Cùng với Kingdom, Train to Busan, Happiness, Ngôi trường xác sống – All of us are dead trên Netflix đều là những bộ phim chất lượng xoay quanh đề tài Zombie quen thuộc. Màn ảnh Hàn vẫn rất biết cách khai thác một cách khéo léo, tài tình đề tài quen thuộc này để chuyển tải nó thành những câu chuyện thú vị, hút mắt người xem và trở thành những cú hit lớn trên màn ảnh.
Hãy cùng Coolmate review phim Ngôi trường xác sống với những tình tiết nội dung phim thú vị và tiết lộ những “sự thật” bất ngờ của bộ phim này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Tóm tắt nội dung phim Ngôi trường xác sống
Ngay từ tập đầu tiên sau khi ra mắt, phim Ngôi trường xác sống – bộ phim zombie sinh tồn dựa trên bối cảnh trường học đã tạo nên sự bùng nổ và nhanh chóng chễm chệ ngồi lên vị trí Top 1 Netflix toàn cầu. Trên khắp các trang mạng xã hội, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các bài post, bình luận bàn tán, đánh giá xôn xao về nội dung phim, dàn diễn viên cũng như dự đoán tình tiết cho mỗi tập phim.
Cho đến nay, Ngôi trường xác sống đã hoàn tất việc ra mắt 12 tập phim với thời lượng 1 tiếng/tập, bạn đã có thể “cày” một mạch suốt ngày đêm mà vẫn cảm thấy “bánh cuốn” theo từng nhịp thở của nhân vật nhờ mạch phim nhanh, bất ngờ đúng chuẩn phim sinh tồn kinh dị.
Trailer chính thức của Ngôi trường xác sống
Bộ phim kể về cuộc đấu tranh sinh tồn giành lấy sự sống của một nhóm học sinh với những người bạn khác cùng trường của mình, họ đã bị nhiễm một căn bệnh lạ và “biến hóa” thành Zombie.
Bắt đầu từ cô bạn Hyeon Ju (Jung Yi Seo) bị con chuột trong phòng thí nghiệm cắn vào tay, không giống như Người Nhện Tom Holland, cô không biến thành “người chuột” mà là bị nhiễm một loại chủng virus Jonas biến con người thành “quái vật”. Nó nhanh chóng được lây lan vượt tầm kiểm soát, đã gieo rắc nên nỗi khiếp sợ cho toàn ngôi trường và cũng là chất xúc tác để chúng ta hiểu hơn về tình bạn, tình yêu, lòng tin giữa người với người.
Nguồn gốc của căn bệnh lạ và biến hóa thành Zombie
Chủng virus này là do một nhà khoa học – Lee Byoung Chan nghiên cứu với mục đích cứu sống con trai là nạn nhân của bạo lực học đường. Ngoài ra, với tình yêu thương con vô bờ bến của bậc cha mẹ, ông tạo ra virus với hi vọng con trai sống lại, trở nên mạnh mẽ hơn và có khả năng chống trả. Không ngờ, sự việc diễn tiến không như ông mong đợi, Jinsu (người con trai) đã trở nên tàn ác, mất đi lý trí và thậm chí tấn công cả mẹ ruột của mình. Ông buộc phải giết đi vợ con và đưa virus vào lại con chuột thí nghiệm.
Căng thẳng có, cảm động có, hài hước cười ngoác cả miệng cũng có, thậm chí là tức anh ách thay cho nhân vật trong phim là những gì bạn có thể cảm nhận được qua từng nút thắt – mở ngạt thở, đúng lúc đúng chỗ và cũng là điểm làm nên sự thành công của cả bộ phim.
Một điểm cộng về nội dung phim Ngôi trường xác sống khác với những bộ phim bạn đã từng xem đó là phim có chi tiết “nửa người, nửa zombie” giúp câu chuyện trở nên kịch tính và thú vị hơn. Đây là một số người đã bị cắn nhưng virus vào người họ đã bị kháng thể “tiến hóa” thành một dạng khác khiến họ có những đặc tính của zombie nhưng không bị mất đi lý trí hoàn toàn.
Nếu Train to Busan nhốt mọi người vào một không gian nhỏ hẹp là một căn tàu, Happiness là một tòa nhà chung cư thì cùng một cách “nhốt” nhân vật trong không gian kín đó, Ngôi trường xác sống cũng tạo nên những cuộc rượt đuổi nghẹt thở trong không gian rộng lớn hơn đó là trường học. Điều này không những không nhàm chán mà ngược lại càng khiến người xem phấn khích hơn, khó rời mắt hơn vào các cuộc đuổi bắt theo kiểu “mèo vờn chuột” và thấp thỏm theo từng sự phát triển nhân vật trong phim.
