Bạn đang tìm cách để tạo website? Và sau 1 thời gian tìm hiểu bạn thấy nhiều người nói rằng tạo website bằng WordPress rất dễ dàng với cả người không biết lập trình?
Giờ bạn đang tìm bài hướng dẫn cách tạo website bằng WordPress? Vậy thì bài viết này là dành cho bạn, dành cho những người mới muốn tìm hiểu để học làm web với WordPress.
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn cách làm trang web bằng WordPress từ A đến Z cho những người mới tìm hiểu về web, những người không biết lập trình hoặc không được học gì về code.
Với WordPress bạn có thể tạo blog cá nhân, làm web bán hàng, web dịch vụ,… bất cứ web gì đều được mà không cần biết gì về code (đương nhiên nếu biết code thì sẽ tốt hơn, sẽ làm được nhiều thứ hay ho hơn).
OK. Hãy cùng mình bắt đầu học làm website bằng WordPress nào.
Tại sao bạn nên biết tự làm web cho mình?
Không chỉ riêng làm web mà bất kể việc gì đó, nếu bạn là người chủ động trong mọi công việc thì bạn sẽ làm dễ dàng hơn rất nhiều. Việc bạn tự làm web thứ nhất là bạn sẽ nắm rõ được web của bạn có những gì, thứ hai là khi xảy ra lỗi bạn có thể tự mình sửa được.
Giả sử nếu bạn đi thuê bên khác làm web thì khi xảy ra lỗi hoặc bạn muốn thêm chức năng gì đó cho web bạn sẽ phải liên hệ với người ta. Mà thực tế cho thấy không phải bên nào họ cũng sẵn sàng sửa ngay khi bạn báo mà kiểu gì cũng bị delay 1 thời gian như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bạn.
Đặc biệt, nếu bạn đang muốn làm web để kiếm tiền online thì việc làm web là kỹ năng “cần phải có“. Ví dụ nếu bạn làm affiliate marketing, bạn sẽ cần làm nhiều site ngách, nhiều dự án riêng mà mỗi dự án cần 1 web, việc bạn tự làm web được sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều. Hơn thế, khi bạn biết làm web bạn có thể tối ưu được cho chiến dịch kiếm tiền hiệu quả hơn.
Ngoài ra, khi bạn đi thuê làm web đồng nghĩa với việc bạn đang đưa “miếng cơm” của bạn cho người khác giữ. Nếu sau này web của bạn phát triển, chẳng may gặp phải người nào chơi xấu thì 1 là họ sẽ hất đổ miếng cơm của bạn, 2 là họ sẽ chiếm lấy miếng cơm của bạn.
Chốt lại! Muốn kiếm tiền trên mạng hiệu quả thì bạn cần phải biết làm web để có thể tận dụng được tối đa sức mạnh của web.
OK. Dài dòng vậy đủ rồi. Chúng ta bắt đầu bắt tay vào làm các bước để tạo website bằng WordPress nha.
Các bước tạo website bằng WordPress chi tiết
Trước khi đi vào các phần bên dưới bạn hãy đọc qua bài viết tạo website cần những gì để hiểu được 1 trang web hoạt động trên internet cần có những gì. Sau đó thì bắt đầu đi vào trình tự các bước bên dưới.
Ở đây, mình sẽ nói qua về 3 thành phần cơ bản cấu thành lên web bằng WordPress như sau:
- Domain (tên miền): Thường có đuôi là .com, .net, .vn,… (xem tên miền là gì?).
- Hosting: Là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu của web bao gồm code + database (xem hosting là gì?).
- Code WordPress: Là mã nguồn mở được tải miễn phí từ wordpress.org.
Bước 1: Chọn mua Domain và Share Hosting
1. Mua tên miền (domain)
Trước đây mình có hướng dẫn bạn mua tên miền trên Godaddy, nếu bạn muốn vẫn có thể mua trên Godaddy vì đây là nhà cung cấp tên miền lớn nhất hiện tại và giá mua tên miền năm đầu rất rẻ lại có nhiều khuyến mãi.
Tuy nhiên, mới đây Google có mở dịch vụ đăng ký tên miền và mình thấy mua tên miền trên Google rất nhanh mà quản lý dễ dàng, cập nhật DNS nhanh chóng nên mình sẽ hướng dẫn thêm cho bạn cách mua tên miền trên Google.
Ví dụ mình sẽ đăng ký tên miền quantrivps.com trên Google như sau:
Truy cập vào trang đăng ký domain Google ở đây. Sau đó đăng nhập vào tài khoản Google.
Gõ vào ô tìm kiếm từ khóa quantrivps.com và ấn Enter.
