Điều hòa ô tô/máy lạnh ô tô giúp cân bằng nhiệt độ của không gian nội thất, mang lại không khí thoáng mát hoặc ấm áp cho những người ngồi trên xe. Đây là thiết bị rất tiện ích và quan trọng cần có trên một chiếc xe hơi.
Bí kíp dùng điều hòa ô tô đúng cách dành cho tài xế, đặc biệt là cánh tài mới
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hiện nay trên thị trường xe hơi, điều hòa ô tô được các hãng sản xuất chú trọng cải tiến và sở hữu những tính năng ứng dụng vượt trội. Tuy nhiên, thực tế thì không phải tài xế nào cũng nắm rõ phương thức sử dụng điều hòa ô tô đúng cách, để nó hoạt động đúng chức năng và không tác động xấu đến các bộ phận khác như quạt gió, ắc quy, nguồn điện xe, động cơ… Đặc biệt, các tài mới thật sự thiếu kỹ năng sử dụng điều hòa ô tô, dẫn đến nhiều tình huống ‘mất tiền oan’ để sửa chữa xe. Chính vì thế, các chuyên gia của oto.com.vn đã chia sẻ cho các tài mới bí kíp sử dụng thiết bị tiện ích này đúng cách như sau:
1. Khởi động xe rồi mới bật điều hòa ô tô
Rất nhiều tài xế có thói quen vừa bước vào ô tô đã khởi động hệ thống phát điện để bật điều hòa mà quên luôn cần phải cho xe khởi động trước. Lúc này ắc quy sẽ được kích hoạt để quạt gió hoạt động. Các chuyên gia giàu kinh nghiệm về ô tô cho biết, thói quen này khiến cho ắc quy của xe hoạt động quá công suất và nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng, tuổi thọ của bộ phận này.
Sử dụng điều hòa ô tô đúng cách vừa đảm bảo sức khỏe vừa tăng tuổi thọ cho xế yêu
2. Trước khi khởi động hệ thống điều hòa, tài xế cần giảm nhiệt độ khoang cabin
Vào mùa hè thông thường nhiệt độ trong xe sẽ cao hơn so với môi trường bên ngoài. Tài xế hãy hạ cửa kính, đóng-mở cửa xe khoảng 2-3 lần để nhiệt độ trong xe hạ xuống. Đồng thời cho quạt gió hoạt động ở chế độ cao khoảng 5 phút để tản bớt nhiệt trong xe. Sau đó đóng cửa kính xe, khởi động điều hòa. Việc làm này có thể hơi mất thời gian một chút tuy nhiên nó thật sự có ích trong việc giúp điều hòa hoạt động tốt hơn và bền hơn.
Nếu như mới bước vào xe, tài xế đã bật điều hòa ở chế độ thấp nhất để nhanh mát thì vô tình khiến cho hệ thống làm lạnh hoạt động quá tải dẫn đến tiêu hao nguồn nhiên liệu lớn. Không chỉ vậy, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cho cơ thể chưa kịp thích ứng, dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cho người ngồi trong xe ô tô.
Điều chỉnh chế độ điều hòa ô tô hợp lý, tránh hạ lạnh đột ngột
3. Khởi động điều hòa, để nhiệt độ ở mức hợp lý, giảm tốc độ quạt gió
Sau khi khởi động, ban đầu tài xế nên để điều hòa ô tô ở nhiệt độ hợp lý (không nên để ở chế độ quá lạnh), sau đó có thể từ từ điều chỉnh. Lưu ý sau khi điều hòa hoạt động thì cần điều chỉnh quạt gió chạy chậm hơn so với ban đầu để tiết kiệm điện năng cho xe.
