1. Khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?
Từ những năm 1960, quan điểm xã hội về tình dục trên thế giới bắt đầu thay đổi theo hướng cởi mở hơn, thoáng hơn, được nhiều người chấp nhận như là một quy tắc mới của xã hội. Thời kỳ này được biết đến như là cuộc cách mạng tình dục ở các nước phương Tây. Thập niên 1960 báo hiệu một nền văn hóa mới là tình yêu tự do với hàng triệu thanh niên mang đặc điểm hippie (thanh niên lập dị) mà xem tình yêu và tình dục là một phần tự nhiên của cuộc sống bình thường. Hippie cho rằng tình dục là một hiện tượng sinh học tự nhiên không nên phủ nhận hoặc kiềm nén. Tuy nhiên, đồng thời với giải phóng tình dục, vấn nạn quấy rối tình dục cũng bắt đầu trở nên phổ biến hơn.
Quấy rối tình dục là thuật ngữ xuất hiện từ những năm 1970 của thế kỷ trước, như là hệ lụy của cuộc cách mạng tình dục. Thuật ngữ quấy rối tình dục lần đầu tiên được nêu ra vào năm 1975 bởi các nhà hoạt động xã hội của Đại học Cornell (Hoa Kỳ). Karen De Crow, khi đó là chủ tịch của Tổ chức Quốc gia về Phụ nữ Hoa Kỳ, nói với Tạp chí Redbook: “Đây là một vấn đề được che giấu trong im lặng, bởi vì nó xảy ra được coi là cả hai điều sỉ nhục và tầm thường”. Vào tháng 1 năm 1976, Tạp chí Redbook đã thực hiện một cuộc khảo sát đầu tiên với chủ đề “Làm thế nào để bạn xử lý tình dục trong công việc? – How Do You Handle Sex on the Job” . Cuộc khảo sát này đã gây tiếng vang lớn trong xã hội Mỹ và kể từ đó, ngày càng có thêm nhiều bài báo, công trình nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Có nhiều định nghĩa về quấy rối tình dục, nhưng theo MacKinnon: “Quấy rối tình dục là áp đặt không mong muốn yêu cầu về tình dục trong bối cảnh của mối quan hệ không bình đẳng về quyền lực giữa các cá nhân” [48]. Định nghĩa này chú trọng vào yếu tố quyền lực. Trong bối cảnh quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người quấy rối thường có quyền lực, nạn nhân bị quấy rối thường là người yếu thế, không có quyền lực và ít nhiều bị phụ thuộc vào người có quyền lực. Donna J. Benson, Gregg E. Thomson cũng nhấn mạnh vai trò của quyền lực trong quấy rối tình dục trong cuốn sách “Các vấn đề xã hội – Social Problems” xuất bản năm 1982 khi cho rằng “Quấy rối tình dục có thể được hiểu là sự hội tụ của một cá nhân có quyền lực và có sở thích tình dục đối với một cá nhân khác”. Trong định nghĩa này, “quyền lực” và “sở thích tình dục” là những yếu tố nổi bật.
Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý học, tác giả Rose L. Siuta và Mindy E. Bergman cho rằng “Hành vi quấy rối tình dục bao gồm quấy rối dựa trên giới tính của một người, gây chú ý tình dục không mong muốn và cưỡng bức tình dục”. Như vậy, yếu tố quyền lực không phải là trọng tâm trong định nghĩa này. Ở đây, quấy rối tình dục không phải là kết quả của sự hấp dẫn tình dục quá mức giữa nam và nữ mà là sự thể hiện sự khiêu dâm quá mức, không mong muốn với người khác.
Một số nhà nghiên cứu khác cũng cố gắng tìm những dấu hiệu đặc trưng của quấy rối tình dục và họ liên hệ đến một “lời mời về tình dục – a sexual invitation”. Khi lời mời về tình dục được đưa ra thì điều này có thể dẫn đến phản ứng của đối tượng hoặc là đồng thuận hoặc là không đồng thuận. Nếu đồng thuận thì các bên có thể thực hiện hoặc có thể huỷ bỏ hành vi tình dục. Nếu không đồng thuận, phía nhận được lời mời có thể phản ứng. Vậy, lời mời tình dục không được đồng thuận có phải là quấy rối tình dục hay không?
Uỷ ban Cơ hội việc làm bình đẳng (Equal Employment Opportunity Commission- EEC) của Mỹ cho rằng quấy rối tình dục là những đề nghị hoặc tán tỉnh tình dục không mong muốn, đề nghị cho phép quan hệ tình dục, yêu cầu hỗ trợ tình dục và hành vi bằng lời nói hoặc thể chất khác có tính chất tình dục. Những hành vi đó cấu thành quấy rối tình dục khi gây ảnh hưởng một cách rõ ràng hoặc tiềm ẩn đến việc làm của một cá nhân, can thiệp một cách bất hợp lý vào hiệu suất công việc của một cá nhân hoặc tạo ra sự đe dọa, thù địch hoặc xúc phạm môi trường làm việc.
Trong công trình nghiên cứu về “Quấy rối tình dục phụ nữ: Môi trường, Văn hóa và Hậu quả trong Khoa học hàn lâm, Kỹ thuật và Y học” đã đưa ra kết luận: “Quấy rối tình dục là một hình thức phân biệt đối xử bao gồm ba loại hành vi quấy rối: (1) quấy rối giới tính (hành vi bằng lời nói và không lời nói thể hiện thái độ thù địch, chống đối, loại trừ hoặc tình trạng hạng hai của các thành viên của một giới tính); (2) sự chú ý tình dục không mong muốn những đòi hỏi tình dục bằng lời nói hoặc thể chất không được hoan nghênh, có thể bao gồm cả hành hung); và (3) cưỡng bức tình dục (khi ưu ái nghề nghiệp hoặc đối xử thuận lợi trong học tập là điều kiện để hoạt động tình dục). Sự phân biệt giữa các hình thức quấy rối rất quan trọng, đặc biệt là vì nhiều người không nhận ra rằng quấy rối về giới là một hình thức quấy rối tình dục”.
Nghị viện Châu Âu định nghĩa về quấy rối tình dục tại văn bản hướng dẫn số 2006/54/EC ngày 05/07/2006 như sau:
Quấy rối tình dục là khi xảy ra bất kỳ hình thức nào của hành vi không mong muốn bằng lời nói, không lời nói hoặc thể xác có tính chất tình dục, với mục đích hoặc tác động vi phạm nhân phẩm của một người, đặc biệt là khi tạo ra một hành vi đe dọa, thù địch, hạ thấp, sỉ nhục hoặc môi trường gây khó chịu.
Đạo luật về quấy rối tình dục phụ nữ tại nơi làm việc (Phòng ngừa, Cấm và Khắc phục), năm 2013 của Ấn Độ định nghĩa quấy rối tình dục tại điểm n điều 2 chương 1 như sau:
Xem thêm: Phải làm gì khi bị người khác quấy rối, làm phiền bằng điện thoại?
Quấy rối tình dục bao gồm bất kỳ một hoặc nhiều hành vi hoặc hành vi không được hoan nghênh sau đây (dù trực tiếp hay ngụ ý), cụ thể là: (i) tiếp xúc thân thể và tán tỉnh; hoặc (ii) mong muốn hoặc yêu cầu quan hệ tình dục; hoặc (ii) đưa ra những nhận xét mang màu sắc tình dục; hoặc (iv) hiển thị nội dung khiêu dâm; hoặc (v) bất kỳ hành vi thể chất, lời nói hoặc không lời không được hoan nghênh nào khác có tính chất tình dục.
