Đào Duy Từ là một nhân vật lịch sử của thế kỷ XVII ở nước ta. Ông là một gương mặt kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, quân sự, văn hóa… được người đương thời và cả ngày nay ca ngợi như là một tài năng “Kinh bang hoa quốc, thống nhất xã thư”. Những đóng góp của ông là những cống hiến lớn cho nền văn hiến Việt Nam trong dòng chảy của tiến trình lịch sử dân tộc.
Đền thờ Đào Duy Từ đang được tu bổ, tôn tạo.
Sách “Đại Nam thực lục tiền biên” chép các sự kiện liên quan tới Đào Duy Từ: Kể từ mùa đông năm Ất Sửu (1625), tức là khi ông vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn đến mùa đông năm Giáp Tuất (1634) là năm ông qua đời: “Đào Duy Từ tài lược văn võ, phàm đã mưu tính trù hoạch gì, hễ làm là trúng thời cơ, giúp việc nước có 8 năm mà công nghiệp rõ ràng đứng hàng đầu công thần khai quốc”.
Không những vậy, Đào Duy Từ còn là một nhà hoạt động văn hóa toàn diện. Qua các tài liệu lịch sử và những tác phẩm mà ông để lại đến nay, dù khiêm tốn nhưng mỗi lĩnh vực đều đạt tới đỉnh cao. Có thể thấy, ông là một nhà lý thuyết quân sự, một kiến trúc sư tài năng, một nhà thơ lớn và một bậc thầy nghệ thuật. Sử sách đều chép, Đào Duy Từ là soạn giả cuốn sách “Hổ trướng khu cơ”. Đây là tài liệu dùng cho các vị chỉ huy quân sự, các vị chủ soái gồm những chỉ dẫn về binh pháp, trận đồ, cách điều hành, tổ chức quân đội, khí giới. Cuốn sách là kết quả nghiền ngẫm đúc kết những kinh nghiệm qua các bộ binh thư của các tướng lĩnh xuất sắc thời xưa.
Để chống lại sự tấn công của quân Trịnh từ phía ngoài vào, Đào Duy Từ với con mắt của một võ tướng, một nguyên soái, ông đã hiến kế với chúa Nguyễn. Đó là hiến một bản đồ, sai quân theo đó đắp một cái lũy để phòng thủ thì quân địch có đến cũng không làm gì được. Với công trình phòng thủ này, Đào Duy Từ và các chúa Nguyễn đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc bảo vệ vững chắc biên cương ở Đàng Trong. Lũy Thầy ngoài ý nghĩa là công trình phòng thủ vững chắc, còn chứng tỏ tài năng xuất sắc của Đào Duy Từ về mặt kiến trúc.
Là một nhà thơ nôm thế kỷ XVII, cho đến nay trên lĩnh vực thơ ca, những tác phẩm biết được của Đào Duy Từ không nhiều, nhưng chỉ với hai bài thơ lục bát “Ngọa Long cương vãn, Tư Dung vãn” đã có giá trị khơi nguồn, dẫn lối của văn học Đàng Trong, có cống hiến tích cực và đáng ghi nhận qua những giai phẩm văn học nôm nổi tiếng của lịch sử văn học Việt Nam.
Đào Duy Từ còn được mệnh danh là ông tổ của nghệ thuật sân khấu cổ truyền. Từ lâu, giới sân khấu truyền thống vẫn thừa nhận nhiều vở tuồng, điệu ca vũ như: “Nữ tướng xuất quân”, “Hoa đăng”… đều do Đào Duy Từ biên soạn. Một số ý kiến khác lại cho rằng, ông là người đầu tiên lập ra các đội múa hát, huấn luyện chuyên môn cho các nghệ nhân. Hoa Thanh Thự là cơ quan múa hát ra đời dưới thời chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) do Đào Duy Từ sáng lập và phụ trách.
Sau khi ông mất, Nhân dân làng Hoa Trai – quê hương ông đã dựng miếu thờ để tưởng nhớ công lao của ông. Ông là người góp phần mở đầu, tạo nên những điều kiện cho sự phát triển ở Đàng Trong. Vùng đất Thuận Quảng dưới sự quản lý của các chúa Nguyễn đã hoàn toàn thay đổi diện mạo, trở thành một khu vực kinh tế phát triển sầm uất, sôi động trên nhiều mặt. Ông được các đời chúa Nguyễn phong tôn hiệu làm Đông các Đại học sĩ, Thái sư Hoằng Quốc Công và xem ông là người đứng đầu trong các công thần khai quốc của chúa Nguyễn. Sau này, ông được thờ ở thái miếu kinh thành Huế. Làng Hoa Trai – quê hương Đào Duy Từ với những yếu tố về địa lý và truyền thống văn hóa, tự hào đã góp phần hun đúc nên một tài năng xuất chúng cho đất nước.
Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ được xây dựng ở làng Hoa Trai, xã Văn Trai, tổng Liên Trì, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hóa, nay là phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn). Trước đây, trong các cuộc bài phong quyết liệt, ngôi đền thờ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Vì thế mà ngôi đền đứng trước sự xuống cấp nghiêm trọng, nhất là nhiều hiện vật đã bị mất hoặc không còn lưu giữ nguyên vẹn. Những năm 1989, 1990 các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chuẩn bị hội thảo khoa học “Danh nhân Đào Duy Từ – Nhà văn hóa của dân tộc ta”. Lúc này, đền thờ Đào Duy Từ mới được quan tâm một cách đúng mức và được sử dụng có ý nghĩa với tư cách là nơi thờ tự một danh nhân.
Trước đây, làng Hoa Trai có 2 ngôi đình (đình ngoài, đình trong) và 3 nghè (nghè nhất, nghè nhì và nghè ba). Trong đó, nghè nhì thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ. Nghè nhì có 3 gian tiền đường và 1 gian hậu cung. Do không được bảo quản chu đáo nên nghè đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi đền hiện nay được kiến thiết lại trên cơ sở của nghè nhì xưa. Trên thượng lương còn dòng chữ “Bảo Đại Tân Tỵ niên, đông nguyệt, cát nhật lương thời, thiết trụ thượng lương đại cát”. Gian giữa còn bức hoành phi “Quốc nguyên huân” và hai câu đối ca ngợi công đức của ông.
Với những giá trị sâu sắc về phương diện lịch sử, văn hóa, Di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 2002. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, thị xã Nghi Sơn và nguồn đóng góp của Nhân dân, du khách thập phương, năm 2018, đền thờ Đào Duy Từ đã được khôi phục, tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đã hoàn thành năm 2019 với các hạng mục như: khu đền chính, sân đường nội bộ, cổng chính, nội thất đồ thờ… Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2021 đến nay đã khởi công xây dựng khu mộ tổ và san lấp, chỉnh trang khuôn viên khu đền thờ. Thời gian tới, sẽ tiếp tục thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại của di tích như: nhà tả vu, nhà hữu vu… Tháng 12-2021, Di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, là “địa chỉ đỏ” để tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân và du khách thập phương, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch.
Bài và ảnh: Ngọc Anh