BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO –
Số: 31/2018/TT-BGDĐT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc –
Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2018
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH THỜI GIAN TẬP SỰ THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN, GIẢNG VIÊN TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non công lập, cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập, trường cao đẳng sư phạm, trường cao đẳng công lập có nhóm ngành đào tạo giáo viên, trường đại học công lập, học viện, đại học vùng, đại học quốc gia thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Thông tư này áp dụng đối với người trúng tuyển vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV, giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học phổ thông hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III và trúng tuyển vào chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III.
Điều 2. Thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên
Để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên/giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 2. Trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng.
3. Trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.
Điều 3. Những trường hợp đặc biệt về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên
1. Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.
2. Thời gian tiếp tục tập sự được thực hiện ngay sau khi người trúng tuyển đã hết thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, hết thời gian nghỉ ốm, hết thời gian nghỉ không hưởng lương, hết thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định và được người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập xác định thời điểm tiếp tục thực hiện tập sự.
3. Người trúng tuyển làm giáo viên, giảng viên đã thực hiện giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự quy định tại Điều 2 Thông tư này không phải thực hiện thời gian tập sự.
4. Người trúng tuyển làm giáo viên, giảng viên có bằng tiến sĩ và đã tham gia giảng dạy trong thời gian làm nghiên cứu sinh thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập xem xét rút ngắn thời gian tập sự. Trong đó, thời gian tập sự được rút ngắn bằng tổng thời gian giáo viên, giảng viên đã tham gia giảng dạy khi làm nghiên cứu sinh.
5. Người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập có trách nhiệm cử viên chức có chức danh nghề nghiệp bằng hoặc cao hơn để hướng dẫn người tập sự (trong đó, một người không hướng dẫn quá hai người tập sự trong cùng một thời gian).
Trường hợp cơ sở giáo dục công lập không có điều kiện để cử viên chức hướng dẫn người tập sự thì báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập đó xem xét, quyết định.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8 tháng 02 năm 2019.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên (Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT).
3. Thời gian tập sự quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Thông tư này áp dụng kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2019. Đối với những trường hợp tuyển dụng trước ngày 15 tháng 01 năm 2019 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, vận dụng các quy định tại Thông tư này để thực hiện.
2. Người được tuyển dụng làm giáo viên trong trường trung cấp sư phạm, giáo viên giảng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên trong trường trung cấp (mã ngạch 15.113) được vận dụng quy định về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này để thực hiện.
3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, người đứng đầu các cơ cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận: – Văn phòng Trung ương; – Ban Tuyên giáo Trung ương; – Văn phòng Quốc hội; – UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội; – Văn phòng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL); – Công báo, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; – Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT; – Lưu: VT, Cục NGCBQLGD, Vụ Pháp chế.
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Hữu Độ