Định nghĩa này theo hướng liệt kê cụ thể và bao hàm các hành vi quấy rối tình dục về thể chất, lời nói hoặc phi lời nói. Tại khoản 2 Điều 3 Đạo luật Khung về Bình đẳng Giới của Hàn Quốc định nghĩa quấy rối tình dục cụ thể như sau:
Thuật ngữ quấy rối tình dục có nghĩa là trường hợp bất kỳ người lao động, người sử dụng lao động hoặc công chức của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương hoặc tổ chức công được quy định bởi Nghị định của Tổng thống (sau đây gọi là “Cơ quan nhà nước, v.v.“) thực hiện hành vi vi phạm sau đây trong khi thực hiện nhiệm vụ, việc làm và các quan hệ khác: (a) Làm cho bên kia cảm thấy bị sỉ nhục hoặc ác cảm về tình dục bằng hành vi bằng lời nói hoặc thể chất có tính chất tình dục, nhu cầu tình dục, v.v., lợi dụng vị trí của họ hoặc liên quan đến nhiệm vụ của họ, vv.; (b) Thể hiện ý định đặt bên kia vào tình thế bất lợi nếu không tuân thủ bất kỳ hành vi bằng lời nói hoặc thể chất nào có tính chất tình dục hoặc các yêu cầu khác hoặc để mang lại cho họ bất kỳ lợi ích nào với điều kiện phải tuân thủ các yêu cầu đó.
Hàn Quốc định nghĩa về quấy rối tình dục theo hướng tiếp cận khá rõ ràng, chỉ rõ tác động tiêu cực của hành vi quấy rối tình dục, định nghĩa cũng thể hiện đầy đủ các hình thức quấy rối tình dục bằng hành vi thể chất, lời nói, phi lời nói và quấy rối tình dục trao đổi.
Trong tài liệu nghiên cứu về “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam: Bức tranh khái quát và Khung pháp lý để giải quyết” cũng đã đưa ra định nghĩa về quấy rối tình dục, cụ thể:
Quấy rối tình dục là các hành vi mang bản chất tình dục hoặc gợi dục của một người, bao gồm bằng lời nói, không bằng lời nói, thị giác, cử chỉ, hành động nhằm vào một người khác mà người đó không mong muốn hoặc thấy khó chịu. Hành vi như vậy có thể là hành vi làm nhục, tạo thành một vấn đề về an toàn và sức khỏe, gây bất lợi cho người tiếp nhận liên quan tới những lợi ích từ việc làm của người đó, gồm cả trong quá trình tuyển dụng và thăng tiến, hoặc khi hành vi này tạo ra một môi trường làm việc thù địch [30].
Xét một cách tổng quát, định nghĩa về quấy rối tình dục ở nơi làm việc trong tài liệu nghiên cứu về “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam: Bức tranh khái quát và Khung pháp lý để giải quyết” nêu trên có tính toàn diện và hợp lý hơn cả trong bối cảnh của Việt Nam. Vì vậy, tác giả sẽ sử dụng định nghĩa này như là cơ sở tham chiếu cho những phân tích của mình trong toàn bộ luận văn.
2. Các hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc:
Nhiều công trình nghiên cứu đã xác định các hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc cơ bản như sau:
Xem thêm: Hành vi quấy rối qua điện thoại và hình thức xử lý
2.1. Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất:
Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất là hành động của con người tiếp xúc, động chạm vào các vị trí nhạy cảm trên cơ thể của người khác như xoa bóp cho ai đó quanh cổ, vai, sờ vào quần áo, tóc hoặc cơ thể của người khác, cấu, véo, ôm, hôn, ghì, siết chặt, vuốt ve, tấn công tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm. Đây là những hành vi thể hiện mức độ nghiêm trọng nhất, xâm hại trực tiếp đến cơ thể người khác, trái với ý muốn, mong đợi của người khác, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, gây tác động sang chấn tâm lý tiêu cực đối với người bị quấy rối. Người thực hiện hành vi này thể hiện ý thức chủ quan cố ý thực hiện hành vi, có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình để đạt mục đích thỏa mãn tình dục. Hành vi quấy rối tình dục có thể được thực hiện một cách bất ngờ (nhanh chóng đụng chạm vào vị trí nhạy cảm cơ thể) hoặc có ý định đe dọa, ép buộc làm tê liệt ý chí kháng cự hoặc hạ nhục thông qua quyền lực, sức mạnh để cho người khác thực hiện hành vi quấy rối một cách trái ý muốn của họ.
