1. Luật Đất đai năm 2013
Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị và xã hội của đất nước.
Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Luật Đất đai năm 2013 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Luật cũng quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân.
Luật Đất đai đã bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người một giấy chứng nhận, hoặc cấp chung một sổ đỏ và trao cho người đại diện. Trường hợp đất là tài sản chung của vợ chồng thì giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, nếu giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu.
Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Luật quy định cụ thể về những trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước phải thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như quy định tại Điều 54 của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật cũng quy định các chế tài mạnh để xử lý các trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng đó là do phép chậm tiến độ hơn so với quy định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng cho phép chậm tiến độ này mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.
Quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Yêu cầu về bảo đảm sinh kế cho người có đất thu hồi đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn trong Luật sửa đổi thông qua quy định về các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở và một số khoản hỗ trợ khác.
Luật Đất đai năm 2013 cũng bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động; quy định đăng ký đất đai trên mạng điện tử. Việc quy định hình thức đăng ký điện tử nhằm góp phần tích cực vào tiến trình cải cách hành chính, khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Luật đất đai số 13/2003/QH11 và Nghị quyết số 49/2013/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội về kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
3. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013
Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 gồm 5 chương, 80 điều, ít hơn 6 điều và 6 chương so với Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005.
Về cơ bản Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Theo Luật, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát. Đồng thời, bổ sung một cách đầy đủ và toàn diện về hành vi gây lãng phí trong các trường hợp cụ thể (điều 27,32,45…), việc quy định như vậy giúp cho việc nhận diện hành vi gây lãng phí thuận lợi hơn, đưa công tác chống lãng phí đi vào thực chất, hiệu quả.
Luật sửa đổi cũng quy định cụ thể về các trường hợp phải xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại. Trong đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có hành vi vi phạm, để xảy ra lãng phí ngoài trách nhiệm giải trình còn có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, trách nhiệm liên đới cũng đặt ra với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên nếu để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới và trong đơn vị cấp phó của mình trực tiếp phụ trách.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014 và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 48/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành
4. Luật Tiếp công dân 2013
Luật Tiếp công dân với 9 chương, 36 điều quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân. Ngoài ra, Luật cũng quy định việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.
Đồng thời, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình; đồng thời trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan còn có trách nhiệm tiếp công dân đột xuất trong những trường hợp nhất định…
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Những quy định về tiếp công dân tại Chương V của Luật Khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11, Chương V của Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực
6. Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Chính phủ ban hành ngày 14/5/2014 với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp trước các hành vi lừa đảo, trục lợi.
Theo Nghị định, những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm: Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, Danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông hoặc tạm ngừng lưu thông theo quy định của pháp luật; Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản), thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; các loại hoá chất nguy hiểm và sản phẩm có hoá chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật cũng không được kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nghị định cũng quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được kinh doanh theo mô hình kim tự tháp… Bên cạnh đó, người tham gia bán hàng đa cấp cũng không được cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hoá, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…
Người tham gia bán hàng đa cấp phải trải qua khóa đào tạo và chỉ được thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp sau khi được cấp Thẻ thành viên. Chỉ những người được cấp Chứng chỉ đào tạo viên theo mẫu của Bộ Công thương mới được đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp..
Nghị định số 42/2014/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 và thay thế Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
7. Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (Nghị định 43).
Nghị định 43 điều chỉnh những vấn đề điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận, quản lý Nhà nước về đất đai, xử lý vi phạm… Riêng những vấn đề: “quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất; thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thực hiện theo các Nghị định khác của Chính phủ” (khoản 2 Điều 1 Nghị định 43). Có thể nói đây là những nội dung rất quan trọng liên quan đến đất đai và đặc biệt hơn nữa Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014 và thay thế hàng loạt những Nghị định mà chúng ta thường sử dụng trước đây, đó là: Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
8. Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo Nghị định, đối tượng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các trường hợp quy định tại Điều 76 của Luật Đất đai.
Điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại như sau: Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại; Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Nghị định quy định, mức bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó. Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình; trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, nhưng vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình bị phá dỡ. Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì UBND cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014 và thay thế Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
9. Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định về giá đất.
Nghị định này quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất.
Nghị định này quy định mức giá tối thiểu, tối đa đối với các loại đất. Khung giá đất được quy định theo các vùng kinh tế, loại đô thị. Cụ thể: Vùng kinh tế gồm: vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ, vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc quy định khung giá đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp tại nông thôn của mỗi vùng kinh tế được xác định theo 3 loại xã đồng bằng, trung du, miền núi.
Các loại đô thị gồm: Đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV, đô thị loại V. Việc quy định khung giá đất phi nông nghiệp tại đô thị được xác định theo vùng kinh tế và loại đô thị.
Khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định bảng giá đất tại địa phương.
Ngoài các bảng giá đất quy định tại Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành chi tiết bảng giá các loại đất theo phân loại đất quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai phù hợp với thực tế tại địa phương.
Căn cứ nguyên tắc định giá đất quy định tại Điều 112 của Luật Đất đai, phương pháp định giá đất quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 4 của Nghị định này và kết quả tổng hợp, phân tích thông tin về thửa đất, giá đất thị trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể.
Giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ đối với các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 114, Khoản 2 Điều 172 và Khoản 3 Điều 189 của Luật Đất đai; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014.
10. Thông tư số 57/2014/TT-BTC ngày 06/5/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư 57).
Thông tư 57 quy định về đối tượng được thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm như sau: Cán bộ, công chức là người miền xuôi công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc) và người ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên làm việc ở miền xuôi có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo Bộ luật Lao động quy định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán.
Thông tư 57 cũng sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 2 của Thông tư 141: Các trường hợp được thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ thực hiện theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012.
Cũng theo Thông tư 57, cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ gộp tối đa ba năm một lần và chỉ được thanh toán một lần tiền nghỉ phép năm theo quy định.
Ngoài ra, Thông tư 57 bổ sung khoản 4 Điều 6 như sau: Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng các văn bản mới thì được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó.
11. Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Thông tư số 14) :
Thông tư 14 hướng dẫn việc xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên ba khía cạnh về tính đầy đủ, kịp thời; tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi của văn bản quy định chi tiết. Nhất quán quan điểm chỉ đạo bám sát quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và thực hiện trách nhiệm được giao tại Quyết định số 921/QĐ-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
Thông tư số 14 đã quy định việc tổ chức, cá nhân có thể cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật bằng văn bản hoặc trực tiếp tại trụ sở tiếp công dân hoặc qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (Chuyên mục Tình hình thi hành pháp luật), của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp nhận thông tin về tình hình thi hành pháp luật do tổ chức, cá nhân cung cấp theo quy định tại Thông tư; thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thông tư số 14 quy định về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, cộng tác viên được huy động để tham gia hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin; điều tra, khảo sát; tham gia ý kiến về xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Căn cứ điều kiện cụ thể và yêu cầu của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, người đứng đầu cơ quan tư pháp tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cùng cấp huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân am hiểu chuyên môn về ngành, lĩnh vực cần theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo chế độ hợp đồng có thời hạn hoặc theo từng vụ việc cụ thể.
Thông tư số 14 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 và thay thế Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật.