Black Swan (Thiên Nga Đen – 2010) là một phim tâm lý – kinh dị có nội dung vô cùng sâu sắc, phản ánh bản chất con người và xã hội mang đậm tính hiện thực trong đời sống, mà khi nói đến hiện thực, chúng ta không thể quên đi màu sắc khá đen tối của nó. Tất nhiên đây không phải là thể loại phim xem để giải trí, đặt biệt “không” khi đó là một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh dựa trên sự kết hợp của nhiều yếu tố mang tính triết học – tâm lý – thần thoại – nghệ thuật múa ba lê. Về cơ bản, các bài review khác trên mạng đã giải mã được bộ phim này, vậy vấn đề còn lại là bài viết của tôi sẽ đào sâu thêm được bao nhiêu để người đọc có thể hiểu sâu sắc hơn. Có vẻ như sau hơn 1 năm viết bài thì tôi đang thấy mình dần trở thành một chuyên gia “đào bới” chuyên nghiệp (cười).
Phim kể về Nina – vũ công múa ba lê đang cố gắng để đạt được vai chính trong vở Hồ Thiên Nga đã được cải biên. Trong quá trình nhập vai cho nhân vật Thiên Nga Đen, Nina đã có sự biến đổi về mặt tâm lý và điều đó đã thay đổi toàn bộ đời sống của cô ấy. Để biết thêm chi tiết hãy xem bộ phim này. Bài này chủ yếu phân tích, giảm mã ý nghĩa và hàm ý của bộ phim. IMDb 8.0
Những câu chuyện thần thoại
Người Đẹp Và Quái Vật: là câu chuyện dân gian của Pháp, kể về một vị hoàng tử bị phù phép thành quái vật, lời nguyền chỉ được giải khi đạt được tình yêu chân thật của một cô gái. Có rất nhiều phiên bản tương tự như vậy ở các dân tộc khác. Thông điệp truyền tải của nó là: tình yêu chân thật có thể biến một con quái vật trở thành con người.
Hồ Thiên Nga – vở kịch múa ba lê của Nga: là sự kết hợp dựa trên các truyện cổ của Đức và Nga, kể về nàng công chúa bị phù phép hóa thành thiên nga, lời nguyền chỉ được giải khi có được tình yêu từ một hoàng tử. Công chúa đã gặp được hoàng tử và chàng đã yêu nàng, nhưng mụ phù thủy đã giả dạng công chúa để quyến rũ hoàng tử hứa hôn, sau khi hoàng tử biết được người mình hứa hôn không phải là công chúa thật, chàng đã tìm đến công chúa, cả 2 cùng nhảy xuống hồ quyên sinh chứ không hoàn thành lời hứa được tạo ra từ sự giả dối đó, khi rơi xuống hồ (do nước mắt của mẹ công chúa tạo thành) thì lời nguyền được hóa giải.
Chúng ta thấy rằng thông điệp của Hồ Thiên Nga có sự phát triển hơn khi có thêm tình tiết phù thủy giả thành công chúa để lừa hoàng tử, và do đó nó gần với hiện thực hơn, rằng một tình yêu trong trắng và ngây thơ thì chưa đủ mang con người đến với tự do và hạnh phúc. Mặt khác, nó cũng thể hiện sự tiến bộ và tính nhân văn trong việc phản đối sự cưỡng ép hoàn thành lời hứa được xây dựng từ sự lừa dối và giả tạo.
Hồ Thiên Nga được cải biên trong bộ phim: câu chuyện lại lần nữa bị biến đổi, thiên nga đen (công chúa giả) là chị em song sinh của thiên nga trắng (công chúa thật – một trinh nữ). Sau khi nghe tin hoàng tử bị thiên nga đen quyến rũ, thiên nga trắng nhảy xuống hồ tự tử và khi ấy nàng đã được tự do và lời nguyền được hóa giải. Có thể thấy, phiên bản này càng gần hơn với hiện thực, nhưng nó cũng khá tiêu cực và bi quan khi hoàn toàn bỏ qua tình yêu của chàng hoàng tử. Tôi không biết có nên gọi đó là sự tiến bộ hay không, gọi là tiến bộ khi nó giải thoát con người hoàn toàn và không phụ thuộc vào tình yêu, không tiến bộ khi nó đánh mất niềm tin đối với tình yêu chân thật, do đó đây chính xác là một vở bi kịch.
Ở trên tôi có nói về tính triết học, vở Hồ Thiên Nga cải biên thì gần giống với quan điểm triết học Đức mà điển hình là tác phẩm Faust của Goethe, nhân vật trong truyện đã bán linh hồn cho quỷ, trong sự sa đọa, anh ta nhận ra chân lý và vượt qua nó để đạt được tự do đích thực. Có thể nói nền triết học Đức thiên về lý tính con người hơn là cảm xúc và là tiền đề thúc đẩy thuyết hiện sinh vô thần phát triển. Nhưng con đường này khá nguy hiểm vì sẽ khiến con người dễ rơi vào vực thẳm và sự ích kỹ lẫn tính vô trách nhiệm, bạn có thể hiểu thêm qua bài review tác phẩm Bức Chân Dung Của Dorian Gray (Oscar Wilde) của tôi.