2.2. Quấy rối tình dục bằng lời nói:
Quấy rối tình dục bằng lời nói là hình thức rất dễ vi phạm, phổ biến bởi nhu cầu của con người hàng ngày giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau bằng lời nói. Biểu hiện hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói rất đa dạng như đưa ra những ám chỉ, bình luận về làm tình, kể truyện cười tục tĩu, đưa ra những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó, đưa ra yêu cầu tưởng tượng về tình dục, sở thích hoặc lịch sử tình dục, đặt câu hỏi cá nhân về đời sống tình dục của ai đó, liên tục cố gắng hẹn hò với một người mà người đó không quan tâm, nói dối hoặc tung tin đồn về đời sống tình dục hoặc sở thích tình dục của một người, đưa ra những lời xúc phạm về giới tính của người khác hoặc nhận xét, đánh giá về khả năng tình dục của người khác, bình luận về tình dục trong đêm tân hôn của người khác, chuyển các cuộc thảo luận công việc sang chủ đề tình dục, đưa ra những đề nghị tình dục liên quan đến thăng tiến trong công việc hay đặt biệt danh (nickname) cho người khác liên quan đến tình dục.
Trong môi trường lao động, việc miễn cưỡng nghe những lời quấy rối tình dục tạo ra tâm lý sợ hãi, lo lắng, mất an toàn, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, ảnh hưởng đến con người về mặt tâm lý, thể chất và sức khoẻ, nhân phẩm của NLĐ.
2.3. Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói:
Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói được thể hiện thông qua các hình thức như cho xem, trình chiếu, trưng bày tranh, ảnh, lịch, thiết lập màn hình chờ máy tính khiêu dâm, hoặc các ấn phẩm, tài liệu khác ngụ ý tình dục, gửi thư nặc danh về tình dục, đăng tải những câu chuyện ngụ ý tính dục trên mạng nội bộ của đơn vị, huýt sáo, sử dụng các biểu hiện trên khuôn mặt như liếc, nháy mắt, nhìn chằm chằm vào ngực hay vị trí nhạy cảm của phụ nữ, nhìn trộm qua cửa nhà tắm, nhà vệ sinh, thực hiện các cử chỉ tình dục bằng tay hoặc thông qua các chuyển động cơ thể, hoặc liếm môi, …
Ngoài những hành vi quấy rối tình dục mang tính thể chất, bằng lời nói, hành vi phi lời nói thì còn có những hình thức biểu hiện khác rất đa dạng như hành động tìm kiếm cơ hội đứng gần một cách “không thoải mái và tìm kiếm sự gần gũi thể xác một cách không mong muốn với người khác, hoặc những nhân viên mới vào được yêu cầu bắt buộc tham gia trò chơi tiếp xúc cơ thể mang tinh thần thể thao”. Những nhân viên nữ chưa chồng đến từ những vùng xa, vùng quê dễ bị ép buộc trở thành những “con mồi dễ dàng” tham gia những trò chơi tiếp xúc cơ thể có chủ đích này; hoặc người cấp trên mời nhân viên đến phòng khách sạn của anh ấy vào ban đêm để hiểu nhau hơn” trong một chuyến đi công tác xa, …
Với sự phát triển của các thiết bị điện tử, viễn thông, những “công dân số” trên môi trường không gian mạng chưa thực sự được quản lý chặt chẽ, khó nhận diện danh tính chính xác giữa “công dân” có tư cách pháp lý với “công dân số” là một trở ngại lớn đối với việc bảo đảm quyền không bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Những người lao động trong môi trường sống thực tại có thể hoạt động trên môi trường không gian mạng, môi trường số với danh tính (username) ảo để thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bằng lời nói, phí lời nói đối với đồng nghiệp, người khác trong cùng doanh nghiệp. Đây thực sự là một thách thức lớn cần nghiên cứu và có giải pháp để ngăn ngừa vi phạm quấy rối tình dục trên môi trường không gian mạng.