Mặc dù rút bảo hiểm xã hội (BHXH)1 lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện nói riêng sẽ chịu nhiều thiệt thòi, tuy nhiên trong nhiều trường hợp đây lại là giải pháp tối ưu. Sau đây, BHXH điện tử eBH sẽ gửi đến bạn thông tin chi tiết về điều kiện và thủ tục rút BHXH 1 lần.
Hướng dẫn rút BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện
1. Điều kiện rút BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 77, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và theo Khoản 1, Điều 1, Nghị quyết 93/2015/QH13, quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện được rút một lần nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
-
Có yêu cầu hưởng BHXH 01 lần;
-
Thuộc một trong các trường hợp sau:
-
Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia;
-
Ra nước ngoài để định cư;
-
Đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
-
Người lao động tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Video: Hướng dẫn rút BHXH 1 lần áp dụng với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện
2. Thủ tục rút BHXH 1 lần đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện
Rút BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Quyết định 222/QĐ-BHXH ban hành ngày 25/2/2021. Theo đó thủ tục rút BHXH 1 lần gồm:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người lao động cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm có:
-
Bản chính Sổ bảo hiểm xã hội.
-
Bản chính Đơn đề nghị (Mẫu số 14-HSB).
Người dân chuẩn bị 1 bộ hồ sơ hưởng BHXH 1 lần
Các trường hợp đặc biệt bổ sung giấy tờ sau:
– Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:
-
Hộ chiếu do nước ngoài cấp;
-
Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;
-
Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
– Trường hợp bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì có thêm trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được;
Nếu người lao động bị mắc các bệnh khác thì thay bằng Biên bản giám định mức suy giảm từ 81% khả năng lao động trở lên của Hội đồng giám định y khoa thể hiện tình trạng không tự phục vụ được.
– Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm theo bản chính bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.
Bước 2: Nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần
Người lao động đến tại Cơ quan BHXH huyện/tỉnh nơi cư trú nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần. Sau khi kiểm tra bộ phận tiếp nhận sẽ gửi cho người nộp phiếu hẹn trả kết quả.
Bước 3: Nhận tiền BHXH 1 lần
Trong thời hạn giải quyết 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ sẽ tiến hành chi trả BHXH 1 lần cho người hưởng. Người nhận có thể nhận tiền BHXH 1 lần thông qua phương thức đã đăng ký trong hồ sơ hưởng. Các phương thức nhận tiền gồm:
-
Nhận tiền trực tiếp tại cơ quan BHXH nơi nộp hồ sơ;
-
Nhận tiền thông qua bưu điện;
-
Nhận tiền thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân.
3. Cách tính mức hưởng BHXH 1 lần được
Căn cứ theo Điều 6, Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 18/2/2016 thì người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng BHXH 1 lần khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính như sau:
Cách tính BHXH 1 lần đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện
Đối với trường hợp tham gia BHXH trên 1 năm:
Mức hưởng BHXH 1 lần được thực hiện theo quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 2, Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội, Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH 1 lần đối với người lao động.
Mức hưởng BHXH 01 lần = (1,5 x Mbqtn x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtn x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014) – Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện (*)
Lưu ý: Mbqtn là mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Mbqtn = (Số tháng đóng BHXH x Thu nhập tháng đóng BHXH x Mức điều chỉnh hàng năm) / (Tổng số tháng đóng BHXH)
Nếu bệnh nhân mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng thì tại (*) sẽ không bị trừ số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.
Đối với trường hợp tham gia BHXH chưa đủ một năm:
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người tham gia BHXH có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm (12 tháng) được tính bằng 22% của tổng các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Trong đó, mức thu nhập tháng đã đóng BHXH để tính hưởng BHXH một lần được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.
Công thức: Mức hưởng BHXH 01 lần = 22% x Tổng mức thu nhập tháng đã đóng BHXH – Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện (*)
Lưu ý:
-
Trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
-
Trường hợp có thời gian đóng BHXH cả trước và sau ngày 01/01/2014 mà thời gian đóng trước ngày 01/01/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ ngày 01/01/ 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trên đây là hướng dẫn rút BHXH 1 lần cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và cách tính mức hưởng BHXH 1 lần. Tuy nhiên, người lao động nên cân nhắc về việc rút BHXH sẽ làm người lao động mất quyền lợi hưởng lương hưu cũng như các chế độ tử tuất.
Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây có thể mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất. Để được hỗ trợ hoặc tư vấn thêm về các nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội bạn đọc có thể liên hệ với BHXH điện tử eBH