Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo của Đảng (tháng 9/2013) đã mở ra một thời kì mới cho việc dạy học trong trường phổ thông ở nước ta: nhấn mạnh đến việc phát triển năng lực của người học hơn là cung cấp tri thức cho họ. Với môn Ngữ văn, đó là những năng lực gì, và để phát triển tốt những năng lực đó cho người học, cần phải dạy học như thế nào?
Ảnh minh hoạ bài viết. Nguồn Internet
MÔN NGỮ VĂN CẦN PHÁT TRIỂN NHỮNG NĂNG LỰC GÌ CỦA NGƯỜI HỌC?
Trước hết cần lưu ý một điều: Đây là môn Ngữ văn chứ không phải môn Văn (Văn chỉ là một phân môn như một thành tố để cấu thành môn Ngữ văn). Ngữ văn đã thành một môn học chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta khoảng 20 năm nay, và sắp tới, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nó vẫn giữ nguyên vị trí ấy ở bậc học THCS và THPT. Vì vậy, chúng ta cần chỉ ra các năng lực cần phát triển qua môn Ngữ văn chứ không phải chỉ qua môn Văn.
Đặc trưng của môn Ngữ văn là gì? Ngữ văn là môn học được tích hợp từ ba phân môn Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn (trước đó ba phân môn này là ba môn độc lập, có SGK riêng) gồm hai phần ngữ và văn gắn bó với nhau, bởi “ngôn ngữ là chất liệu làm nên văn học và văn học chính là nghệ thuật của ngôn ngữ”. Là môn học tích hợp, nhưng về cơ bản nó vẫn là môn học nghệ thuật (Văn vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất), đồng thời nó lại là môn học thực hành (Tập làm văn được học bài bản và hệ thống). Trên đại thể, có thể xem Ngữ văn là môn học về Cái Đẹp với hai khâu liên hoàn: cảm thụ Cái Đẹp trong văn chương (Văn), ngôn ngữ (Tiếng Việt) để tạo lập ra Cái Đẹp trong văn bản nói và viết (Tập làm văn). Đó chính là sợi dây liên kết gắn bó giữa môn học nghệ thuật và môn học thực hành trong môn Ngữ văn với hai hoạt động chủ yếu: đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản.
Như vậy, với những đặc trưng trên đây, môn Ngữ văn sẽ hình thành và phát triển hai năng lực quan trọng cho thế hệ trẻ: năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ. Năng lực thẩm mĩ là năng lực khám phá Cái Đẹp trong văn chương và trong tiếng Việt để thưởng thức chúng; còn năng lực ngôn ngữ là năng lực làm chủ được tiếng Việt, biết sử dụng tiếng Việt một cách thuần thục để tạo lập văn bản (nói và viết) giúp cho việc diễn đạt, giao tiếp đạt hiệu quả. Hai năng lực này không tách rời nhau, mà có mối quan hệ gắn bó, tương hỗ để cùng phát triển Ngữ văn không chỉ là môn học thực hành bình thường mang ý nghĩa tự thân mà nó còn có thêm yêu cầu hỗ trợ cho các môn khác trong việc diễn đạt để trở thành môn công cụ (giống như Toán là môn công cụ để hỗ trợ cho việc tính toán). Đây là môn học có nhiều khả năng và ưu thế nhất trong việc hình thành và phát triển hai năng lực này của người học.
