Euphoria là loạt phim truyền hình đình đám của kênh HBO Mỹ, lấy đề tài cuộc sống của những đứa trẻ đang ở tuổi vị thành niên.
Trailer của phim
Không đi sâu khai thác chủ đề tự sát và vạch trần tình trạng bạo lực học đường như 13 Reasons Why hay nói về cuộc hành trình của cậu thiếu niên “thái nhân cách” như The End of the Fucking World, Euphoria động đến mọi vấn đề nhạy cảm ở lứa tuổi này.
Trong đó bao gồm ma túy, tình dục, bạo lực và tội phạm. Chính vì vậy mà bộ phim được hệ thống xếp loại chương trình truyền hình Mỹ gắn mác TV-MA, tức chỉ dành cho khán giả trưởng thành.
Một tác phẩm nặng về tâm lý nhân vật
Mở đầu mỗi tập, Euphoria giới thiệu về quá khứ của mỗi nhân vật, quá trình hình thành nhân cách và lý do vì sao họ lại lựa chọn con đường cực đoan cùng cái nhìn phiến diện cho chính cuộc đời mình.
Euphoria được mở ra dưới góc nhìn của nhân vật Rue Bennett (Zendaya thủ vai), là một thiếu nữ mười bảy tuổi vừa được trở về sau khi bị buộc vào trại cai nghiện.
Euphoria là câu chuyện về những đứa trẻ lạc lối
Thế nhưng ngay sau khi rời trại, Rue lại tìm đến ma túy và liên tục đẩy bản thân vào tình thế cận tử. Cô biết những gì mình làm là sai nhưng vẫn lao vào nó.
Trong suốt cả bộ phim, khán giả có thể thấy được Rue đã chật vật để giữ thăng bằng cho cuộc sống của mình nhưng kết quả nó vẫn chênh vênh và vô định.
Giải thích cho điều này có lẽ là vì khi còn nhỏ Rue đã phải chịu tổn thương về tinh thần, đặc biệt là sau cái chết của bố cô. Kể từ đó cảm giác trống rỗng đến tê dại đã đeo bám cô đến lúc hiện tại.
Theo chân của Rue, người xem được chứng kiến đời sống thác loạn của nhóm thiếu niên trung học xung quanh cô. Đầu tiên phải nói đến là Jules (Hunter Schafer thủ vai), cô bạn mới chuyển đến cùng trường.
Jules là một người chuyển giới xinh đẹp và đặc biệt, khi bị cô cuốn hút Rue đã không ngần ngại bày tỏ tình cảm của mình với cô. Trong khi đó cô lại có mối quan hệ phức tạp với những người đàn ông lớn tuổi trên ứng dụng hẹn hò.
Trong đêm đầu tiên chuyển đến thị trấn, Jules đã có tình một đêm với Cal Jacobs (Eric Dane thủ vai), một ông chủ quyền lực luôn giấu kín sở thích quan hệ với người chuyển giới.
Từ đó Jules và Rue bị cuốn vào những rắc rối liên quan đến gia đình Jacobs và bị uy hiếp bởi con trai ông là Nate Jacobs (Jacobs Elordi thủ vai), một anh chàng hotboy điên loạn, rất nổi tiếng ở trường trung học.
Xu hướng tình dục quái lạ của Cab Jacobs đã làm méo mó tính cách của con trai ông, Nate Jacobs bị người bố đồng tính áp đặt tính nam lên mình, khiến anh trở thành kẻ cuồng bạo lực.
Euphoria đã xây dựng những nhân vật cũng như tính cách, nỗi đau của họ một cách vô cùng đặc biệt. Như Cassia (Sydney Sweeney thủ vai), một thiếu nữ tóc vàng luôn được khen xinh đẹp từ khi mới lọt lòng nhưng chính vẻ ngoài hấp dẫn đó lại khiến Cassia dần coi rẻ thân xác mình.
Hay một Kat (Barbara Ferreira thủ vai) mập mạp nhất trường, luôn tự ti về ngoại hình của bản thân rồi lựa chọn giải tỏa cảm giác khó chịu đó bằng lối sống quan hệ bừa bãi.
Họ say sưa trong cần sa, lắc lư trong vũ điệu hoang dã của khát khao dục vọng, nói về việc mình mất đi trinh tiết một cách tự hào và sẵn sàng hẹn hò qua đêm với bạn tình trên mạng mặc kệ nguy hiểm rình rập.
Một thanh xuân ngọt ngào, miệt mài bên sách vở, hy vọng về tương lai tươi đẹp không hề tồn tại trong Euphoria, thay vào đó là những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, ma túy và tình dục.
Bọn trẻ không có một định hướng hay giấc mơ nào cho riêng bản thân mình, họ lạc lối và buông thả bản thân trong tiệc tùng và những mối quan hệ xác thịt mập mờ, phê pha bên những liều thuốc đắt tiền đang dần hủy hoại sự sống của họ.
Những điều này xuất phát từ sự tổn thương từ sâu trong tâm hồn, một cái gì đó vô hình đang đè nén khiến họ cảm thấy như bị nghẹt thở.
Rue dựa dẫm vào cần sa để tồn tại qua ngày vì luôn cảm thấy trống rỗng, Jules chơi vơi trong khao khát được hòa nhập, được yêu thương hay hội bạn gồm Kat, Cassie và Maddy bán rẻ bản thân mình chỉ để cảm nhận tình yêu từ người khác.
