹ Khang Kiều của cậu, sau đó là hai cái chết vô cùng bi thảm bên phía Khang Kiều. Mà hai cái chết trên không lần nào Hoắc Liên Ngao kịp có mặt bên cạnh cô.
Không có gì ngăn cách hai trái tim mạnh hơn cái chết.
Nhưng hàn gắn được chúng chính là sức bút rất cứng của tác giả. Một câu chuyện buồn như vậy, cực đoan đến vậy, mà có thể giải quyết mọi khúc mắc hết sức đúng lý hợp tình, đọc đến cuối happy ending mà vô cùng thỏa mãn, âu cũng là tài năng tuyệt diệu của Loan.
Truyện này rõ ràng là phi thực tế, từ tài năng và nhan sắc của cậu chủ Liên Ngao cho tới mối tình kinh tâm động phách, chết đi sống lại thậm chí nhiều lúc còn cực đoan của cậu với Khang Kiều. Nhưng tác giả lại viết theo kiểu hiện thực hướng, đã vậy còn có kiến thức tốt để diễn đạt ra cái chất nhà giàu tại Brunei và trùm tài chính tại New York, đọc cứ gọi là mê mẩn muốn chết.
Nhiệt liệt đề cử, happy ending nha. ❤