1. Năng lực thẩm mĩ
Ở môn Ngữ văn, năng lực thẩm mĩ gồm hai năng lực nối tiếp nhau trong quá trình tiếp xúc với vẻ đẹp của tác phẩm văn chương và tiếng Việt: năng lực khám phá Cái Đẹp và năng lực thưởng thức Cái Đẹp. Năng lực khám phá Cái Đẹp lại gồm năng lực phát hiện Cái Đẹp và những rung động thẩm mĩ. Cái Đẹp nghệ thuật thường không bộc lộ ngay, mà nhiều khi lại được ẩn giấu trong hình tượng bằng lời, tác phẩm văn chương lại thường có tính đa nghĩa và tính mơ hồ, nên phải có con mắt tinh tường trên cơ sở những rung động thẩm mĩ mạnh mẽ thì mới phát hiện được. Còn năng lực thưởng thức Cái Đẹp chính là năng lực cảm thụ Cái Đẹp và đánh giá Cái Đẹp ấy. Khi đó, người đọc sẽ sống cùng tác phẩm văn chương và chuyển hóa Cái Đẹp của tác phẩm thành Cái Đẹp trong lòng mình, thành tài sản tinh thần của mình. Đó là quá trình “đồng sáng tạo” cùng tác giả để tạo ra những “dị bản” trong lòng người đọc. Và từ Cái Đẹp của nghệ thuật mà họ nhận ra Cái Đẹp trong cuộc sống của con người: đây chính là sự đánh giá Cái Đẹp đúng đắn nhất, và sự đánh giá này là điều không thể thiếu trong năng lực thẩm mĩ của người học để họ chiếm lĩnh được Cái Đẹp ấy. Như vậy, trong năng lực thẩm mĩ có cả yếu tố cảm xúc (rung động thẩm mĩ) và yếu tố lí trí (nhận xét, đánh giá,); hai yếu tố này thường gắn bó, hòa quyện với nhau trong quá trình người học tiếp xúc với vẻ đẹp của văn chương và tiếng Việt. Phát triển năng lực thẩm mĩ ở đây chính là bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về cả hai mặt cảm xúc và lí trí qua các khâu phát hiện Cái Đẹp, cảm thụ Cái Đẹp, đánh giá Cái Đẹp,
2. Năng lực ngôn ngữ
Năng lực ngôn ngữ của học sinh trung học gồm ba năng lực chủ yếu sau đây: năng lực làm chủ ngôn ngữ (tiếng Việt); năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt) để giao tiếp; năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt) để tạo lập văn bản. Năng lực làm chủ ngôn ngữ đòi hỏi học sinh phải có một vốn từ ngữ nhất định, hiểu và cảm nhận được sự giàu đẹp của tiếng Việt, nắm được các quy tắc về từ ngữ, ngữ pháp, chính tả để sử dụng tốt tiếng Việt. Năng lực giao tiếp ngôn ngữ đòi hỏi học sinh phải biết sử dụng thuần thục tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) để giao tiếp trong nhiều tình huống khác nhau với những đối tượng khác nhau trong gia đình, nhà trường và xã hội. Năng lực sử dụng ngôn ngữ để tạo lập văn bản là một năng lực đặc trưng rất quan trọng của năng lực ngôn ngữ học sinh trong nhà trường. Bởi mục đích cuối cùng của nó là để tạo ra được những văn bản chuẩn mực và đẹp. Đó là những văn bản nghị luận (gồm nghị luận chính trị xã hội và nghị luận văn học), những văn bản nghệ thuật (kể chuyện, tả cảnh, tả người,) và những văn bản khác (viết báo, viết đơn, làm báo cáo,). Để tạo lập được các văn bản trên, học sinh phải biết tạo lập ý, sắp xếp ý thành dàn bài, và viết thành bài văn hoàn chỉnh. Điều này không dễ chút nào, bởi trong thực tế vẫn còn có những sinh viên khi ra trường không viết nổi một cái đơn xin việc!? Xem thế mới biết việc bồi dưỡng và phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh ở bậc học THCS và THPT là cần thiết đến thế nào.
DẠY HỌC NGỮ VĂN ĐỂ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC
Đây là cách dạy – học Ngữ văn tiên tiến, hiện đại, nang ý nghĩa đổi mới – cách mạng so với cách dạy – học Ngữ văn truyền thống trước đây, nhằm phát triển năng lực người học là chủ yếu: năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ. Vậy phải dạy và học như thế nào để phát triển tốt nhất hai năng lực đó? Đây là một vấn đề mới và khó, chúng tôi xin được nêu lên một vài suy nghĩ bước đầu mong góp một tiếng nói vào công cuộc đổi mới phương pháp dạy – học Ngữ văn hiện nay.
1. Phát triển năng lực thẩm mĩ (Chủ yếu qua môn Văn)
Cách dạy – học truyền thống là cung cấp kiến thức văn học, và cao hơn ở những giáo viên giỏi, có thể đem đến Cái Đẹp của tác phẩm văn chương, nhưng dường như tất cả đều được rót từ phía giáo viên xuống cái bình chứa học sinh, người học chỉ tiếp nhận một cách thụ động, thế thì làm sao có thể phát triển năng lực thẩm mĩ được? Chỉ khi nào người học tự khám phá ra Cái Đẹp, biết thưởng thức và nhất là biết đánh giá Cái Đẹp trong tác phẩm văn chương thì khi đó mới được xem là họ đã có năng lực thẩm mĩ. Muốn đạt được điều đó, phải có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhị giữa hai khâu dạy và học: người học phải chủ động đến với tác phẩm để tự tìm ra Cái Đẹp cho riêng mình, người dạy phải tạo ra những điều kiện tốt nhất để người học tiếp cận và chiếm lĩnh Cái Đẹp.
Vậy thì, người giáo viên phải dạy – học môn Ngữ văn như thế nào để phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh? Trong bước chuẩn bị bài ở nhà, cần trang bị cho học sinh một số thao tác cần thiết để tiếp cận vẻ đẹp của tác phẩm văn chương (ví như: muốn phát hiện Cái Đẹp, cần chú ý những điều gì trong tình huống truyện, tính cách nhân vật, trong hình tượng thơ và ngôn ngữ thơ,; tại sao tác giả lại dùng thể loại này mà không dùng thể loại khác; những lời nói, câu văn hàm súc ẩn chứa chủ đề của tác phẩm, v.v). Đến bước dạy – học trên lớp, người giáo viên phải tạo ra được cái không khí của tác phẩm để lôi kéo học sinh vào thế giới nghệ thuật, từ đó từng bước dẫn dắt để họ tự tìm ra Cái Đẹp. Chỉ khi nào họ tự mở lòng ra thực sự rung cảm trước Cái Đẹp thì lúc đó họ mới đến được với tác phẩm văn chương. Vì vậy, người giáo viên phải biết cách giúp các em mở lòng ra để đến với Cái Đẹp ấy: đó là thiên chức cao cả nhất cũng là tài nghệ cần phải có của việc dạy – học Văn. Khi đó, giờ Văn sẽ tạo được một sự đồng cảm – nghệ thuật giữa thầy – trò – tác phẩm để có thể tạo ra sự đồng sáng tạo cùng tác giả.
Những giờ Văn trên lớp chính là môi trường và cơ hội tốt nhất để học sinh được rèn luyện và phát triển năng lực thẩm mĩ. Khi đó, họ được tắm mình trong không khí của văn chương, của Cái Đẹp, của những rung động thẩm mĩ và được bàn bạc, đánh giá Cái Đẹp cùng với các bạn, với thầy. Góp gió thành bão, 7 năm trung học, khoảng gần 400 giờ Văn như thế, chắc chắn năng lực thẩm mĩ sẽ được phát triển. Chỉ cần trong dạy-học Văn, người dạy cần hướng vào người học là chủ yếu chứ không phải hướng vào tác phẩm hay văn bản như cách dạy truyền thống trước đây; còn người học phải chủ động đến với tác phẩm như một nhu cầu thẩm mĩ không thể thiếu của mình để có thể tạo ra sự hứng thú và niềm say mê trong việc học tác phẩm văn chương.
Ngoài ra, hai môn Tiếng Việt và Tập làm văn còn có thể kết hợp với môn Văn hoặc hỗ trợ cho môn Văn để phát triển năng lực thẩm mĩ cho người học.
2. Phát triển năng lực ngôn ngữ
Môn Văn cũng có vai trò nhất định trong việc phát triển năng lực ngôn ngữ cho người học, nhưng đảm trách việc này chủ yếu là ở hai môn Tiếng Việt và Tập làm văn. Môn Tiếng Việt giúp học sinh làm chủ được tiếng mẹ đẻ để sử dụng thành thạo trong giao tiếp, còn môn Tập làm văn là nơi các em vận dụng ngôn ngữ để tạo lập các văn bản. Hai môn này gắn bó, hỗ trợ nhau trong nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ cho người học là rất thuận lợi. Nhưng thực tế nhiều năm qua, hiệu quả lại không đạt được mà có chiều hướng ngược lại. Đó là do chương trình còn tham, sách giáo khoa viết chưa tốt, cách dạy chưa đúng. Cách dạy Tiếng Việt còn mang tính hàn lâm, tham lam, ôm đồm, thậm chí rối rắm, phức tạp hóa, học sinh không “tải” được nên cũng không “tiêu” được, không ít em lại “sợ” môn Tiếng Việt, “sợ” học tiếng mẹ đẻ (?!) và sợ nhất là “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” (?!). Trong khi đó, cách dạy Tập làm văn lại khô cứng, máy móc, rập khuôn, như chỉ để tạo ra những người “thợ viết” vô hồn chỉ biết viết đúng theo khuôn mẫu định sẵn, đã giết chết sự sáng tạo cần phải có của người học trong việc tạo lập văn bản. Thử hỏi, cách dạy Tiếng Việt và Tập làm văn như thế thì làm sao có thể phát triển được năng lực ngôn ngữ cho người học?
Vì vậy, điều cấp thiết đầu tiên hiện nay, là phải chấm dứt ngay hai cách dạy không đúng trên đây để thay vào đó cách dạy đổi mới nhằm có thể phát triển được năng lực ngôn ngữ cho thế hệ trẻ. Về Tiếng Việt, phải dạy và học theo tinh thần dạy tiếng Việt là dạy tiếng mẹ đẻ cho người bản xứ chứ không phải là dạy một môn ngoại ngữ như tiếng Anh hay tiếng Pháp, trong trường phổ thông Việt Nam. Có nghĩa là, người học vốn là học sinh Việt Nam, nên đã có sẵn một vốn tiếng Việt trước khi học, bởi theo quy luật hình thành ngôn ngữ của người bản xứ thì ngôn ngữ bản năng là chủ yếu. Đó là một thuận lợi lớn cần tận dụng trong dạy và học Tiếng Việt. Phải từ vốn ngôn ngữ bản năng mà em nào cũng có để phát triển, nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, phù hợp với việc học tiếng mẹ đẻ của người bản xứ. Như vậy, dạy – học Tiếng Việt không phải là dạy – học những cái mới như dạy ngoại ngữ, mà là trên cơ sở những cái học sinh đã có, đã biết để nâng lên thành cái khái quát hệ thống, và đặc biệt để thực hành, vận dụng những cái đã có đó vào thực tiễn ngôn ngữ đến mức thành thạo. Vì thế, dạy lí thuyết phải tinh giản theo cách quy nạp để học sinh có thể chủ động tham gia xây dựng bài học bằng cái vốn ngôn ngữ bản năng của mình; còn dạy thực hành thì phải đa dạng, phong phú để các em được rèn luyện bằng nhiều thao tác vận dụng ngôn ngữ vào cuộc sống.
Tập làm văn là môn khô khan, khó dạy, cũng là môn học sinh chán học, nhất là khi dạy về lí thuyết các kiểu bài. Nhưng lại là môn rất cần thiết trong việc phát triển năng lực ngôn ngữ cho người học, đặc biệt là tạo lập các loại văn bản một năng lực không thể thiếu của con người hiện đại. Vì vậy người giáo viên phải tìm mọi cách để gây hứng thú trong việc dạy học Tập làm văn, tránh biến nó thành những giờ học nặng nề, nhàm chán. Muốn vậy, phải dành cho học sinh một chỗ đứng thích đáng trong giờ học và dành cho họ một không gian rộng rãi của sự sáng tạo trong việc tạo lập các loại văn bản. Lâu nay, ở các giờ Tập làm văn, dường như chỉ diễn ra theo một hướng từ giáo viên đến học sinh: giáo viên đưa ra các bước làm bài, các mô hình cho từng loại văn bản, cách lập dàn ý, thậm chí cả cách mở bài, kết bài, và học sinh cứ thế rập khuôn một cách máy móc mà không hề có sự suy nghĩ hay đối thoại nào cả. Sự sáng tạo đã không còn thì làm sao có thể tạo ra được những văn bản đích thực? Cho nên người giáo viên cần biết cách khuyến khích học sinh tham gia xây dựng bài học Tập làm văn, đặc biệt là về lí thuyết các loại văn bản để tránh có sự gò bó cứng nhắc, tạo cho họ một tâm lí thoải mái trong việc sáng tạo văn bản mang nét riêng của mình, được viết bằng cảm hứng của chính mình. Và ngay cả khi đánh giá, cũng cần tôn trọng và khích lệ những bài làm có nét riêng đặc sắc. Tập làm văn là môn học thực hành bộc lộ rõ nhất năng lực ngôn ngữ của người học, cần phải đổi mới cách dạy-học theo hướng thoát khỏi sự ràng buộc của các khuôn hình khô cứng để đến với sự sáng tạo vốn có của nó.
*
Năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ là những năng lực mang đậm tính người mà em nào cũng có, là tiềm năng của người học, chỉ cần biết cách khơi dậy là tự nó có thể phát triển được. Đó là một thuận lợi cần tận dụng trong dạy-học Ngữ văn. Người giáo viên cần nắm được điều đó để chủ động khơi dậy khả năng tự phát triển của học sinh trong dạy-học Ngữ văn nhằm phát triển tốt nhất năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ.
Nguồn Văn nghệ số 45/2019