Tự do và sự hoàn hảo
Nina là một “trinh nữ” thật sự, tôi nói trong tính bao quát về mọi mặt, cả về tâm lý lẫn sinh lý. Điều mà Nina tập trung toàn bộ sinh lực và cuộc sống chính là đạt được sự thành công trong nghệ thuật múa ba lê, đó là kết quả do người mẹ của cô ấy tạo ra. Bà mẹ từng là một vũ công, bà ấy bị ám ảnh bởi sự thành công và sự hoàn hảo của vai diễn thiên nga trắng, nhưng sau khi sự nghiệp thất bại, bà ấy dồn tất cả tâm huyết và hy vọng vào đứa con gái, bà ấy muốn biến Nina thành một vũ công hoàn hảo nhất, bà ấy kiểm soát Nina vô cùng chặt chẽ. Và không lạ khi Thomas – đạo diễn vũ đạo bảo rằng Nina hoàn toàn phù hợp cho vai thiên nga trắng, nhưng cô ấy thiếu tố chất cho vai thiên nga đen.
Nhưng liệu một con người thật sự thì chỉ toàn những mặt tốt đẹp? Điều đó là không thể, bởi sự áp chế của bà mẹ, những tính cách mang tính xấu xa trong con người Nina bị kiềm chế và bị đè nén, một nửa bản thể bị trói buộc và nó luôn tìm cách đạt được tự do. Nếu trong ý thức nó bị đè nén thì trong vô thức nó tìm cách thoát ra, bằng cách tạo ra những ảo giác hoặc hành động cào cấu phía sau của một bên vai của Nina. Như vậy, sự hoàn hảo mà Nina đang thể hiện, hoặc sự ám ảnh của bà mẹ chỉ là một lý tưởng của lý thuyết, nó là sự ảo tưởng không chân thật và ngây thơ.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Chúng ta cũng thấy sự đồng nhất giữa vỡ diễn cải biên và cuộc sống của Nina, cô ấy là một “trinh nữ” bị hóa thành thiên nga trắng mà biểu tượng là sự nghiệp vũ công. Khi con người càng bị hình ảnh về thiên nga trắng – sự hoàn hảo lý thuyết ám ảnh thì càng bị trói buộc trong cái “vỏ bề ngoài” đó, giống như người mẹ, mặc dù đã từ bỏ sự nghiệp sau khi có con, nhưng bà ấy luôn sống trong sự hoài vọng, bà ấy không đạt được tự do, nói cách khác, người mẹ phải sống trong lớp vỏ “thiên nga” mãi mãi. Vở diễn được cải biên không phải là không có lý do, cuộc đời của người mẹ thể hiện điều đó, bà ấy từng tin vào tình yêu, nhưng tình yêu đó chỉ là sự dối trá, nó quá mong manh nếu con người hoàn toàn tin tưởng và phụ thuộc vào. Chúng ta cũng có thể đồng hóa hoàn cảnh sống của Nina với cái hồ được tạo ra bởi những giọt nước mắt đau khổ của người mẹ.
Nina may mắn hơn người mẹ ở chỗ cô ấy đạt được một vở diễn được cải biên (đây cũng là sự tiến bộ), bằng cách cố gắng hóa thân trong vai diễn thiên nga đen, một nửa bản thể trong cô ấy đã được cởi trói để bộc lộ ra bên ngoài. Nina không còn sợ hãi đối với tình yêu, tình dục, được tự do sống thác loạn với vũ trường và ma túy, sau đó là sự ganh ghét, sự tham lam và oán hận, sự độc ác. Mọi cái xấu xa bùng nổ hoàn toàn khi Nina nhập vai vào nhân vật thiên nga đen.
Nhưng tại sao tất cả những gì Nina thấy chỉ là ảo giác? Nina khác với Beth và Lily điểm nào? Cả Beth và Lily đều phù hợp với vai thiên nga đen nhưng họ không có bản chất của một thiên nga trắng thật sự, trong khi Nina có điều đó. Tại sao? Bởi vì họ không sống trong “hồ nước mắt” của người mẹ, họ không có khát vọng đạt được sự hoàn mỹ như Nina, và họ cũng không phải là một “trinh nữ”. Mặc dù sự hoàn hảo ban đầu của Nina chỉ là lý thuyết lý tưởng và ngây thơ, nhưng nhờ có nó, Nina cảm nhận sâu sắc hơn bất kỳ ai về sự tàn phá và sự độc ác khi một nửa bản thể tối tăm bị bộc lộ ra bên ngoài.
