Chỉ số giá xây dựng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Trong hoạt động xây dựng người ta sử dụng chỉ số giá như một công cụ để nhận biết xu hướng và định hướng thị trường xây dựng. Chỉ số giá xây dựng còn dùng làm công cụ để xác định và điều chỉnh chỉ tiêu tổng mức đầu tư, dự toán chi phí xây dựng công trình, điều chỉnh giá hợp đồng, thanh quyết toán hợp đồng và quy đổi vốn đầu tư. Vậy chỉ số giá xây dựng là gì? Hướng dẫn xác định chỉ số giá xây dựng? Bài viết sẽ tìm hiểu về vấn đề trên.
1. Chỉ số giá xây dựng là gì?
Chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian, làm cơ sở xác định, điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu xây dựng, giá hợp đồng xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình và quản lí chi phí đầu tư xây dựng.
Theo Điều 2 Thông tư Số:14/2019/TT-BXD ngày 26 tháng 12 năm 2019 Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chỉ số giá xây dựng thì: Chỉ số giá xây dựng gồm:
Chỉ số giá xây dựng theo loại công trình là chỉ tiêu phản ảnh mức độ biến động giá xây dựng của loại công trình theo thời gian; Chỉ số giá xây dựng theo cơ cấu chi phí gồm: chỉ số giá phần xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của phần chi phí xây dựng của công trình theo thời gian; chỉ số giá phần thiết bị là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của phần chi phí thiết bị của công trình theo thời gian; chỉ số giá phần chi phí khác là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của một số loại chi phí như quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng công trình và chi phí khác của công trình theo thời gian.
Chỉ số giá xây dựng theo yếu tố chi phí gồm: chỉ số giá vật liệu xây dựng công trình là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động chi phí phần vật liệu xây dựng của công trình theo thời gian; chỉ số giá nhân công xây dựng công trình là chỉ tiêu phản ảnh mức độ biến động chi phí phần nhân công xây dựng của công trình theo thời gian; chỉ số giá máy và thiết bị thi công xây dựng công trình là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động chi phí máy và thiết bị thi công xây dựng của công trình theo thời gian.
Chỉ số giá xây dựng theo loại vật liệu xây dựng chủ yếu là chỉ tiêu phản ánh biến động giá của loại vật liệu xây dựng chủ yếu theo thời gian. Đối với công trình xây dựng cụ thể, việc tính toán toàn bộ hay một số các chỉ số giá nêu trên thì tùy thuộc mục đích, yêu cầu của công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
2. Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng:
Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng và công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Xây dựng căn cứ vào phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định các loại chỉ số giá xây dựng quy định tại Điều 8 Thông tư Số:14/2019/TT-BXD ngày 26 tháng 12 năm 2019 Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chỉ số giá xây dựng:
Chỉ số giá xây dựng được tính bằng phương pháp bình quân nhân gia quyền giữa mức độ biến động giá (chỉ số giá xây dựng) của các yếu tố đầu vào đại diện được chọn với quyền số tương ứng. Việc tính toán các chỉ số giá xây dựng được thực hiện theo hướng dẫn nêu tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư Số:14/2019/TT-BXD.
Căn cứ đặc điểm thị trường xây dựng của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc tính toán chỉ số giá xây dựng chung toàn tỉnh, thành phố hoặc tính toán chỉ số giá xây dựng cho từng khu vực thuộc địa bàn tỉnh, thành phố và tổng hợp lại để có chỉ số giá xây dựng chung. Việc phân chia khu vực để tính chỉ số giá xây dựng do các tỉnh, thành phố quyết định theo đặc điểm về địa giới hành chính và đặc điểm thị trường xây dựng tại địa phương hoặc theo quy định phân vùng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Chỉ số giá xây dựng vùng được tính bằng phương pháp bình quân nhân gia quyền giữa chỉ số giá xây dựng của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng với quyền số tương ứng.
Xem thêm: Địa chỉ là gì? Nguyên tắc, cách đọc và cách ghi địa chỉ số nhà, số hẻm?
Chỉ số giá xây dựng quốc gia được tính bằng phương pháp bình quân nhân gia quyền giữa chỉ số giá xây dựng của từng vùng với quyền số tương ứng.
Chỉ số giá xây dựng cho công trình cụ thể được xác định trên cơ sở cơ cấu chi phí của công trình đó, giá cả (hoặc chỉ số giá) các yếu tố đầu vào phù hợp với điều kiện thực hiện công việc và khu vực xây dựng công trình.
Cơ cấu chi phí để xác định chỉ số giá làm cơ sở điều chỉnh giá hợp đồng được căn cứ theo cơ cấu giá trong hợp đồng. Trường hợp chưa đủ chi tiết để xác định cơ cấu chi phí theo giá trong hợp đồng thì xác định theo dự toán gói thầu hoặc dự toán công trình được duyệt.