Khung cảnh hỗn loạn của trường học khi zombie xuất hiện
Bộ phim không chỉ nói đến đề tài Zombie mà còn phơi bày một thực trạng xã hội thu nhỏ thông qua trường học. Ở đây, qua từng cảnh quay đã tô vẽ nên từng lớp nhân vật với những tính cách khác nhau, sự ghen tỵ, ganh đua, cô lập nhau thậm chí dẫn đến cái chết.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự thờ ơ của giáo viên để dẫn đến tình trạng bạo lực học đường càng nghiêm trọng hơn. Tốt, xấu đan xen, liệu rằng những mặt tối đáng sợ của con người thực sự do Zombie hay chính nhân cách của họ được viện cớ Zombie mới bộc lộ ra? Chỉ có khi bạn xem hết 12 tập phim mới có thể có đáp án cho mình.
2. Thực trạng bộ phim Ngôi trường xác sống muốn phơi bày
Bộ phim là những góc khuất của hiện thực xã hội mà nhà làm phim muốn thông qua từng phân cảnh, thước phim để lột tả các thực trạng đáng lên án nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm và can thiệp đúng mực.
Đầu tiên phải kể đến vấn nạn bạo lực học đường tại Hàn Quốc. Con trai nhà khoa học nghiên cứu ra virus Zombie chí là một nạn nhân đáng thương phải dừng lại cuộc sống tươi đẹp của mình khi còn rất trẻ. Jisun đã bị một đám bạn học, kéo lên sân thượng, đánh đập cho đến chết. Mặc dầu người cha đã từng nhiều lần phản ánh sự việc con trai bị bắt nạt lên nhà trường, nhưng họ không truy cứu vì cho rằng đây chỉ là việc trẻ con.
Thực trạng hiện nay được truyền tải qua bộ phim này
Sự thờ ơ của nhà trường đã khiến cho bạo lực học đường ngày càng trở nên tồi tệ hơn, Gwi Nam (Yoo In Soo) – tên cầm đầu nhóm học sinh chuyên đi bắt nạt những học sinh yếu thế cũng nhờ vậy mà lộng hành hơn. Hắn đã ép Eun Ji (Oh Hye Soo) quay video cởi đồ trước mặt chúng, xâm hại và dọa phát tán vào 9h ngày hôm sau.
Ngay cả khi đại nạn xác sống đang dần tiến lại gần, cô cũng đã mất đi ý chí để sống tiếp, thậm chí còn có ý định tự tử trên sân thượng. Nhưng sự lo sợ về clip tấn công tình dục của mình bị phát tán, Eun Ji đã lao mình vào đám Zombie để lấy lại được chiếc điện thoại có chứa video và đốt cháy cả trường học, nơi gây ra cho cô gái trẻ những căm phẫn và nỗi đau tận cùng.
Bạo lực học đường hay ức hiếp sinh viên nữ,…
Phim cũng chỉ trích những con người đứng đầu trường, những thầy cô giáo thờ ơ, vô tâm không làm đúng trách nhiệm của mình đối với học sinh. Ngoài bạo lực học đường, quấy rối tình dục thì gian lận thi cử, nạn phân biệt giàu nghèo, tầng lớp xã hội cùng với việc mang thai ở trẻ vị thành niên cũng được phản ánh một cách vô cùng chân thực, lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt người xem.
Điển hình như nữ sinh Hee Soo mang thai mà bạn bè không biết, thầy cô không hay và đã trải qua quá trình sinh nở ngay trong nhà vệ sinh của trường học. Hay như khi đại dịch Zombie đang đến gần, điều quan tâm nhất của ban giám hiệu, thầy cô vẫn không phải là học sinh mà là danh tiếng và sự an nguy của chính bản thân mình.
Tất cả mọi tình huống tưởng chừng như không thể xảy ra thì nó đều xuất hiện trong bộ phim này
Vấn nạn tin tức giả cũng là điều khiến chính phủ phải đau đầu. Ngay khi nguồn tin thành phố xuất hiện Zombie, những người nổi tiếng trên mạng xã hội đã không ngại dàn dựng và phát tán những thông tin không đúng sự thật để câu lượt xem và tương tác. Đến nỗi để có thể ngăn chặn điều này, cả thành phố đều phải ngắt kết nối mạng và internet.
3. Quy tụ dàn diễn viên trai xinh, gái đẹp trẻ tuổi đầy tài năng
Đan xen những cảnh máu me, đổ nát, vồ xé nhau thì bộ phim cũng có những điều tươi đẹp khác thu hút không kém đó chính là dàn diễn viên trẻ cực phẩm. Mặc dù tuổi nghề chưa cao nhưng khả năng diễn xuất của mỗi diễn viên đều có sự cố gắng nhất định để phát triển và xây dựng những nét màu sắc nhân vật mà mình đảm nhận vô cùng khác biệt, không lẫn vào ai.