Thông điệp ý nghĩa mà Euphoria muốn nhắn gửi đến người xem
Ma túy, tình dục, bạo lực có thể nói là công cụ để những người trẻ đầy bất hạnh trong Euphoria thoát khỏi thực tại khắc nghiệt, quên đi những mất mát, đau đớn và nỗi sợ hãi đang ngự trị trong tâm hồn.
Điều họ cần chính là sự yêu thương, quan tâm và sẻ chia. Họ muốn được đồng cảm và thấu hiểu bởi những người thân xung quanh mình, vào những lúc họ thấy tuyệt vọng nhất, đau đớn nhất, sợ hãi nhất.
Euphoria đã lột tả một thực trạng mà bất cứ ai nhìn vào cũng thấy hoang mang và sợ hãi đến rùng mình. Đây là một tác phẩm học đường gắn mác 18+ không dành cho tuổi teen mà hướng đến đối tượng người lớn, cụ thể là bậc phụ huynh.
Những sự thật trần trụi đầy ám ảnh được thể hiện trong Euphoria như một hồi chuông cảnh tỉnh để người làm cha, làm mẹ quan tâm và thấu hiểu hơn về con em mình. Từ đó có thể hướng chúng đến những điều tốt đẹp, không sa ngã trên đường đời.
Euphoria được hình thành dựa trên phiên bản gốc cùng tên tại Israel và được điều hành bởi nhà sản xuất kiêm biên kịch Sam Levinson. Ông đã lột tả đời sống nhân vật của mình bằng những góc máy táo bạo và lối kể chuyện giàu tính biểu tượng.
Nhà làm phim đã không ngại đưa vào tác phẩm của mình những chi tiết nhạy cảm nhất để tái hiện một cách trần trụi thế giới của những đứa trẻ mới lớn, nó lạnh giá và không có tình người.
Yếu tố thẩm mỹ của Euphoria được đầu tư hết sức chỉn chu, đó là việc xây dựng bối cảnh với những gam màu nóng, gợi cảm và mê hoặc. Thêm vào đó những bản nhạc được sử dụng trong tác phẩm vô cùng bắt tai với giai điệu quyến rũ.
Điều quan trọng nhất không thể không nhắc đến chính là dàn diễn viên của Euphoria, họ đã hoàn thành tốt vai diễn của mình bằng cách đi sâu vào trong nó và thấu hiểu nó.
Sở hữu màu sắc riêng cùng lối diễn phóng khoáng, đặc biệt, họ đã phác họa nên một bức tranh đa sắc thái và giàu cảm xúc.
Cách làm phim không e dè với những cảnh quay phản cảm gây ảnh hưởng đến tâm lý người xem đã khiến Euphoria nhận về rất nhiều tranh cãi.
Bên cạnh đó việc nói về cách dùng ma túy tránh bị phát hiện khi xét nghiệm hay quan hệ giữa cô gái chuyển giới đang ở tuổi vị thành niên với người đàn ông lớn tuổi của phim được cho là truyền bá những thông điệp không phù hợp với thanh thiếu niên.
Parents Television Council (PTC), tổ chức độc lập ở Mỹ chuyên đánh giá ảnh hưởng truyền hình tới trẻ em khi trả lời Fox News đã lên tiếng chỉ trích:
“HBO đang cố tình dùng yếu tố tình dục, bạo lực, ngôn ngữ tục tĩu và ma túy để quảng bá phim đến đối tượng thiếu niên, trẻ em.”
Casey Bloys, giám đốc các chương trình phát sóng HBO đã bảo vệ lối thể hiện của Euphoria trên Hollywood Reporter:
“Những cảnh đó, cũng như ý tưởng đưa nó lên truyền hình có vẻ đi quá giới hạn. Tuy nhiên, đó là trải nghiệm thật của nhiều người. Phim hướng đến khán giả người lớn, cho họ thấy những vấn đề của thiếu niên hiện nay.”
Bên cạnh những tranh cãi, Euphoria cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. The Guardian đánh giá loạt phim là “một trong những chương trình táo bạo và hiệu quả nhất năm”.
Cây bút Rebecca Nicholson của The Guardian cũng có lời nhận xét về diễn xuất của sao trẻ Zendaya khi nói đến Euphoria rằng Zendaya đã có một màn trình diễn đáng kinh ngạc và đầy mê hoặc. Zendaya cũng đã chia sẻ về vai diễn lần này của cô:
“Tôi thường tham gia những bộ phim tình cảm gia đình, do đó, mọi người cho rằng tôi không thể tham gia những vai diễn gai góc như này.”
Có thể nói rằng diễn xuất của Zendaya đã tiến bộ rất nhiều so với những gì cô đã thể hiện trong The Greatest Showman hay Spider Man. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để cô khẳng định năng lực bản thân mình.
Trang Variety cũng đã có ý kiến về Euphoria, họ so sánh những cảnh quay nhạy cảm trong bộ phim như “sức hút quá hấp dẫn khó bỏ qua.” Trên Rotten Tomatoes, tác phẩm đạt 85% điểm tích cực từ các nhà phê bình.
Euphoria có thể nói là một tác phẩm hay nhưng chỉ phù hợp với người trưởng thành, khiến người xem phải sốc và ớn lạnh với những gì mình bày ra. Từ đó giúp họ có những trải nghiệm cũng như nắm được thông điệp ý nghĩa mà bộ phim muốn truyền tải.
Chiêu Đan