4. Đặc biệt lưu ý đến chế độ lấy gió trong, lấy gió ngoài của hệ thống điều hòa ô tô
Hiện nay điều hòa ô tô hầu như đều được cài đặt 2 chế độ lấy gió là lấy gió trong và lấy gió ngoài. Kỹ năng sử dụng 2 chế độ này đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và bảo dưỡng hệ thống điều hòa của xe hơi. Kinh nghiệm mà các chuyên gia chia sẻ cho cánh tài xế đó chính là sau khi bật điều hòa, chọn chế độ lấy gió trong và cài đặt nhiệt độ thích hợp. Cách làm này sẽ giúp cho hệ thống làm mát hoạt động hiệu quả hơn mà không bị quá tải.
Tuy nhiên trong quá trình di chuyển, nếu lộ trình quá dài thì tài xế nên linh hoạt chuyển sang chế độ lấy gió ngoài để không khí trong xe được lưu thông, đảm bảo vẫn cung cấp đủ lượng oxy cho người ngồi trong ô tô.
Tài xế cần linh hoạt điều chỉnh chế độ lấy gió điều hòa ô tô
Khi chuyển chế độ lấy gió ngoài, tài xế cần chú ý đến môi trường bên ngoài, ví dụ như nếu trời mưa, ẩm ướt thì cũng không nên lấy gió ngoài tránh tình trạng xe bị ẩm mốc. Hay nếu môi trường bên ngoài quá ô nhiễm, khói bụi thì cũng không cài chế độ này cho điều hòa.
Đối với một số loại hệ thống điều hòa tự động công nghệ cao, mặc dù đang ở chế độ lấy gió trong tuy nhiên nếu nhận thấy lượng ô xy trong xe không đủ nó sẽ tự động chuyển sang chế độ lấy gió ngoài. Chính vì thế, tài xế cần đặc biệt chú ý đến chế độ này để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như bảo vệ xế yêu.
5. Tắt điều hòa trước khi dừng xe khoảng 10 phút
Tài xế nên nhớ tắt điều hòa ô tô trước khi dừng xe khoảng 10 phút, đồng thời hạ nhẹ cửa kính xuống để cân bằng nhiệt độ tránh tình trạng sốc nhiệt khi bước từ trong xe ra bên ngoài. Việc tắt điều hòa trước khi dừng xe sẽ giúp ắc quy hoạt động tốt hơn, không bị tắt đột ngột. Đây cũng là một kinh nghiệm hay trong việc chăm sóc và bảo dưỡng ô tô.
6. Chăm sóc và bảo dưỡng điều hòa ô tô thường xuyên
Cần vệ sinh điều hòa ô tô thường xuyên và ra gara bảo dưỡng định kỳ
Cần vệ sinh điều hòa ô tô thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo chất lượng hoạt động cũng như tăng tuổi thọ cho thiết bị xe hơi tiện ích này.
Hệ thống điều hòa ô tô/máy lạnh ô tô thông thường bao gồm bộ điều khiển điện, quạt gió, giàn lạnh/giàn nóng, bộ lọc gió. Vì điều hòa ô tô liên quan đến nhiều bộ phận khác trên xe nên hầu như các chuyên gia khuyên chủ xe nên đưa ra các hãng sửa chữa, vệ sinh để thực hiện kiểm tra thiết bị này. Tuy nhiên, riêng bộ phận lọc gió điều hòa ô tô thì chủ xe hoàn toàn có thể tự kiểm tra và vệ sinh tại nhà.
Cách vệ sinh lọc gió điều hòa ô tô
Vệ sinh lọc gió điều hòa bằng dung dịch chùi rửa chuyên dụng dành cho ô tô
Trong quá trình sử dụng, lọc gió điều hòa ô tô sẽ bị bẩn, ẩm, thậm chí tích tụ cả lá và rác nhỏ. Điều này khiến cho lọc gió hoạt động kém công suất, tiêu hao nhiều nhiên liệu của xe, và đặc biệt khiến cho không khí trong xe bị độc hại, có mùi khó chịu.