3. Nguyên tắc xác định và quản lý chỉ số giá xây dựng:
Việc xác định và quản lý chỉ số giá xây dựng theo nguyên tắc: Chỉ số giá xây dựng được xác định phải phản ánh khách quan và phù hợp với sự biến động về giá cả trên thị trường xây dựng tại các địa phương. Việc xác định và công bố chỉ số giá xây dựng phải kịp thời, phù hợp với quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Khi xác định chỉ số giá xây dựng để công bố thì phải lựa chọn được danh mục và số lượng công trình đại diện nhất định để tính toán.
Chỉ số giá xây dựng được tính bình quân trong khoảng thời gian được lựa chọn, không tính đến một số khoản chi phí về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, lãi vay trong thời gian xây dựng, vốn lưu động ban đầu cho sản xuất kinh doanh. Đơn vị tính chỉ số giá xây dựng là phần trăm (%). Cơ cấu chi phí sử dụng để tính toán chỉ số giá xây dựng phải phù hợp với cơ cấu chi phí theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, được tổng hợp từ các số liệu thống kê và được sử dụng cố định đến khi có sự thay đổi thời điểm gốc.
Việc quản lý, sử dụng chỉ số giá xây dựng phải tuân thủ các quy định có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trong quá trình xác định chỉ số giá, cơ quan chuyên môn về xây dựng cần rà soát, đánh giá các chỉ số giá tính toán với thông tin về chỉ số giá của khu vực, địa phương lân cận đảm bảo các chỉ số phù hợp với xu hướng biến động của thị trường khu vực và không có sự khác biệt quá lớn giữa các địa phương.
4. Trình tự và thời điểm xác định chỉ số giá xây dựng:
Trình tự xác định chỉ số giá xây dựng theo bốn bước như sau:
1. Xác định thời điểm tính toán gồm thời điểm gốc và thời điểm so sánh.
Xem thêm: CPI là gì? Ý nghĩa, công thức, cách tính chỉ số giá tiêu dùng?
2. Lập danh mục chỉ số giá xây dựng cần xác định và lựa chọn các yếu tố đầu vào.
3. Thu thập, xử lý số liệu, dữ liệu tính toán.
4. Xác định chỉ số giá xây dựng.
Thời điểm xác định chỉ số giá xây dựng theo Điều 5 Thông tư Số:14/2019/TT-BXD: Thời điểm xác định chỉ số giá xây dựng dựng để UBND cấp tỉnh công bố gồm:
-Thời điểm gốc là năm 2020. Bộ Xây dựng quy định về thời điểm khi thay đổi thời điểm gốc để các địa phương điều chỉnh cho phù hợp.
-Thời điểm so sánh là các tháng, quý và năm công bố chỉ số giá xây dựng so với thời điểm gốc.
Trường hợp xác định chỉ số giá xây dựng cho công trình cụ thể thì chủ đầu tư phải căn cứ vào tiến độ và các điều kiện thực hiện công việc để lựa chọn thời điểm gốc, thời điểm so sánh cho phù hợp.
Ở trên thế giới đã sử dụng chỉ số giá xây dựng để xác định và điều chỉnh một số chi phí trong xây dựng cũng như đánh giá mức độ quan hệ cung cầu trên thị trường cùng với trình độ phát triển năng lực sản xuất. Ở nước ta cũng bắt đầu sử dụng hệ số giá điều chỉnh chi phí nhưng mới chỉ được thực hiện ở một số gói thầu trong các hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Xem thêm: Điều kiện áp dụng các loại giá hợp đồng xây dựng
Việc xác định đúng đắn chỉ số giá xây dựng ở nước ta hiện nay sẽ tạo thêm một công cụ quản lý có hiệu quả giúp các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng công trình, cho phép tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng công trình ngay từ khi lập dự án sẽ làm giảm bớt và đơn giản hoá việc điều chỉnh bổ sung chi phí trong quá trình thực hiện, phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan của thị trường.
Vì vậy, cần thường xuyên hoàn thiện và bổ sung các quy định của pháp luật về chỉ số giá xây dựng nhằm phù hợp với mức độ và trình độ công nghệ xây dựng, cần đa dạng hoá các chỉ só để thuận tiện trong sử dụng nhất là cho các loại hình công trình, sau đó có thể xây dựng hoặc hướng dẫn xây dựng thêm các chỉ số giá cho công tác xây dựng chi tiết kèm theo đó có thể công bố thường xuyên các chỉ số cho các loại vật liệu, nhân công, máy thi công chính để phục vụ việc tham khảo điều chỉnh các chi phí trong hợp đồng xây dựng.