Quốc phòng là gì? Quốc phòng có vai trò như thế nào đối với mỗi quốc gia?…Những vấn đề trên mang tính vĩ mô nhưng cũng rất thiết thực đối với mỗi cá nhân. Có thể nhận định, quốc phòng của mỗi quốc gia phải vững chắc thì quốc gia đó mới có nền móng đủ mạnh vươn tầm thế giới.
Chào bạn, xoay quanh vấn đề quốc phòng là gì mà bạn đang quan tâm, HieuLuat giải đáp cho bạn như sau:
Quốc phòng là gì? Vai trò của quốc phòng là gì?
– Dưới góc độ nghiên cứu chung, có thể hiểu quốc phòng là tâp hợp những hành động, hoạt động tổ chức, thực hiện của một quốc gia nhằm mục đích bảo vệ, ngăn chặn mọi nguy cơ xâm lược của quốc gia khác, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của quốc gia, dân tộc.
Nhằm hiện thực hóa vai trò của quốc phòng, Luật Quốc phòng 2018 ra đời, theo đó, quốc phòng được hiểu là:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
…
=> Từ đây, có thể nhận thấy, quốc phòng có nhiệm vụ chính là giữ nước. Giữ nước được hiểu là bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia đối với đất đai, vùng trời, vùng biển, thềm lục địa…
Để bảo vệ, giữ được toàn vẹn lãnh thổ thì quốc phòng lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng và phải huy động toàn bộ tiềm lực quốc phòng (toàn bộ khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước).
– Tầm quan trọng của quốc phòng đối với mỗi quốc gia, dân tộc được thể hiện thông qua những khía cạnh sau đây:
+ Quốc phòng là yếu tố then chốt, là nhân tố mang tính quyết định đến sự an toàn, tồn vong của một dân tộc, vùng lãnh thổ. Chỉ khi quốc gia, vùng lãnh thổ độc lập, an toàn thì mới có căn cứ để phát triển kinh tế, xã hội, chính trị.
+ Quốc phòng là cách để bảo vệ tốt nhất thành quả độc lập của quốc gia cũng như là phương pháp để tấn công những nhân tố xâm phạm đến quyền chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Pháp luật quốc tế không cho phép việc xâm lược, tấn công một quốc gia khác mà cho phép quốc gia được quyền tự vệ (Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc) và cho phép trả đũa, đáp trả nếu quốc gia bị tấn công từ bên ngoài.
Vì vậy, có thể nhận định, quốc phòng là xương sống trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ đất nước cũng như là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội.
Tiềm lực quốc phòng của mỗi quốc gia có được từ nhân tố nào?
Để có thể bảo vệ, gìn giữ đất nước, quốc gia thì nền quốc phòng phải vững mạnh, mà muốn vững mạnh thì nền quốc phòng phải phụ thuộc các nhân tố cấu thành.
Dưới góc độ pháp lý, khoản 2 Điều 2 Luật Quốc phòng 2018 quy định tiềm lực của quốc phòng là tập hợp khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước.
Suy rộng ra, các yếu tố tạo thành này có thể được phân tích cụ thể như sau:
– Nhân lực: Chỉ con người, chính xác hơn là số lượng, chất lượng, trình độ của con người khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng. Nói rộng ra, thì đây chính là một trong những bộ phận cấu thành sức mạnh quân sự. Sức mạnh quân sự phản ánh khả năng bảo vệ, gìn giữ và giải quyết những xung đột với các quốc gia, vùng lãnh thổ có ý định xâm lược khác;
– Vật lực: Dùng để chỉ toàn bộ những công cụ, phương tiện…hữu hình như tàu, súng, đạn dược,…để thực hiện các mục tiêu quốc phòng;
– Tài chính: Để chỉ tiền bạc chi tiêu cho quốc phòng. Tiền đầu tư vào quốc phòng phải đúng, phù hợp, mang lại hiệu quả tối ưu;
– Tinh thần: Sự đoàn kết, tin tưởng, cùng chung lý tưởng, ý chí. Đây cũng là nhân tố vô cùng quan trọng để tạo nên sức mạnh quốc phòng của mỗi quốc gia.
Ngoài 4 nhân tố quan trọng trên, còn một vài nhân tố khác cũng có ảnh hưởng/tác động rất lớn đến nền quốc phòng của mỗi quốc gia, dân tộc, gồm:
– Địa hình, cảnh quan tự nhiên: Đây là yếu tố tự nhiên, khách quan nhưng cũng là một trong những nhân tố giúp quốc gia đó có các cách triển khai, tổ chức quốc phòng phù hợp. Các lợi thế về tự nhiên có thể được sử dụng để làm ưu thế cho việc phòng vệ;
– Kích thước lãnh thổ: Kích thước, diện tích lãnh thổ liên quan đến việc lựa chọn phương án bố trí phòng thủ, tự vệ hoặc tấn công khi có xâm lược. Rõ ràng rằng, những quốc gia có diện tích rộng lớn sẽ có nhiều phương án phòng thủ, tự vệ hơn so với các quốc gia có diện tích nhỏ hơn;
– Vị trí tiếp giáp: Vị trí tự nhiên của quốc gia, vị trí tiếp giáp cũng là lợi thế hoặc bất lợi trong việc thực hiện các hoạt động quốc phòng. Ví dụ, quốc gia tiếp giáp với đất liền nhiều hơn tiếp giáp biển thì thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng phải khác so với quốc gia chỉ tiếp giáp với biển/chỉ tiếp giáp với đất liền;
– Khả năng/tiềm lực kinh tế: Kinh tế lớn mạnh thì mới có thể hỗ trợ cho quốc phòng lớn mạnh được. Phải có nguồn tài chính, nguồn tiền để đầu tư, nâng cấp phương tiện, trang thiết bị cho quốc phòng;
Như vậy, tiềm lực quân sự được cấu thành bởi các nhân tố đã nêu trên.
Chính sách của Nhà nước về quốc phòng hiện nay là gì?
Căn cứ Luật Quốc phòng 2018, nhằm củng cố, phát triển quốc phòng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách phù hợp, bao gồm 8 nhóm chính sách lớn được quy định tại Điều 4 như sau:
Một là, thực hiện củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh quân sự để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới;
Hai là, thực hiện các nhiệm vụ, chính sách về hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ gồm:
+ Thực hiện độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ (bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời);
+ Thực hiện chính sách hòa bình, tự vệ (không gây chiến, thực hiện đúng theo Hiến chương Liên Hợp quốc về quyền tự vệ);
+ Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu và hành vi xâm lược;
Ba là, thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp
Đây là chính sách được Nhà nước ta coi trọng thực hiện, cụ thể là:
…
3. Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
…
Bốn là, thực hiện huy động nguồn lực trong nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng (nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước);
Năm là, trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho quốc phòng;
Sáu là, phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảy là, thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Đồng thời, Nhà nước có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng;
Tám là, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng được Nhà nước ghi nhận công lao và khen thưởng kịp thời theo quy định;
Như vậy, 8 chính sách lớn, đặc biệt của Nhà nước về quốc phòng đang được áp dụng hiện nay được chúng tôi nêu trên là những chính sách nhằm củng cố, xây dựng, phát triển nền quốc phòng của đất nước ta.
Trên đây là giải đáp về quốc phòng là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.