Năm giữa cấp II, một cậu bạn khác lớp có tình cảm đặc biệt và chủ động kết thân với con. Hai gia đình cũng khuyến khích chúng con cùng học cùng chơi “cho có bạn”, để tránh tụ tập giao du với những nhóm quậy phá trong trường.
Sau hai năm, chúng con gắn bó như hình với bóng: đến trường, học thêm, luyện tiếng Anh, chơi thể thao, xem phim… làm gì cũng có nhau; nên bị mọi người chọc là “gay”. Mới đây, bạn ấy hỏi con: Biết tôi là queer không? Biết rồi thì còn tiếp tục “những ngày xưa thân ái” này nữa không? Thật tình, con chẳng biết queer là gì…
(Một học sinh ở Q.3 – TP.HCM)
“Queer” là từ tiếng Anh chỉ sự lạ lùng, kỳ quặc, khả nghi, đáng ngờ, lệch pha. Ban đầu, từ này được dùng để chỉ người đồng tính luyến ái nam, tương tự từ gay; sau này được dùng chung cho cộng đồng LGBT (những người đồng tính nam – nữ, song tính và chuyển giới). Đến nay, “queer” mang nghĩa rộng là chỉ những người có nhận dạng giới tính và xu hướng tình dục khác với quan niệm truyền thống.
Cách gọi này có ưu điểm là ai đó chỉ cần nói “tôi là queer” mà không nhất thiết phải xác định rõ mình là gay, lesbian, transgender, transxexual, pansexual, intersex… vừa rắc rối, khó hiểu vừa kéo theo những thắc mắc khác, mà nói theo kiểu các bạn trẻ ngày nay là “phát âm đến đau cả lưỡi”! Cũng có khi ai đó dùng từ “queer” nhằm tránh “dán nhãn” cho người khác, mà chỉ coi đó là một người không thuộc số đông “trai thẳng, gái thẳng”.
Từ “queer” đã trải qua nhiều biến đổi theo thời gian. Đầu tiên, “queer” mang ý nghĩa tiêu cực, tỏ ý miệt thị, thù ghét, coi rẻ những người không giống ai, không thuộc về phân loại nào liên quan đến giới và tình dục trong xã hội, bị bỏ quên, bị gạt ra ngoài lề và tiếng nói của họ ít khi được quan tâm.
Cách đây nhiều năm, điện ảnh Mỹ từng có một series phim mô tả khá chân thực cuộc sống của những người đồng tính là Queer as Folk (QaF). Thời đó ở Mỹ, mọi người vẫn còn kỳ thị và chỉ trích gay gắt những người thuộc “giới tính thứ ba”, phát sinh nhiều phong trào “bài đồng tính”.
Bộ phim truyền hình nhiều tập này đã gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại mới được trình chiếu, với 5 mùa chiếu, 83 tập, giúp thay đổi những định kiến đối với đề tài đồng tính trong xã hội đương thời.
Xa hơn nữa, năm 1990, tại buổi diễu hành Pride (Tự hào) được tổ chức tại New Zealand bởi tổ chức Queer Nation, những tờ rơi được phát rộng rãi với tựa đề “Queer Read This” (Queer đọc điều này); lý giải tại sao từ này được sử dụng: “Chúng ta có nhất thiết phải sử dụng từ này không? Đó là vấn đề. Mỗi người đồng tính có thể hiểu từ này theo nghĩa khác nhau.
Với vài người thì nó nghĩa là kỳ lạ, kỳ quặc và có gì đó bí hiểm. Với vài người khác, “queer” nhắc họ những ký ức đau khổ của tuổi thơ. Từ “đồng tính” là phù hợp, có vị trí riêng của nó; nhưng khi mỗi bạn đồng tính nữ, đồng tính nam thức giấc vào mỗi buổi sáng trong tâm trạng bực bội và cảm thấy bị khinh miệt, thì chúng tôi không chọn gọi mình là “đồng tính” nữa mà chọn gọi mình là “queer”.
Chúng tôi dùng từ “queer” như một cách nhắc nhở bản thân về việc chúng tôi đang được phần còn lại của thế giới đón nhận ra sao…”.
Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 17/5 là Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người queer, để kỷ niệm ngày Tổ chức Y tế thế giới “giải mã” thiên hướng tình dục, công bố loại đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh… tâm thần (ngày 17/5/1990).
Sự kiện này được tổ chức tại hơn 100 quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới từ năm 2004. Như vậy, liệu cháu có thể chọn ngày này để giữ gìn và xây dựng tình bạn trong sáng của các cháu?
Bác sĩ Hoa Tiêu