Nếu tên miền chưa có ai đăng ký thì bạn có thể đăng ký bằng cách click Thêm vào giỏ hàng.
Sau khi thêm xong, bạn chọn Đi đến giỏ hàng. Bạn có thể đọc qua các thông tin rồi click vào Thanh toán.
Tiếp theo, bạn điền chính xác các mục trong phần Thông tin của bạn vào rồi ấn Lưu và Tiếp tục.
Cuối cùng, bạn nhập đầy đủ thông tin thẻ thanh toán quốc tế Visa/MasterCard và mục Thêm thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ rồi ấn Mua.
Nếu thẻ của bạn có đủ tiền để thanh toán và không gặp lỗi gì bạn sẽ nhận được thông báo hoàn thành mua tên miền.
Như vậy là xong bước mua tên miền, bây giờ chúng ta chuyển sang phần mua Share Hosting.
2. Mua Share Hosting
Như mình thường nói trong nhiều bài viết, hosting là nơi lưu trữ code web. Nó ảnh hưởng đến các thao tác của bạn trên host và ảnh hưởng tới tốc độ load web sau này.
Vậy nên bạn nên chọn mua hosting ở các nhà cung cấp uy tín, chất lượng. Tránh để sau này tốc độ load web ì ạch thì sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng, ảnh hưởng đến SEO và quảng cáo. Hoặc không may nhà cung cấp hosting là mất dữ liệu web của bạn thì không kêu ai được.
Nếu bạn muốn mua của nhà cung cấp trong nước thì bạn có thể chọn AZDIGI của Thạch Phạm hoặc Hosting Việt. Hai nhà cung cấp này mình đã trải nghiệm nên rất hài lòng. Còn bạn muốn mua của nước ngoài có thể chọn Hawkhost hoặc Stablehost.
Chi tiết cách đăng ký hosting bạn đọc ở đây: Hướng dẫn cách mua Share Hosting từ A đến Z
Sau khi đăng ký hosting xong, bạn sẽ nhận được email chứa thông tin tài khoản hosting trong đó có thông tin máy chủ tương tự như sau:
Trong đó bạn cần quan tâm tới địa chỉ IP của hosting để thực hiện trong bước tiếp.
3. Trỏ Tên miền về Hosting
Đây là bước bạn liên kết tên miền với hosting để cho chúng hoạt động thành 1 thể thống nhất.
Ở đây mình sẽ hướng dẫn bạn cách trỏ tên miền về hosting qua IP. Ngoài ra còn có cách trỏ khác nữa, nếu bạn cần biết thêm hãy đọc bài hướng dẫn trỏ tên miền về hosting nha.
Dưới đây là các bước trỏ tên miền về hosting.
Đầu tiên, bạn xác định được địa chỉ IP của hosting thông qua bước đăng ký hosting ở trên.
Ví dụ hosting của mình có địa chỉ IP là: 45.252.248.18
Bây giờ, bạn truy cập vào trang quản lý tên miền của Google ở đây.
Sau đó click vào Quản lý tương ứng với tên miền bạn vừa mua ở trên.
Tại trang quản lý tên miền, bạn click vào DNS ở bên tay trái. Bạn kéo xuống dưới cùng sẽ thấy phần Bản ghi tài nguyên tùy chỉnh.
Bạn điền vào 2 record cơ bản để tên miền hoạt động được là:
- Name là @ – Type là A – Value là địa chỉ IP hosting.
- Name là www – Type là A – Value là địa chỉ IP hosting.
Sau khi thêm 2 bản ghi xong bạn sẽ thấy nó đầy đủ như này đây.
Bạn chờ 1 lúc cho kết nối được thiết lập là tên miền sẽ hoạt động được. Với tên miền của Google việc này được cập nhật rất nhanh.
Bước 2: Cài đặt WordPress trên hosting
Sau khi cài đặt cho tên miền và hosting kết nối với nhau. Việc tiếp theo chúng ta sẽ đi cài đặt WordPress lên hosting. Sẽ có 2 cách để cài WordPress trên host, đó là:
- Cài đặt tự động: Sử dụng công cụ có sẵn trên hosting để tải và cài đặt WordPress. Hầu hết các hosting đều có hỗ trợ công cụ này.
- Cài đặt thủ công: Bạn sẽ tự tay tải source WordPress rồi upload lên hosting và tự cài đặt bằng tay hết.
Việc cài đặt WordPress trên hosting mình sẽ hướng dẫn chi tiết cả 2 cách thông qua video dưới đây.
Bước 3: Cài đặt theme, plugin và cấu hình cho web WordPress
Bước này là bước cuối rồi. Trong bước này có một số việc bạn phải làm đó là cài đặt theme cho WordPress để nhìn nó chuyên nghiệp hơn và cài một số plugin để tối ưu chức năng cho web, còn lại là cài đặt một số mục cơ bản.
1. Cài đặt giao diện web
Tùy thuộc vào mục đích của bạn làm web để làm gì rồi bạn hãy chọn theme cho phù hợp. Hiện tại trên kho theme miễn phí của WordPress có hàng chục nghìn theme với hầu hết các chủ đề khác nhau như theme blog cá nhân, theme bán hàng, theme làm trang giới thiệu dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch,….
Ngoài ra, nếu bạn tìm hiểu sâu sẽ thấy 1 số trang cung cấp theme trả phí từ bên thứ 3 với rất nhiều theme cực kỳ chuyên nghiệp đó là themeforest, mythemeshop, studiopress,…
Với các theme được cung cấp sẵn bạn dễ dàng làm web để phục vụ nhu cầu của mình. Và với kho theme phong phú như vậy thì mình dám chắc là đến 99% chúng đều có thể đáp ứng nhu cầu của bạn. Chỉ cần bạn chịu khó dành thời gian tìm kiếm 1 chút là ổn.
Dưới đây, mình share cho các bạn một số mẫu giao diện tốt nhất để làm các trang web thông dụng hiện tại đang được nhiều người sử dụng.
Theme làm web bán hàng
- Theme Flatsome (95.015 lượt mua) – Xem chi tiết theme
- Theme Porto (26.693 lượt mua) – Xem chi tiết theme
- Theme eCommerce của MyThemeShop – Xem chi tiết theme
Theme làm blog cá nhân
- Theme SuperHero (do mình phát triển trên nền Genesis) – Xem chi tiết theme
- Theme Newspaper (77.782 lượt mua) – Xem chi tiết theme
- Theme Sahifa (26.662 lượt mua) – Xem chi tiết theme
- Theme Jnews (3.722 lượt mua) – Xem chi tiết theme
Để cài đặt theme cho WordPress bạn xem bài hướng dẫn cài theme cho WordPress nhé.
Sau khi cài đặt theme xong bạn chịu khó ngồi tinh chỉnh giao diện sao cho nhìn chuyên nghiệp và phù hợp với lĩnh vực bạn làm nhé.
Sau khi xong, bạn chuyển xuống cài đặt một số plugin để có những chức năng cơ bản nhất.
2. Cài đặt plugin cho web
Plugin WordPress là những phần mở rộng giúp bạn tích hợp thêm các chức năng vào web. Cũng giống như theme thì plugin cũng có kho miễn phí và trả phí. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu làm web bằng WordPress thì kho plugin miễn phí của WordPress.org là đủ rồi.
Với bất kỳ 1 web bằng WordPress nào thì cũng sẽ cần các plugin cơ bản sau.
- Akismet – Ngăn chặn spam bình luận cho web
- Contact Form 7 – Tạo form liên hệ dễ dàng, chuyên nghiệp
- Yoast SEO – Tối ưu SEO Onpage cho web.
- Plugin SMTP – Gửi email qua SMTP (chỉ cài khi hosting không cho phép gửi email)
- Plugin chèn quảng cáo – Hỗ trợ chèn quảng cáo vào các vị trí phù hợp.
Đó là các plugin cơ bản nhất mà web bạn cần phải có. Ngoài ra, trong quá trình phát triển web nếu cần thêm chức năng gì bạn có thể lên kho plugin WordPress miễn phí để tìm kiếm plugin phù hợp.
Để cài plugin bạn đọc bài hướng dẫn cài plugin WordPress.
Lời kết
Như vậy bài viết này đã hướng dẫn bạn 3 bước để tạo web bằng WordPress để làm blog cá nhân hoặc làm web shop bán hàng. Trong các bước sẽ có một số bài hướng dẫn chi tiết hơn mà mình đã để link, bạn cố gắng độc hết để hiểu hơn nha.
Bài viết này sẽ dừng ở mức giúp bạn tạo được website bằng WordPress. Sau khi hoàn thành xong trang web bạn sẽ còn nhiều việc phải làm để phát triển trang web như:
- Cài đặt giao diện web chuyên nghiệp hơn với các theme từ bên thứ 3.
- Cài thêm plugin để tạo các chức năng bạn muốn.
- Phát triển nội dung cho web
- Tối ưu hóa SEO cho web
- ….
Những nội dung đó sẽ không được đề cập trong bài viết này mà mình sẽ cập nhật trong chuyên mục WordPress bạn có thể tìm kiếm trong đó.
Ngoài ra, nếu có bất cứ thắc mắc hoặc gặp lỗi gì liên quan trên WordPress bạn có thể comment ở bên dưới hoặc liên hệ với mình để được hỗ trợ. Chúc bạn thành công!