Mở đầu là khung cảnh một người đàn ông trong trạng thái nửa điên loạn, đào bới một ngôi mộ đơn bạc.
Không biết ai nằm dưới kia, cũng không biết hắn đã làm gì, nhưng thấy hắn thật thảm hại. Vì hắn thất bại đến mức chỉ biết trút giận lên một thi thể đã mục rữa. Hắn quằn quại với sự thật là nàng chết rồi, mà lời trăng trối của nàng không gồm có hắn.
Mình cứ ám ảnh mãi, mà cả về sau này khi biết rằng cái kết thực sự không như vậy, nhưng hiệu quả tâm lý của chương này mạnh đến nỗi mỗi khi đọc đến khung cảnh hoa đào, hoa mận, hoa cải nở rực rỡ một vùng, lại vô thức nhớ đến đôi mắt đỏ ngầu bi thương của hắn.
Nàng là Mi Lâm, nàng là một tử sĩ, nàng mới 15 tuổi, thực ra Mi Lâm chỉ là cái tên trong lần nhiệm vụ này, tử sĩ chỉ có số hiệu, nàng là số 43
Mệnh của tử sĩ tiện, nhưng nàng còn không phải một tử sĩ đạt tiêu chuẩn, đến nhiệm vụ do người khác bị bệnh mới đến lượt nàng. Nàng vẫn là xử nữ, do những kẻ huấn luyện còn chê nàng có dòng máu dơ bẩn
Ngay từ đầu nàng đã là quân chốt thí mà người chủ nhân giấu mặt đã định sẵn, tước bỏ võ công, thân thế đầy sơ hở, làm bàn đạp cho âm mưu khác.
Người chủ nhân đó, chính là Mộ Dung Cảnh Hòa.
Hắc Nhan không chỉ thích ngược nữ mà nữ chính lúc nào cũng xuất thân từ dưới đáy xã hội, từ Diệm Nương, Diệp Thanh Hồng, đến Ngô Quế Lan, Mặc Cửu, và cả Mi Lâm.
Nhưng tất cả bọn họ, dù hèn mọn, lại có tinh thần lạc quan và tâm hồn bao dung hơn hẳn rất nhiều những con người giàu sang phú quý khác, gồm cả nam chính.
Mi Lâm không phải kẻ ngốc nghếch để không nhận ra sự bất công hay bị lợi dụng, nhưng người ta chỉ nhìn thấy một Mi Lâm cam chịu, ngoan ngoãn để cho người bày bố. Đó không phải tinh thần khuất nhục, khuất nhục là mặc người chà đạp chẳng vì cái gì, còn tất cả những điều nàng làm chỉ có một mục đích duy nhất:
Để sống
Nàng tham sống
Mi Lâm yêu hoa xuân, hy vọng sống đến mùa xuân năm sau chính là động lực của nàng
Mình thích loại chủ nghĩa an nhiên của Mi Lâm, đa số người như nàng sẽ thành 3 trường phái: phản kháng – phải thật tài trí, thủ đoạn để ngoi lên giữa dòng đời; hoặc không dám phản kháng thì oán trời hận đất, hậm hực với thế gian; hoặc cam chịu một cách hèn mọn, không dám mưu cầu hạnh phúc; còn nàng, nàng không thay đổi được hoàn cảnh, không than trách số mệnh, nàng chỉ tìm cách để sinh tồn tốt nhất, và tự xây dựng thế giới nội tâm phong phú, tự tạo ý nghĩa sống cho mình.
Cách sống như vậy quá thụ động với kiểu thứ nhất – nhưng lại nhân văn hơn; không khác gì kiểu thứ hai – nhưng thanh thản hơn; và dĩ nhiên hơn xa kiểu thứ ba, vẫn giữ được giá trị của một con người.
Mi Lâm chỉ mong ước những điều nhỏ bé: được sống, được tự do, và nếm trải điều làm nàng vui vẻ. Nhưng nếu không đạt được thì không cưỡng cầu, như việc nàng biết mình sẽ chết, mà vẫn muốn tận hưởng thật tốt thế giới xung quanh.
Có lẽ nàng yêu Mộ Dung Cảnh Hoà cũng nhờ điều này, vì chỉ có hắn – dù không tự nguyện, lại là người duy nhất ở bên nàng trong cơn hoạn nạn, vì hắn là người đầu tiên nàng dựa dẫm, cùng nàng trải qua những tháng ngày bình yên nơi thôn dã, đó đều là chút kỷ niệm tốt đẹp hiếm hoi trong cuộc đời nàng, mà Mộ Dung Cảnh Hoà lại vô tình có mặt trong đó.
Mi Lâm khổ vì yêu, nhưng nàng yêu vậy là tỉnh táo lắm rồi, thực ra anh nam chính cáo già nắm thóp nàng từ lâu mà, Mi Lâm mềm lòng, nên nàng không nỡ bỏ mặc hắn, nàng hài lòng với sự dịu dàng ít ỏi của hắn.
Thế mà một khi muốn buông, thì có thể buông một cách nhẹ nhàng.
Không có hắn, nàng vẫn có thể sống rất bình thản.
Mộ Dung Cảnh Hòa thua nàng ở điểm đó, hắn luôn bị lạc lối giữa vô vàn tham vọng của bản thân, thực ra hắn không thể không tham, trong hoàn cảnh của hắn, hắn từng không tham và phải trả giá bằng 5 năm phải ẩn nhẫn và vô số lần suýt chết, nhưng chính vì quá nhiều nên hắn luôn tự mâu thuẫn trong việc giữ hay bỏ, chẳng hạn như tình cảm với Mục Dã Lạc Mai, như hoàng vị, hay là Mi Lâm.
Bởi vậy thấy ngược Mi Lâm, nhưng hắn mới tội nghiệp, tự đẩy nàng đi rồi lại hớt hải tìm lại là hắn, người canh cánh hờn dỗi là hắn, người ghen cũng là hắn, Mộ Dung Cảnh Hòa không ung dung được như nàng, hắn cứ nhặng xị lên rồi lại chịu không nổi việc không có nàng.
Mình thích những chương hắn cùng Mi Lâm lẩn trốn, vì đó là câu trả lời hợp lý nhất cho tình cảm cả hai người. Mộ Dung Cảnh Hòa là điển hình của một kẻ được hưởng nền giáo dục phân biệt giai cấp, cộng thêm quen cảnh gió tanh mưa máu nơi chiến trường và những thủ đoạn minh tranh ám đấu chốn triều đình, những điều đó rèn giũa thành cá tính lạnh nhạt tàn nhẫn, coi con người như đồ vật, thích thì trêu đùa, không thích thì vứt bỏ. Câu nói thể hiện bản chất rõ nhất của hắn: “Nàng sống hay chết liên quan gì đến ta”
Vậy làm sao có thể thay thế vị trí của người con gái cao quý mà hắn khát khao gần chục năm đây, và tác giả để hắn – vốn thiếu nhất cảm giác an toàn – nếm trải cảm giác lệ thuộc hoàn toàn vào nàng, bắt hắn tham luyến cảm giác an tâm mỗi khi bên người con gái ấy.
Cơ mà, hắn vì sĩ diện mà không nhận ra hay không dám chấp nhận một sự thật là hắn đã yêu một tử sĩ, một kẻ xuất thân ti tiện, một nữ nhân quá đỗi bình thường.
Để đến khi biết rằng hắn đã mất nàng vĩnh viễn, hắn lúc đó mới triệt để hối hận.
Nhiều người không thích cái kết, cho là quá dễ dàng cho nam chính, đáng nhẽ Mi Lâm nên chết, còn Mộ Dung Cảnh Hoà phải chịu giày vò suốt đời.
Nhưng dù sao thì mình thấy rằng Mộ Dung Cảnh Hòa cũng đã có một bài học nhớ đời, còn gì đau khổ hơn chuyện sinh ly tử biệt, mà Mi Lâm đã đủ khổ rồi, cũng phải để cho nàng hưởng thụ sự bù đắp của hắn chứ, chỉ là diễn biến hơi nhanh một chút. Như mình tưởng tượng sẽ là: Mi Lâm chết thật, nhưng nhờ Quân Tử cổ mà thân xác nàng mãi mãi nguyên vẹn (giống Vu), Mộ Dung Cảnh Hòa mang thi thể nàng về, ngày ngày ngắm nhìn nàng, để hắn thấm thía cảm giác muốn quên cũng không được, muốn chạm cũng không tới. Suốt 10 năm nơm nớp hy vọng, lúc đó nàng mới tỉnh dậy. Một năm vẫn còn quá ngắn cho nỗi sợ mất nàng trở nên khắc cốt ghi tâm đối với hắn.
Nói thêm về vài nhân vật phụ khác, trong Mộng Hoa Xuân đa số nhân vật phụ đều tốt, chỉ có Mục Dã Lạc Mai và Mộ Dung Huyền Liệt có thể xếp vào hạng phản diện.
Mục Dã Lạc Mai là nguyên do chính gây nên tất cả mọi đau khổ của Mi Lâm, tuy có thể không thích sự kiêu ngạo của nàng ta, nhưng ai cũng phải công nhận nàng ta quá nhiều điểm mạnh: xuất thân hiển hách, xinh đẹp, tài giỏi, mạnh mẽ, quả thật có tình địch cỡ này cũng đáng sợ. Tuy vậy Mục Dã Lạc Mai không bằng Mi Lâm ở chỗ nàng ta quá hẹp hòi, nàng ta không dung được một Mi Lâm chiếm mất trái tim của Mộ Dung Cảnh Hòa, nhưng nàng ta cũng không dung được một Mộ Dung Cảnh Hòa trầm mê tửu sắc, đại nghịch bất đạo. Mi Lâm nhường nàng không phải vì tự ti, mà nàng đặt tình cảm của Mộ Dung Cảnh Hòa lên trên hết, còn Mục Dã Lạc Mai chỉ muốn Mộ Dung Cảnh Hòa làm hài lòng cái tôi của mình. Mình có cảm giác rằng Mộ Dung Cảnh Hòa cứ cố níu kéo tình cảm với Mục Dã tướng quân một phần vì lòng tự tôn của đàn ông, bởi vì chinh phục được cành mai kiêu ngạo cao quý và có được sự công nhận của nàng nghe vẻ vang hơn nhiều so với có một Mi Lâm quá lặng lẽ bên cạnh. Tuy nhiên với một người con gái chỉ biết đòi hỏi, trái tim người đàn ông lâu dần cũng mệt mỏi, hắn còn vô vàn hiểm cảnh phải đơn độc đấu tranh, nên hắn vô thức nghiêng về phía người con gái bao dung hơn, biết chia sẻ hơn.
Còn Mộ Dung Huyền Liệt thì xuất hiện khá ít ỏi, nhưng mình ấn tượng bởi hắn cũng giống như Mộ Dung Cảnh Hòa, là một vị hoàng tử cao quý đang tham gia vào cuộc chiến tranh đoạt hoàng vị khốc liệt nhất, nhưng lại không thể hiện thẳng thắn như em trai mình mà luôn khoác vẻ khoan dung đạo đức giả, đứng cạnh hắn, sự khốn nạn trực tiếp của Mộ Dung Cảnh Hòa lại làm mình có cảm tình hơn cả.
Khép lại Mộng Hoa Xuân là một cái kết đẹp cho đôi chính, cũng có kết đẹp cho cặp phụ đam mỹ rất đáng yêu, đây có thể không phải cuốn ngôn tình xuất sắc nhất, nhưng là truyện mình dù có đọc đi đọc lại bao nhiều lần, cũng đều xúc động như mới đọc lần đầu.