Khi sự tối tăm bộc lộ ra, Nina đã “đâm chết” Lily – một “thiên nga đen” cạnh tranh, đó là quá trình tự hủy hoại bản thân, và chỉ một “thiên nga trắng – trinh nữ” thật sự mới nhận ra điều đó, và phải nhận ra được điều đó thì mới đạt đến sự hoàn hảo thật sự và có được tự do hoàn toàn. Trong khi Beth và Lily sẽ không bao giờ hiểu được điều đó, vì vậy Beth sau khi bị loại bỏ đã tự hủy hoại chính cô ấy, còn Lily thì vẫn sẽ là một “thiên nga đen” mà thôi. Như vậy con đường mà Nina trải qua gồm 3 bước: một “trinh nữ” sống trong lớp vỏ thiên nga trắng lý thuyết, hóa thân thành thiên nga đen, trở lại một thiên nga trắng mang vết thương – sự hoàn hảo và tự do chân thật. Ở bước thứ 3, lời nguyền bị xóa bỏ, nói theo cách thần thoại thì Nina đạt được phép thuật, cô ấy có thể hóa thành người hoặc thiên nga là tùy vào cô ấy, vì giờ đây cô ấy đã đạt được đôi cánh của tự do.
Nếu bạn để ý, trong phim có cảnh một bức tượng hình người với đôi cánh chim, đó là giá trị và ý nghĩa của nghệ thuật múa balê hoặc nghệ thuật nói chung. Nhờ vào nghệ thuật, con người có được đôi cánh tự do để bay lên cao, nhưng không phải ai cũng có thể đạt được điều đó, để đạt được, con người phải trải qua nhiều lần “lột xác” với những nỗi đau về tinh thần lẫn thể xác, và tiền đề là bản thân người đó phải có một khát khao thuần khiết và trinh nguyên, còn nếu con người tìm đến nghệ thuật chỉ vì tham vọng thành công, thì tham vọng đó sẽ là lời nguyền không thể phá giải, nó sẽ tàn phá họ dù rằng họ có thật sự đạt được thành công đi nữa, Beth là một ví dụ điển hình. Beth thành công trong tham vọng, Nina thành công trong sự thăng hoa của tâm hồn, hình thức giống nhau nhưng bản chất khác nhau.
Xã hội thích điều ác hơn, nhưng khát vọng về sự hoàn hảo
Trong phim, Thomas không ít lần khẳng định tầm quan trọng của vở kịch phụ thuộc vào vai diễn thiên nga đen, anh ấy luôn tìm cách mớm những ý nghĩ xấu xa vào trong đầu Nina, rồi khi không đạt được mục đích lợi dụng, anh ấy biến nó có vẻ như hành động vì nghệ thuật. Tất nhiên là Thomas cũng có mục đích vì nghệ thuật, nhưng nó không hoàn toàn thuần khiết, và không khó để nhận ra mối quan hệ bất chính giữa Thomas và Beth, cả Lily nữa. Con người có một bản thể vô cùng phức tạp.
Khi diễn vai thiên nga trắng, Nina bị lỗi, nhưng sau đó Nina đã diễn hoàn hảo vai thiên nga đen và thiên nga trắng tự tử, trong 2 hồi sau thì khán giả đã vỗ tay nhiệt liệt, cảnh ấy mang tính ẩn dụ. Cuối cùng thì Nina có chết không? Tôi nghĩ là không, “cái chết” đó giống như một hạt giống phải bị hủy hoại để mầm non vươn lên, hoặc như con bướm phá vỡ cái kén để bay lên cao. Nỗi đau từ “cái chết” đó không ai cũng hiểu được, thường thì người khác chỉ thấy được sự rực rỡ sau đó.
Hiện thực cuộc sống tương đối tàn nhẫn và mang sự tăm tối, tuy nhiên cũng không hoàn toàn mang tính tuyệt vọng. Chúng ta có thể thấy điều đó trong việc Thomas chọn Nina diễn vai chính, vì anh ấy cảm nhận được khát vọng vô cùng lớn trong trái tim Nina. Hay những lời khen ngợi của Lily dành cho Nina, đó là sự khâm phục hoàn toàn chân thật. Bao giờ con người còn nhận ra được bản chất của cái đẹp thì sẽ còn hy vọng khiến cho thế giới này thay đổi và thăng hoa.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
……………………..
Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Những phim hay cùng chủ đề:
Thành Phố Bóng Đêm – Dark City (1998): khi quá khứ là mộng ảo
Lạc Ngoài Vũ Trụ – High Life (2018): hành trình tiến hóa
Lễ Hội Đẫm Máu – Midsommar (2019): bóng tối giữa bông hoa
Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ – Inception (2010): giải mã lại, from the beginning
Cuộc Đổ Bộ Bí Ẩn – Arrival (2016): món quà quý nhất – trí tuệ
Cô Gái Cùng Bầy Ngựa – Horse Girl (2020): vụn vỡ và vẹn toàn
Nhà Tù Shawshank – The Shawshank Redemption: Sự cứu rỗi nằm ở đâu?
Giải Cứu – You Were Never Really Here (2017): can đảm bước đi trong thế giới vô tình
Cô Gái Gián Đoạn – Girl Interrupted (1999): chúng ta điên hay tỉnh?
Kẻ Mất Trí Nhớ – Memento (2000): vật lưu niệm của tử thần
Đời Sống Thượng Lưu – La grande bellezza (2013): ta thấy gì khi cúc áo cô gái mở ra?
Vũ Điệu Tử Thần – Suspiria (2018): vũ điệu loài giun đất