Trước khi vệ sinh lọc gió, chủ xe nên tắt điều hòa ô tô. Gỡ tấm lưới lọc gió điều hòa ra, nhặt những rác bẩn tích tụ trên bề mặt. Cho dung dịch chuyên vệ sinh ô tô vào bình dạng xịt, xịt lên tấm lưới lọc gió, để ngấm khoảng 5-10 phút sau đó xịt nước làm sạch tấm lưới trước khi lắp lại vào điều hòa. Có thể dùng máy sấy tóc ở chế độ sấy nhẹ hong khô tấm lưới lọc gió và mở cửa xe một lúc cho thoáng khí.
- Bí quyết điều chỉnh điều hòa ô tô mát nhanh nhất trong hè
- Khi nào cần bảo dưỡng điều hòa ô tô?
Trong quá trình sử dụng, không ít lần các bác tài lúng túng khi hệ thống điều hòa bị trục trặc, lúc thì điều hòa làm mát chậm, hơi lạnh yếu… thậm chí còn phát ra tiếng kêu khá ồn. Vậy cách xử lý các trường hợp này như thế nào?
Điều hòa ô tô không lạnh hoặc chập chờn lúc mát lúc không
Nguyên nhân dẫn đến chất lượng làm lạnh của điều hòa ô tô bị yếu là do tấm lưới lọc gió bám đầy bụi bẩn trong quá trình sử dụng khiến hơi mát không thể lưu thông vào bên trong xe. Cần kiểm tra và vệ sinh lưới lọc gió điều hòa sạch sẽ để cải thiện tình trạng này.
Trong trường hợp sau khi vệ sinh lọc gió mà điều hòa ô tô vẫn hoạt động không hiệu quả, cần đưa xe đến các gara để các kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng bộ điều khiển điện, các dây đai, giàn nóng/giàn lạnh và xem xét lượng khí gas lạnh thực còn. Thực tế, thiếu gas lạnh hay thừa gas lạnh đều không tốt, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế hoạt động của cục lốc/máy nén khí của hệ thống điều hòa ô tô. Chi phí sửa chữa hay thay mới lốc điều hòa ô tô lại không hề rẻ. Chính vì thế cần cẩn trọng trong việc kiểm tra và bảo dưỡng bộ máy lạnh xe hơi.
Cục lốc nén khí điều hòa ô tô
Điều hòa ô tô có mùi hôi khó chịu
Lọc gió điều hòa quá bẩn lâu ngày hình thành nên vi khuẩn ẩm mốc độc hại sẽ khiến cho không khí trong xe có mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, thói quen hút thuốc lá, ăn uống trong xe cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chính vì thế, cần giữ không gian xe được sạch sẽ và định kỳ hàng tháng nên vệ sinh lưới lọc gió điều hòa.
Điều hòa ô tô phát tiếng ồn
Khi bật điều hòa ô tô, nếu tài xế nghe thấy những tiếng ồn phát ra dạng như lộc cộc, xè xè, ro ro… thì phần lớn liên quan đến cục lốc/máy nén khí điều hòa có vấn đề cần phải kiểm tra. Nếu điều hòa vẫn lạnh sâu, nhiều khả năng cục lốc vẫn còn hoạt động tốt, có thể do các ốc vít bắt lốc bị lỏng gây ra tiếng ồn. Nếu điều hòa lạnh kém, kèm theo phát ra tiếng ồn khi hoạt động, có thể cục lốc bị hỏng và các ống lọc gió bị nghẽn bẩn.
Tốt nhất tài xế nên đưa xe đến các gara để kiểm tra và được thay lốc mới. Lưu ý khi thay lốc mới, chủ xe nên yêu cầu các kỹ thuật viên vệ sinh luôn cả hệ thống điều hòa ô tô. Tránh tình trạng cục lốc còn mới nhưng điều hòa bị bẩn thì chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, chủ xe lại tốn thêm một khoản kha khá để thay lốc mới.
Xem thêm:
- Làm sao để biết điều hòa ô tô không hoạt động?
- Tác hại từ việc sử dụng điều hòa xe ô tô không đúng cách