3.1. On Jo (Park Ji Hoo)
Nữ diễn viên Park Ji Hoo xinh đẹp trong vai thiếu nữ tuổi 18
Câu chuyện xoay quanh quá trình trốn chạy của nhóm nhân vật chính thoát khỏi bọn Zombie khát máu. On Jo (Park Ji Hoo) vô cùng điềm đạm, hiền lành, yếu đuối, không mấy nổi bật ở trường cả nhan sắc lẫn thứ hạng điểm. Cô đã sử dụng những kỹ năng sinh tồn mà mình học được từ cha – một người lính cứu hỏa – để cứu giúp bản thân và bạn bè thoát khỏi những pha rượt đuổi vô cùng nguy hiểm. Cô nàng cũng là người giúp kết nối và thắt chặt tình đồng đội giữa mọi người lại với nhau.
3.2. Na Yeon (Lee Yoo Mi)
Khác với vai diễn tại Squid game, Lee Yoo Mi vào vai phản diện – nữ nhỏ áo hồng
Nhân vật Na Yeon do Lee Yoo Mi thủ vai. Nếu như ở bộ phim “Trò chơi con mực”, bạn quý mến diễn viên này bao nhiêu thì ở phim Ngôi trường xác sống từng điệu bộ, cử chỉ, lời nói của “con nhỏ áo hồng” cũng đều khiến người ta ghét.
Vào vai một cô tiểu thư nhà giàu, vô cùng ích kỷ và luôn coi thường, miệt thị những con người sống ở tầng lớp thấp hơn mình. Thậm chí tội lỗi đạt đến đỉnh điểm khi cô nàng hãm hại người bạn của mình biến thành Zombie chỉ để thỏa mãn bản thân. Từng lớp cảm xúc từ kiêu căng, ngạo mạn đến trạng thái hối lỗi về những điều mình làm đều được Lee Yoo Mi diễn tả một cách hoàn hảo.
3.3. Lee Cheong San (Yoon Chan Young)
Yoon Chan Young đảm nhận vai trò là tuyến nhân vật chấp nhận lăn xả nhất phim
Vai diễn Lee Cheong San do Yoon Chan Young thủ vai là tuyến nhân vật chấp nhận lăn xả vì bạn bè nhất phim. Với tính cách lương thiện, tốt bụng và vô cùng dũng cảm khi liều mình cứu giúp bạn bè khỏi nguy hiểm, cũng rất đáng thương khi phải tận mắt chứng kiến mẹ mình biến thành Zombie và bị tấn công.
3.4. Nam Ra (Cho Yi Hyun)
Nữ lớp trưởng Cho Yi Hyun quyết đoán, mạnh mẽ và lạnh lùng
Cô nàng lớp trưởng quyết đoán, mạnh mẽ, lạnh lùng với chiếc tai nghe bên người là nhân vật rất được yêu thích trong bộ phim. Dù lạnh lùng và xa cách là thế nhưng cô nàng vẫn rất quan tâm đến mọi người. Ngay cả khi bị biến thành bán Zombie cô cũng không ngừng kiềm chế để không làm hại những người bạn của mình.
3.5. Lee Soo Hyuk (Solomon)
Solomon nhanh chóng gây được ấn tượng nhờ chiều cao và khuôn mặt đẹp nam tính
Lee Soo Hyuk do Solomon thủ vai nhanh chóng gây được ấn tượng nhờ chiều cao và khuôn mặt đẹp nam tính. Vào vai Lee Soo Hyuk là bạn thân của Lee Cheong San nhưng lại đem lòng yêu thầm cô nàng lớp trưởng cá tính Nam San. Với cơ thể khỏe mạnh, anh chàng không ngừng chiến đấu và bảo vệ bạn bè. Bên cạnh đó loveline và chemistry giữa Soo Hyuk và Nam San khiến dân tình vô cùng phấn khích.
4. Các điểm hạn chế của phim Ngôi trường xác sống
Mặc dù có sự đầu tư chất lượng từ dàn diễn viên chính đến hàng trăm nhân vật phụ, ai ai cũng phải trải qua quá trình rèn luyện, học vũ đạo để biến hóa thành Zombie một cách chân thực nhất cùng nhiều cảnh quay chất lượng thì bộ phim cũng có nhiều điểm yếu không thể tránh khỏi.
Các điểm hạn chế trong bộ phim Ngôi trường xác sống
Dù các nhà làm phim rất chăm chút đến hình ảnh và màu sắc nhưng về mặc âm thanh vẫn chưa khiến mọt phim thỏa mãn. Âm nhạc chưa có phần căng thẳng đoạn cao trào nên chưa làm cho trải nghiệm phim được trọn vẹn. Đối với phim kinh dị, hiệu ứng âm thành được đánh giá là một trong những phần quan trọng nhất góp phần tăng thêm tính sợ hãi và kích thích người xem.
5. Những sự thật về All of us are dead
Phim Ngôi trường xác sống được cải biên từ Webtoon “Now at our school” của Joo Dong Geun với những tình tiết thêm thắt mới cho phù hợp với hiện thực. Phim ra đời vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu cũng đem đến cho người xem những cảm nghĩ và sự đồng cảm sâu sắc về sự mất mát và bản chất con người.
Ngoài ra, một trong những điểm cộng làm nên sức hút của bộ phim là diễn xuất và hóa trang của không chỉ tuyến diễn viên chính được đầu tư kỹ lưỡng mà đến nhân vật phụ và diễn viên quần chúng cũng được trang bị một lớp học về cách chiến đấu với Zombie, chạy, ngã,… sao cho giống thật nhất. Một số cảnh quay máu me, vặn vẹo tạo cảm giác sợ hãi cho người xem.
Một số cảnh quay rộng, khắc họa sự náo loạn, gây cấn khi đại dịch ập đến đều là người thật và đa phần được quay one shot để có thể diễn tả được sinh động nhất cái khủng khiếp của đại dịch Zombie. Một phân cảnh diễn ra tại quán cà phê đã huy động đến 200 diễn viên để đem đến cảm giác chân thực và kinh hoàng cho người xem.
Để làm cho bối cảnh trở nên thực tế hơn, nhóm sản xuất đã chịu chi “khủng” khi xây dựng một ngôi trường bốn tầng với nhiều đạo cụ được trang trí và hiệu ứng hình ảnh như một ngôi trường thực thụ. Nơi trú ngụ của nhóm nhân vật chính cũng được xây dựng rất chi tiết như phòng âm nhạc, nhà ăn, thư viện,…
Một số cảnh quay được cho là rườm rà, gây nhàm chán, nhiều chi tiết chưa được giải thích ổn thỏa. Có lẽ điều này là dụng ý riêng của đạo diễn khi khắc họa tâm lý của những đứa trẻ mới học lớp 11 khi mắc kẹt trong ranh giới sống chết, không thể gọn gàng, chu toàn mà đôi khi sẽ dài dòng hoặc bị một chút lỗi, vì không ai có thể hoàn toàn bình tĩnh trong tình huống đó cả. Những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng có thể sẽ được biên kịch sắp xếp lại trong các series tiếp theo chăng?
6. Ngôi trường xác sống có phải phim đáng xem ?
Ngôi trường xác sống thực sự là bộ phim đáng để xem
Phim Ngôi trường xác sống tuy là 1 bộ phim tuy motif không lạ nhưng là một bộ phim kết hợp giữa các yếu tố kinh dị, lôi cuốn, nhịp phim nhanh, thông qua tình tiết phim để phơi bày các mặt tối của xã hội. Và đồng thời yếu tố tình cảm thanh xuân tuổi học đường cũng được lồng ghép một cách khéo léo tạo thêm sức sống, điểm nhấn cho bộ phim.
Đối với mọt phim, 12 tập phim của Ngôi trường xác sống chưa thực sự lôi cuốn, phải xem liên tục không thể bỏ qua một cảnh quay nào, xem xong vẫn thấy quyến luyến và chờ đợi tiếp phần 2. Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim thanh xuân vườn trường, kịch tính, kinh dị với đầu tư chất lượng từ nội dung, diễn viên, hình ảnh thì không thể bỏ lỡ các tập phim này.
Lời kết
Với thành tích phim được đánh giá 100% “cà chua tươi” và nhanh chóng lọt lên top 1 Netflix toàn cầu có thể bảo chứng cho chất lượng và nội dung phim. Đây là một bộ phim rất giải trí và rất đáng xem, độ nổi tiếng đã nhanh chóng lan xa trên toàn cầu. Với Review phim ngôi trường xác sống trên đây, hi vọng Coolmate giúp bạn tìm được một bộ phim “tủ” để cày trong thời gian tới.
Đừng quên theo dõi CoolBlog để theo dõi những thông tin hữu ích và cập nhập những xu hướng thời trang mới nhất nhé.
“Coolmate – Nơi mua sắm đánh tin cậy dành cho nam giới”
Review phim Hellbound – Sự ám ảnh từ bản chất con người?
Review phim Youth of May – Tuổi trẻ của tháng 